TCCS - Hầu hết các nhà lãnh đạo nhậm chức với tầm nhìn đầy tham vọng cho đất nước hoặc tổ chức của họ, song chỉ một số ít thành công trong việc biến tầm nhìn đó thành hiện thực. Kinh nghiệm của lãnh đạo Singapore cho thấy, ngoài tài năng, đặc điểm cốt lõi xác định các nhà lãnh đạo thành công với tầm nhìn tham vọng là sức thu hút từ uy tín, kết tinh ở văn hóa cầm quyền, thể hiện trước hết ở sức ảnh hưởng thông qua tính cách với hành vi truyền cảm hứng mẫu mực, bảo đảm họ là một nhà lãnh đạo dẫn đầu bằng tấm gương và hành động. Điều này được đặc biệt coi trọng trong quá trình hình thành và phát triển văn hóa cầm quyền của lãnh đạo Singapore.
Phẩm chất cốt lõi trong văn hóa cầm quyền của lãnh đạo Singapore
Ngay trong giai đoạn Singapore giành quyền tự trị hay sáp nhập vào Liên bang Malaysia năm 1963, sau đó tách ra và trở thành một “quốc gia độc lập, chủ quyền và dân chủ”, những người được coi là thế hệ sáng lập của đất nước Singapore đã nhận thức rất rõ, các nhà lãnh đạo đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển văn hóa lãnh đạo của tổ chức. Người lãnh đạo có thể là chất keo kết nối các thành viên trong tổ chức lại với nhau, tạo bầu không khí cởi mở, đoàn kết, thúc đẩy các thành viên làm việc hiệu quả, nhưng cũng có thể gây ra bầu không khí căng thẳng, nghi ngờ, lo ngại trong tổ chức. Theo đó, các nhà lãnh đạo có thể định hình và củng cố môi trường tổ chức có đạo đức hoặc phi đạo đức bằng những hành xử, hoạt động khuyến khích hành vi đạo đức hoặc phi đạo đức. Nếu chọn cách trở thành hình mẫu của hành vi đạo đức với những giá trị, chuẩn mực xã hội, người lãnh đạo cho các thành viên trong tổ chức thấy đạo đức là tiêu chí cốt lõi quan trọng của tổ chức, từ đó có thể gây ảnh hưởng ở phạm vi rộng lớn đến cách thức hành động của toàn bộ thành viên, góp phần điều chỉnh hành vi ứng xử của các thành viên trong chính tổ chức đó theo hướng tích cực nhằm đạt được những mục tiêu đề ra. Do đó, song song với tiêu chí cốt lõi là tài năng, thì những phẩm chất của văn hóa - nhân cách chính trị, nhất là hành vi chuẩn mực, sự gương mẫu ở người lãnh đạo cũng được Chính phủ Singapore đặc biệt xem trọng. “Các nhà quản lý phải nêu tấm gương về nghề nghiệp cũng như về đời tư. Tuyệt đối cấm và xử lý nghiêm khắc bất cứ ai lợi dụng chức quyền để làm lợi cho cá nhân hoặc người thân. Mặt khác, dù được hưởng một chế độ ưu đãi rất cao về mọi mặt tương ứng với chức vụ, mọi bộ trưởng và công chức cấp cao phải sống cuộc sống đời thường, không tách biệt khỏi dân chúng. Trừ các hoạt động ngoại giao hay tiếp khách đòi hỏi tuân thủ theo quy định lễ tân về trang phục và lễ nghi, bộ trưởng, nghị sĩ, thậm chí cả tổng thống và thủ tướng đều ăn mặc như quần chúng, phù hợp với tính chất của từng hoạt động và chia sẻ mọi điều với quần chúng. Lòng tin và sự tôn kính của người dân đối với lãnh đạo và uy tín của lãnh đạo không phụ thuộc vào quần áo và diễn văn, mà xuất phát từ hiệu quả công việc, lối sống và cách ứng xử trong công việc cũng như trong đời thường của các nhà chính trị”(1).
Có thể khái quát những phẩm chất chính mà các nhà lãnh đạo của Singapore phải đi đầu trong thể hiện sự gương mẫu như sau:
Một là, phải đặt trái tim vào vị trí công việc, với lòng say mê phục vụ và quan tâm đến quyền lợi của người dân. Đây chính là sứ mệnh phụng sự và trách nhiệm của người lãnh đạo đối với đất nước và nhân dân. Như vậy, họ phải hiểu rõ trách nhiệm của mình, đem tài năng của mình trước hết để tận tụy cống hiến, góp phần vào sự phát triển của đất nước ngày càng giàu mạnh. Hơn thế, đó còn là bảo vệ chế độ mà những người sáng lập đã gây dựng nên: “Nếu chúng ta không ra sức làm việc, thì khi nhân dân mất lòng tin, tội lỗi sẽ là thuộc về chúng ta. Nhân dân không những mất lòng tin đối với anh, với công nhân viên chức, đối với chúng ta, đối với những người lãnh đạo nền chính trị dân chủ, mà còn thất vọng trước chế độ dân chủ mà chúng ta đã ra sức xây dựng”(2).
Hai là, người lãnh đạo phải trong sạch, đi đầu về phẩm chất liêm chính, như vậy mới có thể tạo dựng một tấm gương tốt trong quần chúng. Theo Chính phủ Singapore, những người bạn thân, đồng sự hoặc thân thuộc của chúng ta đưa ra những yêu cầu sai trái, thì chúng ta đều phải cự tuyệt, cần phải tuyệt đối liêm khiết trong việc công, tức là phải thật sự và hết sức tuân thủ giới luật đại công vô tư, không thiên vị. Khi anh có quyền có thế, mọi người có thể đặc biệt ân cần, lễ phép đối với anh, hy vọng làm như vậy có thể lọt vào mắt xanh của anh. Họ có thể đi theo, thay anh xách cặp tài liệu, văn kiện, dùng xe chở anh đi khắp nơi, mở cửa cho anh, khiến anh không phải nhọc nhằn, khiến anh cảm thấy oai vệ. Đừng có tự dối người, cho rằng tất cả những cái đó đều không mất tiền, đều không phải trả giá. Càng tốt hơn là không nên che giấu những người nịnh nọt, mua chuộc mình làm những việc có thể có lợi cho họ. Một khi bộ trưởng hoặc cả nội các khoan dung đối với việc làm không chính đáng của những người mưu cầu lợi riêng, hủ bại sẽ nảy sinh, tiếp đó công chúng, nhân sĩ có thể yêu cầu điều tra. Trong sự chỉ trích của đa số hoặc là hư cấu, thậm chí hoàn toàn mang ác ý, nếu như không rửa sạch được một số lời phỉ báng trong đó thì sẽ không có cách nào bù đắp được sự phá hoại do nó tạo nên(3). Chỉ ra những hoàn cảnh khó khăn mà người lãnh đạo thường phải đối mặt, hay hậu quả khôn lường của hành vi không liêm khiết, không trong sáng, Chính phủ Singapore nhấn mạnh, trong bất luận hoàn cảnh nào, người lãnh đạo cũng phải giữ được đức tính liêm khiết, chí công vô tư và nêu gương về phẩm chất ấy.
Ba là, lãnh đạo không được xa rời mà phải gần gũi, sâu sát quần chúng, nắm bắt được tâm tư của quần chúng. Đảng Hành động Nhân dân (PAP) lãnh đạo Singapore thông qua những đảng viên nắm giữ các trọng trách trong bộ máy nhà nước. Những đảng viên ở cấp lãnh đạo, quản lý phải thực sự là những hiền tài, tận tụy với công việc, sâu sát với đời sống nhân dân. Để tránh xa rời nhân dân, nắm vững những tâm tư, nguyện vọng của người dân, Singapore quy định “các đảng viên nắm trọng trách, kể từ nghị sĩ trở lên, hằng tháng phải tiếp xúc với cử tri ở khu vực bầu cử của mình”(4). Đối với các nghị sĩ, những buổi gặp dân vừa là trách nhiệm, vừa là tình cảm, chứ không phải chỉ đơn thuần là cơ hội chuẩn bị cho sự vận động tranh cử của nhiệm kỳ sau. Buổi tiếp xúc thường diễn ra vào buổi tối ở những nơi công cộng, không bố trí sẵn bàn ghế kiểu hội nghị, không trang trí và cũng không có khẩu hiệu chào mừng, không có thủ tục giới thiệu của chủ tọa, vì mọi người đã biết nghị sĩ; cũng không mang tính chất hành chính, không quy định giờ kết thúc, cứ hết người ở nơi tiếp dân nghị sĩ mới nghỉ. Vì thế có những buổi tiếp xúc cử tri thậm chí kết thúc vào lúc 3 giờ sáng. Khi tiếp xúc cử tri, nghị sĩ Singapore lắng nghe cử tri trình bày về những khó khăn, vướng mắc của dân trong cuộc sống như vấn đề thu nhập, việc làm... Sau khi lắng nghe, việc gì có thể xử lý ngay, nghị sĩ sẽ giải quyết; những việc không thể xử lý ngay, nghị sĩ hướng dẫn, giúp họ viết đơn, thư gửi đến những nơi cần thiết có thể giải quyết. Ngay cả Tổng Thư ký Đảng Hành động Nhân dân cũng dành thời gian tiếp xúc các cử tri với hình thức như vậy. Trong những cuộc tiếp xúc đó, không khí rất cởi mở, gần gũi và thân thiện, không có khoảng cách.
Bốn là, người lãnh đạo phải nêu cao tinh thần khi cần thiết sẵn sàng hy sinh lợi ích của bản thân vì nhân dân, vì đất nước, phải biết đặt lợi ích cộng đồng lên trên lợi ích cá nhân. Đây chính là điểm đầu tiên trong năm điểm thuộc hệ giá trị chung được đề cập trong Sách trắng về hệ giá trị chung của Singapore “Nhà nước chí thượng, xã hội trên hết”. Quan điểm của Chính phủ Singapore rất rõ ràng: “Những gì thuộc về chúng ta có thể được bảo tồn chỉ khi chúng ta cùng nhau bảo vệ sự toàn vẹn của đất nước và bảo đảm lợi ích của cả cộng đồng”(5). Như vậy, người lãnh đạo phải chú trọng lợi ích của đất nước lên trước nhất bởi chính tương lai của Singapore, hay cụ thể hơn là bộ máy chính quyền có thể phục vụ lợi ích của toàn thể nhân dân một cách hiệu quả hay không, hay chỉ lo cho quyền lợi của một nhóm người, điều đó phụ thuộc vào quyết sách của Hội đồng Bộ trưởng(6).
Một số việc làm thể hiện văn hóa cầm quyền của lãnh đạo Singapore
Một trong những nhân tố then chốt, quyết định đến sự thành công của Singapore là do có những nhà lãnh đạo có năng lực, liêm khiết, tận tụy với công việc, sâu sát với quần chúng và gương mẫu trong mọi hành động, thể hiện ở một số điểm sau:
Đi đầu trong triển khai thực hiện chính sách bằng những hành động cụ thể, đặt lợi ích quốc gia cao hơn hơn lợi ích cá nhân. Điều này có thể thấy rất rõ trong việc Singapore triển khai chính sách song ngữ. Nỗ lực hướng tới một ngôn ngữ chung, với mục tiêu tăng cường tình đoàn kết giữa các dân tộc, đồng thời ngăn chặn sự xói mòn của văn hóa và di sản của 3 dân tộc chính, Singapore yêu cầu, khuyến khích người dân sử dụng thành thạo cả tiếng Anh và tiếng mẹ đẻ. Thời gian đầu, một số người gốc Hoa muốn biến tiếng Trung thành ngôn ngữ chính thức, song người đứng đầu Chính phủ Singapore đương thời đã “đập nát” ý tưởng đó ngay lập tức, kiên quyết đấu tranh đến cùng thực thi chính sách song ngữ để bảo đảm Singapore sẽ trở thành một quốc gia đa chủng tộc và đa văn hóa, sẽ có những công dân người Singapore, không phải là công dân người Trung Quốc(7). Khuyến khích người dân hưởng ứng, nhiệt tình tham gia vào con đường đã định, lãnh đạo Singapore còn tự mình làm mẫu bằng cách nỗ lực học tiếng Hoa phổ thông, đồng thời gửi các con của mình đến các trường học bằng tiếng Hoa và sau đó đến các trường đại học bằng tiếng Anh(8). Cho đến nay, các thế hệ lãnh đạo của Singapore đều đồng thời sử dụng thành thạo cả tiếng Anh và ngôn ngữ mẹ đẻ của họ, chủ động truyền cảm hứng cho một tầm nhìn chung về việc xây dựng bản sắc Singapore dựa trên chủ nghĩa đa chủng tộc, xây dựng xã hội đa văn hóa. Để đưa được những quyết sách đúng đắn vào cuộc sống, người đứng đầu hệ thống chính trị của Singapore sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân của mình: thực thi chính sách tăng lương cho các cấp lãnh đạo nhưng không tăng lương cho bản thân. “Tôi không tăng lương cho mình vì lo ngại quốc dân hiểu nhầm vấn đề tăng lương, có thể làm cho tổ chức công đoàn đòi tăng lương quá mức, lại thêm vấn đề thất nghiệp, có thể làm cho đất nước rơi vào tình trạng khó khăn”(9). Nắm giữ quyền lực tối cao của đất nước, các nhà lãnh đạo ý thức rất rõ việc sử dụng quyền lực để phát triển đất nước, phục vụ nhân dân, chứ không lạm dụng quyền lực, không vì tình riêng mà vị nể, dung dưỡng cho bất cứ hành động phạm pháp nào, bất kể người đó ở địa vị cao đến mấy, hay là người có thành tích lớn trong xây dựng đất nước. Cách Chính phủ Singapore quyết không dung thứ cho Bộ trưởng Bộ Quốc gia Singapore Trịnh Chương Viễn, người cùng đồng cam cộng khổ với Thủ tướng Lý Quang Diệu từ những buổi đầu lập nước là một ví dụ. Rõ ràng, ở điểm này, có thể thấy phẩm chất trong sạch, ngay thẳng, đặt lợi ích sống còn của đất nước và nhân dân lên trước nhất của các quan chức Chính phủ Singapore.
Sâu sát với nhân dân, tiếp thu ý kiến của nhân dân trong quá trình phát triển đất nước. Để có thể nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, những thế hệ lãnh đạo tiếp nối thế hệ lãnh đạo thứ nhất luôn tìm tòi, sáng tạo cách tiếp cận mới với phong cách lãnh đạo cởi mở hơn - phong cách quản trị tăng cường “tham vấn”. Theo đó, nhiều sáng kiến nhằm cải thiện cuộc sống của người dân và kết nối người dân với chính phủ cũng được đưa ra. Chẳng hạn như việc thành lập các ủy ban cư dân (RCs) tại khu vực bầu cử vào năm 1977. RCs được thành lập với một số mục đích: Thúc đẩy tình láng giềng và sự đoàn kết giữa các cộng đồng cư dân; nêu lên những vấn đề liên quan đến nhu cầu bức thiết của cư dân với các cơ quan chính phủ; đó cũng là kênh để chính quyền phổ biến các chính sách chính thức và tiếp nhận ý kiến phản hồi của người dân ở cấp cơ sở. RCs sau đó đã được thiết lập ở các khu vực bầu cử khác(10). Tăng cường tiếp thu ý kiến của nhân dân, tháng 4-1985, Singapore còn thành lập đơn vị Phản hồi, trực thuộc Bộ Phát triển Cộng đồng. Thông qua đơn vị này, người dân có thể bày tỏ mối quan tâm của họ về các chính sách của chính phủ. Vai trò của đơn vị Phản hồi sau đó được mở rộng thành một diễn đàn, ở đó công dân có thể đặt câu hỏi, tranh luận về chính sách, đóng góp đề xuất và tham gia vào quá trình ra quyết định. Các bộ, ban ngành hành pháp của chính phủ cũng sử dụng đơn vị này như một phương tiện tích cực để thu thập quan điểm của công chúng về các chính sách khác nhau của chính phủ(11). Từ các sáng kiến trên, lãnh đạo Singapore duy trì phong cách quản trị “mềm mại” hơn so với giai đoạn trước, đạt được những hiệu quả nhất định trong việc tăng cường sự kết nối giữa chính phủ và người dân trên nhiều phương diện.
Sẵn sàng nhận lỗi về những sai sót mắc phải trong quá trình điều hành đất nước. “Chúng tôi làm chưa đúng, tôi xin lỗi. Song chúng tôi sẽ cố gắng và làm tốt hơn trong lần tới. Đây thực sự là những vấn đề mà chúng tôi phải giải quyết”. Chính phủ Singapore cũng thẳng thắn: “Không chính phủ nào hoàn hảo cả! Chúng ta có thể mắc lỗi. Nhưng khi nó xảy ra, chúng ta nên thừa nhận, chúng ta nên xin lỗi, nhận trách nhiệm và giải quyết mọi việc. Nếu phải kỷ luật ai đó, chúng ta sẽ làm điều đó. Chúng ta cần rút ra bài học và không bao giờ phạm phải sai lầm tương tự nữa”(12). Lời xin lỗi trên của Chính phủ Singapore được đưa ra vào tháng 5-2011, trong bối cảnh có những chính sách chính phủ thực thi dẫn đến mặt trái của xã hội như hệ lụy từ việc chơi cờ bạc của người Singapore do việc mở các khu phức hợp thương mại, nghỉ dưỡng có quy mô sở hữu casino đồ sộ nhất thế giới thời điểm đó, hay vấn đề lượng hành khách quá tải trên các phương tiện giao thông công cộng do chính sách nhập cư cởi mở.
Trong quá trình đồng hành dẫn dắt Singapore phát triển, các lãnh đạo của Singapore luôn có tinh thần đoàn kết, gắn bó chặt chẽ. Đối với họ, việc lãnh đạo một chính phủ không khác với việc chỉ huy một dàn nhạc. Không một vị thủ tướng nào có thể đạt được nhiều thành tựu nếu không có một đội ngũ có năng lực và đoàn kết. Bởi vậy, họ xây dựng, duy trì phong cách làm việc cởi mở giữa chính những lãnh đạo cao cấp với nhau; hiểu những điểm mạnh, điểm yếu của nhau và phối hợp công việc một cách tốt đẹp như một đội ngũ thống nhất. “Những bất đồng về chính sách được giữ kín trong nội các cho đến khi chúng tôi giải quyết xong và đạt được một sự nhất trí. Sau đó chúng tôi đưa ra một đường lối rõ ràng mà người dân có thể hiểu và chấp nhận. Một khi nội các đã quyết định, chúng tôi chỉ có tuân thủ quyết định đó”(13). Tinh thần đoàn kết vì sự nghiệp chung và gắn bó giữa các lãnh đạo qua các thế hệ được đánh giá khá sâu sắc. Họ sẵn sàng phát huy những điều tốt nhất của nhau, giúp nhau nâng cao các kỹ năng lãnh đạo, quản lý, sát cánh vì sự phát triển của đất nước Singapore.
Thành công của Singapore qua những giai đoạn chuyển đổi khác nhau cho thấy, các thế hệ lãnh đạo không ngừng nỗ lực biến tầm nhìn, khát vọng thành hiện thực. Trong đó, đề cao văn hóa cầm quyền thông qua phẩm chất của người lãnh đạo, họ đã sử dụng năng lực thể hiện qua hành động để “gây ảnh hưởng” chứ không phải “chỉ huy”; trước khi là một nhà lãnh đạo “dẫn dắt và định hướng”, họ là người lãnh đạo vì quyền lợi của nhân dân mà phục vụ. Đặt mục tiêu của đất nước lên trước hết, lãnh đạo của Singapore nêu cao sự gương mẫu, trách nhiệm truyền cảm hứng, hay nói cách khác là đề cao và sử dụng sự gương mẫu làm phương thức lãnh đạo. Theo thời gian, nó trở thành những điểm cốt lõi, tạo nên giá trị nền tảng trong văn hóa cầm quyền của lãnh đạo Singapore; góp phần định hướng người lãnh đạo dẫn dắt tổ chức thành công, chuyển đổi văn hóa của người cầm quyền, văn hóa lãnh đạo thành văn hóa của tổ chức./.
--------------------
(1) (4) Dương Văn Quảng: Singapore - Đặc thù và giải pháp, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.115, 57
(2) (3) (6) (9) Tuyển 40 năm chính luận của Lý Quang Diệu (Lê Tư Vinh, Nguyễn Huy Quý dịch), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.22, 115-116, 21, 204
(5) Alex Josey: Lee Kuan Yew: The Struggle for Singapore, reprinted and updated with the Lesson of Indochina, London, 1976, tr. 198
(7) (8) (13) Lý Quang Diệu: Bí quyết hóa rồng - Lịch sử Singapore 1965 - 2000, (Saigonbook dịch và giới thiệu), Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2001, tr.148-159, 148, 201
(10) Koh Qi Rui Vincent: Goh Chok Tong, https://eresources.nlb.gov.sg/infopedia/articles/SIP_860_2004-12-27.html, 2014, truy cập ngày 28-6-2020
(11) https://eresources.nlb.gov.sg/history/events/d65e8477-1714-4103-b93a-9d2d6f898d48, truy cập ngày 15-9-2021
(12) Alicia Wong, PM Lee: If we didn’t get it right, I’m sorry, 2011, https://sg.news.yahoo.com/blogs/singaporescene/pm-lee-didn-t-m-sorry-152850327.html, truy cập ngày 17-8-2021
Việt Nam kiên định trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội  (26/08/2021)
Việt Nam kiên định trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội  (26/08/2021)
Chủ tịch nước phát biểu tại phiên họp của Quốc hội khóa IX nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào  (11/08/2021)
Tiếp tục đưa quan hệ truyền thống đoàn kết đặc biệt giữa hai nước Việt Nam - Lào đi vào chiều sâu, thực chất và ngày càng hiệu quả  (09/08/2021)
Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Tầm nhìn và thực tiễn  (15/12/2020)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên