Cầu người tài đức

TS. Bùi Huy Khiên Học viện Hành chính, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh
17:24, ngày 11-01-2013
TCCSĐT - Xác định hiền tài là nguyên khí quốc gia, Đảng, Nhà nước đã ban hành cơ chế, chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài. Trong thực tiễn, để thu hút và sử dụng được nhân tài, cái “tâm”, “tầm” của người lãnh đạo, quản lý đóng vai trò quan trọng. Câu chuyện Cầu người tài đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh gần 70 năm trước đây thêm một lần nữa chứng minh điều đó.

Chiều ngày 2-9-1945, sau buổi Lễ Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức họp Hội đồng Chính phủ, thông qua nhiều quốc sách quan trọng: diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm; ký Sắc lệnh Tổng tuyển cử tự do trong cả nước; lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; tuyên bố quyền tự do tín ngưỡng, lương giáo đoàn kết…

Đến phiên họp Hội đồng Chính phủ ngày 14-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu: "Đất nước lúc này cần kiến thiết: kiến thiết ngoại giao; kiến thiết kinh tế; kiến thiết quân sự; kiến thiết giáo dục. Muốn vậy phải mời người tài đức ra giúp nước nhà. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài ngày càng phát triển, càng thêm nhiều"(1).

Tại phiên họp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Hội đồng Chính phủ cử một Ban cố vấn gồm 10 vị giúp việc cho Chủ tịch nước. Người giới thiệu danh sách 6 vị đệ trình Hội đồng Chính phủ cho ý kiến, gồm:

1. Cụ Bùi Bằng Đoàn

2. Giáo sĩ Lê Hữu Từ

3. Cụ Ngô Tử Hạ

4. Cụ Bùi Kỷ

5. Cụ Lê Tại

6. Bác sĩ Nguyễn Văn Luyện

Còn thiếu bốn vị nữa, Người xin được Hội đồng Chính phủ tiếp tục bổ khuyết.

Trao đổi với ông Vũ Đình Huỳnh - Bí thư tín nghĩa của mình, Hồ Chủ tịch nói: "Thật phúc đức cho tổ tiên ta, đông đảo các vị tài đức từ Bắc chí Nam đều sẵn sàn dấn thân vào công việc giúp nước, cứu dân trong lúc "nước sôi lửa bỏng" này. Các bậc chí sĩ, như cụ Huỳnh (Huỳnh Thúc Kháng); cụ Tố (Nguyễn Văn Tố); cụ Phan (Phan Kế Toại); cụ Vi (Vi Văn Định)… đều ghé vai vào quốc sự. Nhưng riêng cụ Bùi Bằng Đoàn, một bậc đại thần, một quan Thượng thư Bộ hình nổi tiếng thanh liêm, chính trực, hết mực yêu thương dân chúng trong triều đình Huế, ngoài lý do sức khỏe chắc còn một lý do nào đó khiến cụ còn do dự"(2).

Hồ Chủ tịch bàn với Bí thư của mình và quyết định viết "Lời tâm thư". Người giao ông Vũ Đình Huỳnh trực tiếp đến yết kiến cụ Bùi Bằng Đoàn tại nhà riêng và trao bức thư này. Trước ngày ông Vũ Đình Huỳnh cầm bức thư của Hồ Chủ tịch đến Liên Bạt, Ứng Hòa, Hà Đông gặp cụ Bùi Bằng Đoàn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp công bố trên báo Cứu quốc bài "Tìm người tài đức" của Hồ Chủ tịch. Bài viết ngắn nhưng nói lên tâm huyết, mong mỏi của vị Chủ tịch nước đầu tiên của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa:

"Nước nhà cần được kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào ta chắc không thiếu người tài đức.

E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận.

Nay muốn sửa đổi điều đó và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết.

Báo cáo phải nói rõ: tên tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở.

Hạn trong một tháng, các cơ quan địa phương phải báo cáo cho đủ.

Chủ tịch Chính phủ Việt Nam

Hồ Chí Minh"(3).

Tại tư thất ở quê nhà, cụ Bùi Bằng Đoàn xúc động nhận "Lời tâm tri" của Hồ Chủ tịch. Bức "tâm tri" này cũng thật ngắn và xúc tích:

"Thưa Cụ, tôi tài đức ít ỏi mà trách nhiệm nặng nề. Thấy Cụ học vấn cao siêu, kinh nghiệm phong phú, vậy nên tôi muốn mời Cụ làm Cố vấn cho tôi, để giúp thêm ý kiến trong công việc hưng lợi trừ hại cho nước nhà dân tộc.

Cảm ơn và kính chúc Cụ mạnh khỏe.

Kính thư - Hồ Chí Minh"(4).

Bức thư hàm xúc bao ý nghĩa lớn lao. Đọc "Lời tâm tri" của Hồ Chủ tịch, cụ Bùi Bằng Đoàn nhấn đi nhấn lại bốn chữ "hưng lợi trừ hại". Cụ tâm sự với ông Vũ Đình Huỳnh:

"Ngài Bí thư coi, Hồ Chủ tịch viết cho tôi có hơn năm mươi từ mà trọng nhiệm lớn lao, tôi e mình không làm tròn trọng nhiệm mà Hồ Chủ tịch phó thác.

Tôi ra làm quan từ thuở ngoài hai mươi tuổi, cái thời nước mất, ngoại bang đô hộ, hơn ba mươi năm ở ghế quan trường dưới ba đời vua An Nam. Nay nhờ có Hồ Chủ tịch lãnh đạo, nhân dân ta đã rửa được cái nhục vong quốc, nước Nam ta đã có độc lập, nhân dân ta có tự do, ai nấy đều hả lòng hả dạ.

Ngài Bí thư về thưa lại với Hồ Chủ tịch, tôi xin ứng mệnh "Lời tâm tri" này"(5).

Từ một ông quan Thượng thư làm việc dưới triều đình phong kiến, nhận thức rõ đường lối cách mạng và mến mộ tài đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Bùi Bằng Đoàn đã đi theo cách mạng, đem hết sức lực, tài năng của mình ra phụng sự dân tộc. Tham gia chính quyền mới, cụ đã từng giữ các chức vụ: Cố vấn Chủ tịch nước; Trưởng ban Thanh tra đặc biệt; Trưởng ban Thường trực Quốc hội từ tháng 11-1946 cho đến khi cụ tạ thế (tháng 4-1955).

Trong thời gian làm việc ở chiến khu Việt Bắc, tình cảm giữa Hồ Chủ tịch và cụ Bùi Bằng Đoàn không chỉ là tình cảm của những nhà cách mạng mà còn là tình cảm của những người bạn tri ân. Chúng ta còn nhớ bài thơ Hồ Chủ tịch tặng cụ Bùi Bằng Đoàn:

Xem sách chim rừng vào cửa đậu

Phê văn hoa núi ghé nghiêng soi

Tin vui thắng trận dồn chân ngựa

Nhớ Cụ thơ xuân tặng một bài.

Cụ Bùi Bằng Đoàn cũng có bài thơ họa lại:

Sắt đá một lòng vì chủng tộc

Non sông muôn dặm giữ cơ đồ

Biết Người việc nước không hề rảnh

Vung bút thành thơ đuổi giặc thù.

Với mong muốn có nhiều người tài đức ra giúp dân, giúp nước, với uy tín và sự chân thành của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảm hóa được nhiều nhân sĩ, trí thức yêu nước, như cụ Huỳnh Thúc Kháng, ông Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Văn Huyên, Phan Kế Toại, Hoàng Minh Giám, Tạ Quang Bửu, Đặng Văn Ngữ, Tôn Thất Tùng, Vũ Đình Hòe, Trần Đại Nghĩa,... Họ đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Bài học về trọng dụng người tài đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất đáng để chúng ta suy nghĩ, học tập trong việc thu hút nhân tài phụng sự công cuộc kiến thiết, xây dựng đất nước hiện nay./.
-----------------------------------

1,3. Hồ Chí Minh, toàn tập, tập IV, NXB Sự thật, 1984, trang 57, 192.

2,5. Sơn Tùng: 50 năm nhớ giỗ cụ Bùi Bằng Đoàn, hoài niệm của một người cháu.

4. Kho tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh, số BTHCM-TL201.