Thế kỷ châu Phi - sự thần kỳ mới của thế giới
TCCS - Nhiều nhà phân tích dự báo, thế kỷ XXI sẽ là “thế kỷ của châu Phi” với quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa diễn ra nhanh chóng, mặc dù tình trạng nghèo đói, bất bình đẳng và thất thoát tài nguyên vẫn còn phổ biến. Trong hai thập niên vừa qua, châu Phi đang chứng kiến một sự chuyển đổi mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Những biến chuyển sâu sắc đã và đang diễn ra tại châu Phi thời gian qua đã làm thay đổi nhận thức của thế giới về châu lục này.
Nền tảng cho sự phát triển ở châu Phi
Cùng với tỷ lệ gia tăng dân số nhanh và tốc độ tăng trưởng kinh tế cao ở nhiều quốc gia trong khu vực, châu Phi đang trở thành lục địa có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất trên thế giới. Đến năm 2050, dân số của châu Phi dự kiến sẽ tăng gấp đôi, với 80% sự gia tăng này diễn ra ở các thành phố, đưa tổng số người dân thành thị của lục địa này lên đến hơn 1,3 tỷ người, chiếm một phần tư dân số thế giới với lực lượng lao động trẻ lớn nhất thế giới. Châu lục này còn là nơi có nhiều nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, như Nam Xu-đăng, Ru-an-đa, Ê-ti-ô-pi-a, Di-bô-ti... với Hiệp định thương mại tự do lục địa châu Phi (AfCFTA) đã được triển khai, không chỉ thúc đẩy thương mại châu Phi mà còn giúp củng cố vị thế của lục địa này trên thị trường toàn cầu, trở thành lực kéo các quốc gia đến với châu Phi. Với mục tiêu cơ bản là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, châu Phi đã quan tâm đến lợi ích của mọi người dân, cả ở các quốc gia phát triển và đang phát triển trong khu vực. Điều này thể hiện:
Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và tương đối ổn định.
Theo nghiên cứu của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế khu vực châu Phi (AU - OECD), tốc độ tăng trưởng GDP của châu Phi giai đoạn 2000 - 2020 đạt mức trung bình 4,6%/năm, đứng thứ hai trên thế giới sau châu Á với tốc độ tăng trưởng là 7,4% và cao hơn Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê (LAC) là 2,6%; đồng thời, châu lục này có những nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới như Ê-ti-ô-pi-a, Ru-an-đa, Bờ Biển Ngà, Gha-na... Theo Công ty tư vấn quản lý quốc tế McKinsey & Company (Mỹ), châu Phi có tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt trội như vậy chủ yếu do quá trình chuyển dịch cơ cấu của các quốc gia châu Phi(1). Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng nội địa của châu Phi cũng đóng góp 69% trong kết quả tăng trưởng này. Sức mạnh kinh tế và sự đa dạng hóa nền kinh tế đã giúp các quốc gia vừa tránh được những ảnh hưởng từ các cú sốc bên ngoài, vừa được hưởng lợi từ giá cả hàng hóa bên trong. Cơ cấu tăng trưởng theo định hướng tiêu dùng trở nên phổ biến trong khu vực, giúp khu vực trở thành điểm đến đầu tư và sản xuất đầy hứa hẹn của các đối tác(2).
Bất chấp những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Báo cáo Phục hồi trong đại dịch của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy, trong năm 2022, 25 nền kinh tế phát triển nhanh nhất của châu Phi sẽ ghi nhận mức tăng trưởng cao hơn 5%. Mười nền kinh tế châu Phi hoạt động tốt nhất là Xây-sen, dự kiến tốc độ tăng trưởng đạt 7,7%, Ru-an-đa (7,0%), Mô-ri-xơ (6,7%), Ni-giê-ri-a (6,6%), Bê-nanh, Ca-bô Ve-đê, Nam Xu-đăng và Bờ Biển Ngà (6,5%), trong khi Ghi-nê và Ga-na lần lượt đạt 6,3% và 6,2%. IMF dự báo, nền kinh tế châu Phi sẽ tăng trưởng 3,8% vào năm 2022 nhờ sự phát triển sản xuất nông nghiệp ở một số quốc gia. Bên cạnh đó, những ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga - U-crai-na có khả năng cản trở những nỗ lực này, do các nền kinh tế châu Phi liên kết chặt chẽ với Nga và U-crai-na qua nhập khẩu lương thực và du lịch (Nga và U-crai-na chiếm gần 30% xuất khẩu lúa mì toàn cầu và phần lớn vào Ai Cập, sau đó được phân phối trên khắp lục địa châu Phi). Giá lương thực cao dẫn đến tình trạng lạm phát, đe dọa các nền kinh tế phụ thuộc nhập khẩu lúa mì từ Biển Đen như Ga-na, Ni-giê-ri-a, Kê-ni-a, Xu-đăng..., tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu sẽ tác động sâu sắc đến châu Phi. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế ở khu vực châu Phi trong năm 2022 sẽ vẫn được định hình nhờ các nỗ lực mạnh mẽ thúc đẩy hoạt động khai khoáng, thương mại và đầu tư.
Sự phát triển của các thị trường châu Phi cho thấy châu lục này có tiềm năng lớn để chuyển đổi hệ thống sản xuất trong một thế giới đang thay đổi. Nhiều doanh nghiệp địa phương đang nắm bắt những cơ hội này để gia tăng phát triển về quy mô và năng suất. Năm 2018, các công ty khởi nghiệp công nghệ châu Phi đã huy động vốn chủ sở hữu đạt mức kỷ lục 1,2 tỷ USD so với mức 560 triệu USD vào năm 2017. Mặc dù vậy vẫn phải thừa nhận rằng, quy mô chuyển đổi sản xuất ở châu Phi chưa lan rộng, đặc biệt là trong các lĩnh vực sử dụng nhiều việc làm và số lượng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu trong khu vực(3).
Thứ hai, thị trường nội khối được hình thành với nhiều tiềm năng.
Sau nhiều năm đàm phán, ngày 21-3-2018, AfCFTA đã được ký kết và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-1-2021. Đây là một hiệp định thương mại lớn của khu vực với 1,3 tỷ dân và GDP đạt mức hơn 3.000 tỷ USD. AfCFTA được thành lập với mục tiêu nâng cao khả năng cạnh tranh, kích thích đầu tư, đổi mới và tăng trưởng kinh tế thông qua loại bỏ các rào cản đối với thương mại. Đây là bước đi mang tính lịch sử cho thương mại nội khối của lục địa châu Phi, mở ra nhiều cơ hội gia tăng giá trị thương mại nội khối, thúc đẩy phát triển đa dạng hóa nền công nghiệp và phát triển chuỗi giá trị khu vực, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế lục địa và thúc đẩy thương mại điện tử.
Với việc loại bỏ các rào cản thương mại và cho phép tự do di chuyển hàng hóa, dịch vụ và con người trên khắp châu Phi, AfCFTA có thể mang lại cho khu vực này 450 tỷ USD vào năm 2035, đưa 30 triệu người thoát khỏi cảnh đói nghèo cùng cực, hướng tới một liên minh thuế quan lục địa, xóa bỏ thuế quan đối với 90% hàng hóa nội khối, làm tăng giá trị thương mại nội châu Phi từ 15% đến 25% vào năm 2040 (tương đương từ 50 tỷ đến 70 tỷ USD)(4). Với mong muốn thúc đẩy thương mại giữa các quốc gia châu Phi, AfCFTA sẽ tạo ra một thị trường duy nhất cho hàng hóa và dịch vụ, bởi thương mại nội khối khu vực này thấp nhất so với các khu vực khác trên thế giới. AfCFTA sẽ giúp châu Phi thoát khỏi mô hình kinh tế thuộc địa; thay vì tiếp cận thuế quan như một công cụ để tạo doanh thu, thuế quan sẽ trở thành một công cụ để phát triển nền công nghiệp ở châu Phi.
Thứ ba, hoạt động thương mại ngày càng sôi động và mở rộng.
Thương mại châu Phi tăng trưởng mạnh mẽ trở lại từ năm 2017 đến nay nhờ tình hình chính trị ổn định hơn. Kim ngạch thương mại toàn châu lục đã tăng từ mức thấp nhất 802 tỷ USD (năm 2016) lên 1.075 tỷ USD (năm 2018), với mức tăng trưởng cao ấn tượng đạt 15,7% (năm 2017) và 15,8% (năm 2018). Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2018, tổng giá trị kim ngạch thương mại của châu Phi vẫn chưa phục hồi trở về mức giá trị thương mại 1.172,5 tỷ USD của năm 2011(5).
Thương mại nội khối châu Phi trong giai đoạn 2011 - 2020 tiếp tục phát triển với sự tăng trưởng của tám cộng đồng kinh tế ở các tiểu vùng của châu Phi, là Cộng đồng các quốc gia Sahel-Sahara (CEN-SAD), Thị trường chung Đông và Nam châu Phi (COMESA), Cộng đồng Đông Phi (EAC), Cộng đồng kinh tế các quốc gia Trung Phi (ECCAS), Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS), Cơ quan phát triển liên Chính phủ (IGAD), Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi (SADC), Liên minh châu Phi và Ma-đa-gát-xca (AMU). Dù vậy, tính đến nay giá trị thương mại nội khối của khu vực châu Phi còn khá thấp, tỷ trọng giá trị thương mại nội châu Phi cũng ở mức thấp, chỉ trung bình 15,2% so với tổng kim ngạch thương mại của châu Phi với thế giới trong giai đoạn 2015 - 2017, trong khi con số này ở châu Mỹ là 47,4%, châu Á là 61,1% và châu Âu là 67,1%(6).
Thứ tư, lĩnh vực đầu tư ở châu Phi trở thành điểm sáng.
Châu Phi vẫn là điểm sáng trong việc thu hút các nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong những năm qua, mặc dù xu hướng này có giảm đi ở một số khu vực khác trên thế giới. Theo đó, tổng số vốn và các dự án FDI đầu tư vào châu Phi có xu hướng tăng lên trong giai đoạn từ năm 2008 cho đến nay. Nguyên nhân được cho là AfCFTA được thực hiện đã tác động tích cực đến dòng vốn FDI.
Dòng vốn FDI đầu tư vào châu Phi tập trung chủ yếu vào các ngành có lợi thế của các nền kinh tế đang phát triển ở châu Phi, như lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, khai thác tài nguyên thiên nhiên. Ngoài ra, mục tiêu hội nhập khu vực vào thế giới của châu Phi đã khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tập trung vào các sản phẩm hàng hóa địa phương và tài nguyên thiên nhiên, đồng thời góp phần kích thích gia tăng đầu tư nội khối khi các nền kinh tế lớn của châu lục thấy được các lợi thế của mình. Dòng vốn FDI đầu tư vào châu Phi có xu hướng tăng mạnh từ năm 2008 đến năm 2018. Trong tương lai, xu hướng này sẽ còn tăng lên nhiều hơn nữa. Do đó, nguồn vốn FDI gia tăng ở châu Phi sẽ phần nào đóng vai trò cải cách thương mại và đầu tư, kết hợp với tích lũy tài sản và các yếu tố tích cực bên ngoài khu vực sẽ tạo môi trường thuận lợi cho châu Phi trong việc thu hút FDI và phát triển kinh tế.
Đầu tư nước ngoài vào châu Phi có xu hướng tăng lên chủ yếu nhờ vào sự phục hồi của giá cả hàng hóa, chính sách đầu tư hiệu quả vào kết cấu hạ tầng của chính phủ các nước và niềm tin từ nỗ lực hội nhập khu vực của cộng đồng các quốc gia châu Phi. Bắc Phi và Tây Phi là hai khu vực thu hút được nhiều nguồn đầu tư nước ngoài nhất trong năm 2018, với tổng số vốn đăng ký ở Bắc Phi đạt gần 13,3 tỷ USD và Tây Phi đạt hơn 9,5 tỷ USD, chủ yếu ở các ngành công nghệ, ô tô, dệt may và khai thác mỏ. Nguồn vốn đầu tư vào miền Nam châu Phi cũng bắt đầu gia tăng trở lại. Mỹ vẫn là quốc gia đầu tư nhiều nhất vào khu vực châu Phi và dẫn đầu về đầu tư nước ngoài tại khu vực này trong suốt một thập niên vừa qua. Giai đoạn 2011 - 2020, Trung Quốc là quốc gia có số vốn đầu tư tăng mạnh nhất vào châu Phi, các doanh nghiệp Trung Quốc đã tăng gần gấp ba quy mô nguồn vốn đầu tư vào châu Phi, từ 16 tỷ USD (năm 2011) lên đến 43,4 tỷ USD (năm 2020). Châu Phi đang thu hút được ngày càng nhiều các quốc gia đầu tư hơn, cải thiện cả về số lượng vốn cũng như chất lượng ở các ngành, lĩnh vực. Các quốc gia châu Phi đề ra các chính sách và thay đổi khung pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các chiến lược phát triển hướng ngoại, bao gồm khuyến khích FDI.
Thứ năm, tiềm năng đến từ cách mạng kỹ thuật số.
Khác với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây bị bỏ lỡ, lần này châu Phi đã có nhiều khởi sắc trong việc tiếp cận công nghệ, tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế số. Mặc dù còn nhiều khó khăn và thách thức trong phát triển kinh tế số, nhưng trong thập niên vừa qua châu Phi đã có những bước phát triển rõ rệt, nhiều quốc gia chứng kiến sự bùng nổ trong việc sử dụng các giao dịch điện tử, đặc biệt là dịch vụ tiền điện tử trên thuê bao di động (mobile money) được châu Phi sử dụng nhiều nhất trên thế giới. Ở châu Phi, các chính sách tự do hóa kinh tế được thực hiện dưới sự bảo trợ của các tổ chức tài chính quốc tế trùng với thời điểm công nghệ thông tin và kết cấu hạ tầng mạng viễn thông bắt đầu được đầu tư, dẫn đến sự phổ biến rộng rãi của công nghệ thông tin trong các sản phẩm và dịch vụ tại lục địa này.
Khi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư bắt đầu diễn ra, châu Phi đã cho thấy năng lực khai thác công nghệ khi đón đầu cuộc cách mạng viễn thông di động và tạo nên sự đột phá. Theo số liệu của Hiệp hội Thông tin di động thế giới (GSMA), số lượng người đăng ký một thuê bao di động ở châu Phi tăng từ 241,4 triệu người (năm 2012) lên 477 triệu người (năm 2019), 535 triệu người (năm 2020) và dự báo đến năm 2025, con số này sẽ là 614 triệu người (chiếm 50% dân số châu lục)(7).
Sự phát triển của dịch vụ và ngành công nghiệp di động đã thúc đẩy sự kết nối, tạo việc làm, đặc biệt tốc độ sử dụng điện thoại giao dịch, mua bán, chuyển tiền ở châu Phi cao nhất thế giới trong 10 năm trở lại đây, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực. Theo số liệu của GSMA, nếu như năm 2012, ngành công nghiệp di động đóng góp cho GDP châu Phi 60 tỷ USD (tương đương 6,3% GDP) thì đến năm 2019, con số này đạt 155 tỷ USD (tương đương 9% GDP). Bên cạnh đó, hệ sinh thái di động đã tạo ra 3,295 triệu việc làm (bao gồm cả việc làm trực tiếp và gián tiếp) vào năm 2012, 3,8 triệu việc làm (năm 2019) và 4,1 triệu việc làm (năm 2020) ở châu Phi.
Các nhà sản xuất và kinh doanh hàng hóa châu Phi có thể kỳ vọng một thời kỳ phát triển mới do bùng nổ hàng hóa hậu đại dịch COVID-19. Các công nghệ dự kiến sẽ được áp dụng rộng rãi ở châu Phi vào năm 2022, khi khu vực này đang trên đà chuyển đổi kỹ thuật số. Đầu tư kết cấu hạ tầng, cũng như giáo dục - đào tạo là tiền đề cần thiết để hưởng lợi đầy đủ từ cuộc cách mạng kỹ thuật số.
Tháng 9-2021, Ngân hàng Xuất nhập khẩu châu Phi (Afreximbank) và Ban Thư ký khu vực thương mại tự do lục địa châu Phi thông báo, hệ thống thanh toán và thỏa thuận liên châu Phi (PAPSS) đã đi vào hoạt động. PAPSS cho phép thanh toán xuyên biên giới ngay lập tức bằng nội tệ giữa các thị trường châu Phi. Hệ thống này sẽ tác động đáng kể đến thương mại nội khối, giúp các giao dịch xuyên biên giới trở nên dễ dàng hơn thông qua việc loại bỏ tiền tệ cứng. PAPSS cho phép xử lý thanh toán, bù trừ và giải quyết các giao dịch trên toàn châu Phi bằng cách sử dụng cơ chế thanh toán ròng đa phương. Một khi PAPSS được thực hiện hoàn chỉnh, châu Phi sẽ tiết kiệm hơn 5 tỷ USD chi phí giao dịch thanh toán mỗi năm. Nếu được thực hiện thành công, châu Phi có thể trở thành một nền kinh tế khổng lồ và không còn dựa vào ngành công nghiệp khai thác.
Nỗ lực trong ứng phó với đại dịch COVID-19
Kể từ khi tiến trình toàn cầu hóa gia tăng, thế giới ngày càng kết nối chặt chẽ hơn và con người có thể dễ dàng tương tác với nhau hơn. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, khi sự di chuyển tự do của con người, hàng hóa và dịch vụ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thì đây cũng trở thành một kênh để dịch bệnh lây lan rộng hơn. Do sự phát triển công nghệ kết hợp với toàn cầu hóa, sự xuất hiện của dịch bệnh COVID-19 đã trở thành một đại dịch lớn ảnh hưởng đến toàn thế giới.
Sau trường hợp lây nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 đầu tiên được ghi nhận ở Ai Cập vào giữa tháng 2-2020, Liên minh châu Phi (AU) và Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp các bộ trưởng y tế tại trụ sở AU ở Thủ đô A-đi A-ba-ba (Ê-ti-ô-pi-a). Tại đây, Chiến lược phòng, chống đại dịch COVID-19 của toàn châu Phi đã được thông qua. Theo đó, các quốc gia AU sẽ hợp tác, điều phối và trao đổi kinh nghiệm trong phòng, chống đại dịch. CDC châu Phi đã thành lập Lực lượng đặc nhiệm châu Phi về vi-rút cô-rô-na (AFTCOR) vào đầu tháng 2-2020 để góp phần thực hiện chiến lược này(8).
Đầu tháng 3-2020, khi những ca nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 lan rộng khắp châu Phi, các quốc gia đã thực hiện nhiều biện pháp ngay lập tức và quyết liệt, bao gồm phong tỏa và các biện pháp hạn chế khác để giảm tốc độ lây nhiễm. Kể từ tháng 3-2020, AFTCOR tổ chức các cuộc họp 2 tuần/lần. Văn phòng của Hội đồng các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ AU (cơ quan điều phối các công việc của AU tại các hội nghị cấp cao hằng năm) cũng đã tổ chức các cuộc họp gần như hằng tháng để đánh giá tình hình của châu Phi trong đại dịch COVID-19, trong đó CDC châu Phi đóng vai trò hướng dẫn kỹ thuật.
Cho đến nay, có 12 sáng kiến đã được đưa ra trong khuôn khổ phối hợp này, trong đó có Sáng kiến Quan hệ đối tác tăng tốc xét nghiệm COVID-19 ở châu Phi (PACT); Nền tảng vật tư châu Phi (AMSP) và Nhóm đặc nhiệm mua vắc-xin châu Phi (AVATT). AVATT đã giúp châu lục này mua được 400 triệu liều vắc-xin. Trong khi đó, các trung tâm gen của châu Phi đã đạt được những thành tích ấn tượng trong việc kiểm soát các chủng vi-rút. CDC châu Phi đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức y tế công cộng quốc gia. Tháng 3-2020, Trung tâm kiểm soát dịch bệnh của Ni-giê-ri-a (Ni-giê-ri-a CDC) đã phối hợp giải trình tự gen vi-rút SARS-CoV-2 đầu tiên ở châu Phi. Tháng 10-2020, Mạng lưới giám sát gen Nam Phi (cơ chế hợp tác giữa các phòng thí nghiệm, nhà nghiên cứu và tổ chức học thuật của Nam Phi) đã phát hiện ra biến thể Be-ta trong vòng vài ngày sau khi một mẫu bệnh phẩm được gửi đến. Tháng 11-2021, biến thể Omicron (có mức độ đột biến lớn) được các nhà nghiên cứu ở Nam Phi phát hiện trong dữ liệu giải trình tự gen từ Bốt-xoa-na và đã được công bố(9).
Như vậy, sau hai năm đương đầu với đại dịch COVID-19, châu Phi đã không phải gánh chịu những hậu quả nặng nề như các dự báo. Có nhiều lý do để lý giải, song điều quan trọng đó là các nước châu Phi đã phản ứng nhanh chóng và phối hợp linh hoạt trong phòng, chống dịch bệnh. Hơn nữa, các nhà khoa học châu Phi đã nhanh chóng giải trình các chủng vi-rút để góp phần phát triển vắc-xin ngừa COVID-19 và tìm ra các phương pháp điều trị.
Những thành công trong phối hợp và cộng tác đã cho phép các quốc gia châu Phi sử dụng một cách hiệu quả nhất các nguồn lực sẵn có của mình. Đặc biệt trong giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19, những thành công này đã phần nào giải thích sự giảm thiểu tác động tiêu cực của các đợt lây nhiễm. Theo CDC châu Phi, tính đến ngày 13-12-2021, châu Phi ghi nhận khoảng 8,89 triệu trường hợp nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 và gần 225.000 trường hợp tử vong. Điều này trái ngược với mô hình ban đầu của các chuyên gia y tế công cộng và các nhà dịch tễ học dự báo đến tháng 6-2020, châu Phi sẽ có tới 70 triệu người nhiễm vi-rút SARS-Cov-2 và 3 triệu người tử vong(10). Điều này có thể cũng sẽ hạ thấp các dự báo về tác động tiêu cực đối với nền kinh tế của châu lục, mà theo ước tính của Ủy ban Kinh tế châu Phi thuộc Liên hợp quốc (UNECA) năm 2020, trong trường hợp tốt nhất, tăng trưởng GDP trung bình của châu Phi sẽ giảm 1,4 điểm phần trăm, từ 3,2% xuống 1,8%, và trong trường hợp xấu nhất, nền kinh tế châu Phi có thể giảm tới 2,6%(11).
Tuy nhiên, hiện nay trên toàn cầu, khoảng 47% người dân đã được tiêm chủng đầy đủ và nhiều quốc gia đang xúc tiến tiêm liều tăng cường cho người dân để phòng, chống đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, châu Phi vẫn đang gặp khó khăn trong vấn đề này. Tính đến giữa tháng 1-2022, độ bao phủ vắc-xin ở châu Phi chỉ đạt khoảng 10,4% số lượng người được tiêm hai mũi và một mũi là 15,4%(12). Đến cuối năm 2021, khi các chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn cho phép các quốc gia phát triển kiểm soát phần nào được dịch bệnh thì châu Phi vẫn đang tiếp tục phải vật lộn với việc mua và triển khai tiêm vắc-xin phòng, chống đại dịch COVID-19.
Có thể nói, giống như các châu lục khác, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến phúc lợi và sinh kế của người dân châu Phi. Tuy nhiên, những kết quả ngoài dự tính ở châu Phi cho thấy các nhà lãnh đạo châu Phi đang dần tìm được cách thức điều phối chung, chủ động ứng phó với dịch bệnh thông qua nâng cao năng lực của đội ngũ y tế sẵn có, tìm kiếm sự hỗ trợ của các chuyên gia có trình độ, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực y tế nhằm học hỏi các kinh nghiệm tốt và phân bổ đủ ngân sách để ứng phó với các trường hợp khẩn cấp về y tế. Điều này sẽ ngăn chặn sự gián đoạn của các hoạt động phát triển kinh tế vốn được xác định và góp phần đáp ứng cho các nhu cầu khẩn cấp phát sinh từ các đợt bùng phát mới của đại dịch.
Chính phủ các nước châu Phi cũng đang xem xét lại các kế hoạch phát triển kinh tế của mình để có thể tạo điều kiện thuận lợi nhất cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế sau những cú sốc do đại dịch COVID-19 mang lại. Đồng thời, Chính phủ các nước châu Phi dự kiến thông qua các ngân hàng trung ương thực hiện các biện pháp để giảm thiểu các tác động tiêu cực phát sinh từ các khoản nợ xấu (NPL), do tăng trưởng thấp, lạm phát gia tăng và tỷ lệ thất nghiệp tăng đáng kể mà đại dịch COVID-19 gây ra. Bên cạnh đó, với nỗ lực hội nhập của châu Phi thông qua AfCFTA, mặc dù khả năng thực thi trong ngắn hạn là hạn chế, thì đây cũng là một bước tiến khuyến khích các nước châu Phi cùng tìm kiếm cơ hội thương mại mới và giảm thiểu rủi ro chuyển hướng thương mại. Bảo đảm trình tự phù hợp cho AfCFTA, thương mại châu Phi sẽ đạt được tiềm năng phát triển mạnh mẽ và đa dạng với những kết quả mang tính toàn diện và chuyển đổi.
Dường như châu Phi đã tìm thấy một tiếng nói mới, thống nhất và mạnh mẽ hơn(13), là sự đổi mới sáng tạo và giảm thiểu sự phụ thuộc vào bên ngoài. Điều này sẽ thúc đẩy châu Phi thực hiện nguyện vọng của mình trong các cuộc đàm phán thương mại “có tiếng nói chung và hành động chung để thúc đẩy lợi ích chung của cả châu Phi”./.
--------------------
(1) Jacques Bughin và cộng sự: “Lions on the move II: Realizing the potential of Africa’s economies” (Tạm dịch: Những chú sư tử đang di chuyển II: Nhận ra tiềm năng của các nền kinh tế châu Phi), ngày 14-9-2016, https://www.mckinsey.com/featured-insights/middle-east-and-africa/lions-on-the-move-realizing-the-potential-of-africas-economies
(2) African Union Commission and OECD: “Africa’s development dynamics: Achieving Productive Transformation” (Tạm dịch: Động lực phát triển của châu Phi: Sự chuyển đổi hiệu quả), ngày 5-11-2019, https://read.oecd-ilibrary.org/development/africa-s-development-dynamics-2019_c1cd7de0-enpage,
(3) African Union Commission and OECD: “Africa’s development dynamics: Achieving Productive Transformation”, Tlđd.
(4) Munsu Kang: “Will the AfCFTA accelerate inter - African economic integration?” (Tạm dịch: “Liệu AfCFTA có thúc đẩy hội nhập kinh tế liên châu Phi không?”), Korea Institute for International Economic Policy, ngày 21-12-2020, https://think-asia.org/bitstream/handle/11540/12949/KIEPopinions_no202.pdf?sequence=1
(5) International Trade Centre: : “International trade statistics 2010 - 2020” (Tạm dịch: Số liệu thống kê thương mại quốc tế giai đoạn 2010 - 2020), 2019.
(6) UNCTAD: “Economic Development in Africa Report - Made in Africa” (Tạm dịch: “Báo cáo Phát triển kinh tế châu Phi - Sản xuất tại châu Phi”), 2019.
(7) GSMA: “State of the Industry Report on Mobile Money 2019” (Tạm dịch: “Báo cáo tình hình tiền di động năm 2019”), https://www.gsma.com/sotir/wp-content/uploads/2020/03/GSMA-State-of-the-Industry-Report-on-Mobile-Money-2019-Full-Report.pdf
(8) Africa CDC: “Africa Joint Continental Strategy for COVID-19 Outbreak” (Tạm dịch: “Chiến lược chung của lục địa châu Phi đối với sự bùng phát đại dịch COVID-19”), https://africacdc.org/download/africa-joint-continental-strategy-for-covid-19-outbreak/
(9) Wolfgang Preiser và cộng sự: “The hunt for coronavirus variants: how the new one was found and what we know so far” (Tạm dịch: “Cuộc săn lùng các biến thể của vi-rút cô-rô-na: Cách thức tìm thấy biến thể mới và những gì chúng ta biết cho đến nay”), ngày 26-11-2021, https://theconversation.com/the-hunt-for-coronavirus-variants-how-the-new-one-was-found-and-what-we-know-so-far-172692
(10) Kossi A. và cộng sự: “A model of COVID-19 pandemic evolution in African countries” (Tạm dịch: “Mô hình diễn biến của đại dịch COVID-19 ở các nước châu Phi”), Scientific African, t. 14, 2021
(11) United Nations - Economic Commission for Africa: “COVID-19 in Africa: Protecting Lives and Economies” (Tạm dịch: “Đại dịch COVID-19 ở châu Phi: Cách thức bảo vệ cuộc sống và nền kinh tế”), Economic Commission for Africa, 2020
(12) Africa CDC: “Africa CDC Vaccine Dashboard” (Tạm dịch: “Tổng quan về vắc-xin của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi”), https://africacdc.org/covid-19-vaccination/, 2022
(13) Cyril Ramaphosa: “Africa is forging a new path towards self-reliance” (Tạm dịch: “Châu Phi con đường mới tự lực, tự cường”), ngày 21-2-2022, https://www.moneyweb.co.za/news/south-africa/africa-is-forging-a-new-path-towards-self-reliance/
Phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung: Thực trạng và khuyến nghị chính sách  (17/03/2022)
Tỉnh Lạng Sơn đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, củng cố và tăng cường quốc phòng, an ninh  (16/03/2022)
Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của các hợp tác xã ở Việt Nam  (06/03/2022)
Kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển bền vững ở Việt Nam  (05/03/2022)
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay