TCCS - Ngày 20-4-2020, tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm của 9 tháng cuối năm, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đặt ra yêu cầu đối với Hà Nội phải làm tốt nhất, gương mẫu nhất công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời, cố gắng hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội của năm 2020, đóng góp quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ của cả nước.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc làm việc_Ảnh: VGP

Tham dự buổi làm việc có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung..., cùng lãnh đạo một số bộ, ngành và thành phố Hà Nội. 

Chuẩn bị phương án phát triển kinh tế - xã hội cho thành phố Hà Nội sau khi dịch Covid-19 lắng xuống

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, trong quý I-2020, tăng trưởng của Hà Nội giữ được mức 3,72% nhờ duy trì tốt nhóm ngành công nghiệp - xây dựng với mức tăng 5,46% (trong đó xây dựng đạt 6,35%) và nhóm ngành dịch vụ đạt 3,20% do trong tháng 1-2020 và tháng 2-2020 chưa bị tác động mạnh bởi dịch Covid-19. Thu ngân sách chưa bị ảnh hưởng do nhiều khoản thu chuyển từ quý IV-2019 sang quý I-2020. Một số lĩnh vực ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và có cơ hội phát triển như sản phẩm công nghiệp phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh; dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin. Nhiều lĩnh vực giảm mạnh như du lịch; vận tải; xuất, nhập khẩu. Riêng sản xuất nông nghiệp giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, tuy nhiên ít bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, vẫn có cơ hội phát triển trong năm 2020.

Sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động tăng 36%, số lao động thất nghiệp đến nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng hơn 22% so với cùng kỳ. Căn cứ kịch bản tăng trưởng của cả nước, tình hình và kết quả của các ngành, lĩnh vực trong 3 tháng đầu năm 2020, thành phố Hà Nội dự báo và xây dựng ba kịch bản dựa trên ba tình huống dự báo để ban hành kế hoạch hành động, phấn đấu đạt mục tiêu cao nhất là tăng trưởng 7,5% trong năm nay. 

Báo cáo tại buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, thành phố vừa chống dịch, vừa nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để ngay sau khi hết dịch sẽ giúp kinh tế Hà Nội bật lên. Thành phố đang quyêt liệt thúc đẩy triển khai các công trình đầu tư công chào mừng đại hội đảng bộ các cấp, qua đó thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhất là đối với công trình trọng điểm. Để thúc đẩy đầu tư tư nhân, Hà Nội đã đối thoại với các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp.

Đối với những lĩnh vực có cơ hội và tiềm năng như sản xuất khẩu trang, thuốc sát trùng, hóa chất, Hà Nội sẽ tập trung phát triển. Về thương mại nội địa, trong đó có vùng nông thôn, thành phố sẽ tăng cường lĩnh vực này, học tập kinh nghiệm nhiều nước như Thái Lan dùng các xe bán tải làm thành các trạm bán hàng lưu động… Hiện nay, thành phố Hà Nội đang tập trung giải quyết nhiều vấn đề còn tồn tại, nhất là những vụ việc gây bức xúc trong dư luận. Trong quá trình đó, thành phố mong được sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ tích cực của Chính phủ và sự phối hợp hiệu quả của các bộ, ngành liên quan.       

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành đã gợi ý một số định hướng phát triển của Hà Nội trong từng lĩnh vực cụ thể và cho ý kiến vế các kiến nghị của Thành phố. Theo đó, Hà Nội cần tiếp tục coi nông nghiệp là bệ đỡ quan trọng, thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ cao, thương mại điện tử, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, phát triển các dự án nhà ở xã hội đang có nhu cầu lớn; phát triển hệ thống giao thông kết nối đồng bộ hơn. Hà Nội cần chuẩn bị điều kiện tốt đế đón các dòng đầu tư mới được dự báo sẽ vào Việt Nam thời gian tới. 

Thành phố Hà Nội cần gương mẫu trong công tác phòng, chống dịch Covid-19

Phát biểu tại buổi làm việc trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động mạnh đến thế giới, cả nước và Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu một số yêu cầu đối với Hà Nội từ nay đến cuối năm. 

Toàn cảnh buổi làm việc của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội _ Ảnh: VGP

Trước hết, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thành phố cần thực hiện công tác phòng, chống dịch gương mẫu nhất, đạt kết quả tốt nhất. Thủ tướng Chính phủ biểu dương lãnh đạo thành phố Hà Nội và chính quyền các cấp đã hết sức nỗ lực, cương quyết trong công tác này, đồng thời yêu cầu tiếp tục làm tốt hơn nữa trong thời gian tới. Song song với nhiệm vụ chống dịch, năm nay, thành phố Hà Nội cần cố gắng hoàn thành các mục tiêu cơ bản theo kế hoạch đã đề ra từ đầu năm. Theo đó, Hà Nội cần cố gắng hoàn thành các mục tiêu như tăng trưởng, giải quyết việc làm, thu ngân sách, đóng góp quan trọng đối với cả nước, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ năm 2020 trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, mức tăng trưởng GDP quý 1-2020 của Hà Nội gần 4% là một cố gắng, nhưng là mức quá thấp so với cùng kỳ, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Do đó, thành phố cần quyết liệt, đồng bộ hơn nữa, tháo gỡ ách tắc để phát triển. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thành phố Hà Nội thực hiện tốt nhiệm vụ tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tạo dấu ấn mạnh mẽ đối với cả nước trong quá trình tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Nhận xét về kết quả phát triển của thành phố, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, Hà Nội đã triển khai tốt ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là qua việc dạy và học trên truyền hình, họp trực tuyến; xây dựng thành phố thông minh. Công tác cải cách hành chính có những chuyển biến tích cực, các chỉ số liên quan đến cải cách hành chính ở mức cao; có nhiều sáng kiến một cửa, một cửa liên thông. Phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, xây dựng nông thôn mới, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp phát triển.

Đề cập đến những tồn tại cần sớm xử lý, khắc phục trong tiến trình phát triển của thành phố, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ, hạ tầng giao thông của thành phố còn hạn chế, ảnh hưởng tốc độ phát triển chung. Tiến độ thi công một số công trình lớn còn chậm, ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công. Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, lấn chiếm đất công, khai thác cát, sử dụng bến bãi trái phép vẫn còn xảy ra. Tình hình tội phạm cơ bản chuyển biến tích cực nhưng nguy cơ vẫn còn phức tạp, nhất là tình trạng đua xe.

Từ nhận định đó, trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc định hướng, Hà Nội cần tìm nguồn lực xã hội phục vụ phát triển kết cấu hạ tầng, giải ngân vốn đầu tư công và đẩy mạnh tiêu dùng. Thành phố cần khẩn trương xây dựng các kịch bản phát triển với những điều kiện khác nhau trong một nền kinh tế đang có nhiều thay đổi để không rơi vào tình thế bị động. Từ đó, đóng góp quan trọng với kinh tế đất nước trong năm 2020 đầy khó khăn, thách thức. Thủ tướng đề nghị Hà Nội giải quyết 10 tồn tại mà lãnh đạo thành phố đã nêu, trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh vào 4 tồn tại: Một là, củng cố hệ thống chính trị ở Đồng Tâm; Hai là, xử lý dứt điểm vụ 8B Lê Trực bảo đảm quy hoạch chi tiết cho khu vực này, bảo đảm an toàn, và bảo đảm quyền lợi đúng mức, đúng đắn cho nhà đầu tư; cần làm ngay phương án cụ thể, không để công trình này kéo dài gần 10 năm mà chưa xử lý xong. Ba là, giải quyết dứt điểm Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông; có cơ chế tạm ứng, thanh toán và hoàn thiện dự án, sau đó khấu trừ. Bộ Giao thông Vận tải và đối tác bàn phương án xử lý dứt điểm trước tháng 6-2020. Bốn là, giải quyết những tồn tại và đồng thời tập trung vào phương hướng, nhiệm vụ 9 tháng cuối năm 2020 của thành phố.

Đặt vấn đề Hà Nội cần phấn đấu để trở thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần, Thủ tướng Chính phủ nêu định hướng phát triển Hà Nội trong thời gian tới phấn đấu trở thành một thành phố giàu đẹp, văn minh, thanh lịch, thông minh và hội nhập. Hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại; trung tâm hàng đầu về kinh tế, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học - công nghệ, văn hoá, giáo dục, y tế, thể dục - thể thao; môi trường sống thân thiện, bền vững, an ninh, an toàn. Hà Nội còn phải là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa Việt Nam hài hòa với những giá trị văn hóa nhân loại, tiến bộ. Người Thủ đô văn minh, thanh lịch, năng động, trí tuệ và lưu giữ truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Hà Nội tiếp tục tập trung phòng, chống dịch Covid-19, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, tính mạng, cuộc sống của người dân. Thành phố quyết liệt, chủ động, sáng tạo việc triển khai đồng bộ các biện pháp phục hồi, phát triển kinh tế, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra. Do đó, thành phố cần đẩy mạnh sáng tạo trong huy động nguồn lực phù hợp với việc đón bắt thời cơ, phương châm hành động nhanh, chính xác và kịp thời. Hà Nội cần giải quyết tốt vấn đề nguồn cung ứng lương thực, thực phẩm, tránh bị động; làm tốt công tác quản lý đô thị. 

Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý Hà Nội cần bảo đảm nước sạch cho người dân và giảm giá nước phù hợp để hỗ trợ cho người dân; chú trọng bảo vệ môi trường đô thị, chất lượng cuộc sống người dân; cần có tiến bộ hơn nữa trong cải thiện môi trường kinh doanh, nhất là tập trung vào xây dựng chính phủ điện tử, xây dựng nền hành chính phục vụ; đẩy mạnh thương mại điện tử, nông nghiệp số, kinh tế - xã hội Hà Nội công khai, minh bạch. Thành phố phải giải quyết tốt để không còn khiếu kiện đông người, tiềm ẩn mất an ninh, trật tự trên địa bàn Thủ đô; lành mạnh hóa môi trường văn hóa - xã hội; bảo đảm vững chắc an ninh chính trị, quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội cho nhân dân và các cơ quan của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan đại diện ngoại giao quốc tế; tuyệt đối không để các đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh gây mất an ninh, trật tự./.

Vũ Linh (tổng hợp)