TCCS - Tháng 11-2020, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký kết theo hình thức trực tuyến bởi Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và 10 nước thành viên thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Đây được coi là một trong những thành công trong chiến lược xây dựng các hiệp định thương mại tự do và góp phần phát triển mối quan hệ chiến lược với các quốc gia Đông Nam Á của Hàn Quốc.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (trái) và Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Yoo Myung-hee ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN, ở Hà Nội, ngày 15-11-2020_Ảnh: AFP/TTXVN

Tầm quan trọng của RCEP

RCEP là hiệp định thương mại tự do (FTA) chất lượng cao kết nối các khu vực kinh tế năng động và phát triển nhất hiện nay, bao gồm 10 nước ASEAN, các nước Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) và các nước châu Đại Dương (Australia, New Zealand). Nhiều quốc gia RCEP có dân số trẻ. RCEP được đánh giá cao bởi sự hợp tác dựa trên “kiềng ba chân”, gồm thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và thương mại điện tử. Vì vậy, RCEP được coi là động lực tăng trưởng mới cho thương mại quốc tế. Bên cạnh đó, RCEP hội tụ những yếu tố cơ bản sau: Một là, RCEP là FTA duy nhất hội tụ đa dạng các nền kinh tế lớn trên thế giới (như Trung Quốc và Nhật Bản), những nền kinh tế có mức thu nhập bình quân đầu người cao (như Singapore, New Zealand, Brunei, Australia), các nền kinh tế công nghiệp hóa lớn (như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc), đến các nền kinh tế có mức thu nhập trung bình với nguồn tài nguyên thiên nhiên rộng lớn (như Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam) và các nền kinh tế có mức thu nhập thấp, kém phát triển (như Campuchia, Lào, Myanmar). RCEP gồm nhiều đối tác ở các trình độ phát triển khác nhau, thậm chí là mức độ tự do hóa của các thành viên cũng khác nhau; hai là, Hiệp định RCEP do ASEAN khởi xướng và dẫn dắt, được Trung Quốc hỗ trợ tích cực, chủ yếu tập trung vào việc cắt giảm thuế quan và tự do hóa dịch vụ. ASEAN được coi là trung tâm kết nối của RCEP khi các thành viên không thuộc ASEAN của RCEP vẫn kết nối được với ASEAN thông qua các FTA ASEAN + 1. Hiện ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc. RCEP được ký kết sẽ thúc đẩy ​​thương mại và đầu tư giữa ASEAN - Trung Quốc tăng nhanh chóng và tác động tích cực đến chuỗi giá trị khu vực; ba là, RCEP có phạm vi rộng mở hơn so với các hiệp định thương mại khác. So với các FTA ASEAN + 1, RCEP có khả năng tiếp cận lớn hơn nhiều. Trong giai đoạn tới, RCEP tiến tới loại bỏ ít nhất 92% dòng thuế nhập khẩu giữa các quốc gia ký kết trong vòng 20 năm (2020 - 2040) (1), thiết lập các quy tắc mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho lĩnh vực thương mại điện tử và quyền sở hữu trí tuệ, đưa ra quy định mạnh mẽ hơn về thương mại dịch vụ và đầu tư nước ngoài xuyên biên giới. RCEP được thiết kế nhằm cắt giảm chi phí và thời gian cho các doanh nghiệp khi xuất khẩu hàng hóa sang bất kỳ quốc gia nào đã ký kết thỏa thuận mà không cần đáp ứng các yêu cầu riêng biệt của từng quốc gia. 

Về chiến lược kinh tế, RCEP giúp đẩy mạnh khôi phục kinh tế và sự thịnh vượng lâu dài của khu vực. RCEP có hiệu lực sẽ giúp tối ưu hóa phân bổ nguồn lực trong khu vực, thúc đẩy tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và tự do hóa đầu tư, nâng cao trình độ hội nhập kinh tế, tạo ra một thị trường lớn với quy mô người tiêu dùng chiếm khoảng 30% dân số thế giới, dự kiến mang lại thêm 209 tỷ USD mỗi năm trong doanh thu toàn cầu và 500 tỷ USD cho thương mại thế giới vào năm 2030 (2). Mục tiêu kỳ vọng của RCEP là sẽ nâng cao mức hợp lý về thuế quan, hài hòa về quy tắc xuất xứ, chuẩn hóa ở mức độ phù hợp về các hàng rào phi thuế quan; tạo điều kiện thuận lợi trong thương mại giữa các nước thành viên. Việc dỡ bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan trong khuôn khổ RCEP sẽ làm tăng GDP của khu vực châu Á - Thái Bình Dương thêm 2,1% GDP và của thế giới lên 1,4% GDP (3).

Về chiến lược địa - chính trị, RCEP đã chứng tỏ là một cầu nối quan trọng. Nhờ sự thành công của việc hình thành RCEP, ASEAN đã nâng cao tiếng nói của mình trên trường quốc tế bởi khả năng kết nối được một thỏa thuận thương mại đầy tham vọng liên quan đến các quốc gia ở các trình độ phát triển khác nhau. Bên cạnh đó, RCEP cũng là cầu nối giúp Trung Quốc tăng cường quan hệ với các nước láng giềng và đẩy mạnh hội nhập kinh tế các nước Đông Bắc Á. Trung Quốc mặc dù không phải là quốc gia khởi xướng Hiệp định, nhưng là nước đề xướng hội nhập kinh tế khu vực. Trung Quốc đã thúc đẩy toàn cầu hóa trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng, bằng cách ràng buộc lợi ích kinh tế của các nước RCEP với nhau, giúp giảm thiểu chia rẽ trong khu vực châu Á.

Về sự hợp tác, RCEP không chỉ trở thành một điểm tựa mới cho nền kinh tế thế giới mà còn đại diện cho sự hợp tác cởi mở, bởi RCEP quy tụ các quốc gia có dân số lớn trên thế giới, cơ cấu thành viên đa dạng với sự khác biệt lớn về trình độ phát triển kinh tế. RCEP còn là biểu hiện của sự đoàn kết nội bộ ASEAN, thể hiện quyết tâm và lòng tin của các nước Đông Nam Á trong việc kiên trì thương mại tự do và chủ nghĩa đa phương. Với RCEP, hợp tác khu vực đã có bước đột phá mới. Bất chấp sự phản ứng của Mỹ, những khó khăn do tình hình dịch bệnh COVID-19 đem lại và hệ lụy từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, việc hoàn tất ký kết RCEP đã thể hiện xu hướng tiến bộ và hợp tác quốc tế là khó có thể đảo ngược.

Bốc xếp hàng hóa xuất - nhâp khẩu tại cảng Busan (Hàn Quốc)_Ảnh: shutterstock

Cơ hội đối với Hàn Quốc

Do Hàn Quốc là quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thương mại, nên RCEP được coi là một trong những thành tựu của chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc vì RCEP giúp xóa bỏ rào cản thương mại giữa Hàn Quốc với các nước ASEAN.

Thứ nhất, RCEP thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc.  

Suy giảm năng lực sản xuất (tỷ trọng xuất khẩu của Hàn Quốc giảm 3,6% trong tháng 10-2020) và dịch bệnh COVID-19 đã ngăn chặn đà phục hồi của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á. Ký kết RCEP được coi là cột mốc quan trọng thúc đẩy quá trình khôi phục kinh tế của Hàn Quốc cũng như các đối tác tham gia Hiệp định. Viện Chính sách kinh tế quốc tế Hàn Quốc (KIEP) đánh giá RCEP sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc từ 0,41% đến 0,62% trong giai đoạn 2020 - 2030 nhờ giảm thuế quan và tăng phúc lợi cho người tiêu dùng từ 4,2 tỷ USD đến 6,8 tỷ USD (4). Còn theo đánh giá của Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ), RCEP sẽ thúc đẩy GDP của Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản tăng thêm 1% và toàn bộ khu vực RCEP thêm 0,5% vào năm 2030. RCEP bổ sung trung bình 1,1% vào GDP hằng năm của Hàn Quốc và 1,1 tỷ USD phúc lợi cho người tiêu dùng, giúp cải thiện số dư tài khoản vãng lai thêm 28,7 tỷ USD trong trung và dài hạn (5).

Thành công lớn nhất của Hàn Quốc khi tham gia RCEP là mở ra thị trường mới cho các ngành công nghiệp chủ chốt như ô tô, xăng dầu, thép và hóa chất. Năm 2020, thị trường RCEP chiếm 53,2% thị trường xuất khẩu thép của Hàn Quốc, tăng 46,8% so với năm 2019. Dự kiến ​​nhu cầu về nguyên liệu thép của ASEAN sẽ tăng lên 77,3 triệu tấn trong năm 2021. RCEP quy định giảm mức thuế từ 40% xuống 0% đối với xe tải. Thuế quan cũng sẽ được xóa bỏ không chỉ đối với những mặt hàng trong các ngành do các tập đoàn lớn dẫn đầu, mà còn đối với cả doanh nghiệp vừa và nhỏ, như dệt may, máy móc và sản phẩm vệ sinh. RCEP hạ thấp rào cản thương mại sẽ giúp thúc đẩy doanh số bán hàng của các công ty điện tử trong nước. Đối với doanh nghiệp công nghiệp điện tử như LG Electronics của Hàn Quốc, việc miễn thuế ở Nhật Bản giúp mức giá sản phẩm TV OLED của LG Hàn Quốc xuống gần bằng với mức giá của các thương hiệu trong nước, do đó cải thiện khả năng cạnh tranh về giá. Các sàn giao dịch chứng khoán Hàn Quốc cũng tăng mạnh ngay sau khi RCEP được ký kết, nhất là nhóm cổ phiếu công nghệ, trong đó có cổ phiếu của Samsung Electronics và SK Hynix...

Thứ hai, RCEP giúp Hàn Quốc mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu.

Thị trường xuất khẩu của Hàn Quốc hiện đang phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc và Mỹ. Tranh chấp thương mại Mỹ - Trung Quốc đã tác động mạnh đến kinh tế Hàn Quốc. Tuy nhiên, khi RCEP có hiệu lực, bên cạnh xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc, Hàn Quốc có thể sử dụng RCEP để xuất khẩu và nhập khẩu sản phẩm từ 15 quốc gia trong RCEP một cách dễ dàng và hiệu quả hơn. Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu sang các nước thành viên RCEP chiếm một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc, trong đó 25% xuất khẩu sang Trung Quốc và 25% đến các thành viên còn lại trong RCEP (ASEAN và Nhật Bản chiếm phần lớn nhất, lần lượt là 17% và 5%). Do vậy, Hàn Quốc sẽ được hưởng lợi nhiều từ việc tự do hóa thuế quan. Đặc biệt trong lĩnh vực ô tô và thép, RCEP giúp các nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc chiếm 74% thị phần của đối thủ Nhật Bản tại thị trường Đông Nam Á, với 3,5 triệu xe bán ra hằng năm. Mức thuế đối với ô tô tải và ô tô khách giảm dần từ hơn 40% đến 30% tại thị trường ASEAN và giảm thấp hơn nữa đối với các thiết bị, phụ tùng đi kèm ô tô (dây an toàn, túi khí…). Các sản phẩm thép của Hàn Quốc sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn sau khi loại bỏ 20% thuế quan tại thị trường Nhật Bản.

RCEP mở cửa thị trường mới cho hơn 90% các mặt hàng xuất khẩu của Hàn Quốc, mang lại bước đột phá cho nền kinh tế Hàn Quốc vốn đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc sang các quốc gia thành viên của Hiệp định Thương mại Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) đạt gần 90 tỷ USD và sang các nước trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đạt 126 tỷ USD (năm 2019), thấp hơn nhiều so với mức 269 tỷ USD hàng hóa Hàn Quốc được xuất sang các nước trong RCEP. Khôi phục chủ nghĩa đa phương và chống chủ nghĩa bảo hộ là nhiệm vụ cấp bách mà Hàn Quốc đang phải đối mặt do nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. RCEP đóng một vai trò quan trọng trong việc khôi phục các hoạt động thương mại và đầu tư của các nước thành viên vốn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. RCEP được coi là giải pháp giúp Hàn Quốc đẩy mạnh các hoạt động thương mại với các quốc gia khác, ứng phó tốt hơn với chủ nghĩa đa phương đang dần suy yếu, chủ nghĩa bảo hộ đang bùng phát và xu hướng nội địa hóa tăng lên trong chuỗi giá trị toàn cầu, tìm kiếm cách tiếp cận song phương và đa phương trong thương mại toàn cầu.

Xuất khẩu của Hàn Quốc gặp nhiều khó khăn kể từ khi Mỹ theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch. Nhưng với RCEP, Hàn Quốc sẽ xuất khẩu sang 15 nước mà không gặp phải rào cản thương mại. Theo Viện Nghiên cứu kinh tế Hàn Quốc (KERI), nếu căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc kéo dài, kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc dự đoán sẽ giảm 75% và kim ngạch nhập khẩu tăng 181%. Song với RCEP, mức giảm của kim ngạch xuất khẩu sẽ dừng lại ở mức giảm 22% và kim ngạch nhập khẩu ổn định.

Thứ ba, RCEP giúp Hàn Quốc tăng cường sự hiện diện kinh tế ở khu vực Đông Nam Á.

RCEP cải thiện mối quan hệ chiến lược của Hàn Quốc với ASEAN, vì giúp xóa bỏ rào cản thương mại giữa các nước ASEAN và Hàn Quốc. Mặc dù Trung Quốc và Mỹ là hai đối tác lớn nhất, chiếm 40% kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc, song khi tham gia RCEP, Hàn Quốc mong muốn tăng cường sự hiện diện kinh tế của mình ở khu vực Đông Nam Á và đang nỗ lực đa dạng hóa danh mục thương mại để thâm nhập sâu hơn vào thị trường tiêu dùng rộng lớn này với dân số khoảng 650 triệu người (năm 2020). Kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc sang ASEAN đã tăng từ gần 39 tỷ USD (năm 2007) lên hơn 95 tỷ USD (năm 2019) nhờ FTA Hàn Quốc - ASEAN. RCEP giúp loại bỏ 91,9% - 94,5% hàng rào thuế quan giữa Hàn Quốc và ASEAN, giúp nền kinh tế mạnh thứ tư châu Á tiếp tục mở rộng sự hiện diện của mình ở khu vực ASEAN.

Với mục tiêu trở thành trung tâm tài chính quốc tế, dựa trên những lợi thế của hai thành phố lớn nhất Hàn Quốc là Seoul và Busan, Đông Nam Á sẽ trở thành trung tâm tài chính quốc tế của Hàn Quốc. Theo Ủy ban Dịch vụ tài chính Hàn Quốc (FSC), việc mở rộng hoạt động sang các nước ASEAN là một trong ba chiến lược chính để thực hiện kế hoạch tổng thể lần thứ năm - trở thành trung tâm tài chính quốc tế của Hàn Quốc năm 2022. Trong số 27 chi nhánh nước ngoài mà các công ty tài chính Hàn Quốc thành lập, có 13 chi nhánh được đặt tại các quốc gia thành viên ASEAN (6), như Việt Nam, Indonesia, Singapore… Bởi theo Viện Nghiên cứu thị trường vốn Hàn Quốc (KCMI), thị trường tài chính Hàn Quốc đã bão hòa, do đó, rất khó để theo đuổi một chiến lược hướng nội nhằm thu hút các công ty tài chính nước ngoài đến Hàn Quốc. Vì vậy, việc đặt các công ty tài chính Hàn Quốc tại Đông Nam Á sẽ giúp đáp ứng được nhu cầu dịch vụ tài chính của Hàn Quốc và khu vực ASEAN vốn đang nổi lên như một chuỗi cung ứng toàn cầu.

RCEP áp dụng các quy định thương mại mới nhất về xuất xứ, quyền sở hữu trí tuệ, phương thức tiếp cận thị trường, dịch vụ, hàng hóa và đầu tư cho các nước thành viên, do vậy, những nước này sẽ được hưởng lợi bởi hàng hóa sản xuất từ trong khu vực được ưu đãi về thuế. Do đó, các cơ sở sản xuất của Hàn Quốc tại các nước thành viên RCEP sẽ có lợi thế cạnh tranh, quyền sở hữu trí tuệ. Văn hóa Hàn Quốc sẽ được bảo vệ tốt hơn trong bối cảnh làn sóng Hallyu của Hàn Quốc đang lan tỏa mạnh mẽ ở khu vực Đông Nam Á.

Thứ tư, RCEP đặt nền móng cho FTA Đông Á.

RCEP đã đặt nền móng cho việc ký kết FTA Nhật Bản - Hàn Quốc - Trung Quốc. Viện Quốc tế Nhật Bản đánh giá, RCEP giúp tăng thêm 6,5% GDP của Hàn Quốc, trong khi Nhật Bản tăng 5% GDP và Trung Quốc tăng thêm 4,6% GDP. Tổng GDP của ba quốc gia Đông Á chiếm hơn 70% GDP của châu Á và khoảng 20% tổng GDP của thế giới, nhiều hơn cả Liên minh châu Âu (EU) (7). Rõ ràng, RCEP là do ASEAN khởi xướng, nhưng muốn tối đa hóa lợi ích, không thể thiếu sự hợp tác của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Hàn Quốc đã có thỏa thuận thương mại tự do với 13 trong số 14 nền kinh tế đối tác RCEP (trừ Nhật Bản - đối tác thương mại lớn thứ ba của Hàn Quốc, chiếm 5% tổng kim ngạch xuất khẩu và 10% kim ngạch nhập khẩu). Do đó, RCEP có ý nghĩa quan trọng như một thỏa thuận thương mại tự do đầu tiên được ký kết giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, thiết lập kênh đối thoại đa phương với Nhật Bản, vốn đang có nhiều mâu thuẫn với Hàn Quốc xung quanh các hạn chế xuất khẩu, mở ra cơ hội để hai nước xích lại gần hơn. Khoản tiết kiệm thuế quan tiềm năng đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Nhật Bản của Hàn Quốc sẽ lên tới 2,2 tỷ USD (chiếm 0,1% GDP của Hàn Quốc). Trong đó, tiết kiệm thuế quan nhiều nhất trong kim ngạch nhập khẩu vốn và hàng hóa trung gian (như máy móc, thiết bị điện, nhựa, cao su và hóa chất).

Trong số 15 quốc gia tham gia RCEP, Nhật Bản và Hàn Quốc dự kiến ​​sẽ đạt được mức tăng trưởng cao nhất do khả năng tiếp cận nền kinh tế của nhau nhiều hơn. Thu nhập thực tế ở cả hai quốc gia sẽ tăng 1% vào năm 2030 nhờ RCEP, nhiều hơn bất kỳ thành viên nào khác. Theo thỏa thuận, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 83% các sản phẩm thương mại hàng hóa giữa hai nước. Nhờ RCEP, các doanh nghiệp Hàn Quốc có thể xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Nhật Bản với mức thuế thấp hơn, Nhật Bản có thể tiếp cận thị trường Hàn Quốc dễ dàng hơn, góp phần thúc đẩy thương mại giữa hai nước, dù quy mô sẽ không lớn bằng một FTA song phương.

Theo đánh giá của Viện Kinh tế quốc tế Peterson, RCEP có thể đóng góp thêm 500 tỷ USD trong kim ngạch xuất khẩu thế giới vào năm 2030. Trong đó, ba quốc gia Đông Á trong RCEP lần đầu tiên được kết nối với nhau bằng một hiệp định thương mại tự do. Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc dự kiến ​​sẽ tăng 248 tỷ USD nhờ RCEP, Nhật Bản tăng thêm 128 tỷ USD và Hàn Quốc 63 tỷ USD (8). Khi các mối quan hệ thương mại được tăng cường ở Đông Á, bằng cách cùng tham gia trong RCEP, Đông Á sẽ là nơi hội tụ của  các cường quốc công nghệ. Các nước ASEAN và toàn khu vực sẽ được hưởng lợi từ hợp tác hòa bình, đầu tư nước ngoài nhiều hơn và nâng cấp nhanh hơn các công nghệ xanh và kỹ thuật số.

Dây chuyền sản xuất, kiểm tra các bản mạch điện tử dạng dẻo, nhiều lớp tích hợp của Công ty TNHH Young Poong Electronics VINA vốn đầu tư của Hàn Quốc tại Khu công nghiệp Bình Xuyên II (tỉnh Vĩnh Phúc)_Ảnh: Tư liệu

Khó khăn, thách thức đối với Hàn Quốc

Mặc dù RCEP mang lại nhiều tác động tích cực, song Hàn Quốc cũng phải đối diện với một số khó khăn, thách thức:

Một là, khó khăn trong nâng cao sức cạnh tranh ngành vật liệu, linh kiện, trang thiết bị. Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ ba của Nhật Bản. Bên cạnh những kỳ vọng về hiệu quả khi xóa bỏ thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu sang Nhật Bản, nhiều ý kiến lo ngại rằng, các mặt hàng vật liệu, linh kiện, trang thiết bị xuất khẩu của Nhật Bản sẽ chiếm lĩnh thị trường Hàn Quốc. Do đó, đối sách nâng cao sức cạnh tranh ngành vật liệu, linh kiện, trang thiết bị của Hàn Quốc sẽ gặp khó khăn, dù quốc gia này đã thiết lập các biện pháp an toàn để ứng phó, như xóa bỏ dần hàng rào thuế quan để giảm thiểu thiệt hại cho ngành công nghiệp trong nước. Cũng bởi sức cạnh tranh kém hơn, nên khi nhập khẩu vật liệu, phụ tùng thiết bị và nông thủy sản từ Nhật Bản có thể gây thêm khó khăn cho các doanh nghiệp Hàn Quốc. Cùng với đó, ở một số lĩnh vực, Nhật Bản không lựa chọn mua các hàng hóa xuất xứ từ Hàn Quốc, do vậy, doanh số bán ô tô Hàn Quốc tại Nhật Bản thấp hơn nhiều so với các thị trường khác. Các sản phẩm của Nhật Bản nếu được miễn thuế quan khi nhập khẩu sẽ có sức cạnh tranh lớn về giá cả và thậm chí có thể chi phối thị trường Hàn Quốc. Do đó, Hàn Quốc cần phải chuẩn bị kỹ trước việc gỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan.    

Hai là, thách thức đối với ngành nông nghiệp. RCEP cũng đặt ra những thách thức đối với ngành nông nghiệp Hàn Quốc, khi nhiều nước thành viên RCEP có lợi thế cạnh tranh trong ngành nông nghiệp như Việt Nam và Thái Lan nổi tiếng về xuất khẩu lúa gạo. Trung Quốc, Australia và New Zealand cũng là đối thủ cạnh tranh lớn của Hàn Quốc trong lĩnh vực nông nghiệp. Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Hàn Quốc sang các nước RCEP đạt 3,15 tỷ USD, trong khi kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp từ các nước RCEP đạt 6,68 tỷ USD. Do vậy, RCEP sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến người nông dân Hàn Quốc khi trồng lúa mạch, khoai lang, bắp cải, hành. Do vậy, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định duy trì mức thuế đối với các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản ở mức hiện tại, tương tự như các FTA đã ký kết trước đây với các nước trong khu vực do lo ngại Hiệp định có thể ảnh hưởng tiêu cực đến ngành nông nghiệp của Hàn Quốc, vốn có sức cạnh tranh kém và dễ bị tổn thương khi mở cửa thị trường. 

Ba là, thách thức về vai trò chính trị. Cùng với các nước ASEAN, Hàn Quốc được xem như một nhà lãnh đạo trong tự do hóa thương mại và phục hồi các chuỗi giá trị khu vực. Hàn Quốc cần phải giữ vững vị trí quan trọng này của mình khi tham gia RCEP. Hàn Quốc nên tích cực xem xét việc tham gia CPTPP, bởi Hàn Quốc có thể giữ vai trò quan trọng đối với những chương trình nghị sự của CPTPP về các vấn đề lao động, môi trường, minh bạch và chống tham nhũng, góp phần củng cố trật tự kinh tế và thương mại khu vực.

Như vậy, bên cạnh những điều kiện thuận lợi do sự hợp tác và xu hướng tự do hóa thương mại mang lại, Hàn Quốc cũng phải đối mặt với không ít thách thức từ RCEP. Vấn đề đặt ra hiện nay là Hàn Quốc cần có những đối sách cạnh tranh mạnh mẽ hơn để tiếp cận thị trường các đối tác RCEP, mà không tạo nên áp lực đối với các doanh nghiệp trong nước, nhất là giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia sâu vào chuỗi sản xuất khu vực, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh và giá trị gia tăng của nền kinh tế Hàn Quốc./.

-----------------------------------

(1) Charmaine Ng: “Singapore among 15 nations to sign world's largest trade pact”, The Straits Times, ngày 16 -11- 2020
(2) “RCEP to bring significant benefits to members, say experts”, http://www.xinhuanet.com/english/2020-11/17/c_139522547.htm, ngày 17-11-2020
(3) Zhang Dan: “RCEP poised to be signed at weekend”, https://www.globaltimes.cn/content/1206528.shtml, ngày 11-11-2020
(4) Kyle Ferrier: “What will RCEP means for South Korea”, https://keia.org/the-peninsula/what-will-rcep-mean-for-south-korea/, ngày 23-11-2020
(5) “Potential Impact of RCEP on the Korean Economy”, https://world.kbs.co.kr/service/contents_view.htm?lang=e&menu_cate=business&id=&board_seq=394066, ngày 16-11-2020
(6) “ASEAN sẽ trở thành trung tâm tài chính quốc tế của Hàn Quốc”, https://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/asean-se-tro-thanh-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-cua-han-quoc-323055.html, ngày 18-5-2020
(7) “World’s Biggest Free Trade Pact to Bring China, Japan, South Korea Closer to Trilateral Deal, Experts Say”, https://www.yicaiglobal.com/news/world-biggest-free-trade-pact-to-bring-china-japan-south-korea-closer-to-trilateral-deal-experts-say, ngày 16-11-2020
(8) Ravi Velloor: “East Asia takes big leap of faith with RCEP”, The Straits Times, ngày 16 -11-2020