Nhận diện, phát huy lợi thế những yếu tố tác động, ảnh hưởng đến Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
TCCS - Quyết định số 1363/QĐ-TTg, ngày 8-11-2022, của Thủ tướng Chính phủ, về “Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” (Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh) là bản quy hoạch tổng thể, toàn diện; hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, xây dựng kết cấu hạ tầng và bảo đảm quốc phòng - an ninh tỉnh Hà Tĩnh trong bối cảnh mới. Do đó, cần chú trọng nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng, tác động nhằm bảo đảm quá trình triển khai thực hiện Quy hoạch diễn ra thuận lợi, nhanh chóng và mang lại kết quả đột phá, bền vững.
1. Hà Tĩnh là tỉnh nằm ở trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, là điểm trung chuyển hàng hóa với các nước Lào, Thái Lan, Myanmar trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây được kết nối với các tuyến hàng hải quốc tế từ cảng Vũng Áng - Sơn Dương (theo đường 12C đến nước Lào thông quan cửa khẩu Cha Lo (tỉnh Quảng Bình) và đường 8A qua cửa khẩu quốc tế Cầu Treo). Phía tây của tỉnh có đường biên giới giáp với Lào (dài 164,48km); phía đông là đường bờ biển dài 137km trải dọc theo địa bàn 6 huyện, thị xã (Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh)(1). Tỉnh Hà Tĩnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội, là yếu tố quan trọng góp phần hiện thực hóa các mục tiêu được đề ra trong Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh vào thực tiễn, thể hiện ở một số nội dung:
Một là, sự tăng trưởng kinh tế đóng vai trò đặc biệt quan trọng, tạo nền tảng vững chắc cho ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm việc làm, thu nhập, tạo nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội. Năm 2022, tổng giá trị sản phẩm tỉnh Hà Tĩnh (GRDP) theo giá so sánh tăng 3,98% so với cùng kỳ năm 2021 (khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 0,83%; khu vực công nghiệp, xây dựng giảm 3,23%; khu vực dịch vụ tăng 11,73%). Mặt khác, nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế có tốc độ tăng trưởng khá cao, như ngành xây dựng (tăng 24,88%); bán buôn và bán lẻ (tăng 14,59%); dịch vụ vận tải kho bãi (tăng 14,36%); dịch vụ lưu trú và ăn uống (tăng 61,07%...(2).
Hai là, tỉnh Hà Tĩnh có diện tích rừng tự nhiên (nhiệt đới) rộng lớn, trong đó, vùng núi cao có các loại rừng lá kim á nhiệt đới (hiện có trên 7.000ha có khả năng khai thác); có đường bờ biển dài 137km với nhiều cửa sông có diện tích lớn, là ngư trường lớn để khai thác hải sản. Vùng biển tỉnh Hà Tĩnh có trên 267 loài cá, thuộc 90 họ, trong đó có 60 loài có giá trị kinh tế cao, 20 loài tôm, động vật nhuyễn thể như sò, mực...; trữ lượng cá ước tính khoảng 86 nghìn tấn, trữ lượng cá đáy khoảng 45 nghìn tấn, cá nổi 41 nghìn tấn. Bên cạnh đó, tỉnh có trữ lượng khoáng sản nằm rải rác ở hầu khắp các huyện, gồm than đá, sắt, thiếc, phosphorit, than bùn, cao lanh, cát thủy tinh, thạch anh…; có nguồn nước phong phú nhờ hệ thống sông, suối, hồ, đập khá dày đặc.
Ba là, tỉnh Hà Tĩnh có nhiều bãi tắm đẹp, như Xuân Thành, Xuân Hải, Thạch Hải, Thiên Cầm, Kỳ Xuân, Hoành Sơn... (bãi biển Thiên Cầm được quy hoạch để trở thành một trong 46 khu du lịch quốc gia). Bên cạnh đó, tỉnh có 86 di tích cấp quốc gia và 529 di tích cấp tỉnh (hơn 30% nằm ở các xã ven biển) với đầy đủ các loại hình, như đình, chùa, đền thờ, nhà thờ, am, miếu... Hệ thống di sản văn hóa phi vật thể vùng ven biển rất đa dạng, nhiều lễ hội lớn gắn với các di tích cấp quốc gia, như lễ hội Sỹ - Nông - Công - Thương ở xã Xuân Thành (huyện Nghi Xuân), lễ hội đền Chiêu Trưng tại Cửa Sót, xã Thịnh Lộc (huyện Lộc Hà), lễ hội chùa Chân Tiên ở huyện Lộc Hà, lễ hội Cầu Ngư ở xã Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên), lễ hội đền Chế Thắng phu nhân ở thị xã Kỳ Anh...; nhiều loại hình dân ca, dân vũ đặc sắc gắn với tín ngưỡng dân gian của cư dân ven biển, như hát sắc bùa, hò chèo cạn, ví, giặm, đi cà kheo(3)...
Bốn là, đến nay, nhiều doanh nghiệp lớn đã tích cực đẩy mạnh triển khai thi công thực hiện các dự án, công trình trọng điểm của tỉnh để bảo đảm tiến độ và đưa vào hoạt động. Cuối năm 2021, Nhà máy sản xuất pin VinES (Tập đoàn Vingroup) chính thức khởi công tại Khu kinh tế Vũng Áng với tổng mức đầu tư gần 4.000 tỷ đồng; Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng II với tổng mức đầu tư 2,2 tỷ USD đang được tập trung đẩy mạnh thi công (đến tháng 9-2022 đã giải ngân 1/4 tổng vốn đăng ký thực hiện, dự kiến hoàn thành đi vào vận hành vào năm 2025). Với định hướng phát triển đồng bộ các vùng động lực, hành lang kinh tế, các cụm công nghiệp - thương mại - dịch vụ phía bắc của tỉnh đã tạo cơ sở cho việc bứt phá trong thu hút đầu tư(4)...
Năm là, trong chiều sâu văn hóa, người dân tỉnh Hà Tĩnh có truyền thống yêu nước nồng nàn, giàu truyền thống cách mạng, ham học, chịu khó, chịu khổ. Nơi đây cũng đã sản sinh nhiều vị anh hùng, hào kiệt, thiên tài, như Đại thi hào Nguyễn Du, Nguyễn Công Trức, Phan Đình Phùng…; nhiều chiến sĩ cách mạng ưu tú, như Trần Phú, Hà Huy Tập… Trong thời đại Hồ Chí Minh, hàng chục vạn người con tỉnh Hà Tĩnh quyết tâm lên đường ra chiến trận, xả thân cứu nước và bảo vệ Tổ quốc, nhiều người trở thành anh hùng trong chiến đấu và lao động; tỉnh Hà Tĩnh là địa phương nổi tiếng với sự hiếu học, là nôi sản sinh ra nhiều nhân tài, nhiều người trở thành giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, nhà sáng chế, nhà kinh tế lớn của quốc gia và quốc tế.
2. Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, những quy hoạch khác ở các vùng, tỉnh, thành phố trên cả nước đều ít nhiều có tác động đối với Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (giai đoạn 2021 - 2030)(5) xác định hướng đi thống nhất, toàn diện đối với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước; là sự cụ thể hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của đất nước (Bổ sung, phát triển năm 2011) là cơ sở quan trọng để Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh xác định rõ các định hướng lớn nhằm tạo đột phá trong quá trình phát triển về mặt không gian lãnh thổ, các ngành quan trọng và các giải pháp thực hiện Quy hoạch… Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đánh dấu lần đầu tiên đất nước có một bản quy hoạch tổng thể ở tầm quốc gia mang tính khoa học, khẳng định những tiền đề kinh tế, nền tảng kỹ thuật, tiềm lực nội sinh đã lớn mạnh để phát triển đất nước, đồng thời là căn cứ tổng thể để Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh, với tư cách là một bộ phận cấu thành, được triển khai đồng bộ, khoa học và thống nhất.
Đến nay, tỉnh Hà Tĩnh là một trong 5 địa phương đầu tiên của cả nước (còn có các tỉnh Quảng Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang và Thanh Hóa) được Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong khi một số tỉnh lân cận lại chưa được Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh; do đó, việc xây dựng những chiến lược phát triển dựa trên sự phối hợp, kết nối trong giải quyết những vấn đề về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh… ở tầm cấp vùng vẫn gặp không ít khó khăn. Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh luôn là một bộ phận cấu thành của Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, do đó, yếu tố kết nối, liên kết với vùng và liên vùng trong thời điểm hậu quy hoạch luôn là vấn đề cấp thiết, có tính quyết định.
Mặt khác, quy hoạch vĩ mô tạo ra căn cứ khoa học, thực tiễn để xây dựng quy hoạch vi mô, là căn cứ khoa học để triển khai các chương trình, dự án kinh tế - xã hội khả thi trong thực tiễn; do đó, cần phải chú trọng, nhanh chóng triển khai quy hoạch vi mô (cùng với việc xây dựng quy hoạch chiến lược ở tầm vĩ mô). Chỉ khi nào giải quyết tốt các khâu ở quy hoạch vi mô thì Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh mới mang lại hiệu quả trong thực tiễn.
Dựa trên những định hướng của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2020 - 2025 của Quốc hội; Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2020 - 2025, tỉnh Hà Tĩnh đã nhất quán thực hiện quan điểm phát triển bền vững; lấy con người làm trung tâm, khoa học - công nghệ là nền tảng, động lực; khơi dậy khát vọng, ý chí, đổi mới sáng tạo, phát huy giá trị bản sắc văn hóa, con người tỉnh Hà Tĩnh; xác định “bốn trụ cột - ba nền tảng” và “ba đô thị - một trung tâm - ba hành lang” làm mục tiêu ưu tiên phát triển cho thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050(6).
Đến nay, nhiều chủ trương, chiến lược phát triển của đất nước, như Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (giai đoạn 2021 - 2030), Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Chiến lược quốc phòng, Chiến lược An ninh và các chiến lược chuyên ngành khác tác động sâu sắc đối với quá trình triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh, bởi Quy hoạch vốn bao quát nhiều lĩnh vực, khía cạnh, như kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh, số hóa, xây dựng kết cấu hạ tầng, môi trường sinh thái,... Vì vậy, càng quán triệt sâu sắc, triệt để các chiến lược trên thì tính đồng bộ, bài bản của Quy hoạch tỉnh càng chặt chẽ, khoa học, tạo nền tảng cho sự phát triển. Đặc biệt, ở giai đoạn sau Quy hoạch, cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung những định hướng, giải pháp phù hợp để Quy hoạch được triển khai hiệu quả, sát với những thay đổi của thực tiễn.
Trên cơ sở đánh giá một cách khách quan, toàn diện gắn với điều kiện lịch sử cụ thể về các yếu tố tác động đến Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh, để triển khai hiệu quả Quy hoạch thời gian tới, cần tập trung thực hiện một số định hướng, giải pháp sau:
Một là, chính quyền tỉnh tiếp tục quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nội dung trong Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (cụ thể là Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 3-11-2022, của Bộ Chính trị, về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”). Đồng thời, đẩy mạnh hoàn thành các nhiệm vụ đột phá trong Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh tập trung ở 4 ngành trọng điểm, 3 trung tâm đô thị, 3 hành lang kinh tế và 1 trung tâm động lực tăng trưởng(7).
Hai là, chú trọng thực hiện các giải pháp nhằm khơi dậy tiềm năng, động lực, khát vọng phát triển, cống hiến của người dân trong tỉnh, từ đó, tạo sự thống nhất về ý chí và quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành cần tập trung bám sát mục tiêu, định hướng, chủ động triển khai các nhiệm vụ để từng bước cụ thể hóa Quy hoạch tỉnh trong thực tiễn; đồng thời, tiến hành rà soát, tham mưu bãi bỏ, thay đổi các quy hoạch chuyên ngành đã được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh.
Ba là, chú trọng thu hút, triển khai các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, nhà ở quy mô lớn, đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại, như các dự án hạ tầng ưu tiên phát triển đô thị, đường giao thông chiến lược kết nối liên vùng. Bên cạnh đó, tăng cường thu hút các dự án đầu tư lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, các dự án sản xuất điện…; xây dựng đồng bộ mạng lưới bán buôn, bán lẻ, hạ tầng thương mại... gắn với phát triển, mở rộng thị trường xuất khẩu nhằm tạo nền tảng để cải thiện hiệu quả sức cạnh tranh nền kinh tế, góp phần xây dựng môi trường làm việc ổn định, gia tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Bốn là, tập trung tháo gỡ, xử lý dứt điểm các điểm nghẽn, vướng mắc của thị trường gắn với công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đồng thời, đổi mới tác phong, lề lối làm việc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính. Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư cho hoạt động giáo dục và đào tạo, có chế độ hỗ trợ phù hợp, hấp dẫn để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; tích cực đổi mới giáo dục nghề nghiệp gắn với thế mạnh và định hướng phát triển của tỉnh. Đặc biệt, cần nâng cao trách nhiệm, hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường; thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người lao động cũng như chính sách bảo đảm an sinh xã hội.
Năm là, tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị tỉnh dựa trên nền tảng đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, kết nối số; thu hút các dự án đầu tư đi kèm với nền tảng khoa học - công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Đồng thời, chú trọng xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng đa ngành, đa lĩnh vực; Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo năng động, hiệu quả trong kết nối phát triển vùng, liên quốc gia, khu vực, quốc tế.
Những định hướng, giải pháp này là nhằm làm rõ hơn việc phát huy những mặt tích cực, khắc phục những mặt tiêu cực, hạn chế từ các yếu tố tác động, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2050, Hà Tĩnh trở thành tỉnh có nền công nghiệp hiện đại, phát triển toàn diện, bền vững, là một cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước(8). /.
-------------------
(1) Xem: Hoàng Trung Dũng: “Phát triển bền vững các ngành công nghiệp và du lịch gắn với biển ở tỉnh Hà Tĩnh hiện nay”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 23-11-2022, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/826365/phat-trien-ben-vung-cac-nganh-cong-nghiep-va-du-lich-gan-voi-bien-o-tinh-ha-tinh-hien-nay.aspx
(2) Xem: BBT: “Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh năm 2022”, Cổng Thông tin điện tử Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, ngày 30-12-2022, https://hatinh.gov.vn/vi/chi-dao-dieu-hanh/tin-bai/14981/bao-cao-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-tinh-ha-tinh-nam-2022
(3) Xem: Hoàng Trung Dũng: “Phát triển bền vững các ngành công nghiệp và du lịch gắn với biển ở tỉnh Hà Tĩnh hiện nay”, Tlđd
(4) Xem: Võ Trọng Hải: “Tỉnh Hà Tĩnh phát huy nội lực và đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp để thúc đẩy phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 12-10-2022, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/825980/tinh-ha-tinh-phat-huy-noi-luc-va-dong-hanh-cung-cong-dong-doanh-nghiep-de-thuc-day-phuc-hoi%2C-phat-trien-san-xuat%2C-kinh-doanh.aspx
(5) Xem: “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (giai đoạn 2021 - 2030)”, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 22-3-2021, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-xiii/chien-luoc-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-10-nam-2021-2030-3735
(6) Xem: Nghị quyết số 249/NQ-HĐND, ngày 8-12-2020, của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, “Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025”
(7) Cụ thể: i, Bốn ngành kinh tế trọng điểm gồm: Công nghiệp luyện thép, công nghiệp hỗ trợ, chế tạo sau thép và sản xuất điện; nông, lâm nghiệp và thủy sản; dịch vụ logistics; du lịch; ii, Ba trung tâm đô thị được xây dựng ở xung quanh thành phố Hà Tĩnh, thị xã Hồng Lĩnh (phía bắc) và thị xã Kỳ Anh là hạt nhân ở phía nam; iii, Ba hành lang kinh tế nằm ở đồng bằng ven biển (gắn với quốc lộ 1, cao tốc Bắc - Nam và đường ven biển); dọc quốc lộ 8 (từ thị xã Hồng Lĩnh đến Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo) và trung du và miền núi phía tây gắn với đường Hồ Chí Minh; iv: Trung tâm động lực tăng trưởng là Khu kinh tế Vũng Áng với hạt nhân Khu liên hợp gang thép Formosa, cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương.
(8) Nhóm PV: “Công bố Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh”, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 28-5-2023, https://dangcongsan.vn/thoi-su/cong-bo-quy-hoach-tinh-ha-tinh-638736.html
“Hòa bình và tự vệ”: Tầm nhìn chiến lược và đúng đắn trong đường lối quốc phòng - an ninh của Việt Nam  (15/09/2023)
Kết hợp nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng - an ninh với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Quân khu 5 hiện nay  (05/09/2023)
Tỉnh Thái Bình tập trung nguồn lực xây dựng lực lượng công an xã  (10/08/2023)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay