Bồi mồm

Từ Thanh
16:27, ngày 27-11-2013

TCCSĐT - Gặp lại Ất sau gần 10 năm xa cách, tôi và bạn hàn huyên với nhau rất thân tình, sôi nổi. Tâm đầu ý hợp lại cậy có men bia hơi Hà Nội nên cả hai rất phấn chấn. Chúng tôi trao đổi với nhau tất tần tật những gì ẩn chứa trong lòng từ lâu nay và cả những điều chợt lóe lên khi “bia nồng”, nào là chuyện sức khỏe, chuyện văn chương, chuyện thời sự chính trị trong nước và nước ngoài…, nói tóm lại, không ngớt người nói, kẻ nghe và bia chảy.

Rồi cuộc nói chuyện đã chuyển sang chủ đề khác khá ấn tượng từ lúc nào không biết. Và cũng không ngờ chuyện này lại gây ấn tượng mạnh cho cả tôi và bạn Ất. Bất chợt từ câu hỏi của tôi:

- À, gần đây ông có gặp cậu Tú không? Tú bạn học cùng bọn mình thời đại học đấy!

Lẫn trong men bia, Ất sôi nổi:

- Ôi nhắc đến cậu ấy làm gì. Tú đã thay đổi, thay đổi nhiều quá, không nhận ra. Đành rằng con người cần thay đổi, nhưng có những cái cần phải giữ gìn. Như ông với tôi chẳng hạn, tình cảm trong sáng có được từ thời quân ngũ, học đại học cho đến bây giờ vẫn không thể đổi thay. Và cuộc sống chúng mình dù có khó khăn nhưng không thể làm những điều mang hại cho người khác để hưởng lợi về mình. Nhưng Tú thì khác, nó đã thay đổi cả những điều không nên thay đổi hay phải gìn giữ và trân trọng. Thay đổi nhất và cũng là tệ hại nhất là cách nói năng, làm sao hợp ý lãnh đạo, hợp ý người nghe và cái chính là làm lợi hay đem lại lợi ích cho mình, bất chấp đúng, sai. Đã có nhiều người gọi cậu ấy là “bồi mồm”. Ông biết đấy, “bồi bút” là chỉ người viết lách uốn cong ngòi bút để kiếm tiền hoặc mua danh, còn “bồi mồm” thì dùng lời nói hay uốn lưỡi theo thời cuộc để kiếm lời. Nói chung, cả hai loại “bồi” này đều rất tai hại. Tuy nhiên, “bồi bút” còn có lúc “bút sa gà chết”, đã viết ra là để lại chứng cứ không cãi được. Còn “bồi mồm” nguy hại hơn, vì “lời nói thoảng gió bay”, nhiều khi không để lại chứng cứ. Tú bây giờ hay nói, nói nhiều, nhất là những cuộc nói chuyện trước đông người và luôn luôn lựa lời để làm đẹp lòng sếp, mặc dù chưa chắc anh chàng này yêu quý, kính trọng sếp. Thực chất, chỉ vì lợi ích của anh ta. Bằng chứng là khi gặp sếp “này”, Tú chê bai sếp “nọ”, nhưng khi gặp sếp “nọ”, lại chê bai, nói xấu sếp “này”, và để ca tụng sếp “này”, thường là anh ta “hạ bệ” sếp “nọ”, hoặc ngược lại. Đáng ngại hơn là gặp ai, Tú cũng tự hào về tài “xuất bản mồm” của mình, thậm chí còn cho là mình khôn ngoan hơn mấy ông viết lách. Hay nói cụ thể hơn, “bồi mồm” chê “bồi bút” rằng, “bồi bút” đi đâu cũng để lộ dấu vết, còn “bồi mồm” không để lại dấu tích gì… Lúc đầu người nghe còn ngạc nhiên về cách nói của cậu ấy, sau đó nhiều người chán nản, thậm chí coi thường ra mặt. Cách nói chỉ mong có lợi cho mình dẫn đến trình bày sự việc một cách phiến diện. Ở đời, dường như cái gì cũng có hai mặt, mặt tốt và mặt xấu, mặt tích cực và tiêu cực, nhưng vì lợi ích, anh ta chỉ chọn một trong hai mặt đó rồi thổi phồng nó lên. Cách nói về sự thật mà chỉ đưa ra một nửa sự thật thì thật nguy hại, vì “một nửa bánh mì vẫn là bánh mì, còn một nửa sự thật thì không còn là sự thật nữa”. Đáng trách hơn, “bồi mồm” cũng giống “bồi bút” là ở chỗ, chỉ vì lợi ích cá nhân, phe cánh mà xuyên tạc, bóp méo sự thật, hay hướng sự thật vào những ý nghĩa thực dụng bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, như đánh tráo khái niệm, làm lẫn lộn giữa hình thức và nội dung, hiện tượng và bản chất,… Nói tóm lại, Tú đã đạt đến nghệ thuật kha khá của “bồi mồm”. Nhiều người còn đùa rằng, để trở thành “bồi mồm”, anh ta đã đi phẫu thuật loại bỏ dây thần kinh “xấu hổ”. Thật lạ là, có bao nhiêu cách kiếm ăn, làm giàu mà sao cậu ấy lại chọn cái “nghề” ấy nhỉ? 

Ông biết không, bọn mình còn có lúc khó khăn, chứ Tú thì không. Cậu ấy có nhà lầu, xe hơi hẳn hoi chứ có phải nghèo túng gì đâu. Thật không ngờ cậu ấy lại “bán linh hồn cho quỷ dữ” như thế…

Hậu quả của quá trình “phấn đấu, trưởng thành” của “bồi mồm” ở cậu ấy là, bạn bè xa lánh, một vài người coi thường, và điều tai hại là thằng cháu nội cậu ấy cũng bị nhiễm “vi rút” “bồi mồm” của người ông, theo “nguyên lý” “võ đánh trả thầy”. Chắc dần dần cậu ấy sẽ “sáng mắt” thôi, vì làm gì cũng có cái giá phải trả của nó. Đặc biệt, một lần, có người đã ngấm ngầm ghi âm lời nói của cậu ấy. Và thật không may, lúc đó Tú bốc đồng, nói năng thoải mái, nên khi băng ghi âm này đến tay lãnh đạo, Tú đã bị lãnh đạo cảnh cáo nghiêm khắc. Không biết cậu ấy có còn hứng thú với căn bệnh “bồi mồm” đó không?./.