Anh gia nhập CPTPP và triển vọng hợp tác kinh tế Việt Nam - Anh
TCCS - Tháng 7-2023, nước Anh chính thức gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - khối thương mại hiện đại bao gồm 12 nền kinh tế trải khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương và giờ là châu Âu - đánh dấu sự mở rộng đầu tiên của khối kể từ khi có hiệu lực vào năm 2018. Đây cũng được đánh giá là cơ hội thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam - Anh trong bối cảnh tự do hóa thương mại quốc tế ngày càng phát triển.
Động lực thúc đẩy
Thúc đẩy quan hệ thương mại tốt hơn với các quốc gia khác và thâm nhập các thị trường mới là chìa khóa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Anh sau khi rời Liên minh châu Âu (Brexit). Một câu hỏi được đặt ra là, vượt qua khoảng cách địa lý, làm thế nào Anh có thể kết nối chặt chẽ hơn với châu Á, nơi có dân số đông nhất và các nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Trong hơn 20 năm qua, các nền kinh tế châu Á đã phát triển nhanh hơn châu Âu và Mỹ nhờ được hưởng lợi từ tự do hóa thương mại. Theo công ty tư vấn McKinsey của Mỹ, nền kinh tế khu vực châu Á chiếm 32% nền kinh tế toàn cầu tính theo sức mua tương đương vào năm 2000, 42% vào năm 2017 và được dự báo sẽ đạt 52% vào năm 2040(1). Sức mạnh kinh tế của châu Á đồng nghĩa với việc khu vực này sẽ đóng vai trò ngày càng lớn trong việc định hình các quy tắc và chuẩn mực về thương mại, đầu tư và các tiêu chuẩn trong và ngoài khu vực. Hơn nữa, khi chính sách đối ngoại của Trung Quốc ngày càng quyết đoán hơn, các vấn đề về an ninh quốc gia và cân bằng quyền lực khu vực đang trở nên đan xen hơn với các vấn đề về kinh tế, thương mại và đầu tư. Đây là những vấn đề nan giải đối với các nước châu Á và cả Anh, do đó, Anh ngày càng tập trung vào chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Gia nhập CPTPP là một trong những mục tiêu chính của chiến lược “Nước Anh toàn cầu” kể từ sau sự kiện Brexit. Trở thành thành viên CPTTP là một phương cách để tiến gần hơn đến các quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao, cam kết tự do hóa thương mại trong một hệ thống dựa trên luật lệ. Việc tham gia CPTPP cũng là cơ hội để Anh có thể tham dự nhiều hơn các cuộc đối thoại khác nhau giữa các nước châu Á, Bắc và Nam Mỹ.
Đối với các thành viên CPTPP, Anh là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, một quốc gia ủng hộ mạnh mẽ tự do hóa thương mại và trật tự dựa trên luật lệ và là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Anh có mối quan hệ lâu dài với nhiều thành viên thông qua Khối thịnh vượng chung và đóng góp an ninh trong khu vực, như thông qua Thỏa thuận phòng thủ năm cường quốc (FPDA) (bao gồm Australia, Anh, New Zealand, Malaysia và Singapore).
Khi quan hệ Mỹ - Trung Quốc căng thẳng, Liên minh châu Âu (EU) đứng trước lựa chọn hoặc theo đuổi con đường riêng của mình về “tự chủ chiến lược” hoặc hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ. Chính vào thời điểm đó, Anh đã quyết định tham gia một hiệp định thương mại mà cả Mỹ và Trung Quốc đều không có mặt và là hiệp định giữa các quốc gia tầm trung của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. CPTTP đang tìm kiếm các giải pháp riêng để mở cửa giao dịch dựa trên các quy tắc. Theo thời gian, ảnh hưởng của hiệp định này đối với thương mại toàn cầu sẽ tăng lên. Nước Anh có thể đóng góp và hưởng lợi từ việc này bởi CPTPP bổ sung một cấu trúc kinh tế chính thức cho nhiều cam kết an ninh đa phương mà Anh tham gia trong khu vực.
Trong bối cảnh các cuộc đàm phán thương mại toàn cầu đang bị đình trệ và việc cải cách Tổ chức thương mại thế giới (WTO) đang ít tiến triển thì ở châu Á, các hiệp định thương mại vẫn đang được ký kết. CPTPP xác định các mối quan hệ thương mại chặt chẽ hơn, cởi mở hơn so với hiệp định lớn khác của khu vực (như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mà Trung Quốc là thành viên). CPTPP mở ra phạm vi cho các hiệp định tiếp theo về thương mại, dịch vụ và tiêu chuẩn kỹ thuật số.
Rõ ràng, tăng cường sự tham gia và ảnh hưởng của Anh ở châu Á vẫn là một tham vọng quan trọng. Tham gia CPTPP là một phần của chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đại diện cho một nền tảng có giá trị cho sự tham gia, hợp tác và lợi ích quốc gia. EU và Mỹ vẫn là những đối tác thương mại quan trọng đối với Anh. Tuy nhiên, sự thịnh vượng và an ninh của châu Âu - Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Khi toàn cầu hóa kinh tế phát triển thì tư cách thành viên CPTPP sẽ mang lại giá trị lớn hơn cho Anh.
Củng cố lợi ích chiến lược
Các chuyên gia cho rằng lợi ích của việc gia nhập CPTPP của Anh nằm ở yếu tố địa - chính trị hơn là kinh tế, bởi CPTPP giúp nâng tầm ảnh hưởng và vai trò quốc tế của Anh, tăng cường quan hệ chiến lược với các quốc gia có cùng chí hướng để bảo vệ một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở.
Việc Anh gia nhập CPTPP được coi là một thắng lợi đối với chính phủ của Thủ tướng Anh Rishi Sunak và đối với khối thương mại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Những người thuộc Đảng Bảo thủ từ lâu đã ủng hộ việc Anh gia nhập CPTPP như một động thái nhằm nâng tầm “Nước Anh toàn cầu” thời kỳ hậu Brexit. Sau khi Anh rút khỏi thị trường chung châu Âu, các nhà lãnh đạo Anh coi việc chấp nhận tham gia khu vực thương mại của CPTPP - khu vực gần ngang bằng với EU về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) - như một cách để giảm thiểu tổn thất do sự kiện Brexit và bảo đảm tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Việc tham gia khối thương mại CPTPP đưa Anh trở thành trung tâm của nhóm các nền kinh tế Thái Bình Dương năng động và đang phát triển, với tư cách là quốc gia châu Âu đầu tiên và là thành viên mới đầu tiên kể từ khi CPTPP có hiệu lực vào năm 2018.
Mặc dù những lợi ích kinh tế này có thể còn khiêm tốn, nhưng việc tham gia CPTPP sẽ có khả năng tăng cường tính hợp pháp chính trị trong nước của chính phủ của Thủ tướng Anh R. Sunak và tạo thêm động lực cho “sự nghiêng về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” trong chính sách kinh tế và đối ngoại của Anh. CPTPP là một yếu tố quan trọng ở đây, bên cạnh tư cách đối tác đối thoại với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), sáng kiến đối tác trong Thái Bình Dương xanh và các hành động khác. Tư cách thành viên mang lại cho Anh cả lợi ích kinh tế lẫn cơ sở để giúp bảo vệ và thúc đẩy thương mại mở, dựa trên luật lệ trong khu vực phát triển nhanh nhất thế giới và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trên trường quốc tế.
Việc gia nhập CPTPP có thể là một bước cụ thể để đạt được tầm nhìn về “Nước Anh toàn cầu”, nhưng việc xác định cốt lõi của khái niệm đó một phần phụ thuộc vào những quyết sách mà Anh sẽ thực thi khi tham gia. Anh có thể sử dụng tư cách thành viên CPTPP như một công cụ cho các mục tiêu chính sách đối ngoại rộng lớn hơn và làm sâu sắc thêm mối quan hệ với các đối tác quan trọng trong khu vực, mang lại cho Anh cơ hội quảng bá tầm nhìn và uy tín với tư cách là quốc gia ủng hộ quản trị toàn cầu.
Với việc tham gia một trong những khối thương mại năng động nhất thế giới cho phép Anh góp phần định hình, phát triển cấu trúc thương mại toàn cầu; đồng thời, tư cách thành viên của Anh sẽ giúp củng cố CPTPP là một nhóm các quốc gia tầm trung cam kết thực hiện cách tiếp cận thị trường tự do và thương mại quốc tế dựa trên quy tắc. Điều này đặc biệt quan trọng khi các chính sách kinh tế phi thị trường và chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng. Với sự kết hợp của Anh là thành viên châu Âu đầu tiên, CPTPP đi từ một hiệp định chủ yếu là khu vực sang một hiệp định toàn cầu hơn. Không chỉ vậy, CPTPP có các điều khoản tạo thuận lợi cho thương mại kỹ thuật số nên hiệp định này tạo nền tảng để Anh tác động đến bộ quy tắc thương mại toàn cầu và CPTPP có thể là một khuôn mẫu hữu ích để thúc đẩy các cuộc đàm phán thương mại điện tử diễn ra tại WTO. Ngoài ra, sự gia nhập của Anh là cơ sở thử nghiệm cho các thành viên tiềm năng trong tương lai và mang lại cho Anh ảnh hưởng đối với sự phát triển trong tương lai của khối vì Anh sẽ là nền kinh tế lớn thứ hai trong khối sau Nhật Bản, khiến CPTPP trở nên hấp dẫn hơn đối với các nước khác.
Tuy nhiên, mặc dù việc tham gia CPTPP cho phép Anh tăng cường quan hệ kinh tế với châu Á, song lợi ích kinh tế của việc gia nhập là tối thiểu và không bù đắp được do Brexit. Các chuyên gia cho rằng, thỏa thuận trao đổi thương mại với các quốc gia có khoảng cách xa về địa lý là không đáng kể so với trao đổi thương mại của Anh với các nước EU, vốn là những đối tác kinh tế lớn nhất của Anh. CPTPP chỉ chiếm dưới 7% thương mại của Anh, so với thị phần của EU là hơn 40%(2). Chính phủ Anh ước tính Brexit sẽ làm giảm sản lượng của Anh xuống 4% trong 15 năm so với các nước còn lại trong EU(3).
Chưa kể, theo nhiều báo cáo, ngành nông nghiệp và thực phẩm sơ chế của Anh sẽ bị tác động nặng nề nhất khi có thêm thành viên mới tham gia CPTPP. Cụ thể, nếu Hàn Quốc và Thái Lan tham gia CPTPP, nâng tổng số thành viên Hiệp định lên 13, thì giá trị của ngành thực phẩm sơ chế đối với nền kinh tế Anh sẽ giảm 4,97%, trở thành ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nông nghiệp sẽ là ngành bị ảnh hưởng đứng thứ hai, giảm 0,82% về giá trị đối với nền kinh tế Anh nếu CPTPP có thêm thành viên và tăng nhẹ 0,09% nếu CPTPP giữ nguyên quy mô như hiện nay(4).
Mặc dù CPTPP được Chính phủ Anh đánh giá là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất được ký kết kể từ Brexit, nhưng theo dự báo của Chính phủ Anh, trong vòng 15 năm, việc Anh gia nhập CPTPP sẽ chỉ làm tăng GDP của Anh thêm 0,08% - con số tương đối nhỏ so với các hiệp định thương mại hiện có của Anh với hầu hết các nước thành viên CPTPP. Nguyên nhân là do ngoài Nhật Bản, các nền kinh tế lớn đều không tham gia CPTPP. Hơn nữa, Anh đã có các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương với 9 trong số 11 nước thành viên CPTPP hiện tại, điều này hạn chế các tác động kinh tế tiềm năng. Cuối cùng, khoảng cách thực sự quan trọng trong thương mại. Tất cả các nước thành viên CPTPP đều có vị trí địa lý cách xa Anh, điều này giải thích cho tỷ trọng tương đối nhỏ của họ trong thương mại của Anh hiện nay.
Với những phân tích ban đầu có thể thấy, việc tham gia CPTPP không tạo ra nhiều khác biệt đối với dòng chảy thương mại, do đó sẽ không có tác động quá lớn đến tăng trưởng kinh tế của Anh trong ngắn hạn. Theo phân tích của Chính phủ Anh, lợi nhuận tiềm năng lớn nhất thuộc về ngành đồ uống, thuốc lá và xe cơ giới, nhưng ngành thực phẩm sơ chế và nông nghiệp có thể sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Triển vọng hợp tác kinh tế Việt Nam - Anh
Quan hệ Việt Nam - Anh đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất và có nhiều tiềm năng, dư địa, nhất là khi hai nước đã trở thành đối tác chiến lược và đã ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Anh (UKVFTA) và hiện nay đều là thành viên của CPTPP.
Trong những năm gần đây, trao đổi thương mại song phương Việt Nam - Anh tăng trưởng khá tích cực mặc dù có những khó khăn do tình hình kinh tế toàn cầu nói chung. Trong đó, thông qua UKVFTA, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tăng cường xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm, dệt may, giày da, thiết bị linh kiện điện tử, đồ gỗ... sang Anh trên cơ sở ưu đãi thuế quan theo hiệp định. Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, năm 2021, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Anh đạt 6,61 tỷ USD, tăng 17,24%; trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Anh tăng 16,4%, còn Anh xuất khẩu sang Việt Nam tăng 24% so với năm 2020(5). Năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Anh đạt 6,83 tỷ USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ, trong đó tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đạt hơn 6,06 tỷ USD, tăng 5,2%(6). Theo số liệu thống kê của Tổng Cục hải quan Việt Nam, 10 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch thương mại 2 chiều đạt 5,87 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2022(7).
Về đầu tư, theo Bộ Công Thương, tính đến tháng 12-2022, Anh có 507 dự án đầu tư FDI vào Việt Nam, với tổng vốn đạt gần 4,2 tỷ USD, đứng thứ 15 trên tổng số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Trong năm 2022, Anh có tổng cộng 53 dự án đầu tư cấp mới tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 64,33 triệu USD(8). Nhờ FTA giữa Việt Nam và Anh có hiệu lực trong hơn hai năm qua, Anh là nước có dự án được cấp mới nhiều nhất trong số các quốc gia đầu tư tại Việt Nam, tức là trong hai năm rưỡi đã có 129 dự án được cấp phép với tổng vốn đầu tư là 360 triệu USD(9). Các dự án đầu tư của Anh tại Việt Nam khá đa dạng, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo, công nghiệp, xử lý môi trường đến tài chính, ngân hàng, kinh doanh bất động sản, bán lẻ… Ở chiều ngược lại, Việt Nam hiện có 14 dự án đầu tư sang Anh với tổng vốn đầu tư đạt 17,3 triệu USD.
Như vậy, theo các chuyên gia, trên cơ sở những kết quả đạt được trong quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước, nhất là thông qua UKVFTA thời gian qua, việc Anh gia nhập CPTPP sẽ là nhân tố thúc đẩy tăng trưởng thương mại song phương và đầu tư giữa hai nước mạnh mẽ hơn, cụ thể:
Thứ nhất, việc Anh tham gia CPTPP sẽ bổ sung và củng cố các hiệp định thương mại song phương mà Anh đã ký kết với các nước CPTPP, trong đó có Việt Nam. Một số mặt hàng xuất khẩu sang Anh của các nước thành viên, vốn chưa được miễn giảm thuế dựa trên các hiệp định song phương, sẽ được áp dụng mức thuế ưu đãi hơn trong khuôn khổ CPTPP. Cụ thể, theo cam kết, các nước CPTPP sẽ phải cắt giảm gần như 100% dòng thuế về 0% sau một thời gian nhất định. Đặc biệt, giày dép là một trong những ngành có mức cắt giảm thuế về 0% nhanh nhất và vì vậy được kỳ vọng sẽ được hưởng nhiều lợi ích từ CPTPP. Hiện nay, giày dép là ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn hàng đầu của Việt Nam. Ngoài ra là các mặt hàng chiếm tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu lớn của Việt Nam sang Anh, gồm: điện thoại các loại và linh kiện (23,3%); máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng (14,8%); giày dép các loại (13,1%); hàng dệt may (10,8%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 5,1%; hàng thủy sản 4,8%; gỗ và sản phẩm gỗ 3,2%(10). Bên cạnh đó, Anh đã có cam kết mở cửa thị trường mới (ngoài cam kết trong UKVFTA) cho một số sản phẩm Việt Nam khi gia nhập CPTPP, trong đó có hạn ngạch thuế quan đối với các mặt hàng gạo thơm, cá ngừ, mật ong... Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu những sản phẩm trên sẽ có thêm lợi thế cạnh tranh trên thị trường Anh.
Thứ hai, hợp tác giữa Việt Nam và Anh trong lĩnh vực dịch vụ sẽ có nhiều cơ hội để phát triển vì Anh là nhà cung cấp dịch vụ lớn thứ hai thế giới và dịch vụ chiếm 43% hoạt động thương mại của Anh với các nước thành viên CPTPP trong năm 2022(11). Việc Anh tham gia CPTPP có thể giảm thiểu thủ tục hành chính phức tạp khi các doanh nghiệp của Anh sẽ không bắt buộc phải thành lập văn phòng đại diện hoặc phải cư trú tại quốc gia đó để cung cấp dịch vụ mà có thể hoạt động ngang hàng với các doanh nghiệp địa phương.
Thứ ba, với việc Anh chính thức tham gia CPTPP, đầu tư giữa Anh và Việt Nam dự kiến sẽ tăng lên, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, tài chính, ngân hàng, dầu mỏ, công nghiệp chế biến, chế tạo, kinh doanh bất động sản, bảo hiểm, tài chính… do hiệp định có các điều khoản nhằm hạn chế các rào cản và khuyến khích đầu tư nội khối nhiều hơn.
Thứ tư, một lợi thế quan trọng của Việt Nam trong CPTPP so với UKVFTA là nguyên tắc xuất xứ hàng hóa, nguyên vật liệu linh hoạt hơn. Nếu trong UKVFTA, nguyên vật liệu được quy định phải xuất xứ trong nước mới được hưởng ưu đãi thuế quan, nhưng khi Anh gia nhập CPTPP, Việt Nam có thể lấy nguyên liệu từ các nước như Malaysia, Brunei… để sản xuất hàng hóa xuất khẩu sang Anh mà vẫn được hưởng ưu đãi.
Thứ năm, việc Anh gia nhập CPTPP sẽ giúp các doanh nghiệp hai nước có điều kiện để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của nhau, giúp đa dạng hóa chuỗi cung ứng, bao gồm cả chuỗi cung ứng những mặt hàng chiến lược, từ đó, góp phần gia tăng tính tự chủ, tự cường của cả hai nền kinh tế.
Tóm lại, việc Anh gia nhập CPTPP, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thêm cơ hội tiếp cận thị trường tiềm năng này, song khẳng định lợi thế cạnh tranh là vấn đề mà các doanh nghiệp ngành hàng sản xuất đặc biệt phải quan tâm. Thị trường Anh khá lớn, nhu cầu đa dạng nhưng yêu cầu chất lượng cao, giá cả cạnh tranh, quy định sử dụng nhãn hiệu UKCA thay cho nhãn hiệu CE đối với sản phẩm công nghiệp. Dự luật về chống mất rừng và suy thoái rừng sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu các sản phẩm gỗ, cà phê, cao su, dầu thực vật, đậu tương. Xu hướng sản phẩm cho người ăn kiêng phổ biến hơn khiến cho việc sản xuất và cung ứng thực phẩm nông sản cần chuyên biệt và phức tạp hơn…
Đáng chú ý, sau khi gia nhập CPTPP, Anh cũng cam kết mở cửa thị trường cho nhiều sản phẩm của các nước thành viên CPTPP khác. Trong đó, các nước Australia, New Zealand, Malaysia và Mexico có nhiều sản phẩm cùng chủng loại với sản phẩm Việt Nam. Tuy có cùng mức ưu đãi nhưng khả năng cung ứng ổn định và chất lượng đạt tiêu chuẩn của hàng hóa đến từ các nước này sẽ làm gia tăng mức độ cạnh tranh trên thị trường Anh, khiến lợi thế cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam có thể bị giảm sút.
Do vậy, để thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước và duy trì sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trong bối cảnh mới, cần có những giải pháp đồng bộ từ cấp chính phủ đến các doanh nghiệp.
Một là, Việt Nam và Anh cần tận dụng các khuôn khổ thuận lợi, ưu đãi cao của UKVFTA và CPTPP để thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế phục hồi sau đại dịch COVID-19 và ứng phó với các thách thức về chuỗi cung ứng, an ninh năng lượng, an ninh lương thực. Chính phủ Việt Nam cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp Anh mở rộng đầu tư ở Việt Nam, nhất là về tài chính xanh, dược phẩm, sức khỏe, công nghệ số, giáo dục, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, xây dựng kết cấu hạ tầng, năng lượng sạch...
Hai là, các doanh nghiệp Việt Nam cần định hướng lại việc phát triển sao cho phù hợp với xu hướng của thế giới và xây dựng các yếu tố để đáp ứng nhu cầu về phát triển bền vững, qua đó nhập cuộc sâu hơn vào chuỗi cung ứng sang thị trường Anh. Để có thể chiếm lĩnh được thị trường Anh, việc cần làm ngay là xây dựng thương hiệu quốc gia “uy tín, chất lượng” cho hàng hóa Việt Nam; ngoài vấn đề chất lượng và giá cả cạnh tranh, các doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý đến uy tín trong kinh doanh, phải chứng tỏ có trách nhiệm và đóng góp để xây dựng xã hội tốt hơn.
Ba là, doanh nghiệp Việt Nam phải bảo đảm sản phẩm đạt chuẩn ổn định và phải tổ chức tốt chuỗi cung ứng từ khâu sản xuất đến khâu lưu thông phân phối. Ngoài ra, cần phải nắm bắt chính sách của thị trường, tăng cường tìm hiểu các thông tin cập nhật về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, các quy định nhập khẩu vào thị trường Anh.
Gia nhập CPTPP là một cột mốc đối với Anh và ngành công nghiệp Anh. Thỏa thuận này không chỉ mang lại khả năng tiếp cận nhiều hơn đối với nhóm các nền kinh tế tăng trưởng nhanh chiếm 14% GDP toàn cầu và hơn 500 triệu người tiêu dùng, mà tư cách thành viên còn củng cố cam kết của Anh trong việc xây dựng quan hệ đối tác trong một thế giới ngày càng bị phân mảnh. Việc Anh gia nhập CPTPP được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Anh, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh hơn nữa cho cả hai nước./.
-------------------
(1), (5) Andrew Cainey: “The UK and the CPTTP: Creating an Asian Option for the Future” (Tạm dịch: Anh và CPTTP: Tạo ra một lựa chọn châu Á cho tương lai), ngày 4-2-2021, https://www.rusi.org/explore-our-research/publications/ commentary/uk-and-cpttp-creating-asian-option-future
(2) Uyên Hương: “Hiệp định UKVFTA: Đòn bẩy vững chắc cho doanh nghiệp Việt”, Báo tin tức Thông tấn xã Việt Nam, ngày 15-3-2022, https://baotintuc.vn/kinh-te/hiep-dinh-ukvfta-don-bay-vung-chac-cho-doanh-nghiep-viet-20220315203617112.htm
(3) Ngọc Linh: “Tận dụng Hiệp định UKVFTA thúc đẩy thương mại song phương”, Báo Hải quan online, ngày 14-3-2023, https://haiquanonline .com.vn/tan-dung-hiep-dinh-ukvfta-thuc-day-thuong-mai-song-phuong-172405.html
(4), (10) Quỳnh Anh, “Vương quốc Anh gia nhập Hiệp định CPTPP: Hàng Việt làm gì để tăng lợi thế cạnh tranh?”, Bộ Công thương Việt Nam, ngày 25-7-2023, https://moit.gov.vn/tin-tuc/thi-truong-nuoc-ngoai/vuong-quoc-anh-gia-nhap-hiep-dinh-cptpp-hang-viet-lam-gi-de-tang-loi-the-canh-tranh-.html
(6), (8) Bảo Linh: “Thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại giữa Việt Nam và Vương quốc Anh”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngày 23-8-2023, https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2023-8-24/Thuc-day-hop-tac-dau-tu-thuong-mai-giua-Viet-Nam-v1vv8kh.aspx
(7) Hữu Hưng: “CPTPP - động lực thúc đẩy quan hệ kinh tế Việt Nam và Vương quốc Anh”, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công thương, ngày 24-11-2023, https://goglobal.moit.gov.vn/vi/cptpp-dong-luc-thuc-day-quan-he-kinh-te-viet-nam-va-vuong-quoc-anh.html
(9) Đức Duy: “Hiệp định CPTPP: Động lực mạnh mẽ thúc đẩy thương mại, đầu tư Việt Nam - Anh”, Báo điện tử VietnamPlus, ngày 25-11-2023, https://www.vietnamplus.vn/hiep-dinh-cptpp-dong-luc-manh-me-thuc-day-thuong-mai-dau-tu-viet-nam-anh-post909933.vnp
(11) “UK strikes biggest trade deal since Brexit to join major free trade bloc in Indo-Pacific” (Tạm dịch: Anh đạt được thỏa thuận thương mại lớn nhất kể từ Brexit để gia nhập khối thương mại tự do lớn ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương), Prime Minister's Office, ngày 31-3-2023, https://www.gov.uk/ government/news/uk-strikes-biggest-trade-deal-since-brexit-to-join-major-free-trade-bloc-in-indo-pacific
Quan hệ Việt Nam - Singapore: Hơn 50 năm nhìn lại  (29/02/2024)
Kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển bền vững ở Việt Nam  (05/03/2022)
Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Anh: Thực trạng và triển vọng  (27/02/2022)
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay