Hệ thống phúc lợi xã hội ở các nước Bắc Âu và một số gợi ý đối với Việt Nam
TCCS - Phúc lợi xã hội là một trong những quyền căn bản của con người và phải gắn liền với sự phát triển kinh tế. Việc xây dựng, phát triển hệ thống phúc lợi xã hội vẫn là mối quan tâm của nhiều quốc gia. Bài viết khái quát về sự phát triển hệ thống phúc lợi xã hội theo mô hình các nước Bắc Âu và gợi ra một số điểm để phát triển hệ thống phúc lợi xã hội bền vững cho công nhân, viên chức, người lao động ở Việt Nam.
Phúc lợi xã hội bền vững cho công nhân, viên chức, người lao động
Tổng hợp từ các lý luận về phúc lợi xã hội trên thế giới, có thể khái quát chung: “Phúc lợi xã hội được hiểu theo nghĩa rộng, là hệ thống các định chế, các chính sách và các hoạt động nhằm bảo đảm những nhu cầu thiết yếu nhất của người dân, với mục tiêu là làm sao cho mọi người dân có được một cuộc sống đàng hoàng, tử tế, xứng đáng với phẩm giá con người”; “Hệ thống này bao gồm các lĩnh vực như: giáo dục, y tế, nhà ở, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, các chính sách trợ giúp xã hội (hỗ trợ những tầng lớp nghèo và khó khăn...) và các chính sách cứu trợ xã hội (cứu trợ thiên tai, dịch bệnh...)”(1).
Như vậy, có thể thấy rằng, phúc lợi xã hội cho công nhân, viên chức, người lao động (CNVCNLĐ) là hệ thống các định chế, các chính sách và các hoạt động nhằm bảo đảm những nhu cầu thiết yếu nhất của họ, với mục tiêu là làm sao cho mọi CNVCNLĐ có được một cuộc sống đàng hoàng, tử tế, xứng đáng với phẩm giá con người (nhân phẩm) từ trong lao động. Nói cách khác, CNVCNLĐ là những người lao động ở các lĩnh vực và vị trí công việc khác nhau, và từ sức lao động của họ, họ phải được hưởng một cuộc sống đàng hoàng, tử tế và xứng đáng với nhân phẩm, được thể hiện thông qua hệ thống chính sách, pháp luật về lao động. Hệ thống này cần được hiểu cả ở cấp độ vĩ mô và vi mô, nghĩa là cả các chính sách, pháp luật lao động của nhà nước và các chính sách, quy định về lao động ở cấp cơ quan/tổ chức/doanh nghiệp.
Hệ thống phúc lợi xã hội bền vững là hệ thống các chính sách, pháp luật liên quan tới lao động cả cấp vĩ mô và vi mô được bảo đảm thực thi đầy đủ và được cập nhật phù hợp với điều kiện phát triển cụ thể ở cấp vĩ mô và vi mô, tức là sự phát triển của cả quốc gia và cơ quan/tổ chức/doanh nghiệp. Hệ thống đó phải được chủ động định kỳ điều chỉnh cho phù hợp với sự phát triển. Điều này cũng hàm ý hệ thống phúc lợi xã hội bền vững gắn với vai trò của nhà nước và người sử dụng lao động trong các cơ quan/tổ chức/doanh nghiệp, cũng như vai trò của người lao động trong quá trình xây dựng hệ thống phúc lợi và thực thi.
Trên thế giới, tại một số quốc gia, nhà nước được mệnh danh là “nhà nước phúc lợi” và doanh nghiệp bảo đảm trách nhiệm xã hội đã trở thành tiêu chuẩn hành vi hướng tới.
Có thể tóm lược là, hệ thống phúc lợi xã hội bền vững dành cho CNVCNLĐ được nhìn nhận và đánh giá dựa trên tình hình chế độ phúc lợi xã hội hiện có đối với người lao động nói chung, các quyền trong lao động (quyền hưởng và quyền tham gia), và sự phát triển hệ thống phúc lợi xã hội của một quốc gia dựa trên nguyên tắc phổ quát. Kết quả của một hệ thống phúc lợi xã hội trong sự so sánh giữa các quốc gia với nhau được thể hiện ở chỉ số phát triển con người (HDI), hệ số GINI và chỉ số hạnh phúc(2).
Hệ thống phúc lợi xã hội ở các nước Bắc Âu
Hiện nay, hệ thống phúc lợi xã hội trên thế giới được thực hiện theo ba mô hình: 1- Mô hình tự do (liberal) là mô hình được áp dụng ở Mỹ, Ca-na-đa và Ô-xtrây-li-a, có đặc điểm là nhà nước chỉ can thiệp và giúp đỡ một cách có giới hạn đối với những người không còn khả năng sinh sống dựa trên thị trường, gia đình hoặc sự trợ giúp tư nhân. 2- Mô hình nghiệp hội bảo thủ (conservateur - corporatiste) là mô hình áp dụng điển hình ở Đức, Pháp, Áo, đặt nền tảng trên lao động làm công ăn lương, mang mục tiêu bảo vệ người lao động và gia đình của họ trước những nguy cơ, như tai nạn, bệnh tật, giá cả, thất nghiệp,... bằng cách bảo đảm cho họ một mức thu nhập tối thiểu. 3- Mô hình phổ quát (universaliste), hay còn gọi là dân chủ - xã hội được áp dụng ở các nước Bắc Âu, là mô hình theo đó nhà nước bảo đảm phúc lợi cho toàn dân một cách đồng đều. Mô hình này mang đặc điểm là có mức độ bảo hộ xã hội cao đối với các bất trắc trong cuộc sống, có mức thuế suất cao và cam kết với mục tiêu phân phối lại công bằng xã hội.
Hệ thống phúc lợi xã hội ở các nước Bắc Âu tập trung vào ba khía cạnh: chế độ phúc lợi xã hội hiện có đối với người lao động, quyền trong lao động (bao gồm quyền hưởng và quyền tham gia), sự phát triển hệ thống phúc lợi dựa trên nguyên tắc phổ quát.
Các nước Bắc Âu hiện là nhóm nước có chỉ số phát triển con người cao nhất trên thế giới. Trong tổng số 189 nước được xếp hạng năm 2018(3): Na-uy xếp thứ nhất, Thụy Điển: 7, Đan Mạch: 11 và Phần Lan: 15. Nếu xét về chỉ số bất bình đẳng thì các nước Bắc Âu cũng thuộc nhóm có chỉ số bất bình đẳng thấp nhất trên thế giới. Xét về chỉ số hạnh phúc, theo Báo cáo về chỉ số hạnh phúc năm 2019, các nước Bắc Âu nằm trong “tốp” các nước người dân hạnh phúc nhất(4): Phần Lan xếp thứ nhất, Đan Mạch: 2, Na-uy: 3 và Thụy Điển: 7.
Phúc lợi xã hội điển hình của người lao động ở các nước Bắc Âu.
Mô hình phúc lợi xã hội ở các nước Bắc Âu có hai trụ cột là an sinh xã hội và dịch vụ công (giáo dục, y tế, giao thông công cộng...) với mức độ phổ quát cao (tất cả công dân được bảo đảm các lợi ích và dịch vụ an sinh xã hội cơ bản, bất kể thu nhập, giàu hay nghèo, có việc làm hay không có việc làm), với mức độ bình đẳng cao (phân phối thu nhập tương đối công bằng, giáo dục miễn phí và cơ hội bình đẳng trong tiếp cận việc làm và chính phủ bảo đảm việc làm thông qua các chính sách thị trường lao động tích cực)(5). Ở các nước Bắc Âu, cơ hội việc làm là công bằng và bình đẳng. Tỷ lệ thất nghiệp ở Bắc Âu thấp. Số liệu Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho thấy: năm 2017, ở các nước khu vực Bắc Âu 77,4% số những người trong độ tuổi lao động có việc làm, trong khi ở các nước nói tiếng Anh là 72,4% và của châu Âu nói chung là 68,9%. Tỷ lệ phụ nữ tham gia lao động và chính trị ở khu vực này luôn cao nhất thế giới. Nam giới cũng được nghỉ khi vợ sinh con với thời gian dài nhất thế giới. Mặc dù không quy định trong pháp luật quốc gia về tiền lương tối thiểu, nhưng các thỏa ước tập thể ngành đều quy định về tiền lương tối thiểu ngành. Điều này cho thấy sự linh hoạt của thị trường lao động khi chính sách lao động được điều chỉnh thông qua thỏa ước tập thể thay vì trong pháp luật quốc gia.
Nền giáo dục ở các nước Bắc Âu được miễn phí hoặc trợ cấp cao. Nhà nước dành ngân sách lớn đầu tư cho giáo dục (khoảng 3% - 8% GDP), khuyến khích người dân học tập suốt đời. Nhà nước miễn 100% học phí trong giai đoạn học phổ thông và hỗ trợ học phí học đại học.
Chăm sóc trẻ em rất được quan tâm, thông qua các chính sách hỗ trợ của nhà nước, như miễn, giảm thuế hoặc trợ cấp bổ sung kéo dài 1 đến vài năm đối với những người đang nuôi con vị thành niên. Nhà nước dành tới 2% - 3% GDP cho chăm sóc trẻ em, xây dựng hệ thống các nhà trẻ, trường mẫu giáo, trung tâm chăm sóc trẻ nhỏ... giúp các bà mẹ yên tâm tham gia thị trường lao động. Tỷ lệ nhập học của học sinh đến tuổi đi học ở các nước này thuộc nhóm cao nhất thế giới.
Trong lĩnh vực y tế, các nước Bắc Âu cũng đứng đầu thế giới về hệ thống y tế, bảo hiểm phổ cập và bao trùm, trong đó miễn phí khám, chữa bệnh cho trẻ vị thành niên (từ 16 tuổi trở xuống) và phụ nữ có thai. Quỹ bảo hiểm chiếm từ 20% - 30% GDP của các nước. Tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh ở mức thấp nhất, chỉ khoảng 3 trẻ/1.000 ca sinh. Tuổi thọ trung bình của người Bắc Âu lên tới 82,3 tuổi(6).
Về giao thông công cộng, các nước Bắc Âu áp dụng chính sách trợ giá đối với các phương tiện vận tải đường sắt và xe buýt nội đô. Phần Lan, Thụy Điển có chính sách miễn phí xe buýt và phương tiện vận tải đường sắt nội đô cho trẻ dưới 5 tuổi và người đi cùng.
Quyền hưởng và quyền tham gia.
Bình đẳng và tuân thủ là nguyên tắc được bảo đảm ở các nước Bắc Âu. Hiện nay, các nước Bắc Âu có hệ thống pháp luật dân sự thống nhất với chế định ombudsman (người thực thi dân chủ) - tức là có thanh tra viên, nghị sĩ kiểm soát hành chính tư pháp, nhân viên kiểm tra những việc làm của cơ quan nhà nước vi phạm đến quyền lợi của cá nhân. Các ombudsman do quốc hội bổ nhiệm, được coi là đại diện của cơ quan quyền lực tối cao của đất nước, làm việc độc lập với cơ quan mà chức danh này phải giám sát. Với chế định này, sự bảo đảm quyền hưởng liên quan tới các phúc lợi theo quy định của nhà nước được bảo đảm tuân thủ rất tốt.
Các nước Bắc Âu áp dụng mô hình dân chủ xã hội - là mô hình có sự tham gia rộng rãi của nhân dân, với bốn giá trị chủ yếu, bao gồm: Đối thoại xã hội, lòng tin xã hội, vai trò nhà nước thúc đẩy phát triển và nền giáo dục đề cao dân chủ, hợp tác và bình đẳng. Đối thoại xã hội được thực hiện tốt thông qua đàm phán, tham vấn hoặc đơn giản là trao đổi thông tin giữa đại diện của chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động, trong các vấn đề quan tâm chung liên quan đến chính sách kinh tế và xã hội. Ở Bắc Âu, quan hệ lao động hài hòa, dựa trên bình đẳng, hợp tác và thỏa hiệp. Chia sẻ bình đẳng và tham gia dịch vụ công là biểu hiện nổi bật của quyền công dân, ví dụ tham gia việc xây dựng chính sách công cộng quốc gia, thể hiện quan điểm và ý kiến về chính sách công, phản đối một số chính sách công nếu cho là không phù hợp. Chính phủ lắng nghe những tiếng nói khác nhau từ người dân và xem đó là một sự bảo đảm cho ổn định xã hội. Với hệ giá trị trên, khi các quy tắc pháp luật được hình thành, việc tuân thủ pháp luật là điều tất nhiên.
Một điểm đáng chú ý là mô hình dân chủ xã hội phát triển nhờ vai trò quan trọng của công đoàn đại diện cho đông đảo người lao động thuộc các lĩnh vực khác nhau trong quá trình ra quyết định liên quan tới các chính sách kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước. Tỷ lệ tham gia công đoàn ở Bắc Âu thuộc nhóm cao nhất trên thế giới. Theo số liệu năm 2016, tỷ lệ tham gia công đoàn ở Na-uy là 52%, Phần Lan: 65%, Thụy Điển: 66% và Đan Mạch: 67%, trong khi so với Mỹ chỉ có khoảng 10% tham gia công đoàn và ở hầu hết các nước châu Âu khác, tỷ lệ trung bình là 20% - 30%. Điểm quan trọng là phần lớn người lao động đều là đối tượng bao phủ của thỏa ước tập thể, lên tới 80% - 90%(7).
Sự phát triển dựa trên nguyên tắc phổ quát.
Sự phát triển của hệ thống phúc lợi xã hội dành cho người lao động ở các nước Bắc Âu được xây dựng dựa trên hệ thống các tiêu chuẩn lao động quốc tế. Na-uy, Đan Mạch và Thụy Điển là thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) từ năm 1919 - năm thành lập ILO; Phần Lan tham gia ILO năm 1920. Vì vậy, quá trình hình thành các tiêu chuẩn lao động quốc tế của ILO cũng chính là quá trình hình thành các tiêu chuẩn lao động ở các nước Bắc Âu. Trong tổng số 189 công ước cho đến nay, Na-uy đã phê chuẩn 110 công ước; Đan Mạch: 72 công ước; Thụy Điển: 82 công ước và Phần Lan: 102 công ước.
Do sự vận động phát triển của đất nước, đặc thù của nền kinh tế, cấu trúc lao động,... các nước Bắc Âu chưa phê chuẩn toàn bộ các công ước của ILO, nhưng ngay từ đầu đều đã phê chuẩn các công ước cốt lõi (8/8 công ước) và các công ước quản trị của ILO (4/4 công ước). Đây là những công ước cơ bản đã được quốc tế công nhận và trở thành các giá trị phổ quát trên thế giới; cho thấy sự tương thích của hệ thống phúc lợi xã hội ở các nước Bắc Âu dựa trên hệ thống tiêu chuẩn lao động phổ quát trên thế giới.
Một số gợi ý đối với Việt Nam
Chế độ phúc lợi xã hội ở các nước Bắc Âu có được là nhờ nền kinh tế phát triển tốt, hệ thống thuế cao và thực thi nghiêm. Do trình độ phát triển kinh tế của Việt Nam chưa thể ngang bằng với các nước Bắc Âu, các chế độ phúc lợi cụ thể đối với người lao động Việt Nam chỉ có thể xác lập ở mức có thể chấp nhận được và phù hợp với điều kiện Việt Nam. Song, điều quan trọng là cần bảo đảm các quyền hưởng và quyền tham gia của người lao động ở cả cấp vĩ mô và vi mô trong xây dựng hệ thống phúc lợi xã hội phù hợp, hướng tới hệ thống phúc lợi xã hội dựa trên nguyên tắc phổ quát.
Việt Nam đang đi đúng hướng trên tinh thần là “thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”, tham gia và tuân thủ các cam kết và điều ước quốc tế và từng bước cải thiện tiêu chuẩn quốc gia phù hợp với chuẩn mực quốc tế theo các công ước của Liên hợp quốc (UN) và ILO. Trong bối cảnh việc thực thi các tiêu chuẩn quốc gia vẫn còn nhiều bất cập và vi phạm diễn ra khá phổ biến ở Việt Nam, điểm quan ngại chính là làm thế nào để thực thi có hiệu quả các tiêu chuẩn quốc tế mà Việt Nam cam kết để hướng tới mô hình phúc lợi xã hội phổ quát đi liền với mô hình kinh tế thị trường.
Việt Nam hiện có chỉ số HDI đứng thứ 116/189 nước, thuộc vào nhóm HDI trung bình trên thế giới. Có thể nói, Việt Nam đã đạt được tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực kinh tế, với tốc độ tăng trưởng cao và trở thành nước có thu nhập trung bình từ năm 2009. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng nợ, trốn bảo hiểm xã hội là đáng lo ngại, doanh nghiệp bỏ trốn và nợ lương diễn ra khá phổ biến, tỷ lệ đình công tự phát cao,...
Hệ số GINI của nước ta, dù chưa phải là quan ngại, nhưng cũng có sự gia tăng. Người lao động có việc làm nhưng chất lượng việc làm chưa tốt và họ chưa cảm thấy hạnh phúc. Họ luôn phải chấp nhận làm thêm giờ, hy sinh các hoạt động giao lưu, xã hội để kiếm sống mà chưa cân bằng cuộc sống - công việc - gia đình.
Hệ thống phúc lợi xã hội bền vững là hệ thống phải theo kịp với sự phát triển của thời đại, nghĩa là “nước nổi, thuyền nổi”. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đang thấy khoảng cách giàu nghèo giãn rộng, dù chưa phải ở mức báo động, nhưng là sự cảnh báo cho thấy hệ thống phúc lợi chưa bền vững. Vậy, nguyên nhân là do đâu? Có nghiên cứu đã chỉ ra: “sự phát triển của lực lượng sản xuất vẫn mới chỉ dừng lại ở sự gia tăng và ngày càng hoàn thiện của tư liệu sản xuất, chứ chưa phải là sự phát triển của con người với tư cách một bộ phận cấu thành của lực lượng sản xuất”(8).
Thực tiễn phát triển ở Việt Nam hiện nay cho thấy, nguy cơ ảnh hưởng tới mục tiêu phúc lợi xã hội cho người lao động. Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa từ năm 1986, bắt đầu áp dụng cơ chế thị trường trong phát triển kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài là một ưu tiên trong phát triển kinh tế. Trong kinh tế thị trường, các nhà đầu tư trong nền kinh tế thị trường thường lựa chọn đầu tư vào những ngành, lĩnh vực mà họ tận dụng được lợi thế có sẵn. Việt Nam có lợi thế về nguồn nhân lực dồi dào, chi phí lao động thấp, trình độ lao động không cao,... Vì vậy, sự lựa chọn của phần lớn các nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, tập trung vào các ngành thâm dụng lao động giản đơn có giá trị gia tăng thấp, như ngành dệt may, da giày. Ngành điện tử là ngành công nghệ cao, nhưng vốn đầu tư vào Việt Nam lại chỉ ở những khâu đơn giản, chủ yếu là lắp ráp, không đòi hỏi công nghệ cao, còn những khâu nghiên cứu và phát triển (R&D) có giá trị gia tăng cao nằm lại ở các nước đầu tư. Kinh tế thị trường và lợi thế cạnh tranh của Việt Nam đã đưa tới chính sách ngành công nghiệp thụ động với sự phát triển của các ngành mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng được thu hút vào Việt Nam bởi lợi thế cạnh tranh lao động giá rẻ và sự chuyển giao công nghệ cho Việt Nam, nếu có, cũng chỉ là công nghệ tương đối đơn giản, còn những lĩnh vực then chốt, giá trị gia tăng cao, công nghệ cao thì nằm lại ở nước đầu tư. Lợi thế cạnh tranh về chi phí lao động có nghĩa là điều kiện của người lao động không được bảo đảm và có nguy cơ bị vi phạm.
Trên thực tế, đã có những quyền cơ bản của người lao động bị vi phạm, ví dụ người lao động khát nước được quyền uống nước là quyền cơ bản của con người, nhưng hiện tại có nơi, người lao động lại phải thương lượng với chủ sử dụng lao động để được có thời gian đi uống nước; hay tình trạng vi phạm pháp luật lao động, nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, hiện tượng doanh nghiệp bỏ trốn đã thấy khá phổ biến ở Việt Nam. Pháp luật lao động tốt nhưng không được thực thi thì trở nên vô nghĩa và hệ thống đó không thể bền vững. Cũng vì lợi thế cạnh tranh lao động giản đơn và giá rẻ, Việt Nam chỉ có thể tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu ở những khâu giá trị gia tăng thấp, công nghệ thấp trong những lĩnh vực thâm dụng lao động và lợi nhuận thu được không đủ để đầu tư đổi mới công nghệ. Nếu tiếp tục chính sách ngành thụ động do kinh tế thị trường thúc đẩy dựa trên lợi thế cạnh tranh có sẵn về dồi dào nguồn lao động giản đơn, Việt Nam sẽ bị kẹt trong các ngành giá trị gia tăng thấp và chi phí lao động thấp. Điều này có thể ảnh hưởng tới mục tiêu xã hội và cản trở thực hiện chính sách phúc lợi xã hội cho người dân.
Vì vậy, để xây dựng hệ thống phúc lợi xã hội bền vững, tham khảo những điểm mạnh của mô hình của các nước Bắc Âu, Việt Nam cần quan tâm tới một số điểm sau:
Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu và phê chuẩn các tiêu chuẩn quốc tế liên quan tới phúc lợi xã hội cho người lao động và các quyền trong lao động, hướng tới hệ thống phúc lợi xã hội dựa trên nguyên tắc phổ quát ở Việt Nam.
Thứ hai, bảo đảm các quyền tham gia của người lao động trong quá trình xây dựng hệ thống thể chế để bảo đảm tính bền vững của hệ thống thể chế liên quan tới các chế độ phúc lợi xã hội có thể chấp nhận được đối với người lao động, từ đó tạo ra một cuộc sống tốt hơn cho người lao động.
Thứ ba, hệ thống phúc lợi xã hội chỉ có ý nghĩa khi được thực thi nghiêm túc, hiệu quả. Vì vậy, cần tăng cường các biện pháp bảo đảm thực thi hệ thống phúc lợi xã hội hiện có, bảo đảm quyền thụ hưởng của CNVCNLĐ./.
------------------------------
(1) Trần Hữu Quang: “Phúc lợi xã hội trên thế giới: quan niệm và phân loại”, Tạp chí Khoa học Xã hội, số 4, 2009, Hà Nội, tr. 128
(2) HDI là chỉ số so sánh, định lượng về mức thu nhập, tỷ lệ biết chữ, tuổi thọ và một số nhân tố khác, cho thấy một cái nhìn tổng quát về sự phát triển của một quốc gia. Hiện nay, HDI đo thành tựu trung bình của một quốc gia theo ba tiêu chí: Sức khỏe, tri thức và thu nhập bình quân đầu người. GINI biểu thị độ bất bình đẳng trong thu nhập giữa các vùng, miền, tầng lớp của một đất nước. Chỉ số hạnh phúc dựa trên sáu tiêu chí, bao gồm tổng thu nhập trong nước (GDP) bình quân đầu người, hỗ trợ xã hội, tuổi thọ trung bình, quyền tự do lựa chọn cuộc sống và cảm nhận về tham nhũng của người dân
(3) Xem: Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP): Chỉ số phát triển con người năm 2018
(4) Xem: Liên hợp quốc (UN): Báo cáo hạnh phúc thế giới 2019
(5) Xem: Bùi Thanh Sơn và Đinh Toàn Thắng: Mô hình phát triển của một số nước Bắc Âu, Hội đồng Lý luận Trung ương, Hà Nội, 2019
(6) Xem: Nordic Social Statistical Committee, Social Protection in the Nordic Countries - Scope, Expenditure and Financing, 2015 - 2016
(7) Xem: Bùi Thanh Sơn và Đinh Toàn Thắng: Mô hình phát triển của một số nước Bắc Âu, Tlđd
(8) Nguyễn Minh Hoàn: “Quan điểm của chủ nghĩa Mác về công bằng xã hội với tư cách thước đo trình độ giải phóng con người”, Tạp chí Triết học, số 5, tháng 5-2007, tr. 192
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên