Một số giải pháp góp phần bảo đảm sinh kế bền vững cho cư dân Quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình
TCCS - Năm 2014, Quần thể danh thắng Tràng An được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới với những giá trị nổi bật toàn cầu về địa chất, địa mạo, thẩm mỹ và văn hóa. Đây là di sản hỗn hợp duy nhất tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, là lợi thế nổi bật để tỉnh Ninh Bình phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm sinh kế bền vững cho cư dân vùng danh thắng nói riêng và nhân dân tỉnh Ninh Bình nói chung.
1- Nằm ở rìa phía nam của đồng bằng châu thổ sông Hồng với tổng diện tích khoảng 12.252ha, Quần thể danh thắng Tràng An của tỉnh Ninh Bình có giá trị văn hóa lịch sử và thiên nhiên đặc sắc, hàm chứa nhiều giá trị nổi bật. Bên cạnh cảnh quan thiên nhiên đẹp, được tạo nên bởi sự kết hợp hài hòa sông, núi, các hang động ngập nước, Quần thể danh thắng Tràng An có nhiều di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và danh lam thắng cảnh đã được nhận diện, xếp hạng ở cấp tỉnh và cấp quốc gia, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt là khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cố đô Hoa Lư và danh lam thắng cảnh Tràng An - Tam Cốc - Bích Động. Cùng với hệ thống di tích lịch sử - văn hóa truyền thống đặc sắc là các lễ hội truyền thống, tiêu biểu như lễ hội Cố đô Hoa Lư, lễ hội chùa Bái Đính, lễ hội đền Thái Vi…, cùng văn hóa ẩm thực đặc sắc với nhiều món ăn dân dã nổi tiếng cả nước, như tái dê, cơm cháy, ốc núi, cá rô Tổng Trường, mắm tép…
Theo các nghiên cứu khoa học, cư dân Tràng An xưa đã thích ứng với sự thay đổi to lớn về môi trường, cảnh quan để kiếm sống và sinh tồn thông qua việc khai thác ốc núi khi biển tiến, đánh bắt và khai thác nguồn thức ăn từ sông suối, ao đầm khi biển thoái. Sau này, người dân sinh sống chủ yếu bằng nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp.
Hiện nay, Quần thể danh thắng Tràng An là “di sản sống” với 44.000 người dân sinh sống, trong đó vùng lõi có trên 14.000 người. Cùng với chủ trương phát huy giá trị di sản thế giới Tràng An thông qua phát triển du lịch, cơ cấu kinh tế của địa phương chuyển dịch nhanh từ nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp sang dịch vụ, du lịch, sinh kế của cư dân địa phương đã có sự biến đổi theo hướng đa dạng, phong phú hơn. Theo kết quả khảo sát tại khu vực Quần thể danh thắng Tràng An, hoạt động du lịch tạo ra những chuyển biến tích cực. Du lịch góp phần quan trọng trong việc đa dạng hóa các ngành, nghề cho cư dân trong vùng di sản, giúp người dân có thể có nhiều sự lựa chọn nghề để tham gia phù hợp với khả năng, điều kiện của mình, từ đó có thêm nhiều việc làm. Trước đây, người dân sinh sống trong khu vực di sản Tràng An chỉ quen với nghề làm nông nghiệp, chăn nuôi, nghề thủ công, thì nay hoạt động du lịch giúp tạo ra nhiều ngành, nghề mới, như kinh doanh lưu trú, nhà hàng ăn uống, chèo thuyền phục vụ du khách, chụp ảnh, hướng dẫn viên tại các điểm du lịch, bán hàng lưu niệm, dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch trang trại, dịch vụ vận chuyển khách… Sự thay đổi này làm cơ cấu lao động theo hướng hợp lý hơn, người lao động có cơ hội dễ tìm việc làm, có thu nhập cao hơn trước và cải thiện đời sống gia đình. Dưới tác động của du lịch, khi ruộng đất nông nghiệp không còn là sinh kế chính, nhận thức của cư dân vùng di sản đã có sự thay đổi. Người dân chú trọng đầu tư cho công tác giáo dục con em trong gia đình để các thế hệ tiếp theo có sinh kế tốt hơn trong tương lai, có thể trở lại quê hương để tham gia vào các ngành, nghề, các hoạt động phát triển du lịch địa phương nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Bình nói chung.
Du lịch cũng góp phần mang lại cho vùng di sản Tràng An một hệ thống kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, đặc biệt là giao thông, đường điện, nước, thông tin liên lạc. Chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên rõ rệt và toàn diện hơn. Kết cấu hạ tầng du lịch tại địa phương được tập trung đầu tư xây dựng bảo đảm yêu cầu phát triển. Nhiều công trình trọng điểm về du lịch được đầu tư, như Dự án xây dựng cụm công nghiệp đá mỹ nghệ Ninh Vân; xây dựng làng nghề thêu ren Ninh Hải; xây dựng mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp chất lượng cao gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp trực tiếp đến với du khách... Nguồn nhân lực du lịch tại chỗ được chú trọng phát triển với lực lượng người dân làm nghề chèo đò đông đảo, vừa đưa khách tham quan các tuyến trong Quần thể danh thắng Tràng An, vừa trực tiếp làm hướng dẫn viên du lịch. Hiện nay, khu vực này tạo việc làm cho khoảng 10.000 lao động trực tiếp, 20.000 lao động gián tiếp. Ban Quản lý Khu Du lịch sinh thái Tràng An cho biết đang tạo việc làm cho 1.300 lái đò, với mức lương 5 triệu - 6 triệu đồng/tháng. Khu du lịch thường xuyên tổ chức chương trình tập huấn thường kỳ về nghiệp vụ du lịch cho lái đò; đồng thời giúp họ nhận thấy tầm quan trọng cũng như hiệu quả về mặt kinh tế - xã hội khi phát triển du lịch tại địa phương. Khu du lịch luôn cố gắng bảo đảm nguồn thu nhập ổn định, đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người dân địa phương để thu hút ngày càng nhiều người dân tham gia vào hoạt động du lịch.
Bên cạnh việc tạo sinh kế bền vững cho người dân Ninh Bình, phát triển du lịch tại Quần thể danh thắng Tràng An còn góp phần khôi phục lại các giá trị văn hóa truyền thống có nguy cơ mai một, trong đó, có nghề thêu truyền thống ở xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư. Năm 1994, toàn xã Ninh Hải chỉ có khoảng 10 hộ làm thêu tay với mục đích gia công sản phẩm cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủ công mỹ nghệ. Nhờ du lịch phát triển, hàng trăm hộ trong xã đã khôi phục và phát triển nghề thêu ren truyền thống. Đặc biệt, sau năm 2014, khi Quần thể danh thắng Tràng An trở thành Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, khách du lịch tăng mạnh, nhất là khách quốc tế, hoạt động du lịch trở thành kênh xúc tiến thương mại quan trọng giúp nhiều doanh nghiệp xuất, nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ trên thế giới biết đến làng nghề thêu ren Ninh Hải, tìm về đặt hàng, thu mua sản phẩm. Từ đó, nghề thêu truyền thống ở nơi đây có cơ hội khôi phục và phát triển theo hướng phục vụ du lịch. Hiện nay, nghề thêu truyền thống ở xã Ninh Hải giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.
Bên cạnh đó, du lịch di sản còn mang lại nhiều lợi ích về mặt bảo tồn và phát triển cộng đồng, góp phần bảo vệ các nguồn tài nguyên tự nhiên, văn hóa và lịch sử thông qua sự kết nối, tham gia của người dân trong cộng đồng. Thông qua việc tham gia vào các hoạt động du lịch và được giới thiệu về các di tích lịch sử của địa phương, người dân có thêm sự hiểu biết sâu sắc hơn và thêm trân quý các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống, từ đó góp phần tạo dựng niềm tự hào, ý thức trách nhiệm gìn giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa địa phương; đồng thời quảng bá ngày càng sâu rộng hình ảnh và người Ninh Bình tới đông đảo du khách trong và ngoài nước. Ngoài ra, người dân được tham gia vào việc bảo vệ, quản lý di sản, đóng góp ý kiến xây dựng cơ chế, chính sách, bảo đảm sự cân bằng giữa bảo tồn di sản với sinh kế bền vững cho người dân.
2- Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, hoạt động phát triển du lịch của cư dân cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Việc quy hoạch và xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An đã làm nguồn lực đất đai, đặc biệt là đất nông nghiệp bị thu hẹp, sinh kế cũ của đa số các hộ nông dân làm nông nghiệp bị thu hẹp khiến họ phải tìm kiếm sinh kế mới, trong khi các ngành, nghề mới từ hoạt động du lịch đòi hỏi nhiều kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ và hỗ trợ tập huấn lao động chuyển đổi ngành, nghề phi nông nghiệp còn hạn chế. Sự phát triển du lịch kéo theo sự du nhập văn hóa ngoại lai, làm lấn át hoặc mất đi bản sắc văn hóa địa phương. Còn tình trạng ô nhiễm môi trường và suy thoái nguồn lực tự nhiên do sự tập trung lượng khách du lịch tương đối lớn, vượt sức chứa hay sức chịu tải về môi trường và xã hội tại một số điểm du lịch vào mùa cao điểm của lễ hội cũng như ảnh hưởng tới vấn đề sinh kế bền vững của cộng đồng cư dân. Phát triển du lịch cũng làm gia tăng các trường hợp vi phạm về trật tự xây dựng, sử dụng đất đai và kinh doanh lưu trú. Bên cạnh đó, tính chất mùa vụ du lịch cũng tác động lớn đến sinh kế đối với cộng đồng dân cư dựa chủ yếu vào hoạt động du lịch. Khi không vào mùa du lịch, nhiều người dân phải ngừng hoạt động kinh doanh lưu trú, bán hàng, chèo thuyền để tìm kiếm những công việc khác, như đi làm xây dựng, làm trong các khu công nghiệp, làm nông nghiệp kết hợp với nghề phụ (thêu ren, đan lát...) Việc tập trung khách du lịch quá đông vào khoảng thời gian từ tháng 1-4 trong năm cũng gây mất cân đối, mất ổn định đối với hệ thống kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất (giao thông, điện, nước, thương nghiệp...), tác động trực tiếp đến cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của cư dân, gây khó khăn cho công tác bảo đảm an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường... Diện tích đất của các hộ gia đình trong vùng di sản ngày càng bị thu hẹp, đặc biệt là diện tích đất nông nghiệp; chất lượng lao động còn hạn chế. Mức hỗ trợ tư vấn việc làm cho các lao động chuyển đổi nghề nghiệp trong vùng di sản còn hạn chế…
Thời gian tới, để tiếp tục bảo tồn Quần thể danh thắng Tràng An cũng như bảo đảm sinh kế bền vững cho người dân trong vùng di sản, tỉnh Ninh Bình tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp:
Một là, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền và giáo dục để nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và người dân về vị trí, vai trò của di sản nói chung và của Quần thể danh thắng Tràng An nói riêng trong phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy giá trị di sản Tràng An trong phát triển du lịch, hướng tới cải thiện sinh kế một cách bền vững. Thống nhất quan điểm phát triển du lịch ở các khu vực di sản phải tuân thủ nghiêm các quy định chặt chẽ của UNESCO, bảo đảm sự cân bằng trong bảo tồn và phát triển du lịch di sản, bảo đảm lợi ích, sinh kế của cộng đồng địa phương.
Hai là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo tồn phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch và bảo đảm sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư. Chủ động rà soát, quy hoạch chi tiết khu, điểm dân cư trong vùng đệm, vùng lõi di sản làm cơ sở quản lý đất đai, trật tự xây dựng, quản lý di sản và làm cơ sở quy hoạch xây dựng, hình thành khu, điểm du lịch cộng đồng. Qua đó, tạo điều kiện cho cá nhân, hộ gia đình tham gia phát triển du lịch, tạo sinh kế cho người dân gắn với bảo vệ di sản bền vững. Tiếp tục tập trung nguồn lực, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, hoàn thiện các hạng mục xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch trên địa bàn.
Ba là, thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023 - 2030. Có chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát huy giá trị di sản tập trung vào nội dung đặc thù hỗ trợ cộng đồng dân cư trong khu vực di sản; hỗ trợ người dân xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, nông nghiệp sinh thái gắn với phát triển du lịch vùng Quần thể danh thắng Tràng An. Hỗ trợ và phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa vùng di sản.
Bốn là, đẩy mạnh hoạt động đào tạo, tập huấn cho người dân tham gia làm dịch vụ du lịch tại khu, điểm du lịch vùng di sản, nhằm nâng cao kỹ năng, kiến thức du lịch, ngoại ngữ và nhất là các kỹ năng mềm trong ứng xử, sự văn minh, lịch sự trong giao tiếp. Tổ chức các lớp đào tạo kiến thức vận hành mô hình du lịch cộng đồng. Xây dựng kế hoạch và tổ chức đào tạo nghề hằng năm cho lực lượng lao động trong khu di sản. Xây dựng môi trường du lịch văn hóa, văn minh tại các thôn, xóm trong khu di sản.
Năm là, đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các vùng, miền trong cả nước và quốc tế để quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch và bảo đảm sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư vùng Quần thể danh thắng Tràng An. Định kỳ tổ chức các chương trình tham quan, học tập kinh nghiệm quản lý di sản tại các khu di sản trong cả nước, như học tập kinh nghiệm quản lý di sản tại di sản văn hóa cố đô Huế, di sản thiên nhiên Phong Nha - Kẻ Bàng và di sản thiên nhiên Vịnh Hạ Long. Phối hợp với Hiệp hội Du lịch tham gia các chương trình quảng bá, xúc tiến hoạt động du lịch tại các địa phương trong nước và quốc tế…; qua đó góp phần nâng cao hiệu quả bảo tồn và phát huy giá trị di sản Quần thể danh thắng Tràng An, gắn kết hiệu quả giá trị di sản và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm sinh kế bền vững cho nhân dân./.
Nỗ lực phục hồi nghề gốm cổ Bồ Bát  (08/09/2024)
Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa tỉnh Quảng Ninh trong phát triển kinh tế - xã hội  (20/08/2024)
Tỉnh Ninh Bình đẩy mạnh xây dựng sản phẩm quà tặng du lịch đặc sắc trên cơ sở phát triển các làng nghề truyền thống  (13/08/2024)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" năm 1972 - biểu hiện sinh động về vấn đề “bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa”