Từ bản lĩnh cứu nước của Hồ Chí Minh nghĩ về bản lĩnh đổi mới đất nước
1. Sang phương Tây tìm đường cứu nước thể hiện một bản lĩnh vượt lên chính mình
Quyết định của Nguyễn Tất Thành sang phương Tây tìm đường cứu nước cho chúng ta một bài học lớn: sự sống còn của một sự nghiệp, một dân tộc được định ở quyết tâm vượt qua, vượt lên chính mình.
Quyết tâm đó của người thanh niên Nguyễn Tất Thành được thể hiện ở 3 điểm sau:
Thứ nhất, vượt qua phương thức chống giặc cứu nước cổ truyền.
Sinh trưởng trong một gia đình nhà Nho, sớm thông tỏ đạo Thánh hiền, nhưng Nguyễn Tất Thành đã không tìm con đường cứu nước theo các tín điều Nho giáo. Vượt qua tư tưởng Tôn Quân - án ngữ lớn nhất trên con đường cứu nước, phục hưng dân tộc lúc bấy giờ - Nguyễn Tất Thành phê phán tất cả các phong trào yêu nước “nặng cốt cách phong kiến” dù cốt cách đó có chiều dày hàng ngàn năm.
Thứ hai, vượt qua lập trường dân chủ tư sản Việt Nam, lập trường dân chủ tư sản ở một nước thuộc địa nửa phong kiến, đồng thời phê phán tính không triệt để của nó.
Sớm tiếp xúc với “Khế ước xã hội” của Rút-xô, Tân văn, Tân thư của các nhà cách mạng Trung Quốc; chứng kiến các phong trào yêu nước trên lập trường dân chủ tư sản (Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh), Nguyễn Tất Thành thấy được lập trường dân chủ tư sản ở một nước thuộc địa chưa đủ sức tập hợp lực lượng để chống lại chủ nghĩa thực dân, và tất yếu chịu sự đàn áp của thực dân Pháp.
Thứ ba, khát khao vươn tới đỉnh cao văn minh và trí tuệ nhân loại, muốn học hỏi nhiều hơn những gì mình có, mặc dù những điều đã có là truyền thống dân tộc.
Nguyễn Tất Thành không muốn tìm câu trả lời có sẵn. Anh muốn đi ra nước ngoài, xem nước Pháp và các nước khác tổ chức và cai trị như thế nào, để trở về giúp đồng bào mình. Từ cái lô-gic ấy, Nguyễn Tất Thành đi rất nhiều nước: Pháp, Anh, Mỹ, I-ta-li-a, Thụy Sĩ, Đức, Toà thánh Vaticăng, Liên Xô, Trung Quốc, Thái Lan, châu Phi... Đi nhiều nơi, chiêm nghiệm nhiều, lao động để sống, để học tập, để hoạt động cách mạng, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - đã tích lũy được rất nhiều bài học, mà nếu chỉ ở quê nhà sẽ không thể tìm thấy.
Từ bản lĩnh vượt lên chính mình của Nguyễn Tất Thành cho thấy, để rèn luyện được phẩm chất đó, con người phải có Tâm, có Tầm, có Trí.
Tâm là lòng yêu nước, thương dân tha thiết. Lòng yêu nước sâu sắc sẽ mách bảo người cách mạng nên hành động như thế nào.
Tầm là phải nhìn xa, trông rộng, thấy được xu thế toàn cục: thời đại, thế giới, trong nước; thấy được lợi ích của toàn dân tộc và lợi ích của một giai cấp, một nhóm, một người; phải có tinh thần học hỏi, phải vứt bỏ các thiên kiến cũ. Có Tầm chúng ta sẽ có được sự chỉ dẫn của tầm vóc nhân loại.
Trí là tri thức, trí tuệ. Có trí, nghĩa là chúng ta sẽ thâu tóm và được được dắt dẫn bởi tri thức của nhân dân, học hỏi được tinh hoa văn hoá nhân loại, nhờ đó nâng cao thêm vị thế dân tộc, làm giàu thêm cho nền văn hóa dân tộc.
2. Văn minh phương Tây đã đem lại những giá trị mới mang tính cách mạng và khoa học trong tư tưởng cứu nước của Hồ Chí Minh.
Văn minh phương Tây đem lại cho Nguyễn Ái Quốc những giá trị mà ở phương Đông lúc bấy giờ chưa có. Đó là những khái niệm: Tự do, bình đẳng, bác ái, nhân quyền, dân quyền, pháp quyền, dân chủ, cách mạng xã hội, đặc biệt là chủ nghĩa cộng sản và con đường đấu tranh giải phóng dân tộc theo Luận cương của V.I.Lê-nin…
Trong thực tiễn, Nguyễn Ái Quốc học được rất nhiều về các mô hình tổ chức đời sống nhà nước và đời sống xã hội theo hình thức chính thể cộng hoà dân chủ. Những giá trị tiến bộ của phương Tây đã ảnh hưởng rất sâu sắc đến tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc. Trong Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người viết: mọi người sinh ra đều bình đẳng, quyền được sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc. Tạo hoá đã ban cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được. Những giá trị mà theo Hồ Chí Minh là quý nhất như “Độc lập” “Tự do”,…là cái trời ban, nghĩa là “quyền tự nhiên”, không có trong các chế độ phong kiến chuyên chế phương Đông, ở các nước thuộc địa.
Ngày nay, đây là những giá trị phổ biến của VĂN MINH chính trị nhân loại, phản ánh những quyền cơ bản của con người, của các cộng đồng và các dân tộc. Bất kỳ một lực lượng cách mạng nào, một nhà nước nào muốn tập hợp nhân dân, muốn đoàn kết nhân dân, trước hết, phải thực hiện những quyền cơ bản đó. Đối với nước ta hiện nay, điều này càng có ý nghĩa to lớn, khi chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.
3- Đặt quyền lợi dân tộc lên trên hết là động lực vượt qua mọi khó khăn thử thách và là nền tảng cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đảm bảo cho mọi thành công của cách mạng.
Trong suốt cuộc đời cách mạng của mình, từ khi là Nguyễn Tất Thành rồi đến Nguyễn Ái Quốc và trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người luôn luôn đặt lợi ích dân tộc lên trên hết. Từ việc đi ra nước ngoài tìm đường cứu nước, học hỏi kinh nghiệm cách mạng Mỹ, Pháp, Trung Hoa,.. đến việc tin theo V.I.Lê-nin, tin theo Quốc tế III, đều xuất phát từ lòng yêu nước. Chính chủ nghĩa yêu nước chứ chưa phải là chủ nghĩa quốc tế đã giúp Nguyễn Ái Quốc đến với Quốc tế III, ủng hộ nước Nga Xô-viết. Sau này, hoạt động trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đặc biệt là những năm ở Mat-xcơ-va, trong Quốc tế III, chủ nghĩa yêu nước, lợi ích dân tộc, vẫn luôn chi phối, xuyên suốt trong tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc. Điều đó làm cho nhiều người theo chủ nghĩa quốc tế hư vô, máy móc, giáo điều không thể hiểu, thậm chí phê phán Người đã đặt lợi ích dân tộc cao hơn lợi ích quốc tế.
Trong cuộc đấu tranh này, Nguyễn Ái Quốc là một người rất khoa học, rất sáng tạo. Người nêu một tấm gương về tính kiên trì thuyết phục, chứng minh tính đúng đắn bằng thực tiễn cách mạng chứ không phải bằng tranh cãi kinh viện, hay tầm chương trích cú theo chủ nghĩa giáo điều.
Cho đến nay, không phải ai cũng hiểu được đầy đủ quan điểm của Nguyễn Ái Quốc khi đó cho rằng: Trong điều kiện của Việt Nam, “chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước.” (1).
Trong cuộc đấu tranh chống thực dân, Nguyễn Ái Quốc nhìn thấy, nếu không phục hưng chủ nghĩa dân tộc, vốn bị chế độ phong kiến hàng ngàn năm làm cho bạc nhược, vốn bị chủ nghĩa thực dân đầu độc; khi chủ nghĩa dân tộc cũ gắn với chủ nghĩa tôn quân (quân quyền) chưa được giải phóng, chưa được thay thế bởi chủ nghĩa dân tộc mới gắn với dân quyền; khi điều kiện khách quan chưa cho phép bất kỳ một chủ nghĩa quốc tế nào thâm nhập được vào đời sống tinh thần tư tưởng của nhân dân, thì sẽ không huy động được dân tộc. Vì vậy, Nguyễn Ái Quốc cho rằng cần phải nhân danh Quốc tế Cộng sản để “phát động chủ nghĩa dân tộc bản xứ”. Người nói: “Giờ đây, người ta sẽ không thể làm gì được cho người An Nam nếu không dựa trên động lực vĩ đại, và duy nhất của đời sống xã hội của họ.”(2).
Nguyễn Ái Quốc hy vọng, đến một ngày nào đó khi xu thế cách mạng vô sản trở thành phổ biến trên thế giới thì chủ nghĩa dân tộc này sẽ biến thành chủ nghĩa quốc tế. Điều này tuy không được nhiều người trong Quốc tế III ủng hộ, nhưng thực tiễn chứng minh rằng Nguyễn Ái Quốc đã đúng. Với sự phân tích như vậy, Nguyễn Ái Quốc luôn luôn coi trọng và phục hưng chủ nghĩa yêu nước Việt Nam trong điều kiện đấu tranh giải phóng dân tộc thế kỷ XX. Tư tưởng đó đã trở thành quan điểm chiến lược trong tư duy chính trị của Người: Đoàn kết, đại đoàn kết, thành công đại thành công.
4. Áp dụng những tư tưởng tiến bộ và cách mạng của thế giới vào quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng chính quyền mới ở Việt Nam
Ngày 19-8-1947, trong thư gửi đồng bào nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám. Hồ Chủ tịch viết:
“Noi gương Cách mạng 1776 của Mỹ, Cách mạng Tháng Tám tranh tự chủ chống ngoại xâm
Cũng như Cách mạng 1789 của Pháp, Cách mạng Tháng Tám thực hành lý tưởng: Bình đẳng, Tự do, Bác ái.
Theo gót Cách mạng 1911 của Tàu, Cách mạng Tháng Tám thực hiện chủ nghĩa: Dân tộc, dân quyền, dân sinh.”(3)
Người viết nhiều về cách mạng Nga và noi gương cách mạng Nga là đã đem lợi ích đến cho nhân dân lao động mà đa số là công, nông. Nhờ tổng kết kinh nghiệm của nhiều cuộc cách mạng, Hồ Chí Minh đã xác định chiến lược, sách lược của cách mạng Việt Nam một cách đúng đắn, đồng thời rất sáng tạo trong xác định lực lượng của cách mạng: Toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt giai cấp, dòng giống, giàu nghèo...chỉ trừ bọn đã ra mặt phản động, bọn Việt gian, bán nước.
Khi đã giành được độc lập dân tộc, thì:
Bao nhiêu lợi ích đều vì dân.
Bao nhiêu quyền hạn đều của dân.
Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân.
Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân.
Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra.
Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên.
Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”(4).
Trong chế độ dân chủ của chúng ta, bộ máy nhà nước, công chức nhà nước chỉ là công bộc, là đầy tớ của dân.
Quan niệm “Nhân dân” trong tư tưởng Hồ Chí Minh rất rõ rệt, đầy đủ và nhất quán, kế thừa tư tưởng “dân là gốc” của tư tưởng chính trị Việt Nam truyền thống và tính thể chế, tính pháp quyền trong tư tưởng chính trị phương Tây để đảm bảo quyền lực của nhân dân.
Khi thành lập Mặt trận Việt Minh, trong “Kính cáo đồng bào”, Hồ Chí Minh kêu gọi “toàn dân đoàn kết”. “Toàn dân” ở đây gồm: Các bậc phụ huynh, các bậc hiền huynh chí sĩ, các bạn sĩ, nông, công, thương (thương nhân và các nhà kinh doanh), các bậc phú hào yêu nước, thương nòi, các bạn công, nông, binh, thanh niên, phụ nữ, công chức, tiểu thương. Đối với giai cấp tư sản dân tộc, Người có cách nhìn khác với nhiều nhà cách mạng đương thời. Người gọi họ là “các nhà tư sản ta” và coi đó là một bộ phận nhân dân, cũng chịu chung số phận bị áp bức. Trong Tuyên ngôn độc lập, khi tố cáo tội ác của bọn thực dân, Người viết: “Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên”(5). Sau này, trong thời kỳ đấu tranh bảo vệ chính quyền Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ, Hồ Chí Minh đánh giá cao những đóng góp của các nhà tư sản ta, đặc biệt là trong tuần lễ Vàng, trong kháng chiến kiến quốc.
5. Xác định đúng động lực của khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Trong bài Toàn dân kháng chiến, viết ngày 5-11-1945, Hồ Chí Minh nêu rõ: “Nếu quyền lợi dân tộc không còn, quyền lợi và sự nghiệp của cá nhân liệu còn giữ được an toàn không?”.
Với tinh thần dân tộc ấy, trong Lời tuyên bố trước Quốc hội ngày 31-10-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói “Tôi xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân, trước thế giới: Tôi chỉ có một đảng, đảng Việt Nam.”(6). Khi trả lời các nhà báo nước ngoài (Cứu quốc 21-1-1946), Hồ Chí Minh lại khẳng định: “Nếu cần có đảng phái thì sẽ là Đảng dân tộc Việt Nam. Đảng đó sẽ chỉ có một mục đích làm cho dân tộc ta hoàn toàn độc lập. Đảng viên của đảng đó sẽ là tất cả quốc dân Việt Nam, trừ những kẻ phản quốc và những kẻ tham ô ra ngoài.”(7)
Những tuyên bố trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh hàm chứa những ý nghĩa sâu xa về vị trí, vai trò của đảng cách mạng ở nước ta và tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc.
Động lực của đại đoàn kết bao giờ cũng dựa trên lợi ích vật chất và tinh thần, là lợi ích chung và lợi ích riêng của mỗi một người dân, của các giai cấp các nhóm xã hội. Nếu trước đây, khi chưa có độc lập, lợi ích chung và lợi ích riêng gắn với nhau trong mệnh đề “nước mất nhà tan”, muốn yên nhà thì trước hết phải cứu nước, giữ lấy nước. Khi nước có độc lập rồi, thì động lực của đại đoàn kết toàn dân tộc là “dân giàu, nước mạnh”. Muốn nước mạnh thì trước hết dân phải giàu. Lợi ích chung và riêng phải gắn kết với nhau, nhưng vị trí, vai trò, tính chất ưu tiên giữa chung và riêng ở mỗi giai đoạn mỗi khác.
Ngày nay, lợi ích chung là sự thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, là ổn định chính trị - xã hội để phát triển, để sớm đưa dân tộc ta thoát khỏi tình trạng kém phát triển, sánh vai với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Lợi ích chung là như vậy, nhưng lợi ích riêng lại vô cùng khác nhau, có khi mâu thuẫn, đối lập nhau. Để có “mẫu số chung” cho các lợi ích riêng khác nhau đó trong một xã hội văn minh phải thực hành triệt để dân chủ. Dân phải thấy được quyền lợi của mình được phản ánh và bảo đảm trong mọi chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, dân được thực sự làm chủ, quyết định vận mệnh của mình, được tham gia vào công việc của nhà nước và xã hội, được thực hiện đầy đủ các quyền: quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc. Nhân dân sau khi đã ủy một phần quyền (chứ không phải tất cả) để tổ chức ra Nhà nước làm chức năng công quyền, còn lại sẽ được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm. Cũng sẽ xuất hiện những mâu thuẫn, xung đột nhất định do sự khác biệt về các lợi ích, do trong điều kiện hiện nay, Nhà nước và xã hội chưa thể thực hiện triệt để sự công bằng, bình đẳng… Trong những trường hợp như vậy, cần có sự đối thoại, lắng nghe, tôn trọng, tuân thủ pháp luật… tạo nên sự đồng thuận xã hội vì lợi ích tối cao của dân tộc.
6. Về bản lĩnh đổi mới đất nước hiện nay
Bản lĩnh đổi mới đất nước hiện nay, trước hết, phải xuất phát từ chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dân tộc, Đảng phải là đảng của một giai cấp biết “tự mình trở thành dân tộc”. Khi đã trở thành đảng cầm quyền, phải biết lãnh đạo Nhà nước thực hiện chức năng xã hội, chức năng công quyền (bảo vệ lợi ích của toàn xã hội) ngày càng tốt hơn và trở thành chức năng chính, còn chức năng giai cấp (lợi ích của giai cấp cầm quyền) ngày càng nhỏ đi và hoà vào chức năng công quyền. Đó là con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội. Nghĩa là, biết đặt lợi ích của toàn dân tộc lên trên hết, biết xây dựng một xã hội dân chủ pháp quyền.
Bản lĩnh đổi mới phải biết vươn tới tầm nhân loại. Hồ Chí Minh đã “đi tìm hình của nước” trong nhân loại, trong những giá trị nhân loại, vì nước ta là một bộ phận của nhân loại. Chính nhờ tầm nhân loại mà Bác Hồ đã tìm ra cách giải quyết các vấn đề dân tộc theo giá trị và chuẩn mực nhân loại. Người tìm thấy “hình của nước” trong tấm gương nhân loại. Nhờ vậy, Người được nhân loại tiến bộ yêu mến, khâm phục, giúp đỡ. Đó là bài học của đại đoàn kết, và vì thế, nó là bài học của đại thành công.
Muốn đoàn kết được toàn dân tộc, cán bộ của Đảng và nhà nước phải là hạt nhân của khối đại đoàn kết đó, phải có “Tâm”, có “Tầm”, có “Trí”, phải nêu gương sáng về đức hy sinh “lo trước thiên hạ vui sau thiên hạ”, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Chỉ như thế dân mới tin, mới theo, mới hăng hái gánh vác công việc với Đảng và Nhà nước.
Khi nói về đời sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cố thủ tướng Phạm Văn Đồng nói: “Đời sống Hồ Chủ tịch là một đời sống khắc khổ, cần lao và tranh đấu. Người lãnh tụ của một dân tộc mất nước không thể có một đời sống khác”.
Ngày nay, đảng viên, cán bộ, nhất là cán bộ có chức có quyền của một nước nghèo, chậm phát triển, đang đổi mới, phải chọn một lối sống như thế nào để xứng đáng với sự kỳ vọng, sự chờ đợi, tin tưởng của nhân dân. Đó cũng là một câu hỏi lớn đặt ra cho tất cả cán bộ đảng viên của Đảng hôm nay.
(2) Sđd tr. 467
(3) Sđd, tập 5, tr.187
(4) Sđd, tập 5, tr.698
(5) Sđd tập 4, tr. 2
(6) Sđd, tr.427
(7) Sđd, tr. 162
Từ bản lĩnh cứu nước của Hồ Chí Minh nghĩ về bản lĩnh đổi mới đất nước  (23/04/2007)
Xu hướng đi lên chủ nghĩa xã hội của các nước Mỹ La - tinh  (18/04/2007)
Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tín ngưỡng, tôn giáo  (18/04/2007)
“Tam nông” Trong thực hiện các cam kết WTO  (18/04/2007)
Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể ở nước ta hiện nay  (18/04/2007)
Đồng chí Trường Chinh - nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam  (18/04/2007)
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
- Mối quan hệ giữa già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế: Kinh nghiệm của Nhật Bản và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên