Lễ hội hoa Hà Nội - sự hội tụ và tỏa sáng văn hóa Thăng Long - Hà Nội
Lễ hội hoa Hà Nội 2010 - Ảnh:PV
TCCS - Trong những ngày đầu Xuân 2010, tại Thủ đô Hà Nội bên Hồ Hoàn Kiếm có những đường phố hoa lộng lẫy khoe sắc với những mô hình làng lúa, làng hoa, phố xưa, nhà cổ... dệt bằng hoa đan xen, hình ảnh tàu điện, cầu Long Biên giữa phố... và những biểu tượng văn hóa tiêu biểu của Hà Nội tạo nên một không gian văn hóa Thăng Long - Hà Nội linh thiêng, ấn tượng, lung linh, hấp dẫn.
1 - Hoa trong đời sống của người Hà Nội
Từ xưa, nghề trồng hoa đã trở thành truyền thống của Hà Nội, gắn với những địa danh nổi tiếng: Ngọc Hà, Nhật Tân, Tây Tựu, Nghi Tàm, Quảng Bá... Thú chơi hoa cũng là một nét văn hóa riêng rất độc đáo, tao nhã của đất kinh kỳ. Người Hà Nội yêu hoa, tạo thêm sức sống cho cuộc đời và góp phần làm đẹp không gian Hà Nội. Trong mỗi bức tranh phố cổ xưa, không thể thiếu vắng hình ảnh cô gái với gánh hàng hoa bán rong trên phố như một nét chấm phá sinh động góp phần tạo nên diện mạo bức tranh chung Hà Nội rực rỡ - linh thiêng - hào hoa đầy sức sống mãnh liệt.
Hoa là một nhu cầu không thể thiếu của người Hà Nội. Khi đất nước còn gian khó, cuộc sống của chúng ta còn khó khăn, cơm chưa đủ no, áo chưa lành, nhưng người Hà Nội không thể thiếu hoa tươi. Ngay cả trong chiến tranh ác liệt, mặc cho bom rơi đạn nổ, người Hà Nội vẫn âm thầm, dũng cảm, chăm chút nghề trồng hoa và hoa tươi Hà Nội góp phần tạo nên sức sống bất diệt của Thủ đô yêu dấu. Những năm 1970 - 1972, khi chiến tranh chống Mỹ diễn ra ác liệt, Hà Nội đã có 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không với khí thế anh dũng, hào hùng chống lại âm mưu hủy diệt sự sống đến tột cùng. Bức ảnh cô gái tưới gánh hoa tươi bên cạnh xác máy bay B52 ghi lại dấu ấn lịch sử với niềm tin chiến thắng đầy tự hào và kiêu hãnh của người Hà Nội như một minh chứng lịch sử hào hùng. Hoa Hà Nội và người Hà Nội là như thế.
Ai đã từng đi chợ Tết mới thấy được sức tiêu thụ hoa của người Hà Nội mạnh mẽ đến nhường nào. Dường như sau những bộn bề, vất vả lo toan của cuộc sống và công việc, trong mỗi không gian cơ quan, không gian gia đình của người Hà Nội dù hiện đại, sang trọng hay còn nghèo, đơn sơ nhưng không thể thiếu vắng một bình hoa tươi, một cành đào, một nhành mai hoặc là một chậu quất... Người Hà Nội yêu hoa đến lạ, sống thủy chung với nghề trồng hoa. Và, hoa Hà Nội vẫn theo người về tới các tỉnh, thành lân cận... Văn hóa hoa Hà Nội với vẻ đẹp lịch lãm tao nhã của người Tràng An được gửi vào hoa, đến với mọi nhà, ở mọi nơi...
2 - Lễ hội hoa Hà Nội 2010 - sự hội tụ và tỏa sáng văn hóa Thăng Long - Hà Nội
Tiếp nối thành công của Lễ hội hoa 2009, Lễ hội hoa Hà Nội 2010 với chủ đề “Lung linh sắc hoa Hà Nội” là sự kiện mở đầu trong chuỗi trên 80 sự kiện văn hóa lịch sử hướng tới Đại lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đây là sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch lớn có sức hấp dẫn thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Lễ hội hoa Hà Nội 2010 là sự kế thừa, phát triển, sáng tạo của Lễ hội hoa 2009, nhưng không trùng lặp về nội dung, thể hiện qua sự bứt phá về chủ đề nghệ thuật, cách trưng bày, xây dựng các biểu tượng, tạo thành một không gian lễ hội giàu bản sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Không gian hoa bao trùm cả đường phố và không gian mặt nước tại trung tâm Hà Nội trong những ngày lễ hội. Mặt Hồ Hoàn Kiếm là một điểm nhấn, với mảng hoa kết thành con số 1000 - biểu tượng cho 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Khu trung tâm lễ hội là vườn hoa Lý Thái Tổ và xung quanh Hồ Hoàn Kiếm với các phố hoa Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ, Hàng Khay... lộng lẫy. Sự tham gia của các nghệ nhân làng nghề, phố nghề nổi tiếng của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với những ý tưởng độc đáo, sáng tạo được thể hiện từ cách trưng bày hoa, bài trí sắp đặt tiểu cảnh. Trước tượng đài Lý Thái Tổ là tác phẩm đại cảnh với biểu tượng Rồng thiêng cao 9m với 9 rồng chầu Vua do các nghệ nhân hoa từ Thành phố Hồ Chí Minh kết bằng hoa và các loại trái quả tươi là thông điệp tình cảm của đồng bào Thành phố Hồ Chí Minh tặng Thủ đô Hà Nội và du khách. Trong 5 tác phẩm đăng ký xác lập kỷ lục Việt Nam là các tác phẩm: “Càn long thiên sứ”, “Thiên đô chiếu”, “Bình hoa sen mây”, “áo dài hoa”, “Tàu điện hoa Hà Nội”... đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập trao tặng 3 tác phẩm đạt kỷ lục đó là các tác phẩm: “Thiên đô chiếu”, “Bình hoa sen mây”, “áo dài hoa”. Nổi bật nhất là “Thiên đô chiếu” mô phỏng Chiếu dời đô bằng gỗ khảm trai lớn nhất có chiều cao 1,93m, rộng 1,27m và nặng 79 kg do nghệ nhân Trần Bá Năm của làng nghề khảm trai truyền thống Phú Xuyên (Hà Nội) dày công chế tác bằng gỗ gụ trong 3 năm (từ tháng 1-2007 đến tháng 12-2009) viết nội dung Chiếu dời đô bằng chữ Hán, khảm trai, do cụ Đăng Bàn - nghệ nhân thư pháp Hà Nội tạo mẫu.
Trong không gian Lễ hội hoa Hà Nội 2010, nhịp điệu và tâm hồn cuộc sống người Hà Nội trong ký ức và hiện tại được tái hiện đan xen bằng những biểu tượng: phố xưa, nhà cổ, làng lúa làng hoa, triền sông bến nước, tàu điện bên Bờ Hồ, cầu Long Biên rộn rã uy nghiêm trên những làng hoa, phố hoa... và một không gian trưng bày 3.000 bông tuy-luýp do nước bạn Hà Lan gửi tặng. Đặc biệt đêm khai mạc lễ hội (tối ngày 30-12-2009), người Hà Nội tiễn năm cũ và đón năm mới với chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc, hấp dẫn và ấn tượng đậm nét văn hóa Thăng Long - Hà Nội với nghi lễ dâng hoa và chủ đề xuyên suốt là áo dài và hoa cùng với phần kết đêm hội Trà hoa, nét đặc trưng tiêu biểu của Hà Nội.
Lễ hội hoa Hà Nội xuân 2010 là một hoạt động văn hóa mang tính cộng đồng cao được tổ chức trong một không gian mở trên đường phố giữa lòng Thủ đô Hà Nội là một ý tưởng sáng tạo độc đáo. Hoạt động này tổ chức mang tính chuyên nghiệp cao, tạo ấn tượng về một vẻ đẹp tinh tế đã có sức quảng bá cho nghề hoa Hà Nội và các sản phẩm thủ công truyền thống của các làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội và bạn bè trong nước; đồng thời tôn vinh những nghệ nhân tài hoa và phong cách người Hà Nội thông qua các tác phẩm nghệ thuật đa dạng nhưng xuyên suốt chủ đề là “Hoa”.
3 - Để nâng cao hơn nữa chất lượng Lễ hội hoa Hà Nội
Lễ hội hoa Hà Nội qua 2 kỳ tổ chức (năm 2009 và 2010) đã để lại những dấu ấn ban đầu tốt đẹp về những lễ hội hoa Hà Nội. Đường phố hoa trong tương lai tôn thêm vẻ đẹp hào hoa, linh thiêng của Thăng Long - Hà Nội, tôn vinh nghề trồng hoa, làng hoa và các nghệ nhân làng nghề, phố nghề truyền thống Thăng Long - Hà Nội. Chỉ còn trên 200 ngày nữa là đến Đại lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Hà Nội đang bộn bề công việc chuẩn bị cho ngày Đại lễ với những dự định tốt đẹp, ý tưởng và ước muốn về ngày Đại lễ hoành tráng - ấn tượng - linh thiêng sâu sắc để trân trọng tỏ lòng biết ơn các bậc tiền nhân đã tạo dựng lên Hà Nội hiện đại, thâm nghiêm sang trọng văn hiến ngàn năm. Chắc chắn trong ngày Đại lễ, hoa Hà Nội tiếp tục làm nên vẻ đẹp rực rỡ, tỏa sáng trong các chương trình hoạt động phong phú, sinh động và hấp dẫn của Thăng Long - Hà Nội.
Để Lễ hội hoa Hà Nội trở thành một lễ hội lớn tương xứng với Thủ đô và tôn vinh nghề trồng hoa truyền thống lâu đời, góp phần tạo nguồn lực phát triển kinh tế du lịch, cần chú trọng tập trung vào một số nội dung sau:
Một là, về nội dung chủ đề: Kịch bản Lễ hội hoa Hà Nội phải đi xuyên suốt từ quá khứ - hiện tại - tương lai, tạo dựng và tôn vinh được bản sắc riêng độc đáo của văn hóa truyền thống Thăng Long - Hà Nội. Đó là vừa giữ gìn, khôi phục những nét đẹp văn hóa truyền thống vừa kết hợp nhuần nhuyễn những yếu tố hiện đại. Lễ hội thiết thực giáo dục truyền thống, hướng về nguồn cội; biết ơn quá khứ, vươn tới tương lai, thể hiện tình yêu và trách nhiệm xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại.
Hai là, giải quyết tốt mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, coi trọng yếu tố văn hóa, không vì lợi nhuận kinh tế mà làm sai lệch mục đích, ý nghĩa và nội dung ý tưởng của lễ hội. Chú ý kết hợp tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí thích hợp trong không gian lễ hội, tạo tâm lý thoáng mở cho du khách, tránh tổn hại hoa, phá vỡ cảnh quan không gian lễ hội, gây sự phản cảm ức chế du khách và người thưởng thức hoa.
Ba là, chú trọng quan tâm đến việc xã hội hóa trong tổ chức lễ hội, nhưng không buông lỏng công tác quản lý, khai thác nguồn lực trong nhân dân để tăng sự tôn vinh nghề trồng hoa và các nghệ nhân làm hoa truyền thống, nghệ nhân làng nghề phố nghề Thăng Long - Hà Nội, gợi mở những ý tưởng nhân văn tốt đẹp cho người trồng hoa và người tiêu dùng hoa.
Bốn là, chú trọng xây dựng nếp sống văn hóa lễ hội của người Hà Nội, trước hết là phép ứng xử của con người với hoa và với môi trường lễ hội cũng như môi trường sống của Thủ đô. Tạo được mối quan hệ thân thiện giữa con người với môi trường và tình yêu của con người với sinh vật cảnh và hoa.
Năm là, thông qua lễ hội, quảng bá hơn nữa tiềm năng hoa Hà Nội và tiếp thị các sản phẩm từ hoa và liên quan tới hoa cho du khách trong nước và quốc tế. Mở rộng giao lưu hợp tác tiến tới đa dạng hóa loại hình sản phẩm hoa xuất khẩu, tạo thêm nguồn thu và tạo chỗ đứng cho thị trường hoa trong nước và khu vực,... nhằm giải quyết nguồn nhân lực từ nghề trồng hoa.
Sáu là, quan tâm ưu tiên dành quỹ đất cho những làng hoa truyền thống, kịp thời tôn vinh những nghệ nhân tiêu biểu gắn bó và có công trong việc bảo tồn và phát triển nghề trồng hoa và sinh vật cảnh. Bảo tồn và phát triển những loài hoa đặc trưng quý hiếm như lay-ơn, thược dược, cẩm chướng, vi-ô-lét, hồng nhung, mào gà... tránh để hoa ngoại nhập lấn át và làm mất dần những loài hoa quý mang đặc trưng riêng hoa Hà Nội./.
Quan hệ Mỹ - Nga sau một năm nhìn lại  (24/02/2010)
Giao ban báo chí đầu Xuân Canh Dần  (24/02/2010)
Bộ đội Biên phòng Đồng Tháp: "Chung tay vì đồng bào nghèo nơi biên giới"  (24/02/2010)
Hai mươi năm Việt Nam phê chuẩn Công ước quốc tế Quyền trẻ em  (23/02/2010)
Đồng chí Tô Huy Rứa thăm và chúc Tết Tạp chí Cộng sản  (23/02/2010)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Thông cáo báo chí Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên