TCCSĐT - Ngày 23-2, tại Hà Nội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với tổ chức UNICEF Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm Công ước quốc tế Quyền trẻ em và Hội nghị “Công ước Quyền trẻ em - từ tầm nhìn đến hành động”.

Được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 20-11-1989, Công ước Quyền trẻ em là một văn kiện về quyền con người mang đậm tính nhân văn và được nhiều nước phê chuẩn nhất.

Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Quyền trẻ em, vào ngày 20-1-1990. Từ khi phê chuẩn Công ước, Nhà nước Việt Nam có rất nhiều nỗ lực trong việc thực hiện Công ước như: nâng cao nhận thức về quyền trẻ em; làm hài hoà giữa Công ước và luật pháp quốc gia; đẩy mạnh quản lý nhà nước về trẻ em; tăng cường nguồn lực đầu tư cho trẻ em; và đặc biệt là ngày càng quan tâm đến vai trò của chính trẻ em và người chưa thành niên.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Việt Nam nhận thức sâu sắc rằng, đầu tư cho trẻ em để thực hiện các quyền sống còn, bảo vệ, phát triển và tham gia của trẻ em chính là đầu tư cho tương lai”.

Kể từ khi thực hiện Công ước Quyền trẻ em, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc thực hiện quyền trẻ em. Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 5 tuổi giảm rõ rệt. Trong khoảng thời gian từ năm 1990 đến năm 2009, tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh và trẻ dưới 5 tuổi giảm xuống còn một nửa. Tỷ lệ tiêm chủng luôn đạt mức cao đã giúp Việt Nam thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2009 và bệnh uốn ván ở bà mẹ và trẻ sơ sinh vào năm 2005.

Trẻ em Việt Nam ngày nay được hưởng nền giáo dục tốt hơn. Khoảng 95% trẻ trong độ tuổi đi học được đến trường. Các cơ hội tăng cường sự tham gia của trẻ em ngày càng được mở rộng. Việt Nam ngày càng quan tâm tới việc xây dựng môi trường an toàn và lành mạnh cho trẻ em cũng như ngăn ngừa và đẩy lùi các nguy cơ xâm hại trẻ em. Cách tiếp cận dựa trên các quyền cơ bản của trẻ em ngày càng được chú trọng.

Tuy nhiên, Việt Nam đã, đang và sẽ đứng trước nhiều thách thức trong việc bảo đảm mọi trẻ em trai và trẻ em gái đều được hưởng đầy đủ các quyền của mình. Ông Jesper Morch, Trưởng đại diện UNICEF Việt Nam cho biết: “Việt Nam đang trên đà trở thành một nước có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, việc thực hiện quyền trẻ em tại Việt Nam sẽ chịu tác động đáng kể của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, biến đổi khí hậu và nguy cơ gia tăng sự bất bình đẳng giữa các vùng, miền”.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn Công ước quốc tế Quyền trẻ em tại Việt Nam trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục duy trì và thực hiện tốt hơn các quyền được sống, quyền được phát triển với chất lượng ngày càng cao của trẻ em. Mặc khác, cần tiếp tục giải quyết những vấn đề của các quyền được bảo vệ, được an toàn, thúc đẩy các quyền được tham gia để mọi trẻ em đều có cơ hội tiếp cận các dịch vụ, phúc lợi xã hội, phát huy tối đa các cơ hội trưởng thành, được sống trong môi trường gia đình hạnh phúc./.
 

Những ưu tiên và định hướng chính cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong thời gian tới:

Một là, tăng cường sự chỉ đạo, lãnh đạo của Nhà nước và chính quyền các cấp đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; tăng cường sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, gia đình, nhà trường trong công tác này.

Hai là, thực hiện tốt và tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách đáp ứng những yêu cầu mới và phù hợp với luật pháp quốc tế. Đồng thời, tập trung lồng ghép một cách hiệu quả vấn đề trẻ em vào các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp quốc gia và cấp địa phương.

Ba là, tăng cường đầu tư nguồn lực cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, bao gồm ngân sách nhà nước, sự hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế.

Bốn là, củng cố và tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, cộng tác viên, tình nguyện viên, có các chính sách đãi ngộ cán bộ cấp cơ sở.

Năm là, tăng cường cơ sở dữ liệu, thu thập, chia sẻ thông tin về trẻ em; đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra và giám sát thực hiện quyền trẻ em.

Sáu là, quan tâm hơn nữa tới nghiên cứu khoa học về trẻ em để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.