Kinh tế Mỹ và một số điều chỉnh chính sách
TCCS - Thời gian qua, nền kinh tế Mỹ đã phục hồi mạnh mẽ sau khi các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội do tác động của đại dịch COVID-19 được gỡ bỏ. Năm 2023, kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh trong bối cảnh lạm phát, lãi suất tăng và lo ngại về suy thoái. Có được điều này là bởi Mỹ đã đưa ra một số chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế thế giới, những thay đổi này được cho là sẽ có tác động nhất định tới nền kinh tế toàn cầu và ảnh hưởng không nhỏ đến các nước, trong đó có Việt Nam.
Những vấn đề của nền kinh tế Mỹ
Thứ nhất, suy giảm kinh tế.
Năm 2021, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ lên tới 5,7%, mức cao nhất trong vòng 37 năm kể từ năm 1984. Tuy nhiên, năm 2022, do tác động mạnh mẽ của các yếu tố kinh tế và chính trị, GDP của Mỹ đã giảm 1,6% trong quý I-2022 - một sự đảo ngược mạnh so với tốc độ tăng trưởng 7% của quý IV-2021. Sự suy giảm tăng trưởng GDP trong quý đầu tiên của năm 2022 là bởi tình trạng thâm hụt thương mại tăng cao, khi kim ngạch nhập khẩu vượt xa kim ngạch xuất khẩu. Sự dao động trong tích lũy hàng tồn kho và dòng chảy thương mại đã khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ không ổn định, với GDP tăng gần 7% trong quý II-2021, 2,5% trong quý III-2021, khoảng 7% trong quý IV-2021 và sụt giảm 1,5% trong quý I-2022(1). Bên cạnh đó, sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 và việc Chính phủ Mỹ cắt giảm chi tiêu đã ảnh hưởng đáng kể tới người tiêu dùng và doanh nghiệp khiến chi tiêu dùng trong quý I-2022 chỉ ở mức 1,3%, giảm tương đối so với con số 3,1% của quý IV-2021(2). Trong quý II-2022, GDP của Mỹ tiếp tục giảm - 0,6%, tốc độ này cho thấy nền kinh tế Mỹ đang rơi vào tình trạng suy thoái. Tuy nhiên, trong hai quý cuối năm 2022, nền kinh tế Mỹ có xu hướng đảo chiều với tốc độ tăng GDP trong quý III và quý IV lần lượt đạt 3,2% và 2,9%(3). Đây là kết quả của sự gia tăng chi tiêu tiêu dùng và đầu tư kinh doanh; trong đó, yếu tố góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế Mỹ là chi tiêu cho tiêu dùng với tốc độ tăng đạt 2,3% (quý III-2022) và 2,1% (quý IV-2022)(4).
Thứ hai, tình trạng lạm phát.
Nền kinh tế Mỹ đã duy trì tỷ lệ lạm phát ở mức thấp trong một thời gian, tuy nhiên kể từ tháng 4-2021, tỷ lệ lạm phát (CPI) liên tục tăng, từ 2,6% vào tháng 3-2021 lên 4,2% trong tháng 4-2021 và không có dấu hiệu dừng lại. Trong những tháng đầu tiên của năm 2022, tỷ lệ lạm phát vượt mốc 7% và đạt mức 7,3% trong tháng 1-2022. Đây là mức lạm phát cao nhất của Mỹ kể từ tháng 2-1982, do chi phí năng lượng gia tăng mạnh mẽ cùng với tình trạng thiếu hụt lao động và sự gián đoạn nguồn cung, trong khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao sau khi các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 được nới lỏng. Điều này báo hiệu một năm đầy khó khăn của nền kinh tế Mỹ. Tháng 6-2022, tỷ lệ lạm phát của Mỹ ở mức đỉnh điểm là 9,1% (mức cao nhất kể từ tháng 11-1981). Trong đó, giá năng lượng tăng 41,6%, giá thực phẩm tăng 10,4%. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng cùng với những tác động kéo dài của các gói kích thích tài khóa đã khiến tỷ lệ lạm phát ở Mỹ leo thang. Sau khi tăng lên đến đỉnh điểm vào giữa năm 2022, tỷ lệ lạm phát ở Mỹ bắt đầu chiều hướng đi xuống. CPI của Mỹ giảm từ 9,1% (tháng 6-2022) xuống còn 8,5% (tháng 7-2022) và tiếp tục giảm xuống còn 7,1% (tháng 11-2022) và 6,5% (tháng 12-2022).
Năm 2022, tỷ lệ lạm phát trung bình đạt 8% - mức lạm phát hằng năm cao nhất kể từ năm 1981. Tuy nhiên, tỷ lệ này đã giảm xuống 5% vào tháng 3-2023 và tiếp tục giảm xuống 3% vào tháng 6-2023 - mức thấp nhất kể từ tháng 3-2021.
Thứ ba, tình trạng nợ công.
Trong vòng 4 năm kể từ khi Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm nhậm chức (năm 2017) cho đến khi ông Joe Biden trở thành Tổng thống tiếp theo của nước Mỹ (năm 2021), nợ chính phủ của Mỹ đã tăng từ 19,9 nghìn tỷ USD lên 27,8 nghìn tỷ USD và con số này vẫn tiếp tục tăng dưới thời kỳ của Tổng thống Mỹ G. Biden. Tính đến tháng 10-2022, nợ chính phủ của Mỹ đã tăng lên mức 31,2 nghìn tỷ USD (tăng 8 nghìn tỷ USD so với mức nợ công vào thời điểm đầu năm 2000). Nợ công tăng cao khiến nền kinh tế Mỹ đồng thời phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế có nguy cơ suy thoái và tình trạng lạm phát leo thang. Tháng 11-2022, nợ công của Mỹ đã lên tới 31,4 nghìn tỷ USD và tiếp tục có xu hướng tăng; tháng 1-2023, nợ công của Mỹ đã vượt mốc 31,4 nghìn tỷ USD(5).
Sau cuộc bầu cử tổng thống giữa nhiệm kỳ diễn ra vào tháng 11-2022, Đảng Cộng hòa đã giành được đa số ghế tại Hạ viện Mỹ, khiến sự chia rẽ giữa các đảng phái chính trị trở nên ngày càng gay gắt hơn và làm trầm trọng thêm cuộc chiến trần nợ công của lưỡng đảng trong Quốc hội Mỹ. Trong bối cảnh nợ công vượt mốc 31,4 nghìn tỷ USD, Bộ Tài chính Mỹ đã bắt đầu áp dụng các biện pháp đặc biệt để bảo đảm Mỹ có thể tiếp tục chi trả cho các hoạt động của chính phủ, tuy nhiên các biện pháp này không thể kéo dài bởi nguy cơ phải đối mặt với vấn đề vỡ nợ buộc Chính phủ Mỹ phải cắt giảm chi tiêu ngân sách. Ngày 15-2-2023, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) đưa ra cảnh báo về nguy cơ vỡ nợ của Mỹ trong bối cảnh Đảng Cộng hòa không tán thành việc cắt giảm chi tiêu ngân sách thời gian tới, cũng như dự luật nâng trần nợ công(6).
Một số điều chỉnh chính sách kinh tế của Mỹ
Một là, điều chỉnh chính sách tiền tệ.
Tỷ lệ lạm phát ở Mỹ có xu hướng tăng từ giữa năm 2021 và đã tăng lên 7,5% vào tháng 1-2022, đây cũng là mức tăng chỉ số giá tiêu dùng cao nhất trong vòng 40 năm (kể từ năm 1982). Mặc dù tỷ lệ lạm phát ở Mỹ trong tháng đầu năm 2022 đã vượt mức 7% và tỷ lệ lạm phát lõi chạm mốc 6%, song tại cuộc họp của Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC, tháng 1-2022), các quan chức FED khẳng định vẫn duy trì lãi suất cơ bản ở mức thấp với biên độ 0 - 0,25%. Trong bối cảnh tỷ lệ lạm phát ở Mỹ gia tăng với tốc độ nhanh chóng, FED vẫn quyết định không điều chỉnh lãi suất cơ bản.
Trong cơ chế điều hành chính sách tiền tệ của FED, các nhà hoạch định chính sách thường đề cập đến Quy tắc Taylor (được đề xuất bởi nhà kinh tế học John B. Taylor vào năm 1993). Quy tắc Taylor được nhắc đến lần đầu tiên tại cuộc họp của FOMC năm 1995. Nhiều thành viên của FOMC bày tỏ quan điểm tin tưởng vào Quy tắc Taylor và cho rằng, quy tắc này phản ánh tương đối chính xác các quyết định lãi suất của FED(7).
Trên cơ sở đó, trong những thập niên trước, FED tăng lãi suất ngắn hạn nhằm ngăn chặn lạm phát gia tăng, nếu không sẽ phải nâng tỷ lệ lãi suất cao hơn để đưa tỷ lệ lạm phát trở lại ổn định. Tuy nhiên, từ năm 2020, FED đã sửa đổi các quy định liên quan đến chính sách tiền tệ, trong đó duy trì mục tiêu lạm phát dài hạn là 2%. Với FED, tỷ lệ này tương ứng với mức tăng giá cả vừa phải, được cho là phù hợp nhằm vừa thúc đẩy sản xuất hàng hóa tại các doanh nghiệp, vừa không ảnh hưởng đến ngân quỹ của người tiêu dùng.
Ngày 26-1-2022, trong tuyên bố chính sách, FOMC quyết định giữ nguyên lãi suất quỹ liên bang và khẳng định sẽ sớm tìm thời điểm thích hợp để tăng phạm vi mục tiêu của lãi suất. Đến tháng 3-2022, sau khi tỷ lệ lạm phát tiếp tục tăng lên 7,9% và tỷ lệ lạm phát lõi tăng lên 6,4%, FED mới đưa ra quyết định nâng phạm vi mục tiêu đối với lãi suất quỹ liên bang lên 0,25 - 0,5%. Quyết định này đánh dấu lần tăng lãi suất của FED trong vòng hơn ba năm kể từ cuối năm 2018. Giá cả hàng hóa leo thang đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới chi tiêu của người tiêu dùng và doanh nghiệp, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều khía cạnh của nền kinh tế. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ dần giảm từ tháng 7-2021, xuống chỉ còn 3,8% trong tháng 2-2022. Đây là chất xúc tác quan trọng để FED điều chỉnh lãi suất.
Ngoài ra, cũng tại cuộc họp của FOMC (tháng 3-2022), các quan chức FED đã nhất trí về việc bắt đầu giảm dần bảng cân đối kế toán (từ tháng 5-2022) nhằm nỗ lực đối phó với sự gia tăng nhanh chóng của chỉ số giá tiêu dùng. Việc cắt giảm quy mô bảng cân đối kế toán và tăng mạnh lãi suất là những nỗ lực của FED nhằm đối phó với lạm phát, trong bối cảnh quy mô bảng cân đối kế toán đã tăng hơn gấp đôi trong vòng hơn hai năm, từ 4,1 nghìn tỷ USD (năm 2020) tăng lên gần 9 nghìn USD (năm 2022). Xuất hiện sự gia tăng nhanh chóng này là bởi việc mua 60 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng để hỗ trợ cho nền kinh tế Mỹ khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc diễn ra gay gắt vào năm 2019 và những tác động của đại dịch COVID-19 bùng phát từ tháng 3-2020.
Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực của FED, tỷ lệ lạm phát tiếp tục tăng nhanh và đạt mức đỉnh điểm 9,1% trong tháng 6-2022. Để tiếp tục nỗ lực kiềm chế lạm phát, FED tiếp tục đưa ra quyết định tăng lãi suất quỹ liên bang. Sau các động thái thắt chặt mạnh mẽ chính sách tiền tệ, tỷ lệ lạm phát ở Mỹ đã có xu hướng giảm dần. Tỷ lệ lạm phát từ 7,7% (tháng 10-2022) giảm xuống còn 7,1% (tháng 11-2022), đồng thời tỷ lệ lạm phát lõi đã giảm từ 6,6% (tháng 9-2022) xuống còn 6% (tháng 11-2022). Việc chỉ số giá tiêu dùng và tỷ lệ lạm phát lõi giảm được xem là cơ sở để FED cân nhắc giảm tốc độ tăng lãi suất cơ bản, bởi động thái tăng mạnh lãi suất có thể gây ra một số ảnh hưởng tiêu cực đối với nền kinh tế và dẫn đến nguy cơ suy thoái kinh tế.
Tháng 12-2022, trong cuộc họp chính sách cuối cùng trong năm của FOMC, các quan chức FED đã quyết định giảm dần tốc độ tăng lãi suất cơ bản, theo đó mức tăng lãi suất được đưa ra trong cuộc họp lần này là 0,5 điểm phần trăm. Có thể thấy rằng, trong năm 2022, FED đã có bảy lần nâng tỷ lệ lãi suất quỹ liên bang, đưa lãi suất chuẩn ở Mỹ tăng lên 4,25 - 4,5% - mức lãi suất cao nhất kể từ năm 2007 ở nước này.
Mặc dù tỷ lệ lạm phát ở Mỹ đã giảm xuống mức thấp hơn so với thời điểm cuối năm 2021, song việc đưa lạm phát về mức mục tiêu 2% vẫn còn là một vấn đề nan giải. Người tiêu dùng Mỹ vẫn phải đối mặt với các khoản vay với lãi suất cao. Tính đến tháng 7-2023, để đối phó với mức lạm phát giảm chậm hơn so với kỳ vọng, FED tiếp tục đưa ra quyết định tăng lãi suất trong các cuộc họp của FOMC với biên độ lãi suất đạt 0,25 điểm cơ bản. Việc duy trì tỷ lệ lãi suất ở mức cận 0 trong một thời gian dài (2009 - 2022) và trì hoãn việc tăng lãi suất vào năm 2021 trong bối cảnh lạm phát leo thang đã khiến FED phải đưa ra quyết định tăng lãi suất liên tiếp trong bốn lần tại các cuộc họp trong năm 2022. Quyết định trì hoãn tăng lãi suất của FED được cho là khác so với các quy định của Quy tắc Taylor, khiến Ngân hàng Trung ương Mỹ gặp nhiều khó khăn trong việc đưa tỷ lệ lạm phát về mức tiêu chuẩn.
Hai là, điều chỉnh chính sách tài khóa.
Kế hoạch ngân sách năm 2023 của chính quyền Tổng thống Mỹ J. Biden đã đề xuất tăng thuế thu nhập đối với giới siêu giàu và doanh nghiệp, đồng thời yêu cầu tăng ngân sách chi tiêu cho Bộ Quốc phòng và Bộ Tư pháp. Kế hoạch ngân sách này đề cập đến mức thuế tối thiểu đối với các tỷ phú là 20% cho 0,01% những người giàu nhất nước Mỹ và các hộ gia đình có tài sản ở mức hơn 100 triệu USD. Ngân sách năm 2023 chuyển hướng trọng tâm ra khỏi các gói kích thích nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19 và chuyển mục tiêu mới sang giảm tỷ lệ tội phạm trong nước cùng các vấn đề liên quan tới quốc phòng, an ninh.
Đề xuất ngân sách năm 2023 của Chính phủ Mỹ hướng tới mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách liên bang khoảng 1.000 tỷ USD trong vòng 10 năm tới. Mục tiêu giảm thiểu thâm hụt ngân sách này sẽ được thực hiện một phần thông qua việc tăng thu ngân sách nhờ tăng thuế suất thu nhập doanh nghiệp từ 21% lên 28%, tăng thuế suất hàng hóa nhập khẩu từ 10,5% lên 20% và tăng thuế thu nhập cá nhân đối với giới siêu giàu. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính Mỹ cũng đề xuất áp dụng mức 15% đối với thuế suất tối thiểu toàn cầu cho các doanh nghiệp toàn cầu, thông qua việc từ chối khấu trừ đối với các khoản thuế đã nộp tại các quốc gia, cũng như các vùng lãnh thổ có thuế suất dưới mức 15%(8).
Trong năm tài khóa 2022(9), các khoản chi tiêu ngân sách của Mỹ đã giảm từ 6,822 nghìn tỷ USD xuống còn 6,272 nghìn tỷ USD (giảm 550 tỷ USD - mức cao kỷ lục), chủ yếu là do Chính phủ Mỹ cắt giảm mức chi tiêu các khoản hỗ trợ các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Mức chi ngân sách giảm mạnh đã khiến thâm hụt ngân sách trong năm tài khóa 2022 giảm một nửa so với năm tài khóa 2021, xuống chỉ còn 1,375 nghìn tỷ USD(10).
Những tác động đối với Việt Nam
Tháng 9-2023, Việt Nam và Mỹ đã tuyên bố nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Điều này mở ra nhiều cơ hội mới đối với Việt Nam nhưng cũng đặt ra không ít thách thức bởi những thay đổi, điều chỉnh của nền kinh tế Mỹ tác động trực tiếp hơn đến nền kinh tế nước ta. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu chậm lại, Năm 2023, tính đến tháng 11-2023, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Mỹ ước đạt 100,62 tỷ USD. Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, tuy nhiên mức tăng trưởng xuất khẩu này chủ yếu do tăng về giá chứ không phải tăng về số lượng. Thêm vào đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng bị cản trở do lãi suất tăng cao và việc tiếp cận nguồn vốn gặp khó khăn.
Năm 2022, tình trạng lạm phát diễn ra mạnh trên toàn cầu, vì vậy hầu hết các quốc gia đều sử dụng lãi suất như một công cụ để khống chế lạm phát. Các động thái thắt chặt tiền tệ của FED khiến nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, trên thực tế, việc FED tăng lãi suất không gây nhiều tác động do đây là việc được thực hiện theo lộ trình. Tuy nhiên, trong trung hạn, điều này sẽ khiến chi phí vốn và trả nợ của các chính phủ, hộ gia đình và doanh nghiệp tăng cao, khiến kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, tác động trực tiếp tới kinh tế - tài chính Việt Nam, mặc dù không nhiều song cũng dần rõ nét.
Theo báo cáo của Hội nghị về Thương mại và phát triển Liên hợp quốc (UNTAC), năm 2023, thương mại toàn cầu sẽ giảm khoảng 5%(11), song nền kinh tế Việt Nam vẫn có nhiều khả năng tiếp tục đà phục hồi, bất chấp các yếu tố bất lợi, như lạm phát toàn cầu leo thang, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở một số quốc gia đối tác thương mại chính của Việt Nam chậm lại. Năm 2022, mức tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt trên 8% - mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022. Tuy nhiên, trong thời gian tới, tác động đến từ những thay đổi trong chính sách kinh tế của Mỹ sẽ khiến nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với không ít thách thức.
Thứ nhất, mặt bằng lãi suất toàn cầu tăng lên có thể khiến nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, làm giảm sức cầu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Nguyên nhân do FED và một số ngân hàng trung ương các nước tiếp tục tăng lãi suất nhằm đối phó với lạm phát, khiến chi phí đi vay của doanh nghiệp và người dân tăng lên, nhu cầu hàng hóa - dịch vụ giảm.
Thứ hai, lạm phát ở nhiều quốc gia vẫn ở mức cao, đặc biệt ở các quốc gia là đối tác thương mại chủ yếu của Việt Nam, khiến người tiêu dùng ở các quốc gia này phải thắt chặt chi tiêu, làm giảm nhu cầu tiêu thụ, dẫn đến khối lượng hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường các quốc gia này cũng giảm sút.
Thứ ba, việc FED tăng lãi suất sẽ khiến đồng USD lên giá so với hầu hết đồng tiền khác, trong đó có VND, tạo sức ép lớn hơn lên tỷ giá USD/VND. Khi giá đồng USD tăng khiến các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài bán cho thị trường trong nước phải đối mặt với sự gia tăng chi phí đầu vào, dẫn tới việc các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về vốn, bên cạnh đó doanh thu cũng như lợi nhuận sẽ giảm sút. Mặc dù vẫn có một số doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam thu về đồng USD sẽ được hưởng lợi, song những doanh nghiệp xuất khẩu đó chủ yếu là nhập hàng về gia công và sau đó xuất khẩu nên lợi nhuận thu được không đáng kể.
Thứ tư, tác động tới dòng vốn đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài. Khi FED tăng lãi suất, một số nhà đầu tư lo ngại rủi ro và rút vốn từ các thị trường mới nổi, quay về đầu tư tại thị trường Mỹ và một số thị trường phát triển khác nhằm hạn chế rủi ro và hưởng lãi suất cao hơn trước, tác động không nhỏ đến lĩnh vực đầu tư tại Việt Nam.
Trước tình hình đó, Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam cần đưa ra các biện pháp linh hoạt để đối phó với lạm phát và ổn định tỷ giá, đồng thời thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế. Bên cạnh đó, để chủ động về nguồn nhiên liệu, Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam cần tìm những nguồn nhập khẩu nhiên liệu khác để thay thế hoặc tham khảo phương thức chuyển dịch năng lượng hướng tới sử dụng năng lượng sạch. Để ứng phó với lạm phát, doanh nghiệp Việt Nam cần lập quỹ dự phòng nhằm duy trì số lượng khách hàng ổn định trước khi tăng giá bán hàng hóa và việc tăng giá cần có kế hoạch để tránh gây khó khăn cho người tiêu dùng.
Mối quan tâm của người dân và doanh nghiệp Việt Nam không chỉ là vấn đề tỷ giá ngoại tệ, mà còn có lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng - yếu tố được đặc biệt chú ý. Cùng với làn sóng tăng lãi suất cơ bản ở Mỹ, châu Âu và các nước trên thế giới nhằm kiềm chế lạm phát, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã có những điều chỉnh về lãi suất trong năm 2022. Năm 2023, khi tỷ lệ lạm phát đồng loạt giảm ở nhiều quốc gia trên thế giới và xu hướng tăng tỷ lệ lạm phát ở Việt Nam cũng đang chậm lại, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quyết định giảm lãi suất điều hành, tạo cơ sở cho các ngân hàng thương mại cũng như tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, hỗ trợ phục hồi nền kinh tế.
Có thể thấy, mặc dù tỷ lệ lạm phát ở Mỹ và trên toàn cầu trong năm 2023 đang giảm dần, song rủi ro và căng thẳng về lạm phát vẫn còn tồn tại. Những điều này tạo ra thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam. Trong thời gian tới, những bất ổn về địa - chính trị cũng có thể tác động tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu. Vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình lạm phát, tỷ giá và chính sách tiền tệ của Mỹ, cũng như của các nước trên thế giới để có chính sách điều chỉnh, điều hành lãi suất và ổn định tỷ giá phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định nền kinh tế vĩ mô ở Việt Nam./.
---------------------------------
(1) United States economic outlook: 2021 year-in-review and first quarter of 2022 (Tạm dịch: Triển vọng kinh tế Mỹ: Tổng kết năm 2021 và quý đầu tiên năm 2022), ngày 11-7-2022, https://www.cepal.org/en/notes/united-states-economic-outlook-2021-year-review-and-first-quarter-2022
(2) United States Real Consumer Spending (Tạm dịch: Chi tiêu cho tiêu dùng thực tế của Mỹ), https://tradingeconomics.com/united-states/real-consumer-spending
(3) United States GDP Growth Rate (Tạm dịch: Tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ), https://tradingeconomics.com/united-states/gdp-growth
(4) United States Real Consumer Spending (Tạm dịch: Chi tiêu cho tiêu dùng thực tế của Mỹ), Tlđd
(5) Trading Economics: “United States Government Debt” (Tạm dịch: Nợ công của Mỹ), https://tradingeconomics.com/united-states/government-debt
(6) David Lawder, Richard Cowan: “U.S. could face debt-ceiling crisis this summer without deal, CBO warns” (Tạm dịch: CBO cảnh báo Mỹ có thể phải đối mặt với cuộc khủng hoảng trần nợ vào mùa hè này nếu không có thỏa thuận), ngày 16-2-2023, https://www.reuters.com/world/us/congressional-budget-forecast-provide-insight-us-debt-ceiling-deadline-2023-02-15
(7) Theo Quy tắc Taylor, lãi suất điều hành của FED cần được điều chỉnh để đáp ứng sự thay đổi trong chênh lệch giữa GDP tiềm năng với GDP thực tế; chênh lệch giữa lạm phát thực tế với lạm phát mục tiêu trong một thời kỳ.
(8) Christina Wilkie: “Biden’s 2023 budget would hike taxes on the ultra-rich and corporations, boot defense and police spending” (Tạm dịch: Ngân sách năm 2023 của Biden sẽ tăng thuế đối với giới siêu giàu và các tập đoàn, chi tiêu cho quốc phòng và cảnh sát), ngày 28-3-2022, https://www.cnbc.com/2022/03/28/bidens-2023-budget-would-hike-taxes-on-the-ultra-rich-and-corporations-boost-defense-spending.html
(9) Tính từ ngày 1-10-2021 đến ngày 30-9-2022
(10) David Lawder: “U.S. 2022 budget dedicit halves to $1.375 trillion despite student loan costs” (Tạm dịch: Thâm hụt ngân sách năm 2022 của Hoa Kỳ giảm một nửa xuống còn 1,375 nghìn tỷ USD bất chấp chi phí vay sinh viên), ngày 22-10-2022, https://www.reuters.com/markets/us/us-fy-2022-budget-deficit-halves-1375-trln-despite-student-loan-costs-2022-10-21/
(11) Bình Minh: “Thương mại toàn cầu giảm 5% trong năm 2023”, Tạp chí Kinh tế Việt Nam điện tử, ngày 12-12-2023, https://vneconomy.vn/thuong-mai-toan-cau-giam-5-trong-nam-2023.htm
Tăng cường công tác phòng, chống tội phạm vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng hiện nay  (30/05/2023)
Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, thích ứng, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế  (30/04/2023)
Nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài tại tòa án ở Việt Nam  (07/03/2023)
Kinh nghiệm bước đầu của tỉnh Nam Định trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19  (25/12/2022)
Tỉnh Vĩnh Long phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể  (10/12/2022)
Châu Âu đối mặt với những thách thức lịch sử  (22/11/2022)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay