Bảo vệ an ninh Thủ đô trên không gian mạng trong bối cảnh mới hiện nay
TCCS - Bảo vệ an ninh trên không gian mạng được xác định là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, các cấp, các ngành. Tội phạm trên không gian mạng thường sử dụng internet và mạng xã hội để phát tán các tin, bài, hình ảnh, video clip có nội dung xấu, độc gây mất an ninh, trật tự xã hội. Chính vì vậy, bảo đảm an ninh mạng đang là ưu tiên hàng đầu được thể hiện rõ trong các quan điểm, chiến lược và hành động của Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng.
Các hoạt động xâm phạm an ninh trên không gian mạng
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra ngày càng mạnh mẽ như hiện nay, việc sử dụng các nền tảng kỹ thuật số cùng internet là rất phổ biến. Đặc trưng quan trọng của cuộc Cách mạng này là sự phát triển của hệ thống liên kết thế giới thực và ảo trên cơ sở Internet vạn vật (IoT) và Internet kết nối các hệ thống (IoS). Cùng với những thuận lợi mang lại, trên không gian mạng cũng đã xuất hiện những nguy cơ, hoạt động tác động mạnh mẽ đến an ninh quốc gia nói chung, cũng như an ninh trên địa bàn Thủ đô nói riêng. Các hoạt động xâm phạm an ninh trên không gian mạng có thể kể đến, như:
Một là, không gian mạng đã trở thành môi trường trọng điểm cho các hoạt động xâm phạm an ninh, hoạt động tội phạm, phát tán thông tin giả mạo; kích động biểu tình, gây rối an ninh trật tự xã hội.
Hai là, hoạt động tấn công mạng, gián điệp mạng diễn biến hết sức phức tạp và ngày càng trở nên nguy hiểm hơn. Đã xuất hiện nhiều cuộc tấn công mạng quy mô rộng lớn, phạm vi ảnh hưởng mang tính toàn cầu. Có chiều hướng gia tăng mạnh về số lượng cũng như mức độ nguy hiểm.
Ba là, ngoài ra các hoạt động chiếm đoạt, lạm dụng thông tin cá nhân, dữ liệu người dùng đang diễn ra công khai. Với ưu thế tiện lợi, miễn phí của các dịch vụ mạng, như Skype, Yahoo, Facebook, Viber, Zalo… được sử dụng phổ biến, tội phạm mạng đã lợi dụng các dịch vụ này để cài mã độc, phần mềm vào các thiết bị máy tính, di động nhằm kiểm soát, lấy cắp các nội dung, thông tin cá nhân của người sử dụng, gây ra những thiệt hại khó lường.
Bốn là, không gian mạng cũng đã trở thành môi trường quan trọng trong hoạt động của các tổ chức khủng bố quốc tế, nhất là các hoạt động tuyên truyền, tuyển lựa, huấn luyện và chỉ đạo hoạt động của các mạng lưới.
Thủ đô Hà Nội với công tác bảo đảm an ninh không gian mạng hiện nay
Liên quan đến vấn đề bảo đảm an ninh mạng, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nhiều chính sách, pháp luật được ban hành như Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong đó, nổi bật là Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27-9-2019, của Bộ Chính trị, “Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Trong Báo cáo Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2021 của Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an đã nhấn mạnh rằng, trong thời gian qua, tập thể lãnh đạo, cán bộ, chiến sỹ Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã bám sát, triển khai hiệu quả chương trình, kế hoạch và vượt mức chỉ tiêu công tác đề ra trong 6 tháng đầu năm 2021. Bên cạnh đó, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an đã chủ động xây dựng, triển khai hiệu quả các kế hoạch, phương án, bảo đảm tuyệt đối an ninh, trật tự trên không gian mạng, góp phần vào thành công chung của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Làm tốt chức năng tham mưu, góp phần chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn, vô hiệu hóa nhiều âm mưu hoạt động tội phạm trên không gian mạng, xâm phạm an ninh quốc gia; tổ chức đấu tranh có hiệu quả các cao điểm; phối hợp hiệu quả với công an các đơn vị, địa phương triệt phá nhiều vụ án có quy mô lớn, với thủ đoạn mới hết sức tinh vi, phức tạp, làm cơ sở hướng dẫn nghiệp vụ cho công an các địa phương... Công tác quản lý nhà nước về an ninh mạng, bảo vệ bí mật nhà nước trên không gian mạng được đơn vị chú trọng, đạt kết quả rất tích cực; kịp thời phát hiện, xử lý nhiều tồn tại về lỗ hổng bảo mật, sự cố trên không gian mạng... góp phần đẩy lùi và loại bỏ nguy cơ, tăng cường công tác bảo vệ bí mật nhà nước.
Trong những ngày cao điểm giãn cách xã hội ở Hà Nội, nhu cầu sử dụng mạng xã hội cập nhật thông tin ngày càng tăng cao. Đoàn Thanh niên Công an Thành phố phối hợp với các quận, huyện trên địa bàn Thủ đô đã triển khai Công trình thanh niên “Tuyên truyền, phòng ngừa vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự trên không gian mạng”(1). Thông qua không gian mạng, chiến sĩ trẻ Thủ đô giúp người dân kịp thời, định hướng cho giới trẻ những điều nên và không nên khi đăng tải, chia sẻ trên mạng xã hội. Qua các nhóm này, những phản ánh của người dân về khó khăn ngay lập tức được lực lượng Công an, tổ chức Đoàn các cấp hỗ trợ trong thời gian ngắn nhất, như việc hỗ trợ lao động tự do hoàn cảnh khó khăn bị mắc kẹt lại thành phố do dịch bệnh. Nhiều sáng kiến về gian hàng bình ổn giá được đăng tải trên nhóm... cùng nhiều phản ánh khác của người dân về vi phạm pháp luật, phòng chống dịch đều được hướng dẫn trình báo kịp thời. Đây chính là chủ trương của Thành đoàn Hà Nội nhằm phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ Thủ đô trong đổi mới, nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; góp phần bảo đảm môi trường an ninh, an toàn trên không gian mạng. Bên cạnh việc kịp thời giúp đỡ nhân dân, các nhóm này cũng đã nhanh chóng tuyên truyền, phản bác, đính chính thông tin trên không gian mạng, thông tin truyền miệng không chính xác… giúp nhân dân an tâm thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Một số vấn đề đặt ra trong bảo vệ an ninh Thủ đô trên không gian mạng
Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) của Đảng bộ thành phố Hà Nội đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong giai đoạn 2020 - 2025, trong đó nêu rõ: “Xây dựng chiến lược chuyển đổi số đưa Hà Nội sớm trở thành trung tâm về an toàn, an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn của khu vực ASEAN”(2). Vì vậy, để Thủ đô có thể đạt được những mục tiêu đã đề ra, cần làm tốt các vấn đề:
Một là, tiếp tục công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân Thủ đô, đặc biệt là các cán bộ, đảng viên về âm mưu, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, phản động trên không gian mạng. Trong khi đó, số lượng người dân sử dụng internet ngày càng nhiều, tuy nhiên kỹ năng, kiến thức để bảo vệ bản thân của một số bộ phận người dân còn hạn chế, dẫn đến dễ dàng tiếp cận thông tin sai lệch. Vì vậy, cần nâng cao ý thức cảnh giác để người dân có thể nhận thức rõ âm mưu, hoạt động xâm phạm an ninh trên không gian mạng.
Hai là, làm tốt công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống lại các hành vi xâm phạm an ninh trên không gian mạng. Trong thời gian qua, xuất hiện ngày càng nhiều các hoạt động xâm phạm an ninh trên không gian mạng, vì vậy công tác phát hiện và đấu tranh chống lại các hành vi xâm phạm an ninh trên không gian mạng ngày càng trở nên cấp thiết.
Ba là, tăng cường công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trên không gian mạng. Cần chú trọng công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ. Chủ động phòng ngừa những thiếu sót, sơ hở, không để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng, xâm phạm hệ thống thông tin, thu thập, chiếm đoạt bí mật nhà nước, thông tin nội bộ gây phương hại đến an ninh quốc gia, lợi ích của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Kịp thời ngăn chặn xử lý các hành vi làm mất an ninh, an toàn thông tin, lộ bí mật của nhà nước hoặt lợi dụng bí mật của nhà nước để thực hiện các hành vi trái pháp luật.
Bốn là, xây dựng nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao, đồng thời chủ động nghiên cứu, nắm bắt các công nghệ kỹ thuật tiên tiến, đầu tư kinh phí cho các trang thiết bị và dịch vụ mạng lưới. Trong thời gian tới, cần có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực phù hợp cả về số lượng và chất lượng, có thể đáp ứng được những đòi hỏi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra; nâng cao chất lượng đào tạo về công nghệ thông tin và an ninh mạng tại các cơ sở đào tạo trong nước, đồng thời đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia, các trường đại học, các tập đoàn công nghệ tiên tiến trên thế giới để tiếp thu công nghệ mới và kinh nghiệm bảo đảm an ninh mạng nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Có thể nói, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động đến mọi lĩnh vực, bảo vệ an ninh mạng là một vấn đề trở nên ngày càng quan trọng, cấp thiết hơn bao giờ hết bởi xây dựng không gian mạng thực sự lành mạnh và an toàn chính là góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Vì vậy, bảo đảm an ninh mạng đòi hỏi phải có giải pháp tổng thể, quan trọng hơn nữa chính là tuyên truyền cho mỗi người dân Thủ đô về tinh thần “thượng tôn pháp luật”, phát huy tối đa Luật An ninh mạng, nhằm điều chỉnh những hành vi vi phạm pháp luật, đi “chệch” ra ngoài khuôn khổ pháp luật cho phép./.
---------------------------------
(1) Lê Dung: “Nhóm Facebook tuyên truyền pháp luật, gắn kết Nhân dân của Công an Hà Nội”, https://tuoitrethudo.com.vn/579-nhom-facebook-tuyen-truyen-phap-luat-gan-ket-nhan-dan-cua-cong-an-ha-noi-178626.html, ngày 26-9-2021
(2) Văn kiện Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nxb. Thông tấn, Hà Nội, 2021, tr. 133
Hà Nội: Công khai, minh bạch trong phòng, chống tham nhũng  (10/07/2021)
Công an phường Điện Biên vượt khó xây dựng thành công mô hình công an phường điển hình, kiểu mẫu về an ninh trật tự, văn minh đô thị  (02/07/2021)
Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, của cán bộ, công chức, viên chức trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí  (30/06/2021)
Nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thủ đô  (22/06/2021)
Quản trị an ninh các phương tiện truyền thông xã hội vì sự phát triển bền vững đất nước  (15/04/2021)
Lễ xuất quân và diễn tập phương án bảo vệ Đại hội lần thứ XIII của Đảng  (11/01/2021)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển