An sinh xã hội với dân cư nông thôn - hiện trạng và giải pháp

Nguyễn Trọng Đàm Thứ trưởng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội An sinh xã hội cho dân cư nông thôn - bức tranh toàn cảnh
22:38, ngày 16-05-2012

1- Những rủi ro đối với dân cư nông thôn

Khả năng chống đỡ của người dân nông thôn trước những biến cố về thiên tai, dịch bệnh, ốm đau và những rủi ro trong cuộc sống còn hạn chế, dễ bị tổn thương, dễ rơi xuống nghèo đói. Những nguy cơ này có xu hướng gia tăng do tính chất và tác động của toàn cầu hóa, biến đổi khí hậu và môi trường sống bị hủy hoại và các tác động của cải cách kinh tế.

Về vòng đời: Một bộ phận trẻ em nông thôn bị suy dinh dưỡng, bị thiểu năng do người mẹ khi mang thai không được chăm sóc sức khỏe, thiếu dinh dưỡng cần thiết, bị ảnh hưởng của chất độc da cam... Trong cuộc sống, dân cư nông thôn, nhất là những người nghèo thường phải đối mặt với ốm đau, bệnh tật. Xu hướng già hóa ở nông thôn nhanh hơn do một bộ phận những người trong tuổi lao động đã di chuyển ra các vùng đô thị để kiếm việc làm. Người già ở nông thôn phần lớn không có lương hưu hoặc các nguồn trợ cấp xã hội khác. 

Về môi trường: Các hộ gia đình nông thôn đặc biệt nhạy cảm với các rủi ro do thiên tai như lũ lụt, hạn hán, bão lốc.. do biến đổi khí hậu và môi trường sống bị hủy hoại. Có khoảng 4%-5% dân số bị tổn thương do thiên tai. Những năm gần đây, biến đổi khí hậu và sự thay đổi môi trường sống dẫn đến thiên tai, dịch bệnh diễn ra với tần suất cao hơn, biến đổi bất thường hơn, gây hậu quả nghiêm trọng hơn đến sản xuất. Đặc biệt, một bộ phận dân cư bị mất việc làm, phải thay đổi tình trạng sản xuất và sinh hoạt. 

Về kinh tế: Nguồn thu nhập chính của dân cư nông thôn là từ nông nghiệp với năng suất lao động thấp, không ổn định do thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh và những biến động giá cả của thị trường, thiếu việc làm.

Về xã hội: Một bộ phận dân cư khó hòa nhập cộng đồng do những rào cản về ngôn ngữ, địa bàn bị chia cắt, cơ sở hạ tầng kém phát triển. Bạo lực gia đình và những tập quán lạc hậu vẫn còn phổ biến. Lao động nông thôn di cư ra đô thị thường làm việc trong khu vực phi chính thức, điều kiện làm việc kém, thu nhập thấp, không có hợp đồng lao động, không có bảo hiểm xã hội (BHXH). Một bộ phận dân cư nông thôn ít được hưởng thụ thành quả của tăng trưởng, khó tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản.

2 - Đánh giá các chính sách an sinh xã hội

Dự thảo Chiến lược an sinh xã hội (ASXH) thời kỳ 2011-2020, khẳng định, ASXH bao gồm hệ thống các chính sách và chương trình do Nhà nước, các đối tác xã hội và tư nhân thực hiện nhằm hỗ trợ, nâng cao năng lực của cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng trong quản lý và kiểm soát các rủi ro do mất việc làm, tuổi già, ốm đau, rủi ro do thiên tai, chuyển đổi cơ cấu, khủng hoảng kinh tế, dẫn đến giảm hoặc bị mất thu nhập và giảm khả năng tiếp cận với hệ thống dịch vụ xã hội cơ bản. Đó là một hệ thống gồm 3 tầng lưới an toàn có khả năng hỗ trợ lẫn nhau: chính sách hỗ trợ người dân có việc làm, tạo thu nhập và tham gia thị trường lao động; bảo hiểm xã hội và bảo hiểm khác và các chính sách trợ giúp xã hội và giảm nghèo.

2.1 - Việc làm và thị trường lao động

Quá trình đô thị hóa đã dẫn đến nguy cơ mất việc làm của nhiều nông dân, trong khi đó, các chính sách đền bù, giải tỏa không bảo đảm cho dân nông thôn tái tạo sinh kế. Tỷ lệ thất nghiệp ở nông thôn thấp nhưng có xu hướng tăng, từ 1,06% năm 2000 tăng lên 2,74% năm 2010. Tỷ lệ lao động thiếu việc làm ở nông thôn khá cao và đã tăng lên do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu vừa qua. Tỷ lệ thiếu việc làm ở nông thôn năm 2011 gần 8% (năm 2010, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị 4,6%, thiếu việc làm là 2,15%).

Lao động nông thôn khó tiếp cận thị trường lao động: Các chương trình hỗ trợ chưa lồng ghép với nhau: Hoạt động hỗ trợ cho vay vốn chưa gắn chặt với các hoạt động dạy nghề, khuyến nông và hướng dẫn sản xuất kinh doanh.

Lao động nông thôn chuyển đến các khu công nghiệp, khu đô thị khó tiếp cận với những hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, dạy nghề và thông tin thị trường lao động.

Hệ thống và thông tin dịch vụ việc làm còn thiếu, chưa phát triển đến các vùng nông thôn, đặc biệt là các vùng nông thôn khó khăn, vùng dân tộc, miền núi.

2.2 - Chính sách bảo hiểm xã hội

Trong khi những rủi ro đa dạng và có xu hướng gia tăng, đa số lao động nông thôn không thuộc nhóm đối tượng bảo hiểm bắt buộc. Tuy nhiên, cơ hội của họ cũng gia tăng, khi Luật BHXH có hiệu lực từ 1-1-2008 đã mở ra cơ hội để người dân nông thôn tham gia BHXH tự nguyện.

Quy mô đối tượng tham gia BHXH ở nông thôn tăng nhanh. Năm 2006, mới có 670 nghìn người tham gia BHXH bắt buộc, đến năm 2010 tăng lên trên 3 triệu người, chiếm 20% lao động nông thôn thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc.

Số đối tượng tham gia BHXH tự nguyện cả nước đã tăng từ khoảng 6,2 nghìn người (năm 2008) lên gần 88 nghìn người (năm 2010), trong đó lao động nông thôn có trên 62 nghìn người, chiếm 70% (phần lớn chuyển từ chương trình BHXH nông dân Nghệ An sang).

Tổng số người tham gia BHXH trong khu vực nông thôn năm 2010 đạt 3,062 triệu người, bằng 8,55% tổng lao động nông thôn có việc làm, so với tỷ lệ 49,5% ở khu vực thành thị và 19,94% cả nước. 

Nguyên nhân: Nhiều người lao động nông thôn, lao động di cư từ nông thôn ra đô thị chưa được tham gia BHXH bắt buộc do không được ký kết hợp đồng lao động hoặc hình thức hợp đồng ngắn hạn. Ý thức tuân thủ luật pháp của người sử dụng lao động và cả của người lao động còn kém.

Các chương trình truyền thông về chính sách BHXH còn nhiều hạn chế. Vì vậy, dân cư nông thôn nói chung và đối tượng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc nói riêng chưa hiểu hết ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của BHXH.

Số lượng và cơ cấu tham gia BHXH


Nông thôn

Thành thị

Cả nước

Nông thôn/cả nước, %

1. Số người tham gia, 1000 người

Tổng số

3062

6826

9888

31

BHXH bắt buộc

3000

6800

9800

30,6

BHXH tự nguyện

62

26

88

70,5

2. Tỷ lệ so với lao động có việc làm, %

8,55

49,46

19,94

Nguồn: BHXH Việt Nam, 2010

Mức đóng góp quy định đối với BHXH tự nguyện cao so với mức thu nhập của đa số người dân nông thôn, đặc biệt là đối với những hộ nghèo, cận nghèo, trong khi chưa có chính sách hỗ trợ để các đối tượng này tham gia BHXH tự nguyện. Ngoài ra, thiết kế chính sách chưa linh hoạt nên không hấp dẫn một bộ phận lớn người lao động tham gia BHXH tự nguyện.

2.3 - Chính sách bảo hiểm y tế

Việc thực hiện Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) từ năm 2009 với sự cam kết mạnh mẽ của Nhà nước trong việc hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần mức đóng BHYT đối với người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, đối tượng hưởng chính sách ưu đãi xã hội, trẻ em dưới 6 tuổi… bảo đảm cho 60% dân cư nông thôn tham gia BHYT.

Tuy nhiên, khả năng tham gia của 40% số người dân nông thôn còn lại rất thấp do nhận thức và nguồn lực còn hạn chế. Mục tiêu BHYT toàn dân do vậy, cần phải có những hỗ trợ và chế tài phù hợp để thu hút sự tham gia của bộ phận dân cư này.

2.4 - Chính sách trợ giúp xã hội

a - Trợ giúp xã hội thường xuyên

Đối tượng được trợ giúp xã hội (TGXH) thường xuyên từng bước được mở rộng. Năm 2005 khu vực nông thôn có khoảng 390 nghìn đối tượng ước tính tăng lên trên 1.120 nghìn người vào năm 2010, trong đó: nhóm người già (từ 85 tuổi trở lên) không có lương hưu và trợ cấp BHXH chiếm 43,1%. Nhóm người khuyết tật chiếm 24,5%, người già cô đơn chiếm 9,6%, người tâm thần khoảng 8,6%, người đơn thân nuôi con nhỏ khoảng 7,6%, trẻ em mồ côi 5% và các đối tượng khác.

Mức chuẩn để tính trợ cấp cũng được điều chỉnh tăng lên từ 120 nghìn đồng lên 180 nghìn đồng/tháng, năm 2010 và được bảo đảm bởi ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, diện bao phủ TGXH thường xuyên còn rất thấp, số đối tượng chỉ chiếm gần 2% dân số - là mức rất thấp so với nhiều nước trong khu vực (khoảng 2,5% - 3%). 

Quy định về điều kiện được hưởng còn quá chặt. Mức chuẩn để tính mức trợ cấp còn thấp, chỉ bằng 45% so với chuẩn nghèo nên mức sống của nhiều đối tượng còn khó khăn. Chưa có những ưu tiên đủ mức để hỗ trợ cho nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cho phụ nữ mang thai hoặc nuôi con nhỏ nhằm mục tiêu giảm nghèo bền vững.

b - Trợ giúp xã hội đột xuất

Phạm vi của các chính sách còn hẹp, mới tập trung chủ yếu cho đối tượng rủi ro thiên tai. Việc hỗ trợ cho những rủi ro về dịch bệnh mới ở bước thử nghiệm, chưa tính đến những rủi ro về kinh tế và xã hội như khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Mức trợ cấp còn quá thấp, mới chỉ bù đắp được khoảng 10% thiệt hại, chưa đáp ứng được nhu cầu trợ cấp của hộ gia đình. Trong nhiều trường hợp sự hỗ trợ vẫn chưa kịp thời. Chưa nhân rộng những mô hình trợ cấp đột xuất có hiệu quả dựa vào cộng đồng.

Công tác quản lý hoạt động trợ giúp đột xuất còn bất cập. Khó thống kê được tổng nguồn lực cho trợ giúp đột xuất từ các nguồn đóng góp. Hoạt động điều phối còn bất cập dẫn đến tình trạng cùng một hậu quả (ví dụ trường hợp người chết do thiên tai) nhưng mức được trợ cấp lại rất khác nhau (có thể gấp hàng trăm lần).

2.5 -Các chính sách, chương trình giảm nghèo

Các chính sách, chương trình giảm nghèo trong thời gian qua đã đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm ASXH cho người nghèo. Việc tiếp cận giảm nghèo đang đồng thời thực hiện trên cả ba phương diện, gồm: (1) Hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản: y tế, giáo dục, dạy nghề và trợ giúp pháp lý, nhà ở và nước sinh hoạt; (2) Hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất: tín dụng ưu đãi, đất sản xuất cho hộ nghèo dân tộc thiểu số; khuyến nông - lâm - ngư và hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề; xuất khẩu lao động; (3) Hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các xã đặc biệt khó khăn.

Đặc biệt, với Nghị quyết số 80/NQ-CP, ngày 19-5-2011 của Chính phủ, về định hướng giảm nghèo bền vững đã đặt ra những mục tiêu lớn về giảm tỷ lệ nghèo 2%/năm, và tốc độ tăng thu nhập của người nghèo lên 3,5 lần.

Tuy nhiên, việc tiếp cận xây dựng chính sách, chương trình thiết kế chủ yếu theo lãnh thổ, chưa hướng vào người nghèo và hộ nghèo; có nhiều sự chồng chéo giữa các chương trình hỗ trợ giảm nghèo và trong mỗi chương trình lại bao hàm nhiều chính sách, dự án dẫn đến khó quản lý. Các hộ nghèo nhất không được hưởng lợi nhiều từ các chính sách do bị hạn chế về điều kiện tham gia. Hỗ trợ giáo dục chưa đủ để bảo đảm cho tất cả trẻ em được đến trường, nhất là trẻ em nghèo. Hệ thống chăm sóc y tế cấp cơ sở chưa được đầu tư thích đáng dẫn đến tỷ lệ suy dinh dưỡng còn cao ở vùng khó khăn.

2.6 - Dịch vụ xã hội cơ bản cho dân cư nông thôn

Các chương trình, dự án về nhà ở và đất sản xuất, nước sạch và vệ sinh môi trường, điện sinh hoạt, trường học, trạm y tế, chợ, nhà văn hóa, đường giao thông, tư vấn và trợ giúp pháp lý đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn và hỗ trợ có hiệu quả để dân cư nông thôn, đặc biệt là các vùng nông thôn khó khăn, các huyện nghèo. Trong 5 năm qua, ước tính có khoảng 500 nghìn hộ nghèo được hỗ trợ xóa nhà tạm.

Năm 2011, Chính phủ hỗ trợ giá điện cho các hộ nghèo (30.000 đồng/hộ/tháng).

Các giải pháp tăng cường an sinh xã hội nông thôn

Thời kỳ 2011 - 2020, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh Công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, phấn đấu đưa nước ta cơ  bản trở thành nước công nghiệp, theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Trong quá trình đó, có nhiều vấn đề đã, đang và sẽ đặt ra liên quan tới ASXH nông thôn như: (1) Các tác động của cải cách, tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển sang mô hình tăng trưởng mới và biến đổi khí hậu đối với rủi ro trong khu vực nông thôn; (2) Tình trạng nghèo tương đối và sự gia tăng bất bình đẳng của dân cư nông thôn so với thành thị; (3) Chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chuyển dịch cơ cấu lao động, vấn đề di dân nông thôn - đô thị (4) Mối liên hệ giữa nghèo đói, việc làm và phát triển nguồn thị trường lao động nông thôn.  

Để tăng cường an sinh xã hội nông thôn, cần tập trung giải quyết một số giải pháp cơ bản sau:

1 - Hỗ trợ lao động nghèo, người thất nghiệp và thiếu việc làm ở nông thôn có việc làm, thu nhập ổn định và tham gia thị trường lao động

Tăng cường hiệu quả của các chương trình tín dụng ưu đãi để phát triển ngành nghề truyền thống, tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp và dịch vụ nông thôn nhằm tạo nhiều việc làm bền vững, thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn tại chỗ. Mở rộng đối tượng vay vốn đối với kinh tế trang trại, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động thuộc hộ nghèo ở nông thôn.

Đầu tư phát triển mạng lưới trung tâm dịch vụ việc làm trong khu vực nông thôn. Thí điểm phát triển hệ thống thông tin thị trường về việc làm (bao gồm cả làm việc ở nước ngoài) đến cấp xã thông qua mạng in-tơ-nét, thông tin tại nhà văn hóa xã, bưu điện - văn hóa xã, chương trình phát thanh và truyền hình trung ương và địa phương, các chương trình phát sóng bằng tiếng dân tộc thiểu số.

Tăng cường chất lượng nguồn nhân lực nông thôn. Ưu tiên các cơ sở dạy nghề của các doanh nghiệp để thu hút lao động sau khi tốt nghiệp. Gắn dạy nghề với nhu cầu của doanh nghiệp. Hỗ trợ lao động nông thôn chuyển đổi việc làm và đào tạo lao động có kỹ thuật cao phục vụ công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông thôn bảo đảm an ninh lương thực.

Tập trung vào các giải pháp gắn với đặc thù của các vùng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (di dân và hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của dân cư khỏi những địa bàn bị ngập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long; di dân ra khỏi những vùng thường xuyên bị thiên tai, bão lũ vùng miền Trung.

2 - Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp

 Thí điểm chính sách hỗ trợ giai đoạn 2011 - 2015, xây dựng chính sách hỗ trợ một phần phí tham gia BHXH tự nguyện đối với lao động thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, nông dân có mức thu nhập từ trung bình trở xuống.

Tiếp tục hoàn thiện Luật Bảo hiểm xã hội, đặc biệt là BHXH tự nguyện để nâng cao khả năng tham gia của người dân nông thôn. Từng bước mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp để bảo đảm mục tiêu ASXH.

3 - Mở rộng bảo hiểm y tế

Tăng cường tuyên truyền, khuyến khích đối với 40% dân số nông thôn hiện nay chưa tham gia BHYT theo qui định của Luật BHYT.

Tập trung chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, các xã thuộc vùng khó khăn.

4 - Tổng kết mô hình tiến tới xây dựng chính sách hỗ trợ nông dân mua bảo hiểm nông nghiệp

Tổng kết việc thí điểm hỗ trợ nông dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp nhằm bảo đảm đời sống cho người dân và tiếp tục duy trì sản xuất(1).

5 - Chính sách trợ giúp xã hội

Mở rộng đối tượng, bao gồm: giảm dần tuổi hưởng TGXH thường xuyên cho người già không có lương hưu hoặc trợ cấp BHXH; bổ sung nhóm đối tượng nghèo kinh niên; nâng cao mức hỗ trợ tối thiểu; xây dựng chính sách hỗ trợ tiền mặt thường xuyên đối với trẻ em nghèo trong độ tuổi đi học phổ thông nhằm tăng cường cơ hội đến trường.

6 - Tổ chức các chương trình việc làm tạm thời cho lao động bị thất nghiệp hoặc thiếu việc làm ở  nông thôn, lao động thuộc các hộ nghèo hoặc cận nghèo

7 - Nâng cao hiệu quả thực hiện giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2015

8 - Tăng cường dịch vụ xã hội cơ bản trong khu vực nông thôn

Nâng cao chất lượng triển khai các dự án phát triển kết cấu hạ tầng qui mô nhỏ (điện, đường, trường, trạm, thông tin) ở các xã vùng khó khăn, dự án hộ nghèo, tập trung các giải pháp bảo đảm chỗ ở ổn định cho dân cư các xã vùng khó khăn, vùng bị tác động bởi thiên tai, nước biển dâng do biến đổi khí hậu.

9 - Khuyến khích phát triển các hình thức an sinh xã hội cộng đồng nhằm huy động nguồn lực, tăng cường năng lực tự an sinh của cộng đồng dân cư; tăng cường  hợp tác công tư trong việc cung cấp dịch vụ ASXH./.

-----------------------------------------------


(1) Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 1-3-2011 về việc thí điểm thực hiện bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011 - 2013 tại 21 tỉnh. Theo đó, Nhà nước sẽ trợ giúp 100% phí bảo hiểm; đối với hộ nông dân, cá nhân cận nghèo sản xuất nông nghiệp được  trợ giúp 80% phí bảo hiểm, và  trợ giúp 60% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân không thuộc diện nghèo, cận nghèo sản xuất nông nghiệp; các tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm BHNN được  trợ giúp 20% phí bảo hiểm. Rủi ro được bảo hiểm và bồi thường bảo hiểm là thiên tai như bão lũ, lụt, hạn hán, rét đậm, rét hại, sương giá và các loại rủi ro thiên tai khác... Việc thực hiện thí điểm BHNN sẽ được áp dụng từ ngày 1-7-2011 đến hết năm 2013