Triển khai Luật Thủ đô 39/2024/QH15 tháo gỡ các điểm nghẽn đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô
TCCS - Ngày 14-11-2024, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản phối hợp cùng Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, tổ chức Hội thảo khoa học “Triển khai luật Thủ đô 39/2024/QH15: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”. Hội thảo nhằm làm rõ những cơ sở lý luận, xác định rõ tính chất, tầm quan trọng của việc triển khai Luật Thủ đô, khơi thông điểm nghẽn thể chế giúp Thủ đô phát triển trong giai đoạn mới.
Các đồng chí: PGS, TS Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; TS Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; PGS, TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Phạm Quý Tiên, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội; Phạm Thị Thanh Mai, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội chủ trì hội thảo.
Để xây dựng, phát triển thành phố Hà Nội xứng đáng với vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Thủ đô trong bối cảnh đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 5-5-2022, về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đề ra 4 quan điểm lớn về xây dựng, phát triển Thủ đô; trong đó có quan điểm: “Tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế phát triển Thủ đô toàn diện, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế” và đặt ra nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu là: “Hoàn thiện hệ thống pháp luật về Thủ đô với cơ chế, chính sách phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới”.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS, TS Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho biết, ngày 28-6-2024, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Thủ đô (Luật số 2024/QH15). Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025. Luật gồm 7 chương, 54 điều (tăng 3 chương, 27 điều so với Luật Thủ đô năm 2012), bám sát 5 quan điểm chỉ đạo xây dựng dự thảo và 9 nhóm chính sách đã được Quốc hội quyết định với nhiều nội dung mới, hướng đến việc phân quyền, phân cấp mạnh mẽ trên các lĩnh vực,... cùng nhiều giải pháp chính sách đặc thù, vượt trội, phù hợp với tình hình thực tiễn, định hướng phát triển đất nước, Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn mới. Luật Thủ đô 2024 ra đời nhằm đáp ứng mục tiêu đặt ra của các nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Luật Thủ đô quy định về các nguyên tắc quản lý, bảo vệ và phát triển Thủ đô Hà Nội, tạo nền tảng pháp lý cho việc xây dựng Hà Nội thành một đô thị văn minh, hiện đại và phát triển bền vững.
Đồng chí Lê Hải Bình nhấn mạnh, đây là Luật có ý nghĩa đặc biệt vì Hà Nội là trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa và kinh tế quan trọng của cả nước. Luật Thủ đô đã xóa nhiều rào cản hành chính, tháo gỡ các điểm nghẽn, đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của Hà Nội trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng, đồng thời khơi thông pháp lý để Thủ đô Hà Nội phát triển một cách bền vững và hiện đại. Hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động nhằm triển khai Luật Thủ đô của thành phố Hà Nội kể từ khi luật được thông qua. Đồng chí Lê Hải Bình nhấn mạnh, cần thiết triển khai Luật Thủ đô một cách kịp thời, qua đó tạo cơ hội để Thủ đô Hà Nội có những chính sách “mở đường”, đột phá, vượt trội trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học tập trung thảo luận, làm rõ được các nhóm vấn đề:
Thứ nhất, trên cơ sở nghiên cứu Luật Thủ đô, các bài viết đã gợi mở xây dựng hệ thống các văn bản, quy định, giải pháp để cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm thúc đẩy Thủ đô phát triển nhanh, bền vững, đóng góp nhiều hơn cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Thứ hai, từ tổng kết thực tiễn, kinh nghiệm triển khai Luật Thủ đô năm 2012 trong thời gian vừa qua, các tham luận, ý kiến tham luận tại hội thảo đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách cụ thể trên các lĩnh vực; đồng thời, vừa nhấn mạnh tính khả thi, thống nhất, đồng bộ của Luật Thủ đô với hệ thống chính sách, pháp luật hiện hành của đất nước, vừa làm rõ được những cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội dành cho Thủ đô. Đây là yếu tố quyết định để Luật Thủ đô sớm đi vào cuộc sống và có tính khả thi, giá trị thực tiễn, khắc phục được những tồn tại, hạn chế của việc triển khai thi hành Luật Thủ đô trong giai đoạn trước đây.
Thứ ba, thông qua việc đề cập đến kinh nghiệm quốc tế, các tham luận, phát biểu tại hội thảo gợi mở cho Hà Nội việc vận dụng những cơ chế, chính sách phù hợp với vị trí, vai trò, chức năng của Thủ đô theo quy định của Hiến pháp năm 2013; giúp Thủ đô thực hiện hiệu quả, rõ nét hơn chức năng, nhiệm vụ không chỉ là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, mà còn là trung tâm lớn về kinh tế, về văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và hội nhập quốc tế; có sự so sánh giữa Luật Thủ đô với một số luật của thủ đô một số nước trên thế giới.
Thứ tư, trên cơ sở phân tích, nghiên cứu tình hình quốc tế và đất nước, nhiều tham luận, ý kiến đã đề cập đến những yêu cầu quản trị, phát triển đặt ra đối với Hà Nội - một Thủ đô có quy mô dân số lớn so với thủ đô của các nước trên thế giới, của một quốc gia có quy mô dân số lớn, có nền kinh tế đang trong quá trình phát triển nhanh. Từ đó, đề xuất nhiều cơ chế, chính sách mới, có những cơ chế, chính sách chưa được quy định trong Luật Thủ đô, gợi mở cho việc tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện pháp luật về Thủ đô.
Thứ năm, việc xây dựng hệ thống văn bản triển khai thi hành Luật Thủ đô cũng đồng thời với quá trình xây dựng các chính sách, định hướng phát triển lớn của đất nước. Chính vì vậy, các tham luận, ý kiến cũng đặt ra nhiều nội dung cần tiếp tục nghiên cứu để có đóng góp thêm vào những thể chế, chính sách lớn của đất nước mà Luật Thủ đô chưa đề cập đến. Theo đó, hội thảo không chỉ dừng lại ở việc cụ thể hóa, triển khai thi hành Luật Thủ đô mà còn gợi mở để đóng góp thêm những ý kiến vào chủ trương, định hướng trong việc cải cách thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật của đất nước trong thời kỳ mới.
Phát biểu tại hội thảo, GS, TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân chủ pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng: Chính quyền địa phương nói chung, chính quyền Thủ đô nói riêng là một bộ phận cấu thành bộ máy nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Vì thế, xây dựng và hoàn thiện chính quyền Thủ đô không thể tách rời với các định hướng tổng thể xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Thành phố Hà Nội cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế về tổ chức và hoạt động của chính quyền Thủ đô theo Luật Thủ đô năm 2024; nâng cao năng lực thể chế hóa, cụ thể hóa của hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân các cấp, nhất là cấp thành phố đối với các cơ chế đặc thù dành cho Thủ đô phù hợp với từng cấp chính quyền Thủ đô là nhiệm vụ hàng đầu để thực hiện Luật Thủ đô năm 2024. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính: kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các quy định thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp, bảo đảm thủ tục hành chính mới ban hành đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện; trọng tâm là các thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư,… và các thủ tục khác.
Đẩy mạnh cải cách tổ chức bộ máy chính quyền Thủ đô theo các quy định mới của Luật Thủ đô năm 2024. Cải cách chế độ công vụ: xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của chính quyền Thủ đô chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đặc biệt là khẩn trương xây dựng và phát triển theo quy hoạch và quy hoạch chung Thủ đô, bảo đảm xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, môi trường sống trong lành, an ninh nguồn nước với sông Hồng là trục xanh; cảnh quan trung tâm; phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của thành phố (theo khoản 1 Điều 17, Luật Thủ đô)…
TS Đoàn Thị Tố Uyên, Trưởng khoa Pháp luật hành chính, nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội nhấn mạnh đến nhiệm vụ bảo đảm chất lượng các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Thủ đô. Với 9 chính sách đã được quy phạm hóa cụ thể trong Luật Thủ đô, nhiều chính sách vượt trội, đặc thù, nên để soạn thảo được nội dung của các văn bản quy định chi tiết đòi hỏi các cơ quan tham mưu phải nghiên cứu thấu đáo. Về nguyên tắc, nội dung văn bản quy định chi tiết chỉ được cụ thể hóa nội dung của Luật Thủ đô mà không được đặt ra quy định mới, không được làm thay đổi nội dung, tinh thần của luật, bởi về bản chất quy định chi tiết luật là một hình thức ủy quyền lập pháp từ Quốc hội cho cơ quan cấp dưới.
Chất lượng của các văn bản quy định chi tiết Luật Thủ đô được đánh giá trên cơ sở các tiêu chí về tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, tính khả thi... Vì vậy, việc kiểm soát chất lượng các văn bản quy định chi tiết thi hành luật thuộc trách nhiệm của cơ quan thẩm định, thẩm tra dự thảo nghị định, nghị quyết, quyết định và thông tư trong giai đoạn soạn thảo văn bản.
TS Cao Đức Phát, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, Hà Nội là địa phương đi tiên phong cả nước trong phát triển nông nghiệp, với 100% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới và 40% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp, nông thôn của Hà Nội cũng đứng trước nhiều thách thức khi quỹ đất nông nghiệp giảm nhanh, hiệu quả sử dụng đất chưa cao, năng suất đất trồng lúa còn thấp. Trong khi đó, việc xây dựng nông thôn mới còn dàn đều, không có điểm nhấn; thu nhập của người làm nông nghiệp còn thấp so với khu vực nội đô; ô nhiễm môi trường gây bức xúc dư luận. Vì vậy, để đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển một số lĩnh vực trọng tâm liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông thôn, thành phố cần sớm có quyết sách về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp số. Đồng thời, thành phố sớm có chủ trương, định hướng và cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp đô thị, đặc biệt là xây dựng nền nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu...
Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đánh giá cao ý kiến tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học đầy tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn, cụ thể, tập trung vào những nội dung quan trọng, nội dung khó, đóng góp cho thành phố những giải pháp, cách thức triển khai thi hành Luật Thủ đô.
Đây là lần đầu tiên thành phố tổ chức hội thảo khoa học lớn để triển khai thực hiện, cụ thể hóa các nội dung của Luật Thủ đô sau khi được Quốc hội thông qua. Việc triển khai Luật Thủ đô cùng với các nghị quyết, chỉ thị quan trọng của Trung ương như một cú hích quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để Hà Nội phát triển nhanh và bền vững; thực hiện đúng chức năng và nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết số 15-NQ/TW, của Bộ Chính trị khóa XIII. Theo đồng chí Nguyễn Văn Phong, việc cụ thể hóa các nội dung trong Luật Thủ đô cũng như triển khai thực hiện hiệu quả là những vấn đề mới với Hà Nội. Vì thế, việc tổ chức hội thảo không chỉ cung cấp thêm cho thành phố những căn cứ về lý luận khi triển khai cụ thể hóa Luật Thủ đô, mà còn có thêm các căn cứ thực tiễn để triển khai Luật đi vào cuộc sống, bảo đảm yếu tố đặc trưng, đặc thù của luật.
Trên cơ sở các ý kiến tham luận tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Phong đề nghị Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố và các đơn vị liên quan tiếp thu một cách nghiêm túc để cụ thể hóa vào các nội dung của luật thuộc thẩm quyền của thành phố./.
Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội  (03/11/2024)
Trao tặng Giải thưởng Nghiên cứu lý luận chính trị lần thứ I  (05/09/2024)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm làm việc với Thành ủy Hà Nội  (10/08/2024)
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay