Phát huy các giá trị truyền thống Quảng Ninh, tiếp tục hiện thực hóa tầm nhìn đến năm 2045
TCCS - Những thành tựu mà Quảng Ninh đạt được ngày hôm nay chính là nhờ phát huy mạnh mẽ những nét đặc sắc, độc đáo, riêng có của mình, khơi dậy nội lực, lợi thế khác biệt để hội nhập vào dòng chảy chung toàn cầu và khu vực, góp phần hiện thực hóa tầm nhìn Quảng Ninh đến 2045 là xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành một trong những đầu tàu phát triển của khu vực phía Bắc, một trong những trọng điểm kinh tế, trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực.
Nguồn sức mạnh nội sinh
Quảng Ninh trong quá trình hình thành và phát triển đã lưu giữ, bảo tồn những giá trị riêng của mình. Qua thời gian, những giá trị đó được bồi đắp, làm giàu thêm, ngày càng trở nên phong phú, giàu bản sắc, vừa truyền thống, vừa hiện đại, hàm chứa những giá trị văn hóa địa phương và những giá trị văn hóa các vùng miền, tộc người của cả nước cũng như những giá trị chung của khu vực, thế giới.
Quảng Ninh là miền đất “địa linh”, hội tụ đầy đủ nhiều yếu tố, điều kiện, tạo nên địa thế tự nhiên thuận lợi cho phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, Quảng Ninh có vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt. Từ thời xa xưa, Quảng Ninh được coi là “cửa ngõ” của nền văn minh Việt cổ. Các di chỉ khảo cổ học được phát hiện trong các vùng đất của Quảng Ninh, khẳng định sự tồn tại của ba nền văn hóa tiền sử kế tiếp nhau là văn hóa Soi Nhụ, văn hóa Cái Bèo, văn hóa Hạ Long, minh chứng cho sự phát triển rực rỡ, liên tục của một nền văn hóa mang đậm sắc thái của cư dân vùng biển, đảo, có ý nghĩa quan trọng góp phần vào quá trình hình thành nền văn minh của nước Đại Việt. Quá trình lịch sử còn in dấu tích trên vùng đất này với hơn 630 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh.
Trong không gian đa dạng của các loại hình đồi núi, đồng bằng, ven biển và hệ thống hải đảo, thềm lục địa, kho tàng di sản văn hóa phi vật thể ở Quảng Ninh in dấu một vùng trầm tích đa dạng, phong phú, hấp dẫn, giàu bản sắc, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, các di sản đa tầng lớp này là những giá trị vượt thời gian, chất chứa tinh hoa của dòng chảy văn hóa xuyên suốt các thời kỳ lịch sử, góp phần định hình nên diện mạo và bề dày truyền thống lịch sử và văn hóa của vùng đất Quảng Ninh, được các thế hệ gìn giữ, làm giàu và phát huy; là nguồn lực, sức mạnh nội sinh to lớn cho sự phát triển bền vững của Quảng Ninh trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Hơn nữa, Quảng Ninh có vị thế địa chiến lược đặc thù về chính trị, kinh tế, quốc phòng - an ninh, đối ngoại, được xác lập qua hàng nghìn năm tồn tại và phát triển của đất nước. Vị trí xung yếu của Quảng Ninh không chỉ quan trọng đối với nước ta mà còn đối với cả khu vực. Từ xưa đến nay, mảnh đất này luôn được xác định như một “pháo đài thép” ở vùng biển Đông Bắc. Với vị thế chiến lược cực kỳ quan trọng, Quảng Ninh không chỉ chứng kiến những thăng trầm của lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc, mà còn trực tiếp là tuyến đầu biên cương của Tổ quốc, trấn giữ vùng phên dậu trọng yếu của đất nước trong suốt nhiều thời kỳ lịch sử, bảo vệ an ninh cho quốc gia Đại Việt. Trong thời kỳ cận - hiện đại, Quảng Ninh là cái nôi của giai cấp công nhân và phong trào công nhân Việt Nam, nơi hoạt động của nhiều nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, đóng góp vào phong trào cách mạng trên cả nước.
Với những yếu tố đó, Quảng Ninh là vùng đất đặc biệt, từ lâu được coi là một Việt Nam thu nhỏ, vừa hàm chứa những giá trị tiêu biểu của mọi miền đất nước, vừa mang những đặc trưng, sắc thái văn hóa vùng riêng biệt, tạo nên một vùng văn hóa đa dạng, độc đáo. Đó chính là vốn quý và sức sống của Quảng Ninh, nền tảng cho sự phát triển của vùng đất Đông Bắc lịch sử.
Văn hóa Quảng Ninh là thành quả của hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh bền bỉ trong quá trình tạo dựng và gìn giữ, bảo vệ của cộng đồng các dân tộc, là quá trình tích lũy vốn tri thức, kết quả của quá trình giao lưu, tiếp thu tinh hoa của nhiều dân tộc khác. Điều kiện lịch sử, tự nhiên, cùng truyền thống lịch sử đấu tranh kiên cường đã tạo nên văn hóa và con người Quảng Ninh với những phẩm chất ưu trội là truyền thống lao động sản xuất, cần cù, sáng tạo, cởi mở, bao dung, khí chất mạnh mẽ, đoàn kết, tiên phong cách mạng và đặc biệt là sự hào sảng, tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm” tạo nên cốt cách văn hóa đặc trưng của tiểu vùng duyên hải Đông Bắc, đồng thời luôn hướng tới sự hoàn thiện về nhân cách với nhiều phẩm chất tốt đẹp.
Phát huy những giá trị truyền thống, hiện thực hóa tầm nhìn
Trong bối cảnh đổi mới hội nhập quốc tế toàn diện, để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, phải tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ với giữ vững truyền thống và bản sắc văn hoá dân tộc; coi trọng kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, củng cố quốc phòng, an ninh, tăng cường quan hệ đối ngoại, đặc biệt là chú trọng phát triển văn hoá, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển. Đồng thời, phải tăng cường huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển văn hóa, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc vừa kế thừa, phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội và “phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa.
Đối với Quảng Ninh, hội nhập quốc tế đặt ra nhiều cơ hội và thách thức về việc bảo tồn, bảo vệ các giá trị truyền thống, tiếp thu có chọn lọc các giá trị của nhân loại, nhằm bổ sung vào các giá trị truyền thống của mình, phục vụ công cuộc phát triển. Phát huy các giá trị truyền thống chính là quá trình gìn giữ những “giá trị lõi”, “hạt nhân”, đồng thời bổ sung, làm mới những giá trị đó trên cơ sở chọn lọc những nhân tố phù hợp với điều kiện, đặc điểm của mình. Phát huy các giá trị truyền thống không chỉ là bảo tồn, tiếp thu, mà còn còn là quá trình đổi mới, sáng tạo, lan tỏa những giá trị đó ra bên ngoài, phù hợp với yêu cầu của thời đại. Đó là một dòng chảy, nối tiếp không ngừng, là tiền đề, điều kiện để hoàn thiện, nâng cao hệ giá trị mang đậm bản sắc dân tộc. Trong thời gian qua, những giá trị truyền thống đó của tỉnh Quảng Ninh đã trở thành sức mạnh vượt trội nhờ tận dụng, khai thác lợi thế, biến nguy cơ, thách thức thành bài học tôi rèn, trưởng thành, với nhiều hy sinh gian khổ của bao thế hệ, kể cả trong lịch sử đấu tranh cách mạng cũng như trong công cuộc dựng xây, phát triển Quảng Ninh ngày nay. Với ba trụ cột là thiên nhiên, con người, văn hóa, Quảng Ninh đang hội nhập vào dòng chảy chung của khu vực và toàn cầu, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa của nhân loại, từng bước định vị thương hiệu Quảng Ninh để từ đó lan tỏa những giá trị đặc sắc, nhân văn của vùng đất mỏ.
Đại hội XIII của Đảng đã quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong 5 năm (2021 - 2025); xác định phương hướng, mục tiêu của đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Một trong những điểm nhấn rất quan trọng của Đại hội XIII của Đảng là xác định các quan điểm, chủ trương mới, toàn diện và sâu sắc về phát triển văn hóa, con người Việt Nam nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước cường thịnh, phồn vinh, hạnh phúc. Cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương lớn của Đảng, từ nhiều năm qua, các cấp ủy, chính quyền của tỉnh Quảng Ninh đã ưu tiên dành nhiều nguồn lực, ban hành và thực hiện có hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển văn hóa, con người.
Đảng bộ tỉnh luôn quán triệt sâu sắc quan điểm: Phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; xác định văn hóa là thành tố hết sức quan trọng, là nền tảng, mục tiêu và động lực thúc đẩy phát triển bền vững của tỉnh. Và với việc ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU, Quảng Ninh là một trong số ít các tỉnh, thành có nghị quyết chuyên đề về xây dựng, phát triển văn hóa, con người.
Theo đó, Quảng Ninh đã từng bước nghiên cứu, xác định và định vị rõ bản sắc riêng, đặc sắc của văn hóa vùng miền Quảng Ninh khác với văn hóa của các địa phương khác trong cả nước. Văn hóa Quảng Ninh được hình thành nên bởi sự kết hợp hài hòa giữa những tinh hoa văn hóa truyền thống được chắt lọc từ nhiều vùng, miền trong cả nước và văn hóa hiện đại ra đời trong cuộc sống công nghiệp với truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” của công nhân Vùng mỏ. Những vốn văn hóa quý giá, khác biệt, độc đáo này luôn được tỉnh trân trọng, bảo tồn và phát huy.
Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 9-3-2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững” tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị nền văn hóa giàu bản sắc. Qua đó, tài nguyên văn hóa được khai thác đúng hướng, hiệu quả, không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội mà còn lan tỏa rộng rãi những nét văn hóa độc đáo, riêng có của con người và vùng đất Quảng Ninh.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định “Xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh” là một trong ba khâu đột phá và trong bốn nhiệm vụ trọng tâm có nhiệm vụ “Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh”. Mới đây, Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 30-10-2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con ngưòi Quảng Ninh trở thành nguôn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững, nêu rõ quan điểm: Văn hóa, con người Quảng Ninh là nền tảng tinh thần vững chắc, là nguồn lực nội sinh, động lực quan trọng cho sự phát triển nhanh, bền vững của tỉnh. Xây dựng, phát huy các giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục của toàn Đảng bộ, chỉnh quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, được đặt trong mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với các nhiệm vụ về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, phát triền kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, họp tác và hội nhập quốc tế. Đầu tư cho văn hóa, con người là đầu tư cho phát triển bền vững. Phải sử dụng hiệu quả, hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, các nguồn lực của Nhà nước kết hợp với huy động tối đa nguồn lực xã hội để tăng đầu tư cho phát triển văn hóa, con người phù hợp với các định hướng chiến lược, quy hoạch phát triển của quốc gia, của vùng đồng bằng sông Hồng và của tỉnh Quảng Ninh. Kiên trì chuyền đổi phương thức phát triền từ “nâu” sang “xanh”, phát triển xanh, bên vững dựa vào ba trụ cột: thiên nhiên, con người và văn hóa, kết hợp với xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập quốc tế và cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; trên cơ sở đó lựa chọn, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa, sản phẩm văn hóa chủ lực có trọng tâm, trọng điểm mà địa phương có tiềm năng, lợi thế.
Với những định hướng đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh đang nỗ lực phấn đấu, đổi mới, sáng tạo, phát huy nội lực, phát huy những giá trị truyền thống để trở thành sức mạnh vượt trội, biến nguy cơ, thách thức thành bài học tôi rèn, trưởng thành, với nhiều hy sinh gian khổ của bao thế hệ, kể cả trong lịch sử đấu tranh cách mạng cũng như trong công cuộc dựng xây, phát triển Quảng Ninh ngày nay. Với ba trụ cột là thiên nhiên, con người, văn hóa, Quảng Ninh đang hội nhập vào dòng chảy chung của khu vực và toàn cầu, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa của nhân loại, từng bước định vị thương hiệu Quảng Ninh để từ đó lan tỏa những giá trị đặc sắc, nhân văn của vùng đất mỏ. Những quyết sách phát triển về văn hóa, truyền thống lịch sử, giá trị nhân văn,… đã và đang là nguồn lực tri thức, hành trang quý, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để hiện thực hóa khát vọng, tầm nhìn định hướng phát triển tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, năm 2045 mà Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Đó là: hiện thực hóa khát vọng phát triển tỉnh Quảng Ninh: đến năm 2030, xây dựng, phát triển Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước… Đến năm 2045, Quảng Ninh là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế; một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là du lịch, dịch vụ, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, có sức cạnh tranh cao; người dân có mức thu nhập tương đương các nước phát triển; phát triển kinh tế hài hòa giữa các khu vực đô thị và nông thôn; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh./.
Xây dựng tỉnh Quảng Ninh phát triển bền vững, định hình tương lai đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050  (19/12/2023)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên