TCCS - Trong bối cảnh phải đối diện với hàng loạt khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội đang tập trung triển khai các giải pháp tổng thể nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế… Đây là tiền đề quan trọng để nền kinh tế Thủ đô hồi phục nhanh, hướng tới tăng trưởng mạnh mẽ, như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là "sẵn sàng tái khởi động nền kinh tế với quyết tâm cao nhất, khi dịch Covid-19 lắng xuống".

Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội phát biểu tại Hội nghị lần thứ XXIII Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVI, ngày 22-4-2020_Ảnh: TTXVN

Vẫn tăng trưởng dù gặp nhiều khó khăn

Theo Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội quý 1-2020, mặc dù chịu tác động mạnh và nhanh của dịch Covid-19, Hà Nội vẫn duy trì tăng trưởng kinh tế. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 3,72% (cùng kỳ năm 2019 tăng 6,95%). Tổng mức bán ra và doanh thu dịch vụ tăng 7,4% (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,2%); tổng mức bán lẻ tăng 2,3% (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,1%). Tổng vốn đầu tư xã hội của thành phố trong quý I-2020 đạt 63,04 nghìn tỷ đồng, tăng 5,2% (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,5%). Thu ngân sách đạt 71.383 tỷ đồng, bằng 25,6% dự toán, tăng 6,7% (cùng kỳ năm 2019 tăng 30,3%)...

Đáng chú ý, 3 tháng đầu năm 2020, toàn thành phố có 6.350 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 103.000 tỷ đồng, tăng 1% về số lượng và tăng 98% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2019.

Do dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng toàn diện đến các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, trật tự, nên tác động tiêu cực đến các chỉ tiêu và cân đối lớn của thành phố. Các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế đều đạt thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, tạo áp lực lớn trong việc hoàn thành chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội cả năm. Số doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động tăng 36%. Lao động thất nghiệp đến nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng 22,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số giá có xu hướng tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2019, nhất là nhóm thực phẩm. Tiến độ thi công một số công trình còn chậm, ảnh hưởng tỷ lệ giải ngân và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.

Tuy nhiên, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân tiếp tục được cải thiện. Ngành y tế Thủ đô cũng triển khai phát triển nhiều kỹ thuật chuyên sâu trong chẩn đoán, điều trị ngang tầm các bệnh viện trung ương và khu vực. Về an sinh xã hội, trong 3 tháng đầu năm 2020, toàn thành phố đã tiếp nhận hồ sơ và giải quyết chế độ chính sách cho 5.043 người có công, giải quyết việc làm cho 33.000 lao động, đạt 21% kế hoạch của năm 2020…

Với vai trò là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, mật độ dân cư đông đúc và nhiều khách vãng lai, Hà Nội xác định là địa bàn có rủi ro cao và bị ảnh hưởng nặng nề nhất so với các địa phương trong cả nước. Tuy nhiên, càng trong khó khăn, thành phố Hà Nội càng quyết tâm sẵn sàng phục hồi nền kinh tế và tổng thể các mặt công tác. Theo đó, trong quý II-2020, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố xác định và xây dựng 3 kịch bản để phấn đấu đạt được mục tiêu cao nhất so với kế hoạch năm 2020 đã đề ra (bằng khoảng 1,3 lần cả nước) với tốc độ tăng trưởng 7,5%.

Cụ thể, kịch bản 1, đến 22-4-2020 hết thời gian thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi toàn quốc, các hoạt động của nền kinh tế được tháo gỡ từng bước và hoạt động bình thường vào đầu tháng 7-2020. Theo kịch bản này, tăng trưởng GRDP cả năm đạt 7,5%, hoàn thành kế hoạch đề ra. Kịch bản 2, dịch Covid-19 cơ bản được khống chế trong quý II-2020 nhưng vẫn có nguy cơ lây lan đến hết năm 2020 do dịch bệnh của các quốc gia trên thế giới và trong khu vực chưa được kiểm soát nên việc khôi phục kinh tế và các hoạt động xã hội chưa thể ở mức bình thường mà chỉ duy trì ở mức tối thiểu. Theo đó, dịch bệnh được kiểm soát vào quý III-2020, GRDP cả năm đạt 6,42%. Kịch bản 3, dịch Covid-19 tiếp tục lây lan với tốc độ cao trong quý II-2020 không thể kiểm soát mặc dù đã thực hiện các biện pháp cách ly xã hội nên kinh tế, xã hội và đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn, tăng trưởng GRDP năm 2020 đạt 5,34%.

Để đạt được mức tăng trưởng 7,5% cho cả năm theo kịch bản 1 thì 9 tháng cuối năm 2020, Hà Nội phải đạt tăng trưởng ở mức 8,6%, một chỉ tiêu rất cao và cần rất nhiều nỗ lực mới có thể hoàn thành.

Hà Nội nỗ lực để đạt được mục tiêu đề ra

Tại cuộc làm việc của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Vương Đình Huệ cho biết, hiện nay, Hà Nội đang cố gắng “nạp năng lượng” để duy trì tăng trưởng và sẵn sàng phục hồi mạnh sau khi dịch Covid-19 kết thúc, quyết tâm đưa kinh tế đi theo mô hình chữ V (phục hồi nhanh sau khi bị giảm sâu). Để hoàn thành tốt nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội xác định tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó hiệu quả với dịch bệnh Covid-19, trọng tâm vào 2 nhiệm vụ chính: Một là, triển khai đồng bộ, toàn diện các giải pháp, phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp với tình hình diễn biến của dịch bệnh, trong đó tập trung đầu tư, cung ứng đầy đủ vật tư, trang thiết bị y tế, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Hà là, triển khai đồng bộ các biện pháp duy trì, phục hồi phát triển kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công, nhất là đối với công trình trọng điểm, đối thoại với các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh và an sinh xã hội cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Theo đó, về triển khai đồng bộ, toàn diện các giải pháp, phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp với tình hình diễn biến của dịch bệnh, thành phố tập trung quán triệt Công văn số 79-CV/TW, ngày 30-1-2020, của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thông báo Kết luận của Bộ Chính trị, ngày 21-3-2020, về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ... để triển khai đồng bộ, toàn diện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp với tình hình diễn biến của dịch bệnh, nhằm bảo đảm tốt các điều kiện khám, chữa bệnh cả về chất lượng và quy mô, chú trọng công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu; tăng cường chủ động phòng, chống dịch bệnh, trọng tâm là dịch Covid-19; kiểm soát chặt chẽ vệ sinh an toàn thực phẩm. Tăng cường ngăn chặn, hạn chế tối đa các nguồn lây nhiễm, nhất là từ nước ngoài; phát hiện sớm các trường hợp nhiễm bệnh; điều tra dịch tễ, phân loại, sàng lọc, cách ly chặt chẽ; khoanh vùng, dập dịch; điều trị kịp thời, hiệu quả. Tập trung sản xuất các sản phẩm có cơ hội phát triển, sản phẩm phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19: thiết bị bảo vệ sức khỏe, khẩu trang; hóa chất vệ sinh, khử trùng; thiết bị y tế (máy thở, dụng cụ xét nghiệm); dược phẩm…

Về thực hiện các biện pháp duy trì, phục hồi phát triển kinh tế Thủ đô sau dịch Covid-19, thành phố tập trung quán triệt Chỉ thị số 11/CT-TTg, ngày 4-3-2020, của Thủ tướng Chính phủ, về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19; Nghị định số 41/2020/NĐ-CP, ngày 8-4-2020, của Chính phủ, về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; Chương trình hành động số 07/CTr-UBND, ngày 9-1-2020, của Ủy ban nhân dân thành phố và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, trong đó, tập trung hoàn thành 2 nhiệm vụ còn lại của quý I-2020 và 23 nhiệm vụ quý II-2020; 285 nhiệm vụ trọng tâm tại Chương trình công tác số 21/CTr-UBND, ngày 30-1-2020. Thành phố sẽ tổ chức thực hiện Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị theo nghị quyết của Quốc hội đã ban hành. Triển khai nhanh chóng, kịp thời các cơ chế, chính sách của Chính phủ hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh và an sinh xã hội cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội sẽ giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, các quận, huyện, thị xã tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trong chương trình hành động để phấn đấu đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và giai đoạn 5 năm 2016 - 2020; nhất là xây dựng các phương án thu, chi ngân sách, bảo đảm tính khả thi và đáp ứng các nhiệm vụ chi thường xuyên và chi đột xuất trong giai đoạn dịch bệnh. Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2015 - 2020 và tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, kỷ luật công vụ. Tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác phối hợp giải quyết thủ tục hành chính liên thông tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp và tổ chức.

Triển khai các giải pháp rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn thành phố. Thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi, nhất là về thuế, tín dụng, đất đai, nhân lực để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao, phát triển công nghiệp hỗ trợ, khuyến nông, sản xuất chế biến tiêu thụ nông sản. Tháo gỡ về thủ tục cho các nhà đầu tư; chú trọng các dự án lớn, sớm hoàn thiện thủ tục để đẩy nhanh tiến độ cấp phép và triển khai thực hiện dự án.

Rà soát cụ thể, chi tiết từng dự án đầu tư công, xác định khó khăn, vướng mắc để tập trung tháo gỡ, đẩy nhanh thủ tục, thi công, giải ngân, tạo vốn thực hiện kích thích phát triển kinh tế - xã hội, trong đó đặc biệt chú trọng các dự án khởi công, hoàn thành chào mừng Đại hội Đảng bộ thành phố và Đại hội XIII của Đảng. Thường xuyên theo dõi nắm chắc tiến độ, khối lượng thực hiện từng dự án, chủ động cân đối với kết quả thu ngân sách đến hết quý II-2020, trường hợp ngân sách hụt thu không thể cân đối sẽ xem xét quyết định điều chỉnh, cắt giảm. Đôn đốc quyết liệt tiến độ, tổ chức thi công 2-3 ca/ngày, nhất là các công trình trọng điểm, các công trình thiết yếu; tập trung tháo gỡ khó khăn tối đa cho các dự án ODA, dự án vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư ngoài ngân sách nhằm đẩy mạnh kích cầu đầu tư. Thực hiện cắt giảm thêm ít nhất 5% chi thường xuyên, ngoài kế hoạch tiết kiệm 10% từ đầu năm, tập trung vào những công việc chưa thực sự cần thiết, đi công tác tại nước ngoài, đi học tập, trao đổi, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, các khoản chi cho các hoạt động kỷ niệm ngày lễ, các sự kiện văn hóa xã hội, hội nghị, hội thảo, tiếp khách… Rà soát cụ thể tình hình tài chính, ngân sách để xây dựng kịch bản điều hành chi ngân sách hiệu quả, kịp thời đáp ứng yêu cầu cấp bách cũng như thường xuyên.

Nhịp sống sôi động trở lại tại Hà Nội sau ngày cách ly, ngày 23-4-2020_Ảnh: TTXVN

Thúc đẩy phát triển mạnh ngành nông nghiệp, phấn đấu giá trị gia tăng năm 2020 tăng trên 4%; bảo đảm cung cấp lương thực, thực phẩm thiết yếu, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Rà soát tình hình sử dụng đất nông nghiệp, đưa vào sản xuất diện tích đất đang để hoang hóa, đẩy mạnh nuôi trồng các cây, con ngắn ngày. Tăng cường phòng, chống bệnh dịch trên cây trồng, vật nuôi. Rà soát tình hình dịch tả lợn châu Phi; tập trung đẩy mạnh tái đàn, bảo đảm chỉ tiêu tổng đàn lợn đạt 1,6 triệu con. Chuẩn bị và triển khai tốt công tác phòng, chống thiên tai. Tăng cường bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa; tổ chức tốt các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm của thành phố và nông sản, thực phẩm của các địa phương trên địa bàn thành phố.

Tăng cường nâng cao hiệu quả và chất lượng quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng, trật tự đô thị, bảo vệ môi trường. Tập trung hoàn thành phê duyệt các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch cải tạo các khu chung cư cũ; các quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường chính và thiết kế đô thị... Rà soát, kiểm tra, xây dựng và triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các kế hoạch phòng chống thiên tai năm 2020, trong đó đặc biệt chú trọng công tác an toàn đê điều, tiêu thoát nước, phòng chống bão, lụt.... Kiểm tra, giám sát, bảo đảm trật tự xây dựng, không để phát sinh vi phạm mới về xây dựng; đồng thời giải quyết dứt điểm các vi phạm trật tự xây dựng đã phát hiện, nhất là những vi phạm lớn, dư luận xã hội quan tâm.

Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, các công trình trọng điểm, nhất là các tuyến đường sắt, đường vành đai, các công trình thủy lợi trọng yếu bảo đảm tiêu thoát nước trong mùa mưa lũ. Đẩy nhanh tiến độ các dự án cấp nước sạch trên địa bàn, bao gồm các dự án cấp nguồn và các dự án xã hội hóa cấp nước sạch khu vực nông thôn, trồng thêm cây xanh, nâng cao chất lượng công tác quản lý duy trì hệ thống chiếu sáng công cộng.

Tiếp tục hạ ngầm và quản lý tốt các hệ thống cáp điện và viễn thông, các công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị dùng chung trên địa bàn. Tổ chức thực hiện đúng tiến độ các nội dung trong Đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn đến năm 2030. Phối hợp tốt với các ban, bộ, ngành để sớm đưa vào vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Đôn đốc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn, các dự án xử lý nước thải trong cụm công nghiệp.

Triển khai thực hiện các quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn xây dựng trên địa bàn gắn với tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường, bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định. Bảo đảm công tác quản lý, kiểm tra, giám sát thực hiện công tác duy trì vệ sinh môi trường và quản lý vận hành các khu xử lý chất thải. Tiếp tục triển khai cải tạo các hồ trên địa bàn. Thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm bụi trên địa bàn. Tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận sử dụng đất cho các tổ chức. Kiểm tra các bến, bãi khai thác cát và xử lý nghiêm vi phạm. Quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ khó khăn về đất dịch vụ để hoàn thành đúng tiến độ công tác giao đất dịch vụ trên địa bàn. Thực hiện có hiệu quả và bảo đảm tiến độ kế hoạch xây dựng nông thôn mới năm 2020.

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi thực hiện “Quy tắc ứng xử của cán bộ công viên chức người lao động cơ quan Hà Nội” và “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Tiếp tục tăng cường bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, các di tích lịch sử; nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. Tổ chức tốt các hoạt động văn hóa chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước và Thủ đô và phong trào rèn luyện thân thể, nâng cao sức khỏe và thể thao quần chúng phù hợp với điều kiện dịch bệnh Covid-19. Tập trung triển khai các giải pháp phát triển hạ tầng và các dịch vụ bưu chính, viễn thông trên địa bàn. Thực hiện có hiệu quả quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Trung tâm điều hành thông minh để từng bước hình thành các điều kiện phát triển thành phố thông minh. Duy trì và mở rộng các dịch vụ thực hiện trên hệ thống “một cửa” điện tử dùng chung 3 cấp kết nối hệ thống dịch vụ công trực tuyến. Tiếp tục tăng tỷ lệ các dịch vụ công trực tuyến; đồng thời có biện pháp, chính sách khuyến khích người dân tham gia sử dụng các dịch vụ công trực tuyến đã triển khai thành công.

Tập trung hướng dẫn các cấp học triển khai chương trình giáo dục năm học 2019 - 2020 phù hợp với diễn biến dịch bệnh Covid-19 và chỉ đạo chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tiếp tục rà soát, sắp xếp hệ thống trường, lớp trên toàn thành phố; rà soát, kiểm tra, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất hệ thống trường học trên địa bàn. Thực hiện có hiệu quả kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia năm 2020, bảo đảm hoàn thành kế hoạch công nhận mới và công nhận lại trường chuẩn quốc gia. Thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ. Khuyến khích nghiên cứu, chọn lựa và nhân rộng áp dụng các kết quả nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công. Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường lao động; đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Rà soát, hỗ trợ kịp thời những trường hợp người lao động khó khăn, mất việc làm, chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (bao gồm cả người lao động tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ, cơ sở giáo dục ngoài công lập,…); hỗ trợ đặc thù (ngoài các quy định của Chính phủ) đối với các trường hợp trên, đảm bảo ổn định đời sống nhân dân, an sinh xã hội để “không ai bị bỏ lại phía sau” trong cuộc chiến chống dịch bệnh. Phấn đấu tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%. Thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo trên địa bàn và kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành trong giải quyết khiếu nại, tố cáo; phát huy vai trò của các cơ quan giám sát trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí; bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Triển khai có hiệu quả các kế hoạch cải cách hành chính năm 2020; tiếp tục rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục hành chính liên thông; tập trung cải cách thủ tục hành chính trong nội bộ các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, dịch vụ công. Sử dụng hiệu quả công cụ chỉ số cải cách hành chính trong theo dõi, đánh giá kết quả đạt được trong cải cách hành chính. Tăng cường thực hiện khảo sát, xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức trong thực hiện thủ tục hành chính. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính của đội ngũ cán bộ, công chức và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Quản lý, điều hành linh hoạt, sử dụng các hình thức họp trực tuyến, tránh tụ tập, tập trung đông người. Tạm dừng, hoãn các cuộc họp chưa cần thiết và các chuyến công tác nước ngoài trong thời gian dịch bệnh để tập trung chỉ đạo điều hành công tác phòng chống dịch bệnh, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.

Bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị, văn hóa trên địa bàn. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong việc kiểm tra, đôn đốc, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng lòng đường, hè phố. Đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, nhất là các loại tội phạm có tổ chức, ma túy, tín dụng đen, xâm hại phụ nữ, trẻ em, tội phạm môi trường... Tăng cường quản lý công cụ hỗ trợ. Chú trọng bảo đảm an ninh nông thôn, không để xảy ra điểm nóng; bảo đảm an ninh trật tự khu vực công cộng, bệnh viện, trường học... Tiếp tục bảo đảm công tác quốc phòng thường xuyên; củng cố lực lượng, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc; triển khai hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, phòng chống dịch bệnh. Thực hiện tốt chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội, đền ơn đáp nghĩa.

Ủy ban nhân dân thành phố phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các tổ chức thành viên tạo sự đồng thuận cao trong xã hội thực hiện tốt công tác dập dịch và các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội. Đẩy mạnh công tác đối ngoại nhân dân, tăng cường tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về Thủ đô. Chú trọng các hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ, xúc tiến đầu tư, thương mại. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trung ương trong những vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách đặc thù của thành phố. Thực hiện tốt các nội dung, chương trình hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Để triển khai đồng bộ các biện pháp phục hồi kinh tế, Hà Nội cũng đã kiến nghị Chính phủ xem xét tháo gỡ khó khăn trong thực hiện xây dựng kế hoạch đầu tư công; cho phép Hà Nội được áp dụng cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện tái định cư và cho phép lựa chọn một số công trình cấp bách trong bối cảnh phòng, chống Covid-19... Với việc chủ động chuẩn bị từng kịch bản cụ thể cho tăng trưởng của kinh tế - xã hội năm 2020, cùng sự hỗ trợ của Chính phủ, sự đồng thuận của nhân dân, Hà Nội nhất định sẽ vượt qua khó khăn, phục hồi thành công nền kinh tế - xã hội sau đại dịch./.