Quan hệ Liên minh châu Âu - Nhật Bản: Điểm hội tụ lợi ích Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
TCCS - Ngày 27-5-2021, Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) - Nhật Bản được diễn ra theo hình thức trực tuyến. Hội nghị đạt được nhiều kết quả tích cực cả về hợp tác song phương và đa phương, thể hiện sự quan tâm và nỗ lực của cả hai bên trong việc phối hợp nhằm nâng cao vai trò, vị thế tại khu vực và trên toàn cầu.
Tương đồng lợi ích
Hiện nay, Nhật Bản và EU đều công nhận tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đối với lợi ích chiến lược cả về kinh tế và an ninh của hai nước.
Trong những năm gần đây, xuất phát từ nhu cầu và những tính toán nhằm chuyển hướng ưu tiên trong bối cảnh thế giới ngày càng có nhiều thay đổi, EU đã nhìn nhận lại tầm quan trọng chiến lược của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và triển khai hàng loạt chính sách, biện pháp nhằm hiện thực hóa mục tiêu thúc đẩy vai trò và ảnh hưởng tại địa bàn nhiều tiềm năng này. EU nhận định rằng, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hiện là tâm điểm của thế giới về địa - kinh tế và địa - chính trị, trong đó bất kỳ sự gián đoạn nào xảy ra đều có thể ảnh hưởng trực tiếp đến các lợi ích chủ chốt của EU. Khu vực này cũng là “vũ đài trung tâm” của cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc, một cuộc cạnh tranh lâu dài, mang tính ý thức hệ, ngày càng khốc liệt và sẽ có tác động định hình trật tự thế giới trong tương lai. Với những lý do đó, EU muốn bảo đảm rằng sự chuyển dịch quyền lực sẽ không dẫn đến một trật tự mới gây thiệt hại tới lợi ích của khối. Bên cạnh đó, đẩy mạnh chủ nghĩa đa phương sẽ giảm nhẹ ảnh hưởng tiêu cực của cuộc cạnh tranh giữa những nước lớn và điều đó cũng đáp ứng mục tiêu, nhu cầu của nhiều đối tác của EU trong khu vực. Trong thời gian gần đây, EU đã triển khai một loạt bước đi thể hiện lập trường nhất quán hơn ở khu vực châu Á, điển hình như: Công bố chiến lược kết nối Á - Âu; thúc đẩy và làm sâu sắc hơn mối quan hệ với các đối tác trong khu vực như Nhật Bản, Ấn Độ, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Bên cạnh đó, một số nước thành viên của EU như Pháp, Đức, Hà Lan đã công bố những cách tiếp cận của riêng mình đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Mới đây nhất, ngoại trưởng 27 nước thành viên EU đã thông qua “Chiến lược hợp tác của Liên minh châu Âu tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, tái khẳng định cam kết sẽ can dự sâu hơn, hợp tác với các đối tác để giải quyết những thách thức chung, trước hết là những tác động sâu rộng đến kinh tế và con người do cuộc khủng hoảng bởi đại dịch COVID-19 gây ra.
Đối với Nhật Bản, năm 2016, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã từng đề cập đến “Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (FOIP), trong đó tập trung đánh giá sự hội nhập kinh tế và chiến lược của một khu vực rộng lớn trải dài từ eo biển Đông Phi đến Nam Thái Bình Dương. Tầm nhìn của Nhật Bản với khu vực này dựa trên ba trụ cột: Một là, đề cao pháp trị, tự do hàng hải và tự do thương mại; hai là, thúc đẩy kết nối thông qua đầu tư và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng; ba là, phát huy vai trò đối với hòa bình và an ninh khu vực thông qua xây dựng năng lực, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa và các chiến dịch chống cướp biển. Ngày 25-1-2021, tại hội nghị trực tuyến với Hội đồng Ngoại trưởng Liên minh châu Âu, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi tái khẳng định Nhật Bản đang tiếp tục thúc đẩy FOIP, hướng tới hợp tác với tất cả các quốc gia có chung quan điểm giá trị và có chung tầm nhìn.
Như vậy, rõ ràng cả EU và Nhật Bản có nhiều điểm tương đồng về các quan điểm và lợi ích tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Cả hai bên đều là những đối tác cùng chung chí hướng, cùng chung mục tiêu thúc đẩy một trật tự đa phương dựa trên luật lệ hiện đang gặp nhiều thách thức. Với EU và Nhật Bản, an ninh và thịnh vượng phụ thuộc vào các tuyến hàng hải mở và an toàn chạy xuyên suốt khu vực cũng như việc tất cả các bên tham gia tôn trọng các quy tắc của luật pháp quốc tế. Dựa trên tiềm lực, kinh nghiệm và trình độ phát triển khá tương đồng, hai bên có thể hỗ trợ kết nối, hợp tác để góp phần duy trì an ninh hàng hải ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Hai bên cũng có điểm tương đồng trong cách đánh giá và nhìn nhận về vai trò trung tâm của ASEAN, cũng như tầm nhìn của ASEAN về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trên cơ sở các điểm tương đồng trong cách tiếp cận, cả EU và Nhật Bản đều hướng tới tăng cường hợp tác vì một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, bao trùm, thượng tôn pháp luật, tôn trọng các giá trị dân chủ.
Bên cạnh điểm hội tụ về lợi ích và mục tiêu, quan hệ đối tác giữa EU - Nhật Bản cũng đã và đang được thúc đẩy thể chế hóa. Năm 2018, hai bên ký kết Hiệp định đối tác kinh tế (EPA), góp phần tạo cơ sở vững chắc cho việc mở rộng hợp tác ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. EPA không chỉ thể hiện cam kết của EU và Nhật Bản về tự do hóa thương mại mà còn đặt ra các quy tắc và quy chuẩn cao. Hiệp định đối tác chiến lược EU - Nhật Bản (SPA) có hiệu lực ngày 1-2-2019 cũng đã tạo lập một khuôn khổ rộng lớn cho phép thúc đẩy các giá trị chung trong nhiều lĩnh vực. Hiệp định về kết cấu hạ tầng chất lượng và kết nối bền vững EU - Nhật Bản được ký kết tháng 10-2019 tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của cam kết tăng cường quan hệ đối tác giữa EU và Nhật Bản, khẳng định sự tham gia của Nhật Bản trong các dự án kết nối Á - Âu của EU. Như vậy, bên cạnh những điểm tương đồng trong lợi ích chiến lược tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Nhật Bản và EU đã rất tích cực, chủ động thúc đẩy hoàn thiện các khung khổ hợp tác, nhằm thể chế hóa các lĩnh vực hợp tác từ chính trị, kinh tế, đến kết nối hạ tầng, an ninh hàng hải… trong những hiệp định cụ thể. Các chuyên gia phân tích nhận định, chính khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược EU - Nhật Bản sẽ là công cụ quan trọng để duy trì một trật tự đa phương dựa trên nguyên tắc.
Những thách thức tiềm tàng
Mặc dù các mục tiêu của EU và Nhật Bản ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là tương đồng, song các ưu tiên này không giống nhau. Nhật Bản hiện đang chú trọng đối phó với những thách thức đến từ sự trỗi dậy của Trung Quốc và tăng cường phối hợp với Mỹ trong vấn đề này. Trong khi đó, EU tập trung thúc đẩy một trật tự đa phương, đa cực dựa trên luật lệ. Cùng với đó, mối quan hệ của Nhật Bản và EU với Mỹ và Trung Quốc cũng có những ưu tiên và biện pháp triển khai khác biệt, điều này có thể mang lại những ảnh hưởng nhất định đến tiềm năng hợp tác của hai bên.
Việc EU thúc đẩy thảo luận một số khuôn khổ hợp tác về kinh tế với Trung Quốc, điển hình như Hiệp định đầu tư toàn diện (CAI), cho thấy EU ưu tiên các lợi ích kinh tế hơn. Việc EU nỗ lực đạt được quyền tự chủ chiến lược cũng có thể là trở ngại trong việc định hình một liên minh các nước cùng chung chí hướng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong khi đó, những ưu tiên của Nhật Bản hiện nay chủ yếu nhằm đáp ứng kỳ vọng của đồng minh chiến lược của nước này là Mỹ, vì vậy hợp tác song phương giữa EU và Nhật Bản có thể sẽ bị ảnh hưởng khi được đặt sau một chương trình nghị sự toàn cầu đầy tham vọng. Điều này được thể hiện rõ nét dưới thời kỳ của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi mà châu Âu và Mỹ có những quan điểm rất khác biệt về các vấn đề thương mại và biến đổi khí hậu. Với những lo ngại ngày càng thường trực về an ninh, an toàn trên biển hiện nay, rõ ràng việc duy trì một liên minh hiện có với Mỹ, bảo đảm các cam kết an ninh liên tục và đáng tin cậy của Mỹ ở khu vực sẽ tiếp tục là ưu tiên quan trọng đối với Nhật Bản.
Xét về tổng thể chiến lược, việc EU áp dụng một lập trường ngày càng cứng rắn hơn với Trung Quốc và chủ động nâng cấp các cam kết và sự can dự của mình ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ là điều mà Nhật Bản kỳ vọng. Tuy nhiên, xét trên thực tế, các ưu tiên và sự cấp bách chiến lược với EU rõ ràng nằm ở khu vực lân cận trực tiếp với châu Âu. Giống như Nhật Bản, châu Âu cũng cần bảo đảm một cam kết an ninh liên tục của Mỹ trong vấn đề kiềm chế ảnh hưởng của Nga và giải quyết các bất ổn ở Trung Đông, châu Phi. Điều này cho thấy, cả EU và Nhật Bản đều có những ưu tiên khác nhau và vấn đề chỉ là hai bên cần xác định rõ các lĩnh vực ưu tiên hợp tác nhằm phát triển quan hệ đối tác một cách hiệu quả. Hai bên cần có sự thống nhất để duy trì các cam kết, đồng thời góp phần giảm thiểu những động thái làm suy yếu độ tin cậy của cam kết và quan hệ đối tác. Nói cách khác, các ưu tiên, năng lực và kỳ vọng của cả hai bên cần được đánh giá một cách đúng mức.
Triển vọng hợp tác giữa EU và Nhật Bản
Trong bối cảnh cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc đang ngày càng trở nên sâu sắc, Nhật Bản ngày càng coi trọng việc tăng cường các cam kết của EU ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Cả EU và Nhật Bản đều nhận thức sâu sắc rằng, cuộc đối đầu giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc sẽ gây tổn hại đến những lợi ích của EU và Nhật Bản, vì vậy cả hai bên đều mong muốn làm dịu những ảnh hưởng tiêu cực này. Khi sự phụ thuộc và đan xen lợi ích về kinh tế đạt đến mức cao như hiện nay, EU và Nhật Bản đều không muốn có sự phân tách hoàn toàn về kinh tế với Trung Quốc, nhưng đồng thời vẫn có thể kiềm chế những hoạt động của Trung Quốc ở các lĩnh vực chiến lược. Theo đó, cả hai bên đều duy trì sự can dự có điều kiện với Trung Quốc, cố gắng bảo đảm một hệ thống có nguyên tắc và thúc đẩy để Trung Quốc tham gia vào hệ thống đó.
Theo các chuyên gia phân tích, hợp tác an ninh hàng hải là một trong những lĩnh vực hợp tác có nhiều triển vọng cho mối quan hệ giữa EU và Nhật Bản ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Các nước EU có nhiều kinh nghiệm trong xử lý tội phạm xuyên quốc gia trên biển, đồng thời cả EU và Nhật Bản đều có kinh nghiệm trong việc xây dựng năng lực hàng hải cho các nước đang phát triển trong khu vực. Hai bên cũng đã triển khai một số hoạt động trong khuôn khổ chương trình Atalanta do lực lượng hải quân EU chủ trì.
Bên cạnh đó, một lĩnh vực hợp tác trong quan hệ EU - Nhật Bản trọng yếu khác là kết nối, đặc biệt là kết nối số. Đây là một lĩnh vực mới và còn nhiều dư địa để gia tăng hàm lượng hợp tác giữa hai bên. EU hiện đang dẫn đầu trong lĩnh vực bảo vệ dữ liệu và đã ban hành Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR). Nhật Bản cũng đã có những động thái nhằm thúc đẩy sự phát triển trong lĩnh vực này, như đưa ra khái niệm “Dòng chảy dữ liệu tự do với sự tin cậy” và thiết lập “Lộ trình Osaka về quản trị dữ liệu” tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước có nền kinh tế lớn (G-20) năm 2019.
Một lĩnh vực hợp tác đáng chú ý khác là việc thúc đẩy và bảo vệ các quy tắc và chuẩn mực tự do hàng hải, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Chiến lược an ninh hàng hải năm 2014 của EU khuyến khích hải quân của các nước EU đóng một vai trò chiến lược trên biển cũng như hỗ trợ tự do hàng hải. Trên thực tế, kể từ năm 2014 đến nay, Pháp liên tục cử tàu đến Biển Đông và tổ chức các cuộc diễn tập hàng hải với Nhật Bản ở khu vực Tây và Nam Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, vấn đề chống lạm dụng luật pháp để thúc đẩy các mục tiêu chính trị, bảo vệ tính thượng tôn của luật pháp cũng đã được nhiều nước EU và Nhật Bản thúc đẩy, điển hình như việc Pháp, Đức, Anh và Nhật Bản đã gửi các công hàm ngoại giao tới Liên hợp quốc phản đối cách diễn giải UNCLOS 1982 và các yêu sách chủ quyền trên Biển Đông của Trung Quốc.
Có thể nói, cả Nhật Bản và EU đều tìm thấy tiếng nói chung ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc ngày càng gia tăng. Các nhà phân tích cho rằng, bên cạnh hợp tác song phương, ở tầm mức khu vực, EU cần thúc đẩy các sáng kiến hợp tác đa phương và hợp tác với các đối tác trong khu vực, bao gồm cả Nhật Bản. Còn Nhật Bản cần phát huy vai trò cầu nối nhằm tối ưu hóa sự phối hợp giữa Mỹ - EU - Nhật Bản tại khu vực này. Sự tham gia của Mỹ - một đối tác quan trọng với cả EU và Nhật Bản - sẽ góp phần thúc đẩy và xác định các ưu tiên hợp tác, phát huy lợi thế so sánh của mỗi đối tác trong khu vực./.
Tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của Liên minh châu Âu trong bối cảnh đại dịch COVID-19  (13/07/2021)
Vai trò của Ấn Độ đối với sự định hình cấu trúc khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương  (05/06/2021)
Những bước tiến trong quan hệ Việt Nam - Italia và triển vọng hợp tác trong thời gian tới  (24/05/2021)
Bước tiến mới trong quan hệ hợp tác ASEAN - EU  (11/05/2021)
Chiến lược của Pháp tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương  (15/03/2021)
Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Tầm nhìn và thực tiễn  (15/12/2020)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
- Tăng cường công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển