Hà Nội ứng dụng công nghệ cao tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp
TCCS - Một trong những nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm lớn được Hà Nội thực hiện quyết liệt trong những năm qua là đẩy mạnh phát triển kinh tế, trọng tâm là phát triển kinh tế tri thức, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Cơ cấu lại các ngành kinh tế, Hà Nội chú trọng khuyến khích các cộng đồng doanh nghiệp tăng cường đầu tư khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin, tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Mở rộng các mô hình có áp dụng công nghệ cao
Xác định sản xuất ứng dụng công nghệ cao là xu thế tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại và bền vững, những năm qua, thành phố Hà Nội không ngừng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Trong giai đoạn vừa qua, thông qua hoạt động khuyến nông và các chương trình cụ thể, thành phố tập trung chỉ đạo ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ trong sản xuất gắn với xây dựng mô hình điểm để chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình khuyến nông thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2025, phát huy vai trò định hướng, hỗ trợ chuyển giao công nghệ theo nhu cầu thực tiễn của các địa phương, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 80/KH-UBND triển khai công tác khuyến nông của thành phố năm 2020. Kế hoạch đặt ra những mục tiêu cụ thể, trong đó chú trọng từng bước mở rộng các mô hình có áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản; tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị; các mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt và cấp chứng nhận xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung có năng suất, chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo kế hoạch này, trong năm 2020, thành phố tập huấn cho hơn 7.000 lượt cộng tác viên, nông dân, người sản xuất nhằm nâng cao trình độ tay nghề trong quản lý, sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm. Cụ thể, thành phố xây dựng 13 mô hình cho 6 nhóm mô hình khuyến khích nhân rộng, gồm: Sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm và ứng dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất; sản xuất cây dược liệu gắn với tiêu thụ sản phẩm; phát triển sản xuất rau, hoa, quả theo hướng hữu cơ, VietGAP, ứng dụng công nghệ cao; trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ, VietGAP, ứng dụng công nghệ cao; trồng hoa theo hướng ứng dụng công nghệ cao; sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao; sử dụng các giống cây trồng mới, các tiến bộ kỹ thuật mới, tiên tiến thích ứng với biến đổi khí hậu; sử dụng chế phẩm vi sinh, sinh học để xử lý rơm rạ trên đồng ruộng sau thu hoạch; xử lý chất thải sinh hoạt tạo nguồn phân bón hữu cơ, xử lý đất. Trong lĩnh vực chăn nuôi, thành phố chỉ đạo tập trung phát triển liên kết sản xuất chăn nuôi gia cầm gắn với tiêu thụ sản phẩm; chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học theo hướng liên kết chuỗi; phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng nâng cao giá trị và thích ứng với biến đổi khí hậu; chăn nuôi bò sinh sản (bò cái lai Sind, bò cái lai Brahman). Trong lĩnh vực thủy sản, phát triển mô hình nuôi thủy sản theo phương pháp VietGAP; ứng dụng công nghệ vi sinh nuôi cá trắm cỏ sử dụng 100% thức ăn công nghiệp; nuôi cá rô phi theo công nghệ lồng trong ao; nuôi thủy đặc sản…
Nông nghiệp có những thay đổi căn bản theo hướng hiệu quả, bền vững
Với cách làm bài bản, bám sát kế hoạch của từng năm, hướng tới định hướng, mục tiêu chung của cả giai đoạn, trong những năm qua, các nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân trên địa bàn Hà Nội được triển khai tích cực, làm cho nông nghiệp, nông thôn Hà Nội có sự phát triển vượt bậc, giúp nền sản xuất nông nghiệp của thành phố có những thay đổi căn bản theo hướng hiệu quả và bền vững, đồng thời khai thác tốt lợi thế để phát triển các sản phẩm nông sản chủ lực của thành phố, từng bước xây dựng thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Sản xuất nông nghiệp đạt được những kết quả quan trọng, cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô lớn có giá trị kinh tế cao; hình thành một số chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm có chất lượng. Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020 cho thấy, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn 2015-2019 tăng trưởng và phát triển ổn định. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân 2,54%/năm; giá trị sản xuất đạt 280 triệu đồng/ha, tăng 1,21 lần so với năm 2015. Thành phố xây dựng và duy trì 141 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, các chuỗi đã thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia hợp tác xây dựng chuỗi.
Việc nâng cao chất lượng phát triển nông nghiệp làm cho thu nhập của nông dân được nâng lên, đời sống của người dân nông thôn cải thiện rõ rệt, an ninh trật tự an toàn xã hội nông thôn được củng cố. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn hết năm 2019 đạt 51,5 triệu đồng/người/năm (đến hết năm 2020 ước đạt 55 triệu đồng/người/năm). Các huyện có thu nhập bình quân đầu người cao như: Thạch Thất (63 triệu đồng), Đông Anh (60 triệu đồng), Hoài Đức (55 triệu đồng), Đan Phượng (53,8 triệu đồng)... Chuyển biến tích cực trong đời sống của người nông dân là tiền đề quan trọng để Hà Nội tiếp tục hướng tới những mục tiêu cao hơn trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Tiếp tục là hướng đi quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Thủ đô
Từ những kết quả đã đạt được, tại hội nghị giao ban quý III-2020, lãnh đạo Thành ủy Hà Nội cho biết: Giai đoạn 5 năm tới Hà Nội tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Mục tiêu của Chương trình khuyến nông thành phố Hà Nội giai đoạn 2020 - 2025 cũng cho thấy rõ điều này. Một là, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp để tăng thu nhập, giảm nghèo, làm giàu, thích ứng với các điều kiện sinh thái, khí hậu và thị trường. Hai là, phấn đấu từng bước mở rộng các mô hình có áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản; tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị; các mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt và cấp chứng nhận xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung có năng suất, chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, phòng chống có hiệu quả các loại dịch bệnh cây trồng, vật nuôi; góp phần xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch, có hạ tầng cơ sở đồng bộ, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Ba là, huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp.
Để Hà Nội tiếp tục phát triển kinh tế nhanh và bền vững, một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong giai đoạn 2020 - 2025 được Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội xác định là tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm, gắn với nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, hiện đại hóa nông thôn và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, sinh thái, sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm OCOP. Nhân rộng ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, các mô hình đã được khẳng định trên thực tế. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên 70%. Đưa sản xuất chăn nuôi, thủy sản tập trung ra khỏi khu dân cư; phát triển các vùng chuyên canh tập trung, vùng nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu. Hỗ trợ phát triển các loại hình doanh nghiệp nông thôn; hình thành và phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái; mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản; nâng cao năng lực dự báo thị trường; kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, chuỗi tiêu thụ sản phẩm, thị trường xuất khẩu, chuỗi giá trị toàn cầu.
Như vậy, tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được xác định vẫn là hướng đi quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhằm không ngừng hiện đại hóa và phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn của Thủ đô trong tương lai./.
Tiếp tục xây dựng văn hóa Thủ đô xứng tầm với truyền thống ngàn năm văn hiến, tạo bước chuyển biến mới trong xây dựng văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh  (26/10/2020)
Hà Nội nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh từ tuyến y tế cơ sở  (26/10/2020)
Phát triển giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội  (26/10/2020)
Bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển đô thị văn minh  (24/10/2020)
Y tế cơ sở Hà Nội: Nhìn từ thực tiễn đại dịch COVID-19  (24/10/2020)
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển