Bước chuyển mạnh trong nỗ lực giảm nghèo
TCCS - Hơn 10 năm sau khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, tỷ lệ hộ nghèo của Hà Nội đã giảm hơn 6,2 lần, từ 11,25% (năm 2010) xuống còn 1,81% (đầu năm 2019). Thành quả trên có được bên cạnh nỗ lực tự thân của người dân khu vực nông thôn, còn phải nhắc tới việc triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn và giảm nghèo của Hà Nội.
Thu nhập người nông dân tăng 3,6 lần.
Ngay từ khi triển khai các Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, Hà Nội đã xác định và mạnh dạn lựa chọn dồn điền đổi thửa là khâu đột phá để phát triển nông nghiệp, hướng tới nâng cao thu nhập cho người nông dân. Đến nay, toàn thành phố đã thực hiện dồn điền đổi thửa được 79.454,3 ha. Các huyện, thị xã cũng cơ bản cấp xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân sau dồn điền đổi thửa.
Từ thành công lớn của công tác dồn điền đổi thửa, thành phố tập trung chỉ đạo chuyển đổi những diện tích đất sau dồn điền đổi thửa sang các mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao. Qua đó, đã hình thành nhiều vùng sản xuất lúa chất lượng cao cho giá trị tăng từ 25% - 30% so với canh tác truyền thống. Vùng sản xuất rau an toàn ở một số huyện: Đông Anh, Phúc Thọ, Gia Lâm… cho giá trị từ 400 - 500 triệu đồng/ha/năm. Vùng trồng cây ăn quả ở Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai… với giá trị từ 0,5 - 1 tỷ/ha/năm. Vùng trồng hoa, cây cảnh ở các huyện: Mê Linh, Đan Phượng, Thường Tín, Đông Anh… với giá trị từ 0,5 - 1,5 tỷ/ha/năm…
Cùng với trồng trọt, chăn nuôi tập trung xa khu dân cư cũng được chú trọng. Tại Sơn Tây, Ba Vì, Gia Lâm, Quốc Oai... đã hình thành nhiều khu chăn nuôi với giá trị từ 1 - 2 tỷ/ha/năm. Vùng nuôi trồng thủy sản tại một số huyện, như Thanh Trì, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức cho giá trị từ 200 - 300 triệu đồng/ha/năm. Đáng chú ý, đến nay, toàn thành phố đã xây dựng được 133 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Các mô hình hiện nay tuy quy mô còn nhỏ, nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế của Hà Nội. Bên cạnh đó, thành phố cũng đã hình thành và duy trì 135 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Đã xây dựng được trên 40 nhãn hiệu được bảo hộ, như gà đồi Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây, vịt Vân Đình, nhãn Đại Thành, gạo thơm Bối Khê...
Các mô hình đã tạo chuyển biến tích cực, giúp người nông dân phát triển sản xuất bền vững và tạo ra sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu, tạo nền tảng liên kết giữa doanh nghiệp, bảo đảm đầu ra cho nông sản. Nhờ đó, góp phần cải thiện đáng kể thu nhập cho người nông dân. Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn hiện đã đạt trên 47 triệu đồng/năm (gấp 3,6 lần so với năm 2010 là 13 triệu đồng/người/năm). Toàn thành phố chỉ còn 23/386 xã chưa đạt tiêu chí thu nhập.
Đẩy mạnh an sinh xã hội, giải quyết việc làm
Cùng với thúc đẩy phát triển nông nghiệp, cải thiện trực tiếp thu nhập cho người nông dân, thành phố Hà Nội còn quan tâm, tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ dành cho các hộ nghèo.
Theo đó, từ năm 2010 - 2015, đã có 620.786 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn phát triển kinh tế, với tổng số trên 7.800 tỷ đồng. 58.927 lượt học sinh, sinh viên được vay vốn đến trường với số tiền gần 670 tỷ đồng. 42.172 lượt học sinh được miễn, giảm học phí, với tổng kinh phí miễn giảm 21,5 tỷ đồng. 208.590 học sinh, sinh viên được hỗ trợ chi phí học tập, với số tiền gần 190 tỷ đồng. 336.508 lượt hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện với số tiền trên 125 tỷ đồng...
Giai đoạn 2016 đến nay, thành phố tập trung cho công tác hỗ trợ xây, sửa nhà ở cho trên 8.000 người có công với cách mạng và 4.166 hộ nghèo khu vực nông thôn. Kết quả đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn Hà Nội đã giảm từ 3,64% (đầu năm 2016) xuống còn 1,16% (đầu năm 2019). Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 5,43% (đầu năm 2016) xuống còn 1,81% (đầu năm 2019). Đến nay, toàn thành phố có 376/386 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí hộ nghèo, chỉ còn 10 xã chưa đạt.
Bên cạnh những trợ lực cụ thể và thiết thực trên, thành phố cũng đặc biệt quan tâm đến công tác dạy nghề cho các hộ nghèo và lao động nông thôn. Theo đó, giai đoạn 2010 - 2015, thành phố đã tổ chức 3.675 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn với 127.763 lượt người tham gia; Tỷ lệ lao động có việc làm sau khi học nghề đạt 82,56%.
Từ năm 2016 đến nay, Hà Nội tiếp tục giải quyết việc làm cho trên 492.000 lượt lao động nông thôn. Xét duyệt cho vay vốn từ nguồn ngân sách thành phố ủy thác với số tiền trên 2.442 tỷ đồng để giải quyết việc làm cho 103.866 lao động. Quyết định trợ cấp thất nghiệp cho 142.107 người với số tiền 2.314 tỷ đồng cũng được ban hành. Nhờ đó, tỷ lệ thất nghiệp chung của Hà Nội đầu năm 2019 chỉ còn 1,91%. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 98,6%. Đến nay, có 385 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí Lao động có việc làm, còn 1 xã Ba Vì của huyện Ba Vì chưa đạt.
Thúc đẩy chuyển dịch kinh tế nông thôn
Hơn 10 năm qua, Hà Nôi luôn xác định nâng cao đời sống cho người nông dân là mục tiêu xuyên suốt trong triển khai các chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Mục tiêu này tiếp tục được nhấn mạnh trong định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn trong năm 2020.
Theo đó, để tiếp tục cải thiện thu nhập, thúc đẩy giảm nghèo khu vực nông thôn, Hà Nội đã đề ra nhiệm vụ đột phá từ nay đến 2020 là đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn thực phẩm. Tăng cường công tác đào tạo nghề; chuyển đổi lao động nông nghiệp sang các ngành nghề khác; thay đổi phương thức canh tác truyền thống sang sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến công, đào tạo nghề theo Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với nhiệm vụ cải thiện đời sống cho người nông dân, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng nhiều lần đề nghị, các sở, ngành, địa phương cần nêu cao tinh thần trách nhiệm. Tăng cường công tác chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình của thành phố về giảm nghèo, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; về chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, hoàn thành xây dựng nhà ở cho hộ nghèo. Đặc biệt là hỗ trợ, hướng dẫn nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, liên kết đầu tư, mở rộng sản xuất để nâng cao thu nhập.
Bên cạnh đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cũng nhấn mạnh một số giải pháp thúc đẩy chuyển dịch kinh tế nông thôn. Trong đó, tập trung mở rộng sản xuất tại các cụm, điểm công nghiệp, làng nghề. Hỗ trợ phát triển hệ thống dịch vụ nông thôn, đặc biệt là hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Đồng thời, thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hệ thống dịch vụ nông thôn, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp./.
Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, thu nhập bình quân của người nông dân đạt từ 50 triệu đồng/năm trở lên; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 95%; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn dưới 1,5% (theo tiêu chí mới); tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước nước sạch theo tiêu chuẩn đô thị đạt từ 95% - 100%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt từ 85% trở lên./.
Hoàn thành các nhiệm vụ chính trị quan trọng trong năm 2020  (31/12/2019)
Thêm “cánh tay nối dài” tăng cường hiệu quả quản lý trật tự xây dựng và quản lý đô thị  (30/12/2019)
Tăng thu nhân sách hiệu quả nhờ cải cách thủ tục hành chính thuế  (29/12/2019)
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch 2019  (29/12/2019)
Thành phố Hà Nội mạnh tay thu hồi nợ thuế  (28/12/2019)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên