Cuộc khủng hoảng 7 ngày ở Nam Mỹ

Minh Duy
11:25, ngày 13-03-2008

Cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa ba nước Nam Mỹ Cô-lôm-bi-a, Ê-cu-a-đo và Vê-nê-xu-ê-la, bắt nguồn từ việc quân đội Cô-lôm-bi-a đột kích một căn cứ của Lực lượng vũ trang cách mạng Cô-lôm-bi-a (FARC) nằm sâu trong lãnh thổ của Ê-cu-a-đo, đã chấm dứt đúng vào lúc gay cấn nhất. Dư luận quốc tế thở phào sau những phen nín thở tưởng như một cuộc chiến tranh đã hiện hữu tại khu vực này.

Những nút thắt nguy hiểm

Sau cuộc tập kích ngày 1-3 vừa qua của quân đội Cô-lôm-bi-a nhằm tiêu diệt căn cứ của Lực lượng vũ trang cách mạng Cô-lôm-bi-a (FARC) nằm sâu trong lãnh thổ Ê-cu-a-đo, ngay lập tức Ê-cu-a-đo cáo buộc Cô-lôm-bi-a “vi phạm nguyên tắc về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” của nước này. Để biện bạch cho hành động của mình, Cô-lôm-bi-a, sau đó, cáo buộc Ê-cu-a-đo và Vê-nê-xu-ê-la có quan hệ “mờ ám” với FARC. Lời cáo buộc đã gây ra một loạt các động thái trả đũa liên tiếp của Ê-cu-a-đo. Tổng thống Ê-cu-a-đo Cô-rê-a đã triệu hồi Đại sứ tại Bô-gô-ta về nước và tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Cô-lôm-bi-a. Không chỉ có vậy, tại biên giới với Cô-lôm-bi-a, Ê-cu-a-đo tăng cường hàng nghìn binh lính, xe tăng, xe bọc thép và đặt mức báo động cao.

Trước thái độ cứng rắn của Ê-cu-a-đo, Cô-lôm-bi-a dù ra lời xin lỗi về vụ tập kích trên, song vẫn cho rằng mình có lý khi muốn bảo vệ đất nước một cách chính đáng. Cùng lúc, Bộ Quốc phòng Cô-lôm-bi-a cũng duy trì mức báo động cao nhất cho các đơn vị quân đội và cảnh sát vùng biên giới với Ê-cu-a-đo.

“Vệt dầu loang” căng thẳng giữa Ê-cu-a-đo và Cô-lôm-bi-a lan nhanh khi Vê- nê-xu-ê-la, nước vốn có chung biên giới với Cô-lôm-bi-a, đã tuyên bố sẵn sàng tuyên chiến với Cô-lôm-bi-a nếu nước này đưa quân truy kích lực lượng FARC trên lãnh thổ của Vê-nê-xu-ê-la. Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la U.Cha-vét ra lệnh đóng cửa vô thời hạn đại sứ quán nước này tại Bô-gô-ta, đồng thời trục xuất Đại sứ cùng toàn bộ nhân viên sứ quán Cô-lôm-bi-a khỏi Ca-ra-cát. Ông Cha-vét đã điều động 10 tiểu đoàn cùng nhiều xe tăng và máy bay chiến đấu tới khu vực biên giới với Cô-lôm-bi-a. Sau đó, Tổng thống Ni-ca-ra-goa Đ.Óc-tê-ga tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Cô-lôm-bi-a với lý do “hành động khủng bố chính trị" của nước này.

Chưa hết, Tổng thống Ê-cu-a-đo và Vê-nê-xu-ê-la kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án hành động của Cô-lôm-bi-a. Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ (OAS) thông qua nghị quyết cho biết Cô-lôm-bi-a đã vi phạm những nguyên tắc của luật pháp quốc tế khi tiến hành chiến dịch quân sự sang lãnh thổ Ê-cu-a-đo, theo đó 34 thành viên OAS đồng ý lập Ủy ban điều tra vụ việc và sẽ tổ chức cuộc họp của các ngoại trưởng OAS vào ngày 17-3 tới.

Mối lo về một cuộc chiến thực sự sẽ nổ ra giữa ba nước càng đè nặng lên vai các chính phủ Mỹ La-tinh trong bối cảnh Mỹ, nước vẫn coi khu vực này là “sân sau” của mình và uy tín của Mỹ đang bị suy giảm trước phong trào cánh tả đang dâng lên mạnh mẽ ở đây, sẽ chẳng bỏ qua dịp này nhằm khoét sâu thêm mâu thuẫn, biến Mỹ La-tinh thành một “Trung Đông mới”. Còn ở góc độ rộng hơn, hai trong ba nước xảy ra xung đột là Vê-nê-xu-ê-la và Ê-cu-a-đo đều là thành viên của Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Sự bất ổn ở hai nước này hẳn sẽ càng tăng thêm nhiệt cho cơn sốt giá dầu đã vượt ngưỡng 100USD/thùng. Xung đột từ hai nước đã biến thành mối bất ổn của toàn khu vực, căng thẳng bị đẩy tới mức trầm trọng nhất tại đây kể từ nhiều thập kỷ qua.

Tháo gỡ bất ngờ

Trong bối cảnh Mỹ La-tinh chỉ phút chốc có nguy cơ bị đẩy vào một cuộc chiến khu vực thì một cơ hội đối thoại xuất hiện khi các lãnh đạo khu vực có cuộc họp tại thủ đô của Đô-mi-ni-ca trong khuôn khổ Nhóm Rio vào ngày 7-3. Được thành lập vào tháng 12-1986, Nhóm Rio, có 21 thành viên trong khu vực (kể cả hai nước mới gia nhập là Hai-i-ti và Guy-a-na), được coi là một cơ chế tư vấn hợp tác chính trị hướng tới một sự hợp tác hiệu quả hơn giữa các nước trong khu vực.

Nếu như diễn biến nhanh và nguy hiểm của cuộc khủng hoảng này đã khiến giới quan sát nhận định nó trở thành cuộc khủng hoảng ngoại giao tồi tệ nhất ở Mỹ La-tinh thì cái kết tốt đẹp không ngờ của nó cũng đủ để xếp sự kiện này thành một cuộc khủng hoảng “có hậu” nhất. Chỉ trong 7 ngày, những mâu thuẫn trong cuộc khủng hoảng đã được giải quyết tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm Rio. Ngay cả khi đến dự hội nghị trên, vẻ như nguyên thủ các nước liên quan cũng chưa nghĩ tới một kết cục tốt đẹp và nhanh chóng như vậy. Bằng chứng là lãnh đạo Ê-cu-a-đo và Cô-lôm-bi-a vẫn còn trao cho nhau những lời lẽ chẳng mấy nhẹ nhàng ngay tại lễ khai mạc của hội nghị.

Tuy nhiên, cuối cùng, lãnh đạo các nước là Vê-nê-xu-ê-la, Ê-cu-a-do, Ni-ca-ra-goa và Cô-lôm-bi-a đã đạt thỏa thuận giải tỏa bất hòa, theo đó Tổng thống Cô-lôm-bi-a U-ri-bê cam kết sẽ không vi phạm chủ quyền của Ê-cu-a-đo. Đổi lại, Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la và Ê-cu-a-do khẳng định không hậu thuẫn cho FARC. Với thoả thuận này, ba nước Vê-nê-xu-ê-la, Ê-cu-a-do, Ni-ca-ra-goa đã nối lại quan hệ ngoại giao với Cô-lôm-bi-a.

Những bước đi đầu tiên bao giờ cũng khó khăn và quan trọng, điều đó càng đúng trong cuộc khủng hoảng ngoại giao Mỹ La-tinh vừa qua. Bước đầu tiên đó đã được Tổng thống Ê-cu-a-đo Cô-rê-a và Tổng thống Cô-lôm-bi-a U-ri-bê thực hiện với việc đạt nhất trí chấm dứt cuộc khủng hoảng. Phát biểu trước khi bắt tay người đồng cấp U-ri-bê, Tổng thống Ê-cu-a-đo Cô-rê-a nói: "Với việc cần khoan dung và cam kết không bao giờ tấn công đất nước anh em một lần nữa, chúng ta có thể coi như vụ việc rất nghiêm trọng này đã được giải quyết. Chúa phù hộ cho Ê-cu-a-đo, Chúa phù hộ cho các nước Mỹ La-tinh".

Cái bắt tay của Tổng thống ba nước Ê-cu-a-đo, Vê-nê-xu-ê-la, và Cô-lôm-bi-a đã được Tổng thống nước chủ nhà Đô-mi-ni-ca L.Phéc-nan-đéc phát sóng trực tiếp trên truyền hình toàn khu vực Mỹ La-tinh, chấm dứt cuộc khủng hoảng ngoại giao tồi tệ nhất trong khu vực An-đét.

Ai được, ai mất?

Có ba nguyên nhân dẫn đến sự hòa giải nhanh chóng này. Thứ nhất, đó là việc Cô-lôm-bi-a xin lỗi Ê-cu-a-đo. Thứ hai, cơ chế lợi ích, bởi nếu bất đồng xảy ra, mối quan hệ kinh tế, thương mại vốn rất chặt chẽ giữa các nước này chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Giám đốc chương trình châu Mỹ thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược CSIS ở Oa-sinh-tơn, ông P. Đê-ha-giô cho rằng ít có khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh giữa Cô-lôm-bi-a và Vê-nê-xu-ê-la bởi hai nước này có quan hệ buôn bán không nhỏ, khoảng 5 tỉ USD. Thứ ba, tác động của các nước trong khu vực, vốn có nhiều quan hệ lợi ích với các nước trong cuộc, như Bra-xin, Ác-hen-ti-na hay Chi-lê, trong đó đặc biệt là Bra-xin. Giới phân tích nhận định, sở dĩ Tổng thống Cô-lôm-bi-a chấp nhận xin lỗi nước láng giềng Ê-cu-a-do là do sức ép từ các nước trong khu vực và khi Cô-lôm-bi-a bị đẩy vào thế bị đối đầu với cả Vê-nê-xu-ê-la và Ni-ca-ra-goa.

Hơn 80% dân chúng Ê-cu-a-đo ủng hộ cách ứng xử của Tổng thống Cô-re-a đối với Cô-lôm-bi-a. Uy tín của Tổng thống Cô-rê-a gia tăng ở trong và ngoài nước. Còn với Tổng thống Cha-vét, giới quan sát cho rằng trong cuộc khủng hoảng này, Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la đã thành công trong việc tạo dựng cho mình ảnh hưởng của một trọng tài không thể thiếu trong giải quyết mâu thuẫn khu vực với câu nói “Chúng ta không thể thổi bùng ngọn lửa chiến tranh” và rằng “Đây là thắng lợi của hòa bình và chủ quyền”.

Cuộc khủng hoảng vừa qua dù bước đầu đã được tháo gỡ nhưng để duy trì sự bền vững của nó, các bên liên quan sẽ còn nhiều việc phải làm, nhất là tạo dựng niềm tin lẫn nhau. Theo như lời của Tổng thống Ê-cu-a-đo Cô-rê-a, việc lập lại quan hệ với Cô-lôm-bi-a sẽ phải "mất một thời gian" và thừa nhận “sẽ rất khó khăn để lấy lại niềm tin" đối với Tổng thống U-ri-bê. Ngoài ra, cuộc đột kích của Cô-lôm-bi-a tuy đã tiêu diệt nhân vật quan trọng số hai của FARC, song điều này hẳn sẽ là trở ngại mới cho tiến trình thương lượng nhằm giải thoát các con tin giữa chính phủ Cô-lôm-bi-a với FARC - một tổ chức vũ trang ra đời năm 1964, hiện đang thương lượng với chính phủ Cô-lôm-bi-a về việc trao đổi 39 con tin, trong đó có nữ ứng cử viên Tổng thống nước này Ben-ta-cua, để thả 500 du kích quân của FARC đang bị chính phủ giam giữ. Cũng trong một tuyên bố mới đây, FARC vẫn tuyên bố không từ bỏ cuộc chiến chống chính phủ Cô-lôm-bi-a. Còn Tổng thống Cô-lôm-bi-a U-ri-bê tiếp tục bác bỏ điều kiện tiên quyết mà FARC đưa ra là chính phủ phải phi quân sự hóa hai huyện Pra-dê-ra và Flo-ri-đa rộng 780 km2 làm nơi đàm phán. Trong tình cảnh này, nguy cơ xung đột ở khu vực này rõ ràng vẫn chưa được loại bỏ.