TCCSĐT - Năm 2012, từ một thị trấn huyện lỵ, Yên Hưng được nâng cấp và đổi thành thị xã Quảng Yên. Thị xã Quảng Yên đang khởi sắc do có tầm nhìn quy hoạch và lộ trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ổn định theo hướng bền vững về sinh thái - nhân văn. 


Với truyền thống của vùng đất có gần một nghìn năm lịch sử, kinh tế Quảng Yên đang phát triển mạnh và bền vững trong tất cả các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và nguồn nhân lực xét từ góc nhìn sinh thái - nhân văn. Trên cơ sở phân tích các lợi thế và tiềm năng về tài nguyên kinh tế, sinh thái và nhân văn của địa phương để lựa chọn hướng ưu tiên đột phá tới 2020, ngày 10-02-2006 Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định số 509/QĐ-UBND phê duyệt “Đề án hiệu chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Yên Hưng (nay là thị xã Quảng Yên) đến năm 2010, định hướng 2020”. Do có những căn cứ khoa học về đánh giá tài nguyên và bước đi phù hợp nên sau hơn 5 năm, Quảng Yên đã khẳng định được tính bền vững và toàn diện trong phát triển. 

Về công nghiệp. 

Quảng Yên có hơn 30 km đường bờ biển, nơi có đặc điểm địa mạo tích tụ sông - biển, nhiều cửa sông, đáy biển kiểu delta nông, nhiều bồi tích bở rời, độ nghiêng nhỏ, xen kẽ một số lạch sâu là các lòng sông cũ. Vịnh ở đây tương đối kín do được che chắn bởi một số đảo nhỏ nên có nhiều thuận lợi cho tàu thuyền qua lại và trú đậu. Đặc biệt, khu vực cửa Nam Triệu, bao gồm cả khu Lạch Huyện nằm ngoài cửa sông Bạch Đằng có diện tích hàng nghìn ha, mặt bằng không gian rộng rãi, thuận tiện cho việc xây dựng cảng, bến bãi, kho hàng và các khu công nghiệp, dịch vụ, độ mở ra vịnh lớn và thông thoáng; luồng lạch sâu, ít bị bồi tích, mực nước sâu trung bình khoảng 6 mét, chỗ sâu nhất tới 10 mét; sóng nhỏ dưới 1 mét, luồng lạch rộng đáp ứng yêu cầu vào - ra của các tàu có trọng tải trên 30.000 DWT. Đây là tiềm năng, lợi thế rất lớn của Quảng Yên để xây dựng cảng nước sâu kết hợp với phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất và hình thành khu kinh tế tổng hợp của thị xã cũng như của tỉnh. Theo Quyết định 509, cơ cấu công nghiệp của Quảng Yên bao gồm 7 ngành, trong đó ngành công nghiệp cơ khí (đóng và sửa chữa tàu biển, cơ khí chế tạo, sản xuất que hàn, thép tấm và ngành công nghiệp phụ trợ) được ưu tiên hàng đầu(1). Hiện, trên địa bàn thị xã đã và đang xây dựng 6 khu và cụm công nghiệp, gồm: Khu Đông Mai, Khu đầm nhà Mạc, Hà An, Cụm thị trấn Quảng Yên, Cụm Đồng Bái, Cụm Lạch Huyện. Đây là một hướng đi đúng, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương. Trong thời gian tới, tỉnh dự kiến kết hợp với thành phố Hải Phòng để hình thành ở khu vực này một trung tâm đóng tàu lớn và hiện đại. Để làm được điều này, một mặt cần khai thác, phát triển vốn tri thức dân gian truyền thống của cư dân bản địa về đóng và sửa chữa tàu thuyền, mặt khác cần đẩy mạnh đầu tư khoa học - kỹ thuật hiện đại, công nghệ đóng tàu tiên tiến trên thế giới. Về khai thác vốn tri thức dân gian, cần đầu tư, tạo điều kiện về vốn và kỹ thuật để một số làng nghề đóng tàu gỗ truyền thống phát triển thành các xưởng, xí nghiệp đóng tàu hiện đại, trọng tải lớn, cung cấp cho hoạt động đánh bắt xa bờ của ngư dân; đồng thời tạo điều kiện cho lớp trẻ ở làng nghề vừa được truyền nghề, vừa được đào tạo tiếp thu tri thức khoa học, trở thành công nhân, cán bộ kỹ thuật trong các nhà máy đóng tàu hiện đại. 

Ngành công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống, chế biến thủy sản được đặt ở vị trí ưu tiên thứ hai. Cụm công nghiệp chế biến ở gần trung tâm thị xã Quảng Yên, nơi hiện có các nhà máy chế biến thuỷ sản, thực phẩm và có kế hoạch phát triển thêm các nhà máy ở phía Bắc thị xã, ven đường sông Khoai - Uông Bí. Ngành công nghiệp chế biến lương thực - thực phẩm (đặc biệt là chế biến thủy hải sản) rất có tiềm năng và đang cần sự quan tâm đúng mức cho phát triển phù hợp với khả năng và đòi hỏi thực tế. Quảng Yên có diện tích tự nhiên 31.191,34 ha, trong đó có gần 13.528 ha đất đồng bằng (44,%). Ngoài 2 vụ lúa, người dân địa phương còn có kinh nghiệm trồng các loại rau màu cho năng suất và chất lượng cao. Để các hàng hóa nông sản mở rộng, xây dựng được thương hiệu giúp người nông dân tăng cao thu nhập, rất cần sự hỗ trợ của công nghiệp chế biến thực phẩm. 

Về nông nghiệp

Đất đồng bằng và đất bãi biển, đầm phá, cơ sở quan trọng nhất cho nông nghiệp Quảng Yên phát triển chiếm tới 81,1% tổng diện tích đất tự nhiên. Chủ yếu lại là đất phù sa cổ nằm phía trong đê biển, phân bố tương đối đều ở các xã trong huyện nhưng tập trung ở khu vực Hà Nam. Ngoài một số điểm đồng trũng thường bị ngập nước trong mùa mưa, còn lại hầu hết diện tích đất có thể canh tác thuần 2 vụ lúa và một vụ màu. Từ khi còn là đơn vị hành chính cấp huyện, Ủy ban nhân dân huyện Yên Hưng (nay là thị xã Quảng Yên) đã chỉ đạo xây dựng và ban hành Đề án phát triển nông nghiệp; Đề án phát triển thủy sản giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020; ban hành cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất. Do đó, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp liên tục được giữ vững. Tổng diện tích gieo trồng toàn thị xã đạt 14.259,6 ha. Năng suất lúa bình quân đạt 52 tạ/ha/vụ. Sản lượng lương thực đạt hơn 53.253,3 tấn. Hệ số quay vòng đất 2,37 lần; có 620 ha đất canh tác cho thu nhập bình quân trên 50 triệu đồng/ha”(2).

Trồng lúa là hoạt động kinh tế có lịch sử lâu dài trên địa bàn, cư dân tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên, sau thời gian dài khai thác, độ màu của đất đã bị giảm sút, nên đạt được năng suất 52 tạ/ha/vụ là một cố gắng rất lớn của nông dân. Với 130.000 người và sản lượng lương thực đạt hơn 53.253,3 tấn, tính ra, lương thực bình quân đạt trên 400 kg thóc/người/năm, một con số khá cao, nên lượng lương thực dư thừa khá lớn (khoảng 40%). Lãnh đạo địa phương có cơ sở để nghĩ đến việc giảm diện tích trồng lúa xuống một mức nhất định để bảo đảm an ninh lương thực và một phần dự trữ; diện tích còn lại có thể chuyển đổi sang sản xuất nông phẩm hàng hóa hoặc có thể để hưu canh, giảm hệ số quay vòng đất xuống dưới 2 lần nhằm tăng thêm độ màu mỡ của đất đai.

Với gần 12.300 ha đất bãi triều, đầm phá (chiếm 37,1% diện tích), Quảng Yên có điều kiện thuận lợi để hình thành các khu vực nuôi trồng thủy sản tập trung. Hiện tại mới khai thác được hơn 8 nghìn ha nhưng chủ yếu vẫn là nuôi quảng canh. Tiềm năng nuôi trồng thuỷ sản công nghiệp còn rất lớn. Quảng Yên có nhiều cửa sông và bãi triều, biển lại nằm trong vịnh kín là nơi trú ngụ của nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao, tạo cho thị xã có nguồn thủy sản phong phú cả thuỷ sản nước mặn và thuỷ sản nước lợ. Khả năng khai thác có thể đạt hơn 10 nghìn tấn/năm, riêng vùng triều có thể khai thác được 3.000 tấn. Ngoài ra, Quảng Yên còn có điều kiện vươn ra để khai thác hải sản ở các ngư trường thuộc Vịnh Bắc Bộ như Cô Tô, Bạch Long Vĩ... với khả năng từ 40.000 - 50.000 tấn/năm. Thủy hải sản tươi sống của Quảng Yên đang có chỗ đứng vững trên thị trường Thủ đô và nhiều tỉnh khác, nhưng để vươn xa hơn tới nhiều vùng, miền trong nước và xuất khẩu, cần sự phát triển mạnh của công nghiệp chế biến và quảng bá thương hiệu. 

Diện tích nuôi thâm canh tuy ít nhưng năng suất, hiệu quả thu nhập cao nên đang khích lệ phong trào nuôi trồng theo hướng công nghiệp trên địa bàn. Điều đó cho thấy hướng phát triển nông nghiệp ở Quảng Yên là giảm diện tích lúa phù hợp, tăng diện tích nuôi trồng thủy sản, đặc biệt chú ý tăng nhanh diện tích nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh là chủ trương đúng.

Về dịch vụ

Với các đô thị phát triển, tỷ trọng công nghiệp và xây dựng luôn chiếm từ 50% trong cơ cấu kinh tế và dịch vụ chiếm hơn 50% phần còn lại. Nhưng ở Quảng Yên dù đã tăng nhanh so với trước, nhưng năm 2010 khu vực dịch vụ vẫn chỉ chiếm trên 24%, thấp hơn hẳn so với nông nghiệp (27%). Trong thời gian tới, Quảng Yên cần đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ thương mại và du lịch. Nằm kề cận hai thành phố lớn của miền Bắc, nhu cầu hàng hóa nông sản cao nhưng năm 2010 Quảng Yên trồng 3.465 ha cây rau đậu, mà không thể tiêu thụ được, giá quá thấp buộc người dân phải phá bỏ hoặc đem làm thức ăn cho trâu, bò, lợn, gà. Các loài thủy hải sản quý như ngán, sò, tu hài, ruốc (bạch tuộc loại nhỏ),... rất được ưa thích, nhưng cũng ít thấy trên thị trường ẩm thực các đô thị lớn. Điều đó cho thấy, ngành dịch vụ thương mại Quảng Yên còn chậm phát triển, cần được đầu tư để có bước phát triển mới trong tương lai. 

Du lịch cũng là một trong những hoạt động dịch vụ có nhiều tiềm năng phát triển ở Quảng Yên chưa được khai thác như mong muốn. Bên cạnh tài nguyên du lịch tự nhiên (thác Mơ, hồ Yên Lập, rừng thông tưởng niệm Bác Hồ), Quảng Yên còn có nguồn tài nguyên du lịch nhân văn phong phú, gồm hơn 200 di tích lịch sử (bãi cọc Bạch Đằng, đền thờ Trần Hưng Đạo, miếu Vua Bà, đình Trung Bản, đình Phong Cốc, đình Yên Giang, miếu Tiên Công, cây lim Giếng Rừng, đền Trung Cốc, đình Lưu Khê), lễ hội (lễ hội Bạch Đằng, hội đền Thập Cửu Công, lễ hội xuống đồng, hội làng), bảo tàng Bạch Đằng và các làng nghề thủ công truyền thống(3). Năm 2005, lượng khách đến với các khu, điểm du lịch trên địa bàn khoảng 17.500 khách, chủ yếu là khách nội địa. Khách du lịch lưu trú lại Quảng Yên chủ yếu là các đoàn khách đi tham quan Yên Tử, khách đi du lịch theo tua (tour) Hà Nội - Hạ Long - Cát Bà nghỉ lại, các đoàn lẻ thăm khu di tích lịch sử bãi cọc Bạch Đằng hoặc khách đi công tác đến và nghỉ lại. Nhìn chung lượng khách không đều và không thường xuyên”(4). Đến năm 2012, lượng khách du lịch đến Quảng Yên tăng lên khoảng 2,5 lần so với năm 2005. Điều đó cho thấy vào thời điểm hiện tại các nguồn tài nguyên du lịch của Yên Hưng, đặc biệt là nguồn tài nguyên nhân văn hầu như chưa được “kích hoạt” để khai thác. 

Quảng Yên còn hàng trăm di tích lịch sử và văn hóa, những ngôi đình cổ lớn và đẹp bậc nhất ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, hàng chục ngôi nhà thờ họ, nhiều lễ hội lớn và độc đáo của người Việt, tiêu biểu như lễ hội Tiên Công tôn vinh bậc tiên hiền có công mở mang bờ cõi, xây dựng quê hương; tôn vinh lòng quả cảm, bàn tay tài hoa của những người dân lao động với hình tượng mang tính biểu trưng cao. Ngoài ra, hàng loạt di tích lịch sử, văn hóa chưa được đầu tư nghiên cứu đầy đủ, như thành Quảng Yên, bến Ngự, núi Dinh (nơi có thành Tre và rất có thể đó chính là điểm đặt Hành dinh của vua Lý trước đây). Đó còn là hàng loạt ngôi nhà cổ được xây dựng từ thời Pháp, trên phố Quảng Yên, chứa đựng những nét đẹp tiêu biểu của kiến trúc, điêu khắc Pháp thế kỷ XVIII - XIX. 

Để phát triển du lịch, cần có những nghiên cứu cụ thể, coi đó như một nguồn lực và đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Điều cần làm ngay là thị xã cần phải đầu tư một khoản ngân sách để thống kê, khảo tả, tiến hành chiến dịch quảng bá, xúc tiến và kết nối du lịch. Không chỉ là du lịch tham quan, du lịch lễ hội mà còn cần phải có du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái bền vững; đồng thời phải xây dưng kết cấu hạ tầng du lịch tương xứng với tiềm năng của vùng đất nhiều di tích, thắng tích. Con số thống kê cơ sở lưu trú du lịch của thị xã năm 2007 chỉ có 78 phòng với 94 giường, chỉ có một khách sạn 12 phòng, 22 giường, còn lại 66 phòng và 72 giường thuộc về 9 nhà nghỉ khác. Vì vậy, để có thể bảo đảm cho 31.500 lượt khách quốc tế và 93.600 lượt khách nội địa có nhu cầu lưu trú (năm 2015); tương tự, tăng lên 92.000 và 203.000 lượt (năm 2020) ngành du lịch Quảng Yên phải có bước đột phá, cần phải xã hội hóa sâu rộng để huy động mọi nguồn lực nhằm khai thác nguồn tài nguyên du lịch để làm giàu.

Nguồn nhân lực


Khi thành lập thị xã, Quảng Yên có số dân là 129.504 người, trong đó trên 56,3% dân số trong độ tuổi lao động. Người làm việc trong các ngành kinh tế chiếm 95,7% tổng số người trong độ tuổi lao động. Đây là một nguồn lực quan trọng cho quá trình phát triển. Tuy nhiên, chất lượng lao động hiện làm việc trong các ngành kinh tế hiện nay của huyện lại đang là vấn đề cần quan tâm. Trong khi khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp tới 33,3% cơ cấu GDP của toàn thị xã mà chỉ có gần 8 nghìn người lao động tham gia làm việc (chiếm 0,96% số người làm việc trong các ngành kinh tế). Tương tự, khu vực dịch vụ đóng góp 21,9% GDP nhưng chỉ có hơn 7 nghìn người làm việc (chiếm 0,97%). Trong khi, khu vực nông nghiệp đóng góp 44,8% GDP nhưng có hơn 80% lao động tham gia. Vì vậy, Quảng Yên cần phải có chủ trương, biện pháp cụ thể và thiết thực nhằm hạ thấp số người lao động làm việc trong khu vực nông nghiệp, tăng tỷ trọng lao động làm việc trong các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Đây là vấn đề hết sức khó khăn, cần sự đầu tư giúp đỡ của Trung ương và tỉnh bởi lao động làm việc trong khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ hầu hết phải là lao động chất lượng cao (được đào tạo). 

Trên địa bàn thị xã hiện có 6 trường phổ thông trung học. Mỗi năm có khoảng 200 em học sinh thi đỗ vào các trường Đại học, Cao đẳng và Trung học chuyên nghiệp. Với tốc độ này, trong mười năm tới (đến 2020) số lao động chất lượng cao trong huyện chỉ được bổ sung khoảng trên 2.000 người, còn rất xa với mong đợi. Thêm nữa, phần lớn số sinh viên là con em cư dân địa phương đã và đang học tại các trường Đại học, Cao đẳng và Trung học chuyên nghiệp ở các thành phố lớn sau khi tốt nghiệp, con số trở về công tác phục vụ tại địa phương chắc chắn sẽ có tỷ lệ thấp xuống đáng kể. Vì vậy, một mặt, Quảng Yên cần có chương trình tuyên truyền giáo dục đẩy mạnh phong trào học tập trong tất cả các bậc học để tăng nhanh số học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp, mặt khác, cần có chính sách đặc thù như hỗ trợ vốn đào tạo, ký hợp đồng đầu ra,…để gia tăng số học sinh, sinh viên thi vào các ngành học mà nền kinh tế địa phương đang cần, đang thiếu như: công nghiệp đóng tàu, công nghiệp chế biến nông, hải sản; các ngành học quản lý và phát triển du lịch,… Liên kết với các địa phương, các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyện nghiệp trong vùng tổ chức các lớp đào tạo nghề thu hút số học sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông nhưng không hội đủ các điều kiện tham gia học tập ở các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp ở xa để tạo thêm lớp công nhân có tay nghề cao sẵn sàng phục vụ tại địa phương. Các cấp, các ngành cần có sự tính toán để từ việc mở các lớp, các chương trình đào tạo lẻ, không thường xuyên tiến tới việc thành lập các trường dạy nghề cho tương lai. Cần có những ưu đãi cụ thể về lương, thưởng và chỗ ở để thu hút cán bộ, công nhân có trình độ cao từ các tỉnh, các khu vực đến xây dựng và lập nghiệp ở Quảng Yên. 

Thị xã Quảng Yên là vùng đất cổ và có cộng đồng cư dân tụ cư từ xa xưa nên rất giàu vốn tri thức dân gian được lưu giữ trong các làng quê, dòng họ, gia đình, trong mỗi người dân. Trong hướng nghiệp nên khuyến khích con em các làng nghề theo học những ngành nghề liên quan để tận dụng thế mạnh về “địa văn hóa, địa lịch sử” là mảnh đất có nguồn tài nguyên tự nhiên có thể tái tạo và tài nguyên nhân văn. Hy vọng với hướng đi đúng, với những chính sách hợp lý, phù hợp với điều kiện tự nhiên, hệ sinh thái - nhân văn, trong tương lai gần sẽ có một thị xã Quảng Yên đặc thù và đặc sắc trong bức tranh toàn cảnh về con đường đổi mới quê hương đất nước./.

----------------------------------------

(1) Ủy ban nhân dân huyện Yên Hưng (2009), Quy hoạch phát triển công nghiệp huyện Yên Hưng, phần 4: Quy hoạch phát triển công nghiệp, http://www.quangninh.gov.vn

(2) CTV-PH (15-12-2010), Nền tảng vững chắc cho tái lập thị xã Quảng Yên vào năm 2012, http://www.quangninh.gov.vn

(3) Quy hoạch du lịch huyện Yên Hưng giai đoạn 2007 – 2020, phần II: Các nguồn lực, hiện trạng và định hướng phát triển du lịch huyện Yên Hưng đến năm 2020, http://www.quangninh.gov.vn

(4) Quy hoạch du lịch huyện Yên Hưng giai đoạn 2007 – 2020, Báo đã dẫn