Hà Nội phát triển toàn diện y tế cơ sở, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân
TCCS - Thành phố Hà Nội xác định, xây dựng hệ thống y tế đồng bộ và hiện đại nhằm hướng tới mục tiêu chăm sóc toàn diện, nâng cao sức khỏe nhân dân, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và phát triển bền vững. Vì vậy, phát triển đồng bộ hệ thống y tế vừa phổ cập, vừa chuyên sâu nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, trong đó nâng cao năng lực y tế cơ sở luôn được thành phố Hà Nội chú trọng, quan tâm và đầu tư.
Đầu tư cho chăm sóc sức khỏe ban đầu
Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân và của cả xã hội. Xây dựng một hệ thống y tế vững mạnh, hiện đại với đội ngũ thầy thuốc có chuyên môn và y đức luôn là mục tiêu lớn lao của Đảng, Nhà nước ta. Nền y tế ấy sẽ đáp ứng mọi nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân, ai cũng được tiếp cận, bảo đảm sự công bằng, bình đẳng và mở rộng.
Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25-10-2017, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới” xác định y tế cơ sở là nền tảng và định hướng xây dựng hệ thống y tế công bằng, hiệu quả và phát triển. Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đề cao đổi mới chăm sóc sức khỏe ban đầu. Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở. Cụ thể hóa nghị quyết, chiến lược, đề án,… thành phố Hà Nội triển khai nhiều hoạt động đầu tư phát triển y tế cơ sở. Theo đó, các bệnh viện, cơ sở y tế của thành phố, cấp huyện và cấp xã được đầu tư nâng cấp. Hiện, thành phố Hà Nội đang trực tiếp quản lý 41 bệnh viện trực thuộc; có 1 Trung tâm Kỹ thuật cao và tiêu hóa Hà Nội thuộc Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn. Mạng lưới y tế công cộng, dự phòng, phục vụ công tác dịch tễ, chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh được hình thành gồm: 1 trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC) và 579 trạm y tế xã, phường thuộc 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã (trong đó, đã có 82,73% trạm y tế thực hiện theo nguyên lý y học gia đình).
Thành phố Hà Nội luôn xác định y tế cơ sở có vai trò rất quan trọng, được coi là nền tảng, xương sống của hệ thống y tế; đồng thời là tuyến đầu, “người gác cổng” của hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Mặt khác, y tế cơ sở là nơi người dân được tiếp cận với chi phí thấp, từ đó thu hút bệnh nhân đến khám, chữa bệnh, góp phần giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên. Các trạm y tế xã, phường hoạt động theo nguyên lý y học gia đình với 6 nguyên tắc: Liên tục - toàn diện - lồng ghép - phối hợp - dự phòng - gia đình - cộng đồng. Các trạm y tế điểm được nâng cấp về cơ sở vật chất, trang thiết bị, tăng cường nhân lực, được phê duyệt danh mục kỹ thuật theo gói dịch vụ y tế cơ bản theo quy định. Với sự hỗ trợ chuyên môn từ các bệnh viện tuyến trên, các trạm y tế điểm đã tích cực nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh theo nguyên lý y học gia đình, phòng, chống dịch bệnh và thực hiện tốt các chương trình y tế, thu hút người dân đến khám, chữa bệnh… Điển hình như xã Minh Châu (huyện Ba Vì), mặc dù ở xa trung tâm Thủ đô, nhưng sau khi được đầu tư trang thiết bị và được các bác sĩ Bệnh viện Tim Hà Nội tập huấn khám sàng lọc tăng huyết áp và Bệnh viện Châm cứu Trung ương cử bác sĩ đến khám, chữa bệnh tại trạm mỗi tuần/lần, công tác khám, chữa bệnh tại trạm đã phát huy hiệu quả. Việc cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các trạm y tế xã, phường nhằm nâng cao chất lượng công tác dự phòng, khám, chữa bệnh có ý nghĩa quan trọng trong công tác bảo vệ chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân tại cộng đồng, đồng thời có tác dụng đào tạo nguồn cán bộ tại chỗ có trình độ chuyên môn, từng bước đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân tại địa phương, giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên. Với sự đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như hỗ trợ chuyên môn từ các bệnh viện tuyến trên, các trạm y tế điểm ở Hà Nội bước đầu đã tạo được lòng tin, thu hút người dân địa phương đến khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hệ thống y tế nói chung, y tế cơ sở nói riêng của thành phố Hà Nội trong những năm qua, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19, bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Chất lượng khám, chữa bệnh chưa đồng đều ở các tuyến. Công tác y tế dự phòng ở cơ sở còn yếu và chưa thực sự bền vững. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của tuyến y tế cơ sở còn thiếu thốn, nhiều nơi đã xuống cấp. Nhân lực y tế còn thiếu và yếu, tỷ lệ y, bác sỹ của thành phố trên số dân còn thấp, đặc biệt đối với các trạm y tế cấp xã, có nơi trên 60.000 dân cũng chỉ có tối đa 10 cán bộ y tế (trong khi với 10 cán bộ y tế chỉ phụ trách hiệu quả khoảng 13.000 - 15.000 dân). Chế độ đãi ngộ, thu nhập của lực lượng y tế nói chung, đặc biệt là y tế dự phòng, y tế cơ sở còn thấp, dẫn đến việc khó tuyển dụng, thu hút nhân lực vào làm việc. Các quy định về bảo hiểm y tế, chế độ chi trả khám, chữa bệnh, định mức kinh phí còn bất cập, không phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay…
Những giải pháp căn cơ, cụ thể
Ngày 8-4-2022, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Nghị quyết số 02/NQ-HĐND về “Bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025, phân bổ kế hoạch vốn năm 2022 thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022 - 2025 và các năm tiếp theo và một số dự án xây dựng cơ bản nhiệm vụ chi cấp thành phố”. Nghị quyết số 02/NQ-HĐND đưa ra kế hoạch dự kiến của thành phố Hà Nội hỗ trợ cho các huyện, thị xã đầu tư nâng cấp y tế cơ sở giai đoạn 2021 - 2025, góp phần xây dựng hệ thống y tế phát triển toàn diện, đồng bộ và hiện đại, hướng tới mục tiêu chăm sóc toàn diện, nâng cao sức khỏe nhân dân. Để thực hiện nghị quyết trên, trong thời gian tới, cần triển khai thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, xây dựng hệ thống chính sách về y tế một cách đồng bộ, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng ở tất cả các tuyến, đặc biệt là nâng cao năng lực của hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở; xây dựng môi trường làm việc công khai, minh bạch, công bằng với các nhân viên y tế.
Hai là, bảo đảm 100% trạm y tế cơ sở có bác sĩ hoặc cử nhân y tế công cộng; mỗi thôn có 1 - 2 nhân viên y tế; thực hiện mô hình điều dưỡng - hộ sinh chăm sóc tại cộng đồng và tại nhà; mở rộng mô hình bác sĩ gia đình; tăng số lượng lên 5.144 bác sĩ, 1.374 dược sĩ đại học và 16.614 điều dưỡng.
Ba là, có chính sách tuyển dụng, thu hút, hỗ trợ cán bộ y tế làm việc tại tuyến y tế cơ sở, như hỗ trợ kinh phí một lần khi đăng ký về làm việc tại trạm y tế, hỗ trợ tăng thu nhập cho cán bộ y tế cơ sở.
Bốn là, đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động y tế; hình thành hệ thống khám, chữa bệnh theo mô hình liên kết giữa các bệnh viện, trung tâm chuyên khoa thành phố với các trung tâm y tế quận, huyện, y tế tư nhân. Nâng cao khả năng dự báo, giám sát, phát hiện, năng lực ứng phó, khống chế dịch bệnh.
Năm là, Thủ đô Hà Nội cần được quy định các chính sách đặc thù để phát triển hệ thống y tế cơ sở và dịch vụ khám, chữa bệnh tư nhân thực hành theo nguyên lý y học gia đình.
Trong định hướng quy hoạch phát triển hệ thống y tế, thành phố Hà Nội hướng tới mục tiêu xây dựng và phát triển hệ thống các bệnh viện công lập hoàn chỉnh và đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở đủ sức đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân Thủ đô. Hệ thống bệnh viện công lập đủ khả năng hỗ trợ những tỉnh lân cận và cả nước trong việc phát triển và ứng dụng kỹ thuật cao trong y tế, trở thành trung tâm y tế có uy tín trong khu vực Đông Nam Á. Thành phố Hà Nội tập trung quy hoạch mạng lưới y tế dự phòng hướng tới phát triển phủ kín mạng lưới y tế dự phòng trên toàn địa bàn Thủ đô; giảm các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng; phát hiện sớm, khống chế kịp thời dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra; giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh, tật,… góp phần nâng cao thể chất, tinh thần, tuổi thọ, nâng cao chất lượng cuộc sống và cải thiện chất lượng giống nòi./.
Thành phố Hà Nội tập trung khắc phục khó khăn bất cập, nâng cao hiệu quả quản lý trật tự xây dựng  (10/09/2022)
Hà Nội hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố thông minh  (10/09/2022)
Hà Nội: Tạo chuyển biến tích cực trong công tác cải cách hành chính  (08/09/2022)
- Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và những yêu cầu lịch sử
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Tổng Bí thư Tô Lâm trao Quyết định về chức năng, nhiệm vụ của 13 cơ quan ban Đảng, đơn vị ở Trung ương
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm