Nhớ về chiến thắng Tây Bắc

Trung tướng Phạm Hồng Cư
16:47, ngày 15-10-2012
TCCSĐT - Sáu mươi năm đã trôi qua, nhưng ấn tượng về trận tiêu diệt Phân khu Nghĩa Lộ còn in đậm trong tâm trí chúng tôi, những cựu chiến binh của Đại đoàn Quân tiên phong 308, đơn vị có trọng trách tiến công Phân khu Nghĩa Lộ, mở màn chiến dịch Tây Bắc thu đông 1952. Trung đoàn Thủ đô (102) tiêu diệt địch ở Pú Chạng, Trung đoàn Tu Vũ (88) tiêu diệt địch ở Nghĩa Lộ phố, Trung đoàn Bắc Bắc (36) tiêu diệt địch ở Cửa Nhì.
Đánh thắng trận mở màn chiến dịch

Phân khu Nghĩa Lộ là một trong bốn Phân khu của giặc Pháp cùng với các Phân khu Sông Đà, Phân khu Sơn La, Phân khu Lai Châu hợp thành Khu tự trị Tây Bắc, gọi tắt là ZANO (zone autonome Nord - Ouest) chiếm đóng miền Tây Bắc của ta. Chỉ huy Phân khu Nghĩa Lộ là viên quan tư Ti-ri-ông (Tirillon) một tên ác ôn thực dân cáo già từ thời kỳ Pháp thuộc, y nói được tiếng Thái, có mặt ở Tây Bắc từ năm 1940.

Tại thung lũng Nghĩa Lộ, chính giữa là thị trấn, cuối thị trấn về phía Tây Nam là cứ điểm Nghĩa Lộ (còn gọi là Nghĩa Lộ phố) xây dựng trên gò vị trí trại lính khố xanh cũ, có khỏang 500 quân đồn trú. Sân bay dã chiến của phân khu trải dài từ cứ điểm Nghĩa Lộ đến gần dãy núi Pú Chạng. Cứ điểm Pú Chạng (còn gọi là Nghĩa Lộ đồi) có 300 quân chiếm đóng ở một địa thế cao. Với hệ thống công sự vững chắc, với địa thế hiểm hóc, lại có vành đai các tiền đồn bảo vệ, khi bị uy hiếp lại có quân tăng viện bằng nhảy dù, viên quan tư Ti-ri-ông cho rằng, Việt Minh không có khả năng đánh Nghĩa Lộ. Y không biết số phận của y sắp được định đoạt.

Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ nhận nhiệm vụ do Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao cho trong Hội nghị của Bộ Tổng Tư lệnh họp từ ngày 6 đến ngày 9 tháng 9 năm 1952. Ông nhận rõ trách nhiệm rất nặng nề. Trận đầu phải thắng! Đó là truyền thống của quân đội ta. Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ thông thuộc địa hình Nghĩa Lộ. Ông vốn là cựu chính trị phạm bị thực dân Pháp đầy ải trong “căng” Nghĩa Lộ, vượt ngục năm 1945 ra tham gia chuẩn bị Tổng khởi nghĩa. Ông khâm phục tấm gương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đích thân đi trinh sát vị trí địch ở Cao Bằng, rồi quyết định chuyển điểm đột phá chiến dịch từ Cao Bằng xuống Đông Khê, đem lại thắng lợi to lớn cho chiến dịch Biên giới. Ông noi gương Đại tướng, tự mình đi trinh sát Nghĩa Lộ. Tác phong chuẩn bị chiến trường mà ông rèn luyện cho cán bộ trong Đại đoàn là “phải vào tận hàng rào thứ hai của đồn địch”. Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ giao cho trung đoàn trưởng 36 Hồng Sơn đi trinh sát đồn Cửa Nhì, còn ông dẫn đầu đoàn cán bộ đi vào Nghĩa Lộ. Phương án tác chiến sơ bộ hiện ra trong đầu Đại đoàn trưởng: “Giao cho Trung đoàn 102 đánh Pú Chạng, Trung đoàn 88 đánh Nghĩa Lộ phố”. Trong đoàn cán bộ, ai cũng biết Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ tuổi cao, mắc bệnh đau dạ dày nặng, trung đoàn trưởng 102 Vũ Yên đang bị bệnh, đi lại rất khó khăn, trung đoàn trưởng 88 Thái Dũng bị cụt bàn tay phải, trèo đèo leo dốc luôn bị ngã.

Mỗi khi gặp khó khăn trở ngại: rừng rậm, núi cao, suối sâu, thác dữ, địch rình, Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ lại hỏi:

- Các đồng chí vẫn nắm vững bài học quyết tâm của Bác đấy chứ?

- Báo cáo, vẫn nắm rất vững! – Các cán bộ trung đoàn trưởng, tiểu đoàn trưởng đi theo đều trả lời.

Nói về bài học quyết tâm của Bác, Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ xúc động nói: bài học đó rất giản dị mà sâu sắc. Ấy là lúc sắp kết thúc Hội nghị, bỗng thấy Bác đến, quần sắn cao, tay cầm gậy. Mưa to kéo dài, nước suối quanh vùng đều dâng cao. Khi qua một con suối chảy xiết, không muốn để Hội nghị chờ đợi, Bác chống gậy lần vượt qua. Một số đồng bào ngồi đợi nước rút, thấy Bác qua được cũng mạnh dạn sang theo.

Khi kể chuyện này với Hội nghị, Bác nói:

- Đó là kinh nghiệm cho các chú. Bất kỳ việc gì, to hay nhỏ, mình có quyết tâm thì làm được, không những thế còn lôi cuốn được người khác cũng quyết tâm như mình.

- Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ đến Nậm Mười thì gặp đồng chí Sinh, Phó Bí thư Huyện ủy Văn Chấn từ vùng địch ra cung cấp tình hình cho ông. Đồng chí Sinh là người mà tên Boa Lô (Boileau), Chỉ huy phó Phân khu Nghĩa Lộ đặt giá cái đầu bằng một tạ muối. Được vài ngày, đoàn cán bộ chuẩn bị chiến trường cạn lương thực, đồng chí Phách - cán bộ địa phương đã kịp thời vận động nhân dân Bản Hẻo tiếp tế cho đoàn. Lúc đoàn rút ra thì Đại đội trưởng súng cối Mạnh Trung lên cơn sốt li bì, một số chiến sĩ trinh sát dầm sương, ngâm nước, nhịn đói, cũng bị ốm nặng. Đồng chí Phách đề nghị với Đại đoàn trưởng:

- Xin để các đồng chí ốm ở lại Bản Hẻo.

- Bản Hẻo?

Một vài cán bộ ngạc nhiên. Bản Hẻo nằm ngay trên đường cái đi Gia Hội, cách thị trấn Nghĩa Lộ bốn ki-lô-mét, có tháp chuông nhà thờ. Đồng chí Phách biết ý, giải thích: Bản Hẻo là cơ sở của chúng tôi. Đồng bào vẫn nuôi giấu, bảo vệ cán bộ. Linh mục là người kính chúa yêu nước. Có lần địch sục vào bản bất ngờ, linh mục đã giấu chúng tôi ngay trong nhà thờ. Nhân dân Bản Hẻo đã nhận giấu 16 cán bộ, chiến sĩ trinh sát bị ốm nặng, săn sóc nuôi dưỡng cho đến ngày đại quân tiến vào mới trả về đơn vị.

Đêm 7 tháng 10 năm 1952, đại quân vượt sông Thao. Đại đoàn 308 và pháo binh qua bến Âu Lâu. Các đơn vị khác qua các bến Mậu A, Cổ Phúc. Chỉ trong một đêm, nhân dân Yên Bái chở hết quân của 308 và pháo binh sang sông. Thật là một kỳ tích. Người chèo thuyền số đông lớn tuổi, lại có những em gái tuổi đang 15,16, bóng nhỏ vai gầy, cúi rạp xuống dưới sức nặng của mái chèo. Nam nữ thanh niên Yên Bái đi bộ đội, đi dân công hết cả rồi chăng? Một kỳ tích nữa là cả một tập đoàn chiến dịch gần 5 vạn quân vượt sông Thao tiến vào Tây Bắc mà địch không hề hay biết. Cho tới 10 ngày sau đó, khi quân ta nổ súng tiêu diệt Phân khu Nghĩa Lộ, Bộ Chỉ huy Pháp ở Hà Nội vẫn đinh ninh là Việt Minh sẽ tấn công hướng đồng bằng Bắc Bộ.

Qua sông, Trung đoàn Thủ đô (102) và Trung đoàn Tu Vũ (88) ở mũi tiến công chính theo đường mòn xuyên rừng vượt Khau Vác tiến vào Nghĩa Lộ, Trung đoàn Bắc Bắc (36) theo đường 13 vượt đèo Bụt tiến vào Cửa Nhì. Cuộc hành quân vượt đèo Khau Vác là một kỷ niệm khó quên. Khau Vác, một nhánh đuôi của Hoàng Liên Sơn cao ngót 1.500 mét, quanh năm mây phủ. Dốc đứng từ 50-60 độ, chân người đi trước chạm mũi người đi sau. Lối mòn gấp khúc, men qua những tảng đá lớn như lô cốt, bộ binh lách qua còn dễ, pháo binh 4 người khiêng một nòng pháo, hoặc vác mỗi người một khối thép nặng từ 57 đến 120 cân, đã phải thốt lên: “Khau Vác! Khau Vác!”.

Dân công gồng gánh lương thực đạn dược theo sát bộ đội, đường trơn mưa ướt, có lúc ùn tắc không nhích được nửa bước vẫn cứ gánh gồng trên vai không dám đặt xuống. Đường mòn nhão bùn như vữa, bốc lên mùi tanh của lá mục rừng già, muỗi vắt hàng đàn, bàn chân bị nước ăn trắng bệch, có chỗ rộp phồng. Nhưng không một ai lùi bước.

Trên đường hành quân, bộ đội nhận được thư Bác:

Gửi các cán bộ, chiến sĩ

Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng. Các chú phải đánh cho thắng.

Tất cả các chú, cán bộ cũng như chiến sĩ đều phải:

- Quyết tâm chiến đấu, triệt để chấp hành mệnh lệnh.

- Bền bỉ dẻo dai, vượt qua mọi gian khổ, khắc phục mọi khó khăn.

- Thương dân, trọng dân và tốt với dân.

- Tiêu diệt thật nhiều địch, giành cho được toàn thắng. Bác chờ tin thắng lợi của các chú để khen thưởng các chú.


Ngày 14 tháng 10 năm 1952, chiến dịch Tây Bắc mở màn. Để tạo thế cho Đại đoàn 308 vào sâu chiếm lĩnh trận địa bao vây tiêu diệt Sở chỉ huy Phân khu Nghĩa Lộ, các trung đoàn bạn đánh trước một số vị trí: Trung đoàn 174 đánh Ca Vịnh, Trung đoàn 141 đánh Sài Lương, quân địch ở các vị trí này bỏ chạy. Trung đoàn 98 tiêu diệt vị trí Gia Phù. Ngày hôm sau (ngày 15-10-1952), Ti-ri-ông, Chỉ huy trưởng Phân khu Nghĩa Lộ đưa một đại đội Ta-bo (lính Ma rốc) vừa được tăng cường đi sục sạo ở Khau Vác, bị một đơn vị của Đại đoàn 312 tiêu diệt gọn tại Nậm Mười. Ngày 16-10, các vị trí địch ở Thượng Bằng La, Ba Khe rút chạy. Bộ Chỉ huy Pháp ở Hà Nội thấy tình hình nghiêm trọng vội ném tiểu đoàn dù số 6 (6 è BPC) do Bi-gia (Bigeard) chỉ huy xuống Tú Lệ để chặn đường tiếp tế của quân ta, giữ Sơn La và giải tỏa cho Nghĩa Lộ. Chúng cũng tăng cường tiểu đoàn 3 Lê Dương (3/3 REI) lên Nà Sản để bảo vệ Sơn La. Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra lệnh cho Đại đoàn 308 nhanh chóng tiến vào bao vây chặt quân địch ở Nghĩa Lộ, không cho chúng rút chạy về Sơn La và nhanh chóng tiêu diệt toàn bộ quân địch.

Ngày 17-10, hai trung đoàn 102 và 88 từ đỉnh cao 1.500 mét đổ xuống tiến vào chiếm lĩnh trận địa bao vây Nghĩa Lộ. Lợi dụng sương mù, Trung đoàn 102 cùng với pháo binh và súng phòng không chiếm lĩnh những điểm cao đối diện với Pú Chạng, đợi lệnh nổ súng, Trung đoàn 88 chờ trời tối sẽ tiến vào Nghĩa Lộ phố. Trong lúc đó, Trung đoàn 36 đã bao vây Cửa Nhì.

Đúng 14 giờ 30, ngày 17-10, pháo binh ta bắn phá trận địa pháo 105 ly của địch ở Nghĩa Lộ phố, tạo điều kiện cho Trung đoàn 102 từ 3 hướng chia làm nhiều mũi tiến đánh Pú Chạng.

Ba tốp máy bay Hen Cát và một tốp B26 xuất hiện trên bầu trời, ném bom na pan và bom phá vào đội hình xuất phát xung phong làm 34 cán bộ, chiến sĩ bị thương, trong đó có trung đoàn phó Hùng Sinh. Bộ đội phòng không nghênh chiến, bắn rơi 2 chiếc Hen Cát. Đại đội chủ công 267 lọt vào đồn, nhanh chóng thọc sâu chia cắt quân địch. Đến 20 giờ, cùng ngày, Trung đoàn 102 tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Pú Chạng. Ta bắt sống 177 địch trong đó có viên quan tư Tiriông. Trong lúc quân ta thu dọn chiến trường, máy bay địch lại ném bom xuống trận địa, tiểu đoàn trưởng Vũ Phương hy sinh ngay dưới chân đồi.

Tôi rất biết Vũ Phương. Đó là một cán bộ trẻ tuổi, thông minh dũng cảm đã đánh thắng trận Bình Ca năm 1947, khi ấy tôi là chính trị viên tiểu đoàn đã kết nạp Vũ Phương vào Đảng ngay sau chiến thắng. Rồi Vũ Phương đánh thắng trận Non Nước và lần này đã đánh thắng trận Pú Chạng nhưng cậu ấy đã hy sinh.

Cứ điểm Pú Chạng bị tiêu diệt sớm; Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ ra lệnh cho Trung đoàn 88 chiếm lĩnh trận địa dưới ánh pháo sáng và đèn dù của máy bay địch, đến 3 giờ sáng ngày 18-10 thì nổ súng. Giai đoạn mở của đột phá diễn ra rất gay go. Bộ đội ta vừa đối phó với máy bay, và khẩn trương diệt các ổ đề kháng của địch trong cứ điểm. Đến 8 giờ sáng ngày 18-10, Trung đoàn 88 tiêu diệt hoàn toàn vị trí Nghĩa Lộ phố, bắt 235 tên địch trong đó có cả tên Đại úy Bác-be (Barbère), Chỉ huy quân tăng viện. Ta thu nhiều vũ khí, quân trang quân dụng, trong đó có 2 khẩu pháo 105 và hàng nghìn viên đạn pháo.

Tại Cửa Nhì, địch cũng dùng máy bay thả bom na-pan xuống trận địa bao vây của ta. Bộ đội ta có đồng chí trúng na-pan đã lăn mình dập lửa rồi tiếp tục vây ép địch. Nắm đúng thời cơ lúc quân địch chuẩn bị rút chạy, trung đoàn trưởng Hồng Sơn ra lệnh tấn công. Trận đánh diễn ra nhanh, gọn. Trong đêm 18-10-1952, Trung đoàn 36 diệt đồn Cửa Nhì, bắt sống 80 tên trong đó có 2 tên sĩ quan chỉ huy. Đại đoàn 308 đã hoàn thành nhiệm vụ. Cả 3 trung đoàn đều lập công xuất sắc.

Tại Cửa Nhì, tiểu đoàn phó Tường (có biệt hiệu là Tường kính) đã hy sinh. Đó là một cán bộ trẻ có cặp mắt tươi cười sau cặp kính trắng, rất có năng lực, đầy triển vọng. Anh vấp phải mìn khi đi trinh sát. Trong khi Đại đoàn 308 tiêu diệt Sở chỉ huy Phân khu Nghĩa Lộ thì trên các hướng khác, Trung đoàn 98 tiêu diệt Sở chỉ huy Tiểu khu Phù Yên. Quân địch ở Vạn Yên rút chạy. Trên hướng Bắc, dưới áp lực của Đại đoàn 312, quân địch ở Gia Hội rút chạy về Tú Lệ, nhập với tiểu đoàn dù tháo chạy về phía sông Đà. Trung đoàn 165 đuổi địch suốt 5 ngày đêm, diệt và làm tan rã hàng trăm quân địch. Ngày 23 tháng 10, Đại đoàn 312 đã có mặt ở bờ sông Đà. Phía mũi vu hồi chiến dịch đánh vào phía sau lưng địch ở Lai Châu Tiểu đoàn 910 (Trung đoàn 148) từ Lào Cai tiến vào Quỳnh Nhai đánh tan một tiểu đoàn nguỵ và một tiểu đoàn Tabo tới cứu viện.

Sau 10 ngày đêm chiến đấu (từ ngày 14-10 đến ngày 23-10-1952), ta đã giải phóng một khu vực rộng lớn vùng hữu ngạn sông Thao, tả ngạn sông Đà từ Vạn Yên đến Quỳnh Nhai, làm chủ con đường 13 nối liền Yên Bái với Nghĩa Lộ. Phân khu Nghĩa Lộ và Tiểu khu Phù Yên bị tiêu diệt. Ta diệt 500 quân địch, bắt sống trên 1.000 tên, trong đó có 300 lính Âu Phi, nhiều sĩ quan, chỉ huy các cấp. Đợt một chiến dịch kết thúc thắng lợi!

Ngày 5 tháng 11 năm 1952, có tin một lực lượng lớn do đích thân Đờ Li-na-rét (De Linarès) tư lệnh quân Pháp ở Bắc Bộ chỉ huy đánh lên hậu phương chiến dịch ở Phú Thọ. Đây là cuộc hành binh mang tên Lo-ren (Lorraine).

Bảo vệ hậu phương chiến dịch


Như trên đã nói, trận mở màn chiến dịch Tây Bắc, chỉ trong mười ngày, quân ta đã tiêu diệt Phân khu Nghĩa Lộ, Tiểu khu Phù Yên, giải phóng vùng hữu ngạn sông Thao – tả ngạn sông Đà từ Vạn Yên đến Quỳnh Nhai, áp sát sông Đà, chuẩn bị vượt sông tiến sâu vào Tây Bắc. Quân Pháp đối phó quyết liệt: một mặt chúng lập phòng tuyến hữu ngạn sông Đà, tăng quân lập tập đoàn cứ điểm Nà Sản; mặt khác, chúng huy động lực lượng mở cuộc hành binh Lo - ren đánh lên hậu phương chiến dịch ở Phú Thọ nhằm triệt đường tiếp tế, tàn phá làng mạc, kho tàng, hòng kéo lực lượng ta về để giảm nhẹ áp lực ở Tây Bắc.

Trong các chiến dịch quân sự mà quân Pháp đã tiến hành cho tới lúc đó ở Đông Dương, thì Lo-ren là cuộc hành binh lớn nhất, lực lượng gồm: 4 binh đoàn cơ động, 3 tiểu đoàn dù, 5 đội com-măng-đô, 2 tiểu đoàn thiết giáp, 2 đại đội chiến xạ hạng nhẹ và thiết giáp trinh sát, 2 thủy đoàn xung kích, 2 cụm pháo binh cùng các đơn vị công binh, tổng số quân lên đến 30.000 người. Cuộc hành binh Lo-ren do Tư lệnh quân Pháp ở Bắc Bộ, Đờ Li-na-rét lập kế hoạch và trực tiếp chỉ huy. Ngày 28-10-1952, quân địch từ Trung Hà, Việt Trì theo đường sông và đường số 2 đánh lên thị xã Phú Thọ. Ngày 8-11-1952, chúng cho quân nhảy dù xuống Đoan Hùng.

Sự kiện này xảy ra không ngoài dự kiến của Bộ Tổng Tư lệnh. Trong hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông viết: “Ta đã dự kiến khi mở chiến dịch Tây Bắc, địch có thể đánh lên Phú Thọ, nên đã bố trí tại đây trung đoàn 176, một tiểu đoàn của trung đoàn146 cùng bộ đội địa phương với nhiệm vụ ngăn chặn quân địch, bảo vệ nhân dân, bảo vệ kho tàng”. Bộ Tổng Tư lệnh quyết định giữ vững quyền chủ động tiếp tục thực hiện đợt hai chiến dịch Tây Bắc, vượt sông Đà tiến vào giải phóng Sơn La, chỉ rút khỏi đội hình chiến dịch một trung đoàn, nhanh chóng quay về tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, cùng với bộ đội chủ lực và địa phương phá âm mưu địch đánh vào hậu phương ta. Đơn vị được trao nhiệm vụ là Trung đoàn 36, một trung đoàn giỏi đánh vận động, do tiền phương Bộ Tổng Tư lệnh trực tiếp chỉ huy. Thời gian nổ súng đánh địch ở Phú Thọ được quy định chậm nhất là ngày 14-11-1952, trước khi đợt hai chiến dịch bắt đầu.

Tại Phú Thọ, nhân dân và các cơ quan, xí nghiệp, kho tàng đã được lệnh sơ tán vào rừng. Quân và dân Phú Thọ sẵn sàng nghênh chiến. Giặc Pháp bước chân vào huyện Tam Nông đã bị chặn đánh, chết 40 tên. Du kích một xã ở Lâm Thao một ngày ba lần đánh bật địch ra khỏi xã, diệt 20 tên. Du kích thị xã Phú Thọ giật bom tiêu diệt một trung đội địch. Dân quân Thanh Ba diệt 10 tên giặc. Du kích Đoan Hùng đang làm đồng thấy giặc nhảy dù, dùng dao, đòn xóc đánh địch, diệt tại chỗ hàng chục tên. Cụ lão du kích Dương Am ở Thanh Thuỷ một mình đánh giặc, đoạt được một tiểu liên. Dân quân Phù Ninh bám đường số 2 đánh mìn diệt một xe. Tuy chỉ một, hai xe cơ giới bị lật đổ, vài tên giặc gục xuống nhưng hiệu quả lớn hơn nhiều: binh lính địch gờm sợ, không dám tiến sâu vào hai bên đường, đốt nhà, phá phách. Tuy vậy, chúng cũng phá được 3 kho gạo, 1 kho muối, 1 kho vũ khí hơn 100 tấn mà quân ta chưa kịp di chuyển.

Sau nửa tháng hành quân, cuộc hành binh Lo-ren với 3 vạn quân Pháp đánh lên Phú Thọ không mang lại cho chúng kết quả mong đợi. Ở Tây Bắc, quân ta vượt sông Đà, tiếp tục tiến công địch.

Ở đồng bằng Bắc Bộ, nắm thời cơ lúc đại bộ phận quân cơ động bị địch giam chân ở Phú Thọ, hai đại đoàn 320 và 304 tiến sâu vào vùng hậu địch trống rỗng như trong chiến dịch Hòa Bình cuối năm 1951. Trong vòng 10 ngày, từ ngày 5 đến ngày 15-11-1952, chỉ tính riêng bên tả ngạn sông Hồng đã có tới 34 vị trí từ một trung đội đến một đại đội địch bị quân ta tiêu diệt, 16 vị trí rút chạy và 29 vị trí bị bao vây. Sáng ngày 14-11-1952, quân ta đánh vào Phát Diệm, bắn chìm 3 tàu địch và tiêu diệt 3 đại đội đồn trú. Bộ Chỉ huy Pháp ở vào tình thế buộc phải rút quân về cứu nguy cho đồng bằng Bắc Bộ. Cũng có thể chúng đã phát hiện có một bộ phận chủ lực ta ở Tây Bắc đã quay về.

Chiều ngày 14-11-1952, Tổng Chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương, Tướng Sa-lăng ra lệnh rút quân. Lúc này, Trung đoàn 36 đã kịp về đến đất Phú Thọ. Trung đoàn 36 đã mở một cuộc hành quân thần tốc đi liên tục 4 ngày 3 đêm từ Cửa Nhì về đến Phú Thọ. Bộ đội hành quân thâu đêm suốt sáng. Chân bước vội vã như chạy như bay. Điều gì thôi thúc chiến sĩ như vậy? Đó là các tin tức: “Địch đánh lên Phú Thọ!”… “Chúng chiếm Thái Ninh rồi!”… “Chúng nhảy dù Phú Đoan!”.

Bắc Bắc là quê hương sản sinh ra trung đoàn, Phú Thọ là quê hương đùm bọc nuôi dưỡng trung đoàn. Nhiều chiến sĩ trung đoàn là con em Phú Thọ. Về Phú Thọ là về quê nhà.

Đến Thu Cúc, trung đoàn phái Tiểu đoàn 84 đi đánh địch ở Đồn Vàng. Gặp đồng bào gồng gánh, bồng bế trẻ em chạy giặc, đến bờ sông Hồng nhìn thấy ánh lửa địch đốt cháy làng mạc, nghe tiếng đại bác địch dội vào ngực, chiến sĩ trung đoàn nóng lòng giết giặc. Nhân dân Phú Thọ đã sẵn sàng hàng trăm chiếc thuyền nan, một đêm đưa toàn trung đoàn sang sông.

- Các anh ơi! Về mau lên!

- Các con đã về!

- Các anh đây rồi!

Không có một mệnh lệnh nào, một lời động viên nào bằng lời nói của đồng bào.

Theo kế hoạch ban đầu, Trung đoàn trưởng Hồng Sơn đã thống nhất với Chỉ huy trưởng Mặt trận Phú Thọ Vũ Hiển, Trung đoàn 36 sẽ đánh đồn địch ở Vân Mộng. Qua sông Hồng, trung đoàn đi đến khu vực Tăng Mỹ giấu quân bí mật, không chạm trán với quân địch đi càn quét, tích cực chuẩn bị cho trận đánh đồn Vân Mộng sẽ diễn ra vào tối 16-11-1952.

Đúng vào lúc ấy, ngày 16-11-1952, trung đoàn nhận được tin địch rút. Điện của tiền phương Bộ Tổng Tư lệnh: “Địch bắt đầu rút. Sơn Đông tìm cách đánh ngay” (Sơn Đông là bí danh của Trung đoàn 36 trong chiến dịch Tây Bắc). Trinh sát của Trung đoàn 36 phái đi trước quay về báo tin: Từ sáng đến chiều 15-11, có 90 xe địch từ Đoan Hùng về Phú Hộ.

Trung đoàn trưởng Hồng Sơn chỉ huy trung đoàn đã nhiều năm, biết rất rõ năng lực của trung đoàn: tích cực, chủ động, cơ động linh hoạt, đã đánh là thắng, đã đánh là quyết định chiến trường. Đó là truyền thống Quân Tiên Phong. Trung đoàn trưởng chuyển quyết tâm tác chiến từ đánh đồn sang phục kích đánh địch rút lui. Thời gian rất gấp, phải đánh ngay sáng hôm sau 17-11, không để cho địch rút quá xuống dưới, địa hình trống trải khó đánh. Khu vực được chọn để phục kích là đoạn đường số 2 từ Chân Mộng đến Trạm Thản.

Cán bộ quân sự đi trước, vừa đi vừa hình thành kế hoạch tác chiến, vừa đi vừa giao nhiệm vụ; Tiểu đoàn 80 chặn đầu, Tiểu đoàn 89 khóa đuôi, gọi Tiểu đoàn 84 về làm dự bị.

Địch chốt 3 đồn ở Vân Mộng, Châu Mộng, Năng Yên. Đoàn cán bộ quân sự do Trung đoàn trưởng Hồng Sơn, các tiểu đoàn trưởng Cao Lưu, Mai Xuân Tân dẫn đầu đang tìm đường mòn ra đường số 2 thì từ một bụi cây, một ông già tay cầm rìu xuất hiện, nói khẽ: “Bộ đội đi đâu? Đồn Năng Yên kia! Nói to nó nghe thấy!”. Đó là cụ Nguyễn Văn Kính quen gọi là ông già “Lán than” chuyên chặt củi đốt than. Cụ dẫn đoàn cán bộ tránh đồn địch, đi ra đường số 2. Trung đoàn trưởng chỉ khu vực bố trí cho các đơn vị, giao nhiệm vụ tại thực địa. Ông già Lán than dắt tiểu đoàn trưởng Cao Lưu và Tiểu đoàn 89 ra nơi ém quân. Phía tiểu đoàn 80 có đồng chí Bình dân quân xã dẫn đường. Những người đi sau cùng xóa sạch dấu vết. Trận địa phục kích được hình thành trước 5 giờ sáng. Tiết đông lạnh lẽo, trời đầy mây, gió thổi rào rạt. Các chiến sĩ 36 thu mình dưới tán lá rừng đào công sự, chờ giặc đến. Chỉ có vài tổ cảnh giới bí mật bám đường.

Về phía địch, binh đoàn lính dù do Đơ Cuốc-nô chỉ huy đã rút an toàn về tới Việt Trì chiều 15-11. Lực lượng còn lại tập kết tại Đoan Hùng, sáng 17-11 bắt đầu rút, GM4 đi đầu do Kéc-ga-va-rat chỉ huy. GM1 đi sau do Bát-tia-va-ni chỉ huy. Mỗi đơn vị đều có pháo binh riêng, có xe tăng thiết giáp yểm trợ riêng.

Từ đồn Chân Mộng, hai đại đội lính thuộc địa An-giê-ri sục sạo hai bên đường. Địch bắt được 2 chiến sĩ cảnh giới của ta. Tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Chương bị thương nặng ngất lịm, địch cho là đã chết. Giặc tra tấn dã man chiến sĩ Lê Văn Hiến nhưng đồng chí nhất định không khai, chỉ nhận là du kích xã. Chính nhờ tinh thần anh dũng này mà ta đã bảo vệ được bí mật trận đánh.

Đoàn cơ giới địch nặng nề rời Chân Mộng đi vào thung lũng. Chúng xua đẩy một số đồng bào ta bị bắt đi đầu làm bia đỡ đạn. Chờ cho số đồng bào và bộ phận đi đầu vượt qua trận địa, Trung đoàn trưởng Hồng Sơn hạ lệnh đánh. Kèn lệnh vang lên, toàn trận địa nổ súng. Địch bị hoàn toàn bất ngờ. Ngay từ loạt đạn đầu, hàng chục xe địch bốc cháy, hàng trăm tên địch trúng đạn. Quân ta từ các cánh rừng hai bên đường số 2 tràn xuống, xông vào đội hình xe và binh lính địch đang hoảng loạn, diệt địch. Đội hình địch bị đánh vào khúc giữa. Số xe đi đầu (40 chiếc) chạy thoát về Phú Hộ. Số đi sau chùn lại ở đồn Chân Mộng. Ta đánh nhanh rút nhanh, bắt tù binh, thu vũ khí. Đốt xe xong, ta lui quân, chỉ để lại một lực lượng nhỏ kiềm chế. Suốt ngày 17-11, địch co lại ở đồn Chân Mộng không dám cựa, đến sẩm tối, chúng bí mật rút chạy. Nhưng thật bất ngờ, vào lúc đó, Tiểu đoàn 84 xuất hiện.

Tiểu đoàn 84 đi đánh địch ở Đồn Vàng nhưng địch ở đó đã rút. Tiểu đoàn trưởng Sơn Mã cho hành quân cấp tốc theo hướng có tiếng súng nổ. Gặp đoàn xe đi cuối, Sơn Mã ra lệnh đuổi theo trong đêm. Đường số 2 đầy xác lính địch và xe cháy làm cho Tiểu đoàn 84 càng hăng say truy kích. Tiểu đoàn trưởng Sơn Mã dẫn đầu bị trúng đạn hy sinh. Chiến sĩ Trần Văn Thoa căm thù đuổi theo dùng thủ pháo diệt xe. Tiểu đoàn 84 đuổi kịp địch, đánh vào những xe đi cuối ở Trạm Thản. Trận phục kích Chân Mộng – Trạm Thản kết thúc lúc 9 giờ tối ngày 17 tháng 11 năm 1952. Kết quả: ta diệt 400 địch, bắt sống 84 tên, bắn cháy 44 xe cơ giới có 17 thiết giáp, thu 1 xe tăng còn nguyên vẹn.

Lúc ấy, tôi là Phó Chính uỷ Trung đoàn 36 cùng với Ban Chỉ huy Trung đoàn nhanh chóng đưa Trung đoàn từ Tây Bắc quay về Phú Thọ đánh thắng trận Chân Mộng – Trạm Thản, tham gia bảo vệ hậu phương chiến dịch. Sau đó trung đoàn ở lại Phú Thọ giúp đồng bào khắc phục hậu quả cuộc hành binh Lo-ren của giặc Pháp. Chúng tôi không tham dự đợt hai chiến dịch Tây Bắc.

Đợt hai chiến dịch Tây Bắc, đêm 15 và 16-11-1952, đại quân ta vượt sông Đà. Sau gần một tháng chiến đấu, ta đã giải phóng toàn tỉnh Sơn La (trừ Nà Sản) và một phần quan trọng tỉnh Lai Châu.

Ngày 10-12-1952, chiến dịch Tây Bắc kết thúc giành thắng lợi to lớn. Chiến thắng Tây Bắc Thu đông 1952 đã mở đường cho chiến thắng Thượng Lào, giải phóng Sầm Nưa tháng 5 năm 1953, chiến thắng giải phóng Lai Châu tháng 12-1953, và chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ tháng 5-1954.

Hào khí của chiến dịch Tây Bắc được thể hiện trong các khúc “Qua miền Tây Bắc” của nhạc sĩ Nguyễn Thành: Cho tới ngày nay, sau 60 năm, các cựu chiến binh mỗi lần gặp mặt đều vỗ tay mà hát rằng:

Qua miền Tây Bắc núi vút ngàn trùng xa

Suối sâu đèo cao bao khó khăn vượt qua

Bộ đội ta vâng lệnh cha già

Về đây giải phóng quê nhà…./.