Nước Mỹ: Những thách thức sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ

Hoàng Đình Nhàn - Nguyễn Thu Phương
Học viện Khoa học Quân sự - Tạp chí Cộng sản
11:40, ngày 13-02-2021

TCCS - Ngày 20-1-2021, ông Joe Biden chính thức trở thành Tổng thống thứ 46 của Mỹ. Trong bối cảnh hiện nay, tân Tổng thống Mỹ sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn. Dịch bệnh COVID-19 vẫn đang hoành hành khắp nước Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ gia tăng, nền kinh tế Mỹ gặp nhiều khó khăn, nội bộ nước Mỹ chia rẽ, vị thế “lãnh đạo thế giới” của Mỹ đang suy yếu, nhiều đồng minh và đối tác mất niềm tin vào Chính phủ Mỹ. Khó khăn, thách thức này đòi hỏi chính quyền mới của Mỹ phải nỗ lực mới có thể sớm vượt qua để “xây dựng lại tốt hơn” (“Build back better”).

Những thách thức đối nội

Đối phó với đại dịch COVID-19

Trong ngày làm việc đầu tiên trên cương vị Tổng thống Mỹ, ông Biden xác nhận đã đảo ngược quyết định của người tiền nhiệm Donald Trump rút Mỹ khỏi WHO. Một ngày sau, Cố vấn y tế hàng đầu của Chính phủ Mỹ Anthony Fauci xác nhận Mỹ sẽ tiếp tục đóng góp những khoản tiền lớn vào ngân quỹ của WHO_Ảnh: TTXVN

Năm 2020, đại dịch COVID-19 bùng phát trên thế giới và lây lan với tốc độ chóng mặt. Nước Mỹ trở thành tâm dịch khi số lượng người nhiễm bệnh và tử vong cao nhất thế giới. Theo dữ liệu từ Trường Đại học Johns Hopkins, năm 2020, Mỹ phải mất 90 ngày để chạm mốc 2 triệu ca mắc bệnh COVID-19 đầu tiên nhưng đến ngày 8-2-2021, con số này là 27.611.403 ca với số lượng ca tử vong là 474.933(1). Đại dịch COVID-19 đã bộc lộ sự mong manh của hệ thống y tế Mỹ. Nhiều người dân Mỹ rơi vào tình trạng khủng hoảng nợ nghiêm trọng đã không thể đến bệnh viện khám và điều trị. Nhiều bệnh viện ở New York (Mỹ) đã cạn kiệt tài chính và phải cho nhân viên nghỉ việc vì không có khả năng chi trả. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều cử tri Mỹ có ấn tượng không tốt về cách thức mà chính quyền của ông D. Trump xử lý trước đại dịch COVID-19. Bởi vậy, việc xử lý vấn đề dịch bệnh COVID-19 của chính quyền tân Tổng thống J. Biden đang trở nên cần thiết và cấp thiết hơn bao giờ hết. Chính quyền của Tổng thống J. Biden coi kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh COVID-19 là công việc hàng đầu của chính sách đối nội. Sau khi lên cầm quyền, Tổng thống J. Biden lắng nghe ý kiến của các chuyên gia y tế, thực hiện biện pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh COVID-19 nghiêm ngặt, đẩy nhanh quá trình xét nghiệm virus SARS-CoV-2, coi trọng việc bào chế vaccine, sản xuất các thiết bị bảo hộ… Tổng thống J. Biden chỉ định cựu quan chức an ninh Nhà Trắng Elizabeth Cameron làm lãnh đạo cấp cao phụ trách vấn đề an ninh y tế toàn cầu và an ninh sinh học(2).

Vực dậy nền kinh tế Mỹ

Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát ở Mỹ, Tổng thống D. Trump có nhiều lợi thế trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng nhiệm kỳ thứ hai (tốc độ phát triển của nền kinh tế Mỹ có những tiến triển đáng kể, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 50 năm). Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khiến những thành quả từ đầu nhiệm kỳ của ông D. Trump trong hai lĩnh vực này bị xóa nhòa. Khi đại dịch COVID-19 xảy ra, các biện pháp khẩn cấp cần thiết đã làm gia tăng mức thâm hụt liên bang. Hành động quyết liệt của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) mặc dù đã giúp thị trường chứng khoán phục hồi, nhưng phần lớn người dân Mỹ lại không sở hữu cổ phiếu; tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ vẫn không có dấu hiệu giảm. Báo cáo việc làm của Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 8-1-2021 cho thấy, khoảng 140.000 việc làm bị mất trong tháng 12-2020. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn giữ nguyên ở mức 6,7% và không được cải thiện trong bảy tháng qua(3). Các nhà hoạch định chính sách của FED cũng dự báo, tỷ lệ thất nghiệp sẽ khoảng 5,5% vào cuối năm 2021, tệ hơn so với 4,7% khi ông D. Trump mới đắc cử tổng thống năm 2017(4). Ngoài tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và tăng trưởng GDP đi xuống, Chủ tịch chi nhánh FED tại Philadelphia Patrick Harker cảnh báo, kinh tế Mỹ có thể rơi vào một đợt suy thoái sâu và tăng trưởng âm trong quý I-2021. Các thách thức khác như bất bình đẳng xã hội ngày càng trầm trọng, nợ quốc gia tăng, quan hệ thương mại quốc tế xấu đi… cũng gây sức ép rất lớn đối với chính quyền của Tổng thống J. Biden.

Chủ tịch FED Jerome Powell cho rằng, sức mạnh phục hồi kinh tế của Mỹ phụ thuộc vào mức độ hiệu quả của công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh COVID-19 và vấn đề quan trọng là phải tạo niềm tin cho người dân về sự an toàn của việc khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội. Nền kinh tế Mỹ hiện nay cần nhiều lực đẩy hơn, nhất là các gói cứu trợ bổ sung. Đây sẽ là những yếu tố cần thiết để hỗ trợ cho sự tăng trưởng kinh tế thời gian tới. Đảng Dân chủ và Tổng thống J. Biden đã đưa ra chính sách và có kế hoạch phục hồi kinh tế với khẩu hiệu “Tái xây dựng tốt hơn”, hy vọng phục hồi nước Mỹ sau thảm họa kinh tế; đồng thời, đưa đất nước bước sang giai đoạn chuyển biến căn bản trong những thập niên tới, nhất là khi Đảng Dân chủ đã nắm quyền kiểm soát cả ở Nhà Trắng và Quốc hội, sẽ mở đường cho việc thực thi nhanh chóng các chương trình nghị sự kinh tế của Tổng thống J. Biden. Song, chính quyền của Tổng thống J. Biden cũng sẽ phải giải quyết ngay lập tức các vấn đề của hiện tại, đó là tỷ lệ thất nghiệp tăng cao vốn đã bị đình trệ trong nhiều tháng qua.

Hàn gắn sự chia rẽ nghiêm trọng trong nội bộ nước Mỹ

Giới phân tích nhận định, từ kết quả bầu cử vừa qua, xét ở nhiều góc độ cho thấy, nước Mỹ đang bị chia rẽ sâu sắc. Những mâu thuẫn, chia rẽ trong xã hội Mỹ bộc lộ tương đối toàn diện, từ sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn đến sự khác biệt về sắc tộc; mâu thuẫn về những đề xuất chính sách kinh tế, đối phó với đại dịch COVID-19 đến việc lựa chọn phương pháp bỏ phiếu… Các chủ trương, chính sách của Đảng Dân chủ và Tổng thống J. Biden, như tạo cơ hội việc làm mới cho người lao động, đưa vấn đề bảo vệ môi trường, quyền lợi bảo hiểm y tế và quan hệ đồng minh quốc tế trở về đúng quỹ đạo đang tỏ ra tương đối ổn định và hợp lý, nhưng liệu có thể trở thành hiện thực hay không thì vẫn là một câu hỏi. Các chủ trương, chính sách mà Tổng thống D. Trump đưa ra trong vài năm gần đây chủ yếu bảo vệ các nhóm lợi ích như giai cấp tư sản, trùm công nghệ và tài chính, ngành công nghiệp vũ khí..., mang khuynh hướng sắc tộc khá rõ rệt. Trên thực tế, trong thập niên qua, các quan điểm chính trị của Đảng Cộng hòa ngày càng ngả theo hướng cực hữu. Thế giới hẳn vẫn còn sốc trước quang cảnh bạo loạn khi những người theo xu hướng cực hữu tấn công trụ sở Quốc hội Mỹ ngày 6-1-2021, thời điểm Quốc hội Mỹ tiến hành thủ tục xác nhận kết quả kiểm phiếu đại cử tri, công nhận chiến thắng của ông J. Biden. Hàng loạt quan chức trong chính quyền của Tổng thống D. Trump đã từ chức để phản đối hành động tấn công vào Đồi Capitol. Sau đó, các vụ bạo lực giữa những người ủng hộ và phản đối Tổng thống D. Trump lại tiếp tục xảy ra tại thành phố San Diego của bang California. Sự việc nói trên bộc lộ một nước Mỹ bị chia rẽ sâu sắc sau bốn năm cầm quyền của ông D. Trump. Nước Mỹ như bị xẻ làm hai, một bên là những người tôn trọng luật lệ, hiến pháp và các quyết định của tư pháp và bên kia là những người sống trong một thế giới “bất quy tắc”.

Những người ủng hộ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đụng độ cảnh sát tại Đồi Capitol ngày 6-1 _ Ảnh: tuoitre.vn/REUTERS

Ngoài ra, bản sắc cơ bản của Mỹ là một quốc gia luôn chào đón người nhập cư. Dòng người nhập cư đã bổ sung cho lực lượng lao động của Mỹ, làm giàu cho xã hội Mỹ, thúc đẩy tinh thần doanh nghiệp, thiết lập các liên kết toàn cầu và khiến nước Mỹ thấm nhuần những quan điểm phản ánh sự đa dạng của thế giới. Nhưng dưới thời cầm quyền của Tổng thống D. Trump, ông đã duy trì một lập trường cứng rắn về vấn đề nhập cư với các cáo buộc chính người nhập cư đã lấy đi việc làm của người Mỹ.

Rõ ràng, Tổng thống J. Biden sẽ phải kế thừa một “di sản” gây nhiều tranh cãi của Tổng thống D. Trump. Bởi vậy, chính quyền của Tổng thống J. Biden sẽ phải đối mặt với các chiến dịch của cánh hữu nhằm làm thay đổi chính trường Mỹ và các nền dân chủ khác. Theo các nhà phân tích, chính quyền của Tổng thống J. Biden sẽ phải nhanh chóng hành động nhằm đạt được những cải cách dân chủ cần thiết ở Mỹ, bao gồm việc mở rộng và bảo vệ quyền bầu cử, chấm dứt tình trạng dàn xếp nhằm gian lận trong bầu cử như nhiều cáo buộc và thúc đẩy sự minh bạch về tài chính, thay vì sự chi phối của “tiền đen” trong bầu cử và nền chính trị Mỹ. Chính quyền của Tổng thống J. Biden sẽ phải cải cách bộ máy thực thi pháp luật và tư pháp hình sự ở Mỹ; cải cách lại luật thuế vốn chỉ có lợi cho người giàu, gây bất lợi cho người nghèo; xóa bỏ các hạn chế nhập cư mang tính bài xích người Hồi giáo, khởi động lại quy trình xin tị nạn sau khi đã bổ sung các nguồn lực để xử lý các đơn yêu cầu…

Những thách thức đối ngoại

Củng cố lại vị thế siêu cường của Mỹ

Giới phân tích cho rằng, vị thế “lãnh đạo thế giới” của Mỹ đang suy yếu, thế giới mất niềm tin vào Chính phủ Mỹ. Zachary Karabell, nhà phân tích thuộc Tạp chí Chính sách Ngoại giao Mỹ cho rằng, ba trụ cột chính làm nên sức mạnh của nước Mỹ là quân sự, kinh tế và dân chủ đã mờ nhạt, nếu không muốn nói là suy yếu nghiêm trọng(5). Đại dịch COVID-19 đã bộc lộ những vết nứt về cấu trúc thượng tầng của Mỹ, cho thấy một đất nước mà chính phủ trung ương bị cản trở không chỉ vì cấu trúc chính phủ liên bang với ba nhánh độc lập (lập pháp, hành pháp và tư pháp) mà còn bởi sự tự quản cấp bang, cấp vùng sẽ khó điều phối những nỗ lực quốc gia mạnh mẽ. Sức mạnh về dân chủ Mỹ trên thế giới cũng là điểm thu hút những người nhập cư, nhân tài. Tuy nhiên, sau khi Tổng thống D. Trump nhậm chức, từ năm 2016, nền dân chủ của Mỹ bộc lộ không ít dấu hiệu căng thẳng. Niềm tin cộng đồng và mức độ tham gia chính trường của người dân Mỹ giảm đến mức đáng cảnh báo. Zachary Karabell cho rằng, chính quyền của Tổng thống D. Trump đã làm xói mòn đáng kể vị thế của Mỹ trên toàn cầu(6). Mặt khác, cũng từ đại dịch COVID-19, những điều vốn được coi là sức mạnh của Mỹ thì nay lại trở thành điểm yếu bởi chính phủ không được quản lý một cách tập trung, chính trị bị chia rẽ sâu sắc... Những phản ứng của Mỹ trong đại dịch COVID-19 đã phá vỡ hình ảnh một quốc gia dân chủ, cũng như khả năng quản trị của họ. Việc Mỹ trở thành nước có nhiều ca nhiễm và tử vong vì dịch bệnh COVID-19 nhiều nhất thế giới khiến uy tín quốc tế của Mỹ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhưng sự thất bại này còn kéo theo một hậu quả nhãn tiền khác, đó là hình ảnh bấy lâu nay của nước Mỹ như một quốc gia lãnh đạo thế giới, một đối tác đáng tin cậy, giờ đây cũng lung lay.

Theo báo cáo “Soft Power 30 Portland” năm 2019 do Hãng Quan hệ công chúng Portland Communications và Trường Đại học Nam California (Mỹ) công bố, chỉ số xếp hạng “sức mạnh mềm” của Mỹ tiếp tục giảm so với năm 2018 và các năm trước đó(7). Tính từ năm 2016, chỉ số xếp hạng “sức mạnh mềm” của Mỹ giảm 5 lần liên tiếp. Rõ ràng, chính sách “Nước Mỹ trên hết” dường như không còn thu hút được nhiều sự ủng hộ của thế giới và khiến nước Mỹ bị cô lập, càng đẩy nhanh sự xuống dốc của Mỹ, các liên minh của Mỹ bị xói mòn, nhiều quốc gia khác đang mở rộng phạm vi ảnh hưởng... Sự biến động khôn lường của tình hình thế giới, khi các “điểm nóng” như Syria, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Yemen, Somalia… chưa có dấu hiệu giảm nhiệt; cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc đã lan rộng từ thương mại đến công nghệ, tài chính và tiền tệ; quan hệ Nga - Mỹ xuống mức thấp nhất kể từ Chiến tranh lạnh đến nay; bất đồng giữa Mỹ và các đồng minh trong Liên minh châu Âu (EU) gia tăng. Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sự cạnh tranh, cọ xát chiến lược gay gắt giữa các nước lớn đã khiến các quốc gia chú trọng hơn vào việc sử dụng “sức mạnh cứng” để bảo vệ và thực hiện các lợi ích của mình. Ngoài ra, sự phát triển như vũ bão của truyền thông đại chúng, những tiến bộ về công nghệ dẫn tới sự giảm đáng kể chi phí xử lý và truyền phát thông tin. Kết quả là, sự bùng nổ thông tin cũng tạo ra “nghịch lý thông tin trái chiều”, làm giảm uy tín về mức độ tín nhiệm và “sức mạnh mềm” của Mỹ.

Di sản mà chính quyền D. Trump để lại, được đánh giá là đã có những kết quả tương đối rõ nét, là chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Theo các nhà phân tích, kiểm soát được Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ kiểm soát được thế giới. Bởi vậy, chính quyền D. Trump đã rất coi trọng khu vực này, đầu tư tiềm lực về quân sự, kinh tế, xúc tiến hình thành  liên minh “Bộ Tứ” bao gồm các nước Mỹ, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ để kiềm chế Trung Quốc, mong muốn giành quyền chủ đạo, kiểm soát toàn bộ khu vực; từ đó, tiếp tục duy trì lợi ích kinh tế, quyền lực chính trị, sức mạnh quân sự và ngoại giao Mỹ... Điều này đòi hỏi chính quyền của Tổng thống J. Biden phải tiếp tục quan tâm và có những kế thừa nhất định. Nhưng chính quyền của Tổng thống J. Biden cũng sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ Trung Quốc và sự lo ngại của các nước, nhất là từ các đồng minh về sự suy yếu tương đối của Mỹ. Bởi vậy, chính quyền của Tổng thống J. Biden sẽ phải tìm cách định hình lại chính sách đối ngoại của mình, củng cố và khôi phục vai trò lãnh đạo của Mỹ trên phạm vi toàn cầu. Điều này sẽ không dễ dàng bởi tình thế khó khăn hiện tại là quá lớn. Đáng chú ý, ngay trong giải quyết mối quan hệ với Nga, Mỹ cho rằng cần ngăn chặn sự trỗi dậy của Nga. Nước Nga là mối đe dọa với Mỹ chủ yếu là do quy mô vũ khí hạt nhân mà Nga đang sở hữu và có những lợi thế nhất định trong các hoạt động ở Ukraine, Belarus, Trung Đông... đe dọa lợi ích của Mỹ ở châu Âu.

Hàn gắn mối quan hệ với đồng minh

Sau khi trở thành Tổng thống Mỹ, ông D. Trump đã khiến các đồng minh lâu năm đặt dấu hỏi về vai trò của Mỹ đối với các vấn đề, từ quốc phòng đến thương mại và những thể chế toàn cầu mà Mỹ cho rằng đã buộc Mỹ phải “hy sinh chủ quyền”. Các đề xuất ngân sách của ông nhằm cắt giảm viện trợ nước ngoài, tạo điều kiện hơn trong việc hỗ trợ các chính sách của Mỹ. Tháng 6-2020, Tổng thống D. Trump tuyên bố rút gần 10.000 binh lính Mỹ khỏi Đức, từ khoảng 35.000 xuống còn 25.000 quân(8). Tổng thống D. Trump cáo buộc Đức “chậm trễ trong các khoản thanh toán” cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO); chỉ trích các quốc gia khác ở châu Âu không chi trả ngân sách quốc phòng của NATO theo như mức đã cam kết 2%(9)… Đối với các đồng minh châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc), chính quyền D. Trump yêu cầu nhượng bộ Mỹ trong vấn đề thương mại, làm gia tăng bất đồng lợi ích và va chạm thương mại giữa Mỹ với các nước đồng minh khu vực.

Như vậy, trong khi ông D. Trump tỏ ra chỉ trích EU và khuyến khích mạnh mẽ việc Anh rút khỏi EU (Brexit) thì ông J. Biden lại bày tỏ quan điểm ngược lại. Giống như cách tiếp cận của cựu Tổng thống B. Obama, ông J. Biden ủng hộ mối quan hệ thân thiết của Mỹ với các nhà lãnh đạo EU và phản đối Brexit. Do đó, chính quyền Mỹ mới sẽ phải xây dựng lại mối quan hệ với các đồng minh dân chủ trên nền tảng các giá trị chung. Ông J. Biden cần thực hiện lời hứa triệu tập hội nghị thượng đỉnh các nền dân chủ trên thế giới trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống. Hội nghị này cần xác định những cam kết quốc gia nhằm tiếp thêm sinh lực cho các nền dân chủ lâu đời; đồng thời, có những bước đi nhằm hỗ trợ các thể chế dân chủ và nhân quyền ở các nền dân chủ còn non trẻ… Chính quyền của Tổng thống J. Biden sẽ cần phải hướng liên minh xuyên Đại Tây Dương tập trung đối phó với những thách thức trong tương lai. Trước tiên là vấn đề biến đổi khí hậu, đối phó với dịch bệnh COVID-19 và chương trình vũ khí hạt nhân của Iran. Đây là những thách thức không thể giải quyết được nếu các quốc gia đơn phương hành động. Nhiều khả năng, chính quyền của Tổng thống J. Biden sẽ quay lại mô hình ngoại giao truyền thống, đó là hợp tác, ủng hộ liên minh giống như các đời Tổng thống Mỹ trước đây. Theo đó, chính quyền Biden sẽ bảo vệ các đồng minh NATO; tăng cường quan hệ với các nước đối tác và đồng minh ở châu Á - Thái Bình Dương, như Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia, đặc biệt củng cố quan hệ với các nước đồng minh ở Đông Nam Á như Thái Lan và Philippines.

Nhiều rào cản trong điều chỉnh hay đảo ngược chính sách

Chính quyền D. Trump đã rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, xóa bỏ các quy định trong thời kỳ chính quyền Obama về phát thải khí nhà kính; cũng đã rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Chính quyền D. Trump đã có những thay đổi lớn trong cách tiếp cận đối với khu vực Trung Đông nói chung và xung đột Israel - Arab nói riêng. Tổng thống D. Trump đưa ra nhiều quyết định gây bất ngờ đối với khu vực Trung Đông như rút khỏi Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA) về vấn đề hạt nhân Iran (năm 2018); tuyên bố rút quân đội Mỹ khỏi Syria (tháng 12-2018). Đối với tiến trình hòa bình Trung Đông, chính quyền của Tổng thống D. Trump đã có những bước đi gây nhiều tranh cãi, như công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan (tháng 3-2019); công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, chuyển Đại sứ quán Mỹ về Jerusalem và vận động một số nước có động thái tương tự (tháng 6-2017); công bố văn kiện “Hòa bình đến Thịnh vượng: Tầm nhìn nhằm cải thiện cuộc sống của nhân dân Israel và Palestine”, hay còn gọi là “Thỏa thuận thế kỷ” (tháng 1-2020) với một số nội dung được cho là “thiên vị” Israel trong giải quyết tranh chấp về lãnh thổ với Palestine; thúc đẩy việc “hòa giải” giữa Israel với một nước Arab như Saudi Arabia, các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE)…; gia tăng sức ép về chính trị và kinh tế đối với Palestine như đóng cửa Phái bộ của Tổ chức giải phóng Palestine (PLO) tại Washington (Mỹ); ngừng đóng góp tài chính cho Cơ quan cứu trợ và việc làm cho người tị nạn Palestine (UNRWA). Những động thái trên của chính quyền D. Trump gây ra phản ứng trái chiều từ người Palestine, nhiều nước Hồi giáo/Arab và cộng đồng quốc tế, bao gồm cả một số đồng minh của Mỹ như Anh, Pháp, Đức. Những thay đổi trên đã tác động mạnh tới tình hình khu vực Trung Đông, đặc biệt là xung đột Israel - Palestine và tập hợp lực lượng tại khu vực.

Đối với khu vực Mỹ Latin, Tổng thống D. Trump từng phát biểu, để khôi phục thế thượng phong trên thế giới, Mỹ cần thể hiện quyền lực ngay tại khu vực thuộc phạm vi ảnh hưởng của mình. Trong nhiệm kỳ qua, Tổng thống D. Trump đã triển khai một số chính sách cứng rắn đối với Mỹ Latin. Về quân sự, Tổng thống D. Trump tiếp tục củng cố vòng kiềm tỏa tại Mỹ Latin, cung cấp trang thiết bị cho Bộ Tư lệnh phương Nam đóng tại Miami (Mỹ) với lực lượng tương đương các đơn vị đóng tại vùng Vịnh hay Địa Trung Hải, bổ sung nhân lực cấp cao cho Hạm đội 4. Ưu tiên lớn nhất của Tổng thống D. Trump ở Mỹ Latin là Venezuela. Tổng thống D. Trump đã tiến hành các biện pháp để giành lại quyền kiểm soát nguồn dự trữ dầu thô lớn nhất bán cầu. Tổng thống D. Trump cũng đảo ngược chính sách mở cửa với Cuba của cựu Tổng thống B. Obama… Song nhiều cam kết của Tổng thống D. Trump với khu vực này chưa trở thành hiện thực. Quá trình xây dựng bức tường biên giới tiến triển chậm chạp và Mexico không chi trả cho công trình này. Mỹ cũng đã thất bại trong lật đổ chính quyền của Tổng thống N. Maduro, cho dù quốc gia Nam Mỹ này đang trong tình cảnh kinh tế - xã hội khó khăn. Việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) là một ngoại lệ thành công của Mỹ tại Mỹ Latin khi hiệp định này hướng tới mục tiêu giảm thâm hụt thương mại của Mỹ nhưng USMCA lại không ngăn chặn được xu hướng Trung Quốc gia tăng sự hiện diện tại Mỹ Latin.

Ngày 13-2-2021, Bộ Ngoại giao Nga ra thông báo cho biết Ngoại trưởng Sergei Lavrov đã có cuộc điện đàm và thảo luận về vấn đề biến đổi khí hậu với Đặc phái viên về khí hậu của Mỹ - ông John Kerry_Ảnh: Tư liệu

Giới phân tích cho rằng, ngay sau khi ông J. Biden tuyên thệ nhậm chức tổng thống, chính quyền của ông sẽ ưu tiên việc chống biến đổi khí hậu và tái gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Việc bổ nhiệm cựu Ngoại trưởng John Kerry, người đã đàm phán Hiệp định Paris, vào vị trí đặc phái viên về khí hậu cho thấy Tổng thống J. Biden sẵn sàng tăng cường hoạt động trong lĩnh vực này. Với Trung Đông, chính quyền của Tổng thống J. Biden bày tỏ sẵn sàng tái gia nhập hiệp định hạt nhân nếu Iran tuân thủ nghiêm ngặt trở lại. Chính quyền Biden có thể hoan nghênh vai trò trung gian của Mỹ trong thỏa thuận giữa Israel và UAE, dù không áp dụng các chính sách của chính quyền D. Trump với khu Bờ Tây bị chiếm đóng… Nhưng, để có thể điều chỉnh chính sách này, chính quyền Biden cũng sẽ vấp phải một số khó khăn, thách thức. Mặt khác, Cliff Kupchan, Giám đốc Công ty Tư vấn chính trị Eurasia Group nhận định, ông Biden sẽ phải đối mặt với những khó khăn lớn, nhất là trong việc xúc tiến các cuộc đàm phán với Iran về vấn đề hạt nhân của nước này. Ngoài ra, cách thức ông J. Biden điều phối quan hệ với Saudi Arabia, vốn coi Iran là kẻ thù, cũng sẽ là một thách thức(10).

Sau khi lên nắm quyền, chính quyền Biden đã xóa bỏ một số chính sách của người tiền nhiệm. Tuy nhiên, một cuộc bầu cử gây nhiều tranh cãi, làm “rung chuyển nền dân chủ Mỹ” vừa qua cho thấy sự rạn nứt sâu sắc hiện nay ở Mỹ. Bởi vậy, sự thay đổi của các chính sách đối nội, đối ngoại của Tổng thống J. Biden sẽ đạt được hiệu quả như thế nào để có thể sớm ổn định lại tình hình nước Mỹ là những thách thức không nhỏ phía trước./.

------------------------

(1) https://www.worldometers.info/coronavirus/country/us/

(2) Michael Crowley: “Announcing National Security Council staff appointees, Biden restores the office for global health threats”,  https://www.nytimes.com/2021/01/08/us/politics/announcing-national-security-council-staff-appointees-biden-restores-the-office-for-global-health-threats.html

(3) Yelena Dzhanova: “The US lost 140,000 jobs in December. All of those jobs were held by women”, https://www.businessinsider.com/women-lost-140000-jobs-in-december-2021-1 

(4) Rachel Siegel: “The Federal Reserve projects the economy to improve next year, with unemployment falling to 5.5 percent by the end of 2021”,   https://www.washingtonpost.com/business/2020/09/16/fed-unemployment-september/

(5), (6) Zachary Karabell: “The Anti-American Century”, https://foreignpolicy.com/2020/07/13/anti-american-century-united-states-order/

(7) “Countries with the most soft power in the world according to the Soft Power 30 index in 2019”, https://www.statista.com/statistics/726921/top-30-portland-soft-power-index/

(8) Max Cohen: “Trump confirms he wants to pull thousands of U.S. troops from Germany”, https://www.politico.com/news/2020/06/15/trump-germany-military-320560

(9) Financial Times: “Most Nato countries set to miss military spending target”, https://www.ft.com/content/9bf3fe51-f6c2-4c74-86b0-db2918e33745

(10) Cliff Kupchan: “Biden to Face Long List of Foreign Challenges, With China No. 1”, https://www.nytimes.com/2020/11/07/world/americas/Biden-foreign-policy.html