Hội nghị Trung ương 6 khóa XIX - Dấu mốc quan trọng trong lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc
TCCS - Hội nghị toàn thể lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XIX được tổ chức tại Bắc Kinh từ ngày 8 đến 11-11-2021. Hội nghị đã xem xét và thông qua “Nghị quyết của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về những thành tựu to lớn và kinh nghiệm lịch sử trong 100 năm phấn đấu của Đảng”. Đây được coi là nghị quyết mang tính lịch sử thứ ba sau Nghị quyết năm 1945 và Nghị quyết năm 1981 của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Với việc thông qua nghị quyết này, cùng với một số nội dung quan trọng khác, Hội nghị Trung ương 6, khóa XIX trở thành dấu mốc quan trọng trong hành trình lịch sử 100 năm của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Khái quát về hội nghị
Một là, tại hội nghị này, Đảng Cộng sản Trung Quốc cho rằng, thế giới đang chịu ảnh hưởng đan xen của cục diện với những thay đổi chưa từng có trong 100 năm qua. Trong 100 năm Đảng Cộng sản đồng hành, lãnh đạo đất nước, Trung Quốc đã có những biến đổi, tạo lập được thành tựu lớn, nhưng hiện đang đứng trước những thách thức không nhỏ. Đại dịch COVID-19 tiếp tục lây lan trên toàn cầu, môi trường bên ngoài ngày càng phức tạp hơn với sự cạnh tranh, kiềm chế Trung Quốc của nhiều lực lượng quốc tế. Những thách thức trong những vấn đề an ninh chiến lược, môi trường phát triển khiến quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của Trung Quốc trở nên khó khăn.
Hai là, hội nghị yêu cầu toàn Đảng phải giương cao ngọn cờ vĩ đại chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, kiên trì sự chỉ đạo của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình, tư tưởng quan trọng “Ba đại diện”, quan điểm phát triển khoa học, tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời kỳ mới, quán triệt toàn diện tinh thần của Đảng tại Đại hội XIX và Hội nghị Trung ương 2, 3, 4, 5 khóa XIX. Trong mọi hoạt động, Đảng Cộng sản Trung Quốc phải bám sát tổng thể cục diện trong nước và quốc tế, công tác phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch tổng thể phát triển và an ninh. Hội nghị xác định phải kiên trì quan điểm tổng thể tiến lên trong ổn định, quán triệt toàn diện quan niệm phát triển mới, đẩy nhanh việc xây dựng mô hình phát triển mới, duy trì xu thế phát triển tương đối tốt của nền kinh tế, tích cực phát huy tự lực, tự cường trong lĩnh vực khoa học - công nghệ. Hội nghị cũng xác định Đảng Cộng sản Trung Quốc phải dẫn dắt đất nước không ngừng thúc đẩy cải cách, mở cửa đi vào chiều sâu, giành thắng lợi đúng thời hạn trong cuộc chiến xóa đói, giảm nghèo, cải thiện hiệu quả bảo đảm dân sinh; duy trì sự ổn định của tình hình xã hội, thúc đẩy vững chắc sự hiện đại hóa quốc phòng và quân đội, thúc đẩy toàn diện ngoại giao nước lớn đặc sắc Trung Quốc.
Ba là, tại hội nghị này, Đảng Cộng sản Trung Quốc chính thức tuyên bố hoàn thành việc xây dựng xã hội khá giả toàn diện, khuyến khích toàn Đảng, nhân dân các dân tộc trong nước hăng hái bước vào cuộc trường chinh mới hướng tới mục tiêu phấn đấu 100 năm lần thứ hai. Hội nghị cho rằng, việc tổng kết những thành tựu to lớn và kinh nghiệm lịch sử trong 100 năm phấn đấu của Đảng là nhu cầu để mở ra chặng đường mới xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa hiện đại hóa toàn diện trong điều kiện lịch sử 100 năm xây dựng Đảng, kiên trì và phát triển chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời kỳ mới; là nhu cầu để tăng cường ý thức chính trị, ý thức đại cục, ý thức hạt nhân, ý thức noi gương.
Bốn là, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc nhấn mạnh cần kiên định sự tự tin về con đường, tự tin về lý luận, tự tin về chế độ và tự tin về văn hóa, kiên quyết bảo vệ vị trí của Tổng Bí thư Tập Cận Bình là hạt nhân của Trung ương Đảng, là hạt nhân của toàn Đảng. Bên cạnh đó, toàn Đảng phải kiên quyết bảo vệ quyền lực và sự lãnh đạo thống nhất tập trung của Trung ương Đảng, bảo đảm toàn Đảng cùng tiến bước, thúc đẩy Đảng tự cách mạng, nâng cao bản lĩnh đấu tranh, nâng cao năng lực đối phó với các rủi ro và thách thức của toàn Đảng, duy trì sức sống của Đảng, đoàn kết và dẫn dắt nhân dân các dân tộc trên cả nước tiếp tục phấn đấu để thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa” - sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa. Toàn Đảng phải kiên trì quan niệm duy vật lịch sử và quan niệm đúng đắn về lịch sử Đảng, để từ trong 100 năm phấn đấu của Đảng nhìn rõ vì sao Đảng Cộng sản Trung Quốc lại có thể thành công trong quá khứ và hiểu rõ làm thế nào để có thể tiếp tục thành công trong tương lai, từ đó thực hiện một cách kiên định và tự giác tâm nguyện ban đầu của Đảng, kiên trì và phát triển tốt hơn chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời kỳ mới.
Năm là, Đảng Cộng sản Trung Quốc xác định công tác học tập, giáo dục lịch sử Đảng phải được thúc đẩy vững chắc, hiệu quả. Hội nghị nêu rõ kể từ khi thành lập năm 1921 đến nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn coi việc mang lại hạnh phúc cho nhân dân Trung Quốc và tìm cách phục hưng dân tộc Trung Hoa là sứ mệnh đầu tiên, luôn kiên trì lý tưởng chủ nghĩa cộng sản và niềm tin vào chủ nghĩa xã hội, đoàn kết và dẫn dắt nhân dân các dân tộc trên cả nước không ngừng phấn đấu cho việc giành độc lập dân tộc, giải phóng nhân dân, thực hiện đất nước giàu mạnh và nhân dân hạnh phúc. Hội nghị tuyên bố Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đi qua chặng đường vẻ vang 100 năm trong lịch sử mấy nghìn năm của dân tộc Trung Hoa.
Sáu là, Hội nghị quyết định Đại hội XX sẽ được tổ chức ở Bắc Kinh vào nửa cuối năm 2022. Hội nghị nhận định Đại hội XX là một đại hội đại biểu rất quan trọng, tổ chức vào thời điểm quan trọng khi Đảng Cộng sản Trung Quốc bước vào cuộc trường chinh mới xây dựng toàn diện đất nước hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa, thực hiện mục tiêu phấn đấu 100 năm lần thứ hai; là một sự kiện trọng đại trong đời sống chính trị của Đảng và đất nước. Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc kêu gọi toàn Đảng phải đoàn kết dẫn dắt nhân dân các dân tộc cả nước thường xuyên vượt mọi khó khăn để phát triển, đóng góp mới to lớn hơn cho sự nghiệp xây dựng toàn diện đất nước hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa, giành thắng lợi vĩ đại chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới, thực hiện giấc mộng phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa.
Những nội dung cơ bản của nghị quyết lịch sử thứ ba
Một là, trong lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc, đến trước Hội nghị Trung ương 6, khóa XIX, mới có hai nghị quyết quan trọng ở tầm “mang tính lịch sử” được thông qua - vào các năm 1945 và 1981. Theo các nhà lãnh đạo Trung Quốc, các nghị quyết về lịch sử Đảng có ý nghĩa như một tuyên bố về thành tựu cách mạng, quản lý nhà nước và ghi nhận những dấu mốc đặc biệt trong hành trình phát triển của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nghị quyết năm 1945 đã khẳng định vị thế của Mao Trạch Đông với tư cách là nhà lãnh đạo tối cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc, xem xét lại những vấn đề trong đường lối của Đảng ở giai đoạn từ ngày thành lập (ngày 1-7-1921) và chuẩn bị cho hành trình giành chiến thắng trong cuộc đối đầu với lực lượng Quốc dân Đảng của Tưởng Giới Thạch bốn năm sau đó. Nghị quyết năm 1981 đánh giá lại công việc của Đảng Cộng sản Trung Quốc từ ngày thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (ngày 1-10-1949), xem xét nghiêm túc, thẳng thắn những mặt được và hạn chế của Đảng, nhất là nhìn nhận thẳng thắn Cách mạng văn hóa, chuẩn bị cho bước phát triển mới vô cùng quan trọng trong công cuộc cải cách, mở cửa của Trung Quốc.
Hai là, trong nghị quyết lịch sử lần thứ ba, ngoài lời mở đầu và kết luận, nghị quyết gồm 7 phần: Phần thứ nhất viết về thắng lợi vĩ đại trong cuộc cách mạng dân chủ mới (1921 - 1949), trong đó phân tích quá trình lịch sử thành lập Đảng và đánh giá những nỗ lực cách mạng trong giai đoạn này. Phần thứ hai nói về cuộc cách mạng và xây dựng chủ nghĩa xã hội (1949 - 1978), trong đó đánh giá những thành tựu to lớn mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đạt được sau khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Phần thứ ba nhấn mạnh công cuộc cải cách, mở cửa và hiện đại hóa chủ nghĩa xã hội (1978 - 2021), trong đó cho rằng những thành tựu to lớn mà Trung Quốc đạt được trong công cuộc này có sự đóng góp của các nhà lãnh đạo Trung Quốc giúp đất nước trở nên thịnh vượng. Phần thứ tư nhấn mạnh một thời đại chủ nghĩa xã hội mới mang đặc sắc Trung Quốc, phác thảo những đặc trưng của thời đại. Phần thứ 5 đánh giá tầm quan trọng lịch sử của những nỗ lực mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thực hiện trong 100 năm qua. Phần thứ 6 nói về những kinh nghiệm lịch sử của những nỗ lực này. Mang tên “Đảng Cộng sản Trung Quốc trong thời đại mới”, phần cuối cùng kêu gọi toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Trung Quốc thực hiện những nỗ lực không mệt mỏi để thực hiện hóa mục tiêu 100 năm thứ hai và “giấc mộng Trung Hoa”.
Ba là, nghị quyết đã tổng kết những thành tựu quan trọng trong lịch sử 100 năm của Đảng Cộng sản Trung Quốc bằng cách chia lịch sử thành bốn thời kỳ khác nhau, trong đó các nhà lãnh đạo Trung Quốc là những đại diện chính, đã đạt được một loạt thành tựu lịch sử: Thời kỳ cách mạng dân chủ mới (Mao Trạch Đông); thời kỳ cách mạng và xây dựng xã hội chủ nghĩa (Mao Trạch Đông); thời kỳ mới về đổi mới, mở cửa và hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa (Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào); và thời đại mới về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc (Tập Cận Bình). Trong đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn coi trọng nghiên cứu kinh nghiệm lịch sử của mình, “chúng ta sẽ không thể đạt được thành công lớn hơn nếu chúng ta không hiểu rõ về lịch sử của chúng ta và những con đường chúng ta đã đi”(1). Kinh nghiệm lịch sử đó là: Kiên trì sự lãnh đạo của Đảng, kiên trì nhân dân trên hết, kiên trì đổi mới lý luận, kiên trì độc lập tự chủ, kiên trì con đường Trung Quốc, kiên trì tinh thần quốc tế cao cả, kiên trì đổi mới sáng tạo, kiên trì dũng cảm đấu tranh, kiên trì mặt trận thống nhất, kiên trì tự cách mạng. Mười lĩnh vực trên là kinh nghiệm quý báu tích lũy khi trải qua thực tiễn lâu dài, là tài sản tinh thần mà Đảng và nhân dân Trung Quốc cùng tạo ra, phải trân trọng gấp bội, gìn giữ lâu dài, không ngừng làm phong phú và phát triển trong thực tiễn thời đại mới.
Nghị quyết nhấn mạnh rằng, cải cách và mở cửa là kết quả của một sự thức tỉnh to lớn của Đảng Cộng sản Trung Quốc và một cuộc cách mạng vĩ đại trong lịch sử phát triển của đất nước Trung Quốc, song cũng đề cập đến một loạt vấn đề nghiêm trọng và thử thách mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phải đối mặt kể từ khi tiến hành cải cách, mở cửa. Những giai đoạn đầu của cải cách đã kết thúc ở thời điểm Đại hội XVIII và Đảng Cộng sản Trung Quốc nhận thức: “Giờ đây, chúng ta đã bước sang một mốc lịch sử mới. Khi chúng ta nhìn lại và thiết lập tầm nhìn về tương lai, chúng ta có cả nhu cầu khách quan và những điều kiện chủ quan để đánh giá đầy đủ về những thành tựu chính và kinh nghiệm lịch sử của Đảng trong thế kỷ qua, đặc biệt là những thành tựu và kinh nghiệm trong hơn 40 năm cải cách và mở cửa”(2). Trong đó, nghị quyết nêu rõ: “Sự quản trị lỏng lẻo và yếu kém trước đây đã tạo điều kiện cho tình trạng trì trệ và tham nhũng lan tràn trong Đảng, dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng trong môi trường chính trị của Đảng, làm tổn hại đến quan hệ giữa Đảng với nhân dân và giữa các cán bộ với quần chúng, làm suy giảm tính sáng tạo, tính cố kết và khả năng của Đảng, đồng thời đặt ra một thử thách nặng nề đối với việc thực thi quản trị quốc gia”(3).
Bốn là, Hội nghị đã nêu rõ ý nghĩa lịch sử 100 năm phấn đấu của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Sự phấn đấu 100 năm của Đảng Cộng sản Trung Quốc về cơ bản đã thay đổi vận mệnh tiền đồ của nhân dân Trung Quốc, nhân dân Trung Quốc đã hoàn toàn thoát khỏi số phận bị nô dịch, trở thành chủ nhân của đất nước, xã hội và vận mệnh của mình, kỳ vọng của nhân dân Trung Quốc hướng tới cuộc sống tốt đẹp không ngừng trở thành hiện thực. Sự phấn đấu 100 năm của Đảng đã mở ra con đường đúng đắn để thực hiện sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa; chỉ trong vài chục năm, Trung Quốc đã đi hết chặng đường công nghiệp hóa mà các nước phát triển phải mất vài trăm năm, tạo ra hai kỳ tích là sự phát triển kinh tế nhanh chóng và ổn định xã hội lâu dài. Hội nghị nêu rõ, sự phấn đấu trong 100 năm của Đảng đã thể hiện sức sống mạnh mẽ của chủ nghĩa Mác, tính khoa học và tính chân lý của chủ nghĩa Mác được kiểm nghiệm rõ ràng ở Trung Quốc, tính nhân dân và tính thực tiễn của chủ nghĩa Mác được quán triệt rõ ràng ở Trung Quốc, tính cởi mở và tính thời đại của chủ nghĩa Mác được thể hiện rõ ràng. Sự phấn đấu 100 năm của Đảng ảnh hưởng sâu sắc đến tiến trình lịch sử thế giới; sự lãnh đạo thành công của Đảng mở ra con đường hiện đại hóa theo mô hình Trung Quốc, tạo ra hình thái mới trong nền văn minh nhân loại, là một bài học tham khảo đối với các nước đang phát triển đi theo hướng hiện đại hóa. Sự phấn đấu 100 năm của Đảng đã tôi luyện Đảng Cộng sản Trung Quốc, lấy tinh thần xây dựng Đảng vĩ đại làm nguồn gốc, năng lực cầm quyền và trình độ lãnh đạo của Đảng không ngừng được nâng lên...
Năm là, tinh thần quan trọng nhất của nghị quyết này là, kể từ Đại hội XVIII đến nay, với việc kiên trì sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, quyền lực và sự lãnh đạo thống nhất tập trung của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã có sự bảo đảm mạnh mẽ, hệ thống cơ chế lãnh đạo của Đảng không ngừng được hoàn thiện, phương thức lãnh đạo của Đảng ngày càng khoa học hơn, toàn Đảng thống nhất hơn về tư tưởng, đoàn kết hơn về chính trị và nhất trí hơn về hành động; năng lực lãnh đạo chính trị, năng lực dẫn dắt tư tưởng, năng lực tổ chức quần chúng và năng lực vận động xã hội của Đảng được tăng cường rõ rệt. Quản lý Đảng nghiêm minh toàn diện, năng lực tự làm trong sạch, tự hoàn thiện, tự đổi mới và tự nâng cao của Đảng được tăng cường rõ rệt, tình trạng lỏng lẻo trong quản lý Đảng về cơ bản đã được cải thiện, cuộc đấu tranh chống tham nhũng giành được thắng lợi to lớn và được củng cố toàn diện...
Về xây dựng kinh tế: Tính cân đối, hài hòa và bền vững trong phát triển kinh tế đất nước tăng lên rõ rệt; sức mạnh kinh tế, sức mạnh khoa học - công nghệ và sức mạnh tổng hợp quốc gia của Trung Quốc đã bước lên tầm cao mới; kinh tế Trung Quốc phát triển chất lượng cao hơn, hiệu quả hơn, cân bằng hơn, bền vững hơn và an toàn hơn.
Về đi sâu cải cách, mở cửa toàn diện: Đảng không ngừng thúc đẩy cải cách toàn diện, sâu rộng, chế độ xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc càng thêm chín muồi và định hình, trình độ hiện đại hóa năng lực quản trị và hệ thống quản trị nhà nước không ngừng được nâng cao, sự nghiệp của Đảng và Nhà nước lan tỏa sức sống mới.
Về xây dựng chính trị: Tích cực phát triển nền dân chủ nhân dân xuyên suốt cả quá trình; thúc đẩy toàn diện chế độ hóa, quy phạm hóa, trình tự hóa nền chính trị dân chủ xã hội chủ nghĩa Trung Quốc; tính ưu việt của chế độ chính trị chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc được phát huy tốt hơn, cục diện chính trị sống động, ổn định, đoàn kết được củng cố và phát triển.
Về quản trị toàn diện đất nước theo pháp luật: Hệ thống pháp quyền chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc không ngừng được kiện toàn, việc xây dựng Trung Quốc pháp trị đã có bước tiến vững chắc, năng lực vận dụng phương thức pháp trị trong lãnh đạo và quản lý đất nước của Đảng được tăng cường rõ rệt.
Về xây dựng văn hóa: Ý thức hệ của Trung Quốc đã phát sinh những thay đổi mang tính toàn cục và cơ bản, sự tự tin về văn hóa của toàn Đảng và nhân dân các dân tộc trên cả nước tăng rõ rệt, sức quy tụ và sức hút của toàn xã hội được nâng cao đáng kể, mang lại sự bảo đảm về tư tưởng kiên cường và sức mạnh tinh thần lớn lao đối với việc mở ra cục diện mới cho sự nghiệp của Đảng và Nhà nước trong thời đại mới.
Về xây dựng xã hội: Cuộc sống của nhân dân được cải thiện toàn diện, mức độ xã hội hóa, pháp trị hóa, trí năng hóa, chuyên nghiệp hóa trong quản trị xã hội được nâng cao đáng kể; nhân dân an cư lạc nghiệp, xã hội ổn định, trật tự, viết tiếp kỳ tích về một xã hội ổn định lâu dài.
Về xây dựng văn minh sinh thái: Trung ương Đảng coi trọng việc xây dựng văn minh sinh thái với mức độ cao chưa từng thấy, việc xây dựng một Trung Quốc tươi đẹp đã có những bước tiến lớn, việc bảo vệ môi trường sinh thái của Trung Quốc có sự biến đổi mang tính lịch sử, tính bước ngoặt và tính toàn cục.
Về xây dựng quốc phòng và quân đội: Quân giải phóng nhân dân đã thực hiện việc xây dựng lại một cách tổng thể mang tính cách mạng, sốc lại hành trang đi lên; sức mạnh quốc phòng và sức mạnh kinh tế được nâng lên đồng bộ, kiên quyết thực hiện nhiệm vụ, sứ mệnh thời đại mới.
Về bảo vệ an ninh quốc gia: An ninh quốc gia đã được tăng cường toàn diện, vượt qua thách thức, rủi ro từ các lĩnh vực như chính trị, kinh tế, ý thức hệ, thiên nhiên…, bảo đảm vững chắc để Đảng và Nhà nước phát triển, ổn định lâu dài.
Về kiên trì “Một nước, hai chế độ” và thúc đẩy thống nhất Tổ quốc: Trung ương Đảng đã thực hiện nhiều biện pháp giải quyết tận gốc, kiên định thực hiện “người yêu nước quản lý Hồng Kông”, “người yêu nước quản lý Ma Cao”; xây dựng nền tảng vững chắc để thúc đẩy quản lý Hồng Kông và Ma Cao bằng pháp luật, thúc đẩy thực hiện “Một nước, hai chế độ” ổn định lâu dài; kiên trì nguyên tắc một Trung Quốc và “Nhận thức chung năm 1992”, kiên quyết phản đối hoạt động ly khai đòi “Đài Loan độc lập”, kiên quyết phản đối lực lượng bên ngoài can thiệp, nắm chắc quyền chủ đạo và quyền chủ động của quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan.
Về công tác ngoại giao: Ngoại giao nước lớn đặc sắc Trung Quốc được thúc đẩy toàn diện, việc xây dựng cộng đồng chung vận mệnh của nhân loại được tích cực triển khai. Với sự phấn đấu anh dũng và kiên cường, dân tộc Trung Hoa đã có bước nhảy vọt vĩ đại, từ đứng lên, giàu lên đến mạnh lên.
Đánh giá tổng thể về nghị quyết này, có thể thấy, đây là một nghị quyết mang tính bước ngoặt về những thành tựu quan trọng và kinh nghiệm lịch sử của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong một thế kỷ qua, nhấn mạnh vai trò của chính sách cải cách và mở cửa trong việc “thức tỉnh” Đảng, nhân dân và đất nước Trung Quốc. Đồng thời, nghị quyết nêu bật những nỗ lực và thành tựu mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đạt được trong thời đại mới từ sau Đại hội XVIII năm 2012 đến nay để vượt qua những nguy cơ, thách thức, giành những thắng lợi lịch sử mới. Điểm trung tâm, then chốt trong tinh thần Hội nghị Trung ương 6, khóa XIX đã nhấn mạnh là vai trò lãnh đạo quan trọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc là yếu tố then chốt để Trung Quốc vượt qua những thách thức và đạt được các mục tiêu lịch sử. Trước những thách thức và vận hội mới, Trung Quốc cần có một hệ thống chính trị hoàn thiện và hiệu quả để có thể phát huy tối đa mọi lợi thế, nhất là lợi thế của đội ngũ lãnh đạo với một hạt nhân vững chắc. Hệ thống chính trị của Trung Quốc cho thấy không chỉ có khả năng thực hiện cải cách và tự chỉnh đốn một cách hiệu quả mà còn có thể củng cố và phát huy tối đa lợi thế lớn nhất của mình trong kỷ nguyên mới - hạt nhân vững chắc của ban lãnh đạo.
Hội nghị Trung ương 6, khóa XIX được triệu tập vào một thời điểm lịch sử quan trọng và đã có những quyết định vô cùng quan trọng. Điều này chứng tỏ Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nhận thức rõ vai trò của các quy luật lịch sử và tận dụng tốt các quy luật đó, đồng thời cho thấy sự tự tin và cam kết của Đảng Cộng sản Trung Quốc về việc trung thành với ý nguyện ban đầu nhằm thúc đẩy hơn nữa sự nghiệp của Đảng. Hội nghị được đánh giá đã nâng tầm Tổng Bí thư Tập Cận Bình với “Hai sự xác lập” - xác lập “vị trí hạt nhân” của Tổng Bí thư Tập Cận Bình và xác lập “vị trí chỉ đạo” của tư tưởng Tập Cận Bình. Nghị quyết thứ ba được xem là sự lựa chọn của lịch sử và là nguyện vọng chung của nhân dân Trung Quốc./.
----------------------------
* Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED) trong Đề tài mã số 506.01-2019.3000
(1), (2), (3) “Nghị quyết của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về những thành tựu to lớn và kinh nghiệm lịch sử trong 100 năm phấn đấu của Đảng”, https://baijiahao.baidu.com/s?id=1716574999792985193&wfr=spider&for=pc
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự Hội nghị thượng đỉnh giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với các chính đảng trên thế giới  (07/07/2021)
Một trăm năm Đảng Cộng sản Trung Quốc: Sáng bừng sức sống sự nghiệp xã hội chủ nghĩa  (01/07/2021)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc điện đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình  (24/05/2021)
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
- Bảo vệ, phát huy giá trị tài nguyên di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên