TCCS - Nghiên cứu những dự báo đưa đến chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn cơ sở khoa học, sự sáng tạo trong dự báo thiên tài của Người, mà còn là căn cứ để tiếp tục vận dụng nhằm “dự báo chính xác, kịp thời diễn biến của tình hình; chủ động ứng phó kịp thời với mọi tình huống”(1), theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong tình hình hiện nay.

Dự báo khoa học, sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử rất quan trọng trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam. Chiến thắng lịch sử này được kết thành từ nhiều yếu tố, mà một trong những yếu tố hết sức quan trọng là việc Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra dự báo về kết cục cuộc chiến tranh do đế quốc Mỹ tiến hành ở Việt Nam. Đã 50 năm kể từ khi quân và dân Việt Nam đánh thắng cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, việc tiếp tục nghiên cứu, chỉ ra cơ sở khoa học trong dự báo chiến lược, thiên tài  của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội, dựa trên những cứ liệu thực tế là vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc cho sự nghiệp cách mạng nước ta hiện nay.

Máy bay B52 được không quân Mỹ đưa vào sử dụng năm 1955 và là một trong bộ ba vũ khí chiến lược của Mỹ. Đây được xem là “Siêu pháo đài bay” hiện đại, tối tân nhất thế giới lúc bấy giờ, là niềm tự hào “Bất khả xâm phạm” của ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ. Máy bay B52 có chiều dài 48m, chiều cao 12,4m, trọng lượng cất cánh tối đa trên 200 tấn, có thể mang đến 100 quả bom với trọng lượng từ 12 tấn đến 30 tấn, trần bay cao đến 20km. Trong chiến đấu, máy bay B52 được nhiều máy bay chiến thuật khác bay yểm hộ để bảo vệ, chế áp đối phương. Với những điểm mạnh đó của máy bay B52, mục đích cuộc tập kích đường không chiến lược do đế quốc Mỹ thực hiện nhằm vào Hà Nội cuối năm 1972 là để hủy diệt tiềm lực kinh tế và quốc phòng ở miền Bắc, trọng tâm là Hà Nội, với dã tâm “đưa miền Bắc về thời kỳ đồ đá” để gây ra nỗi khiếp sợ, buộc Việt Nam phải thương lượng ngoại giao trên thế yếu và phải hạ thấp một số điều khoản của Hiệp định Pa-ri theo hướng có lợi cho Mỹ; đồng thời, ngăn chặn nguồn chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam và cứu vãn bộ máy chính quyền Việt Nam cộng hòa đang lung lay, sắp sụp đổ.

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, tổ tiên ta rất coi trọng công tác nắm địch từ sớm, từ xa làm căn cứ xây dựng kế sách đánh giặc giữ nước; đồng thời, xây dựng được nền nghệ thuật quân sự độc đáo là: Toàn dân đánh giặc, đánh giặc toàn diện, kết hợp lực, thế, thời, mưu; sử dụng hài hòa các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa bằng trí thông minh, sáng tạo để đương đầu với bất cứ giặc ngoại xâm nào, dù mạnh đến đâu. Kế thừa truyền thống chống giặc ngoại xâm của tổ tiên, với trí tuệ mẫn tiệp, tư duy sáng tạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự báo chính xác tình hình, xác định quyết tâm của dân tộc trong cuộc đối đầu lịch sử với đế quốc Mỹ trên bầu trời Hà Nội. Theo Người, trong chiến tranh phải biết địch, biết mình, luôn làm chủ tình thế. Ta biết rõ địch thì thắng, để địch biết rõ ta thì bại. Phải thấy trước, chuẩn bị trước. Giữ quyền chủ động nhưng không mạo hiểm mà phải chắc thắng, theo “Nguyên tắc đấu tranh là: “Tri bỉ tri kỷ”, nghĩa là biết địch biết ta. Nếu chỉ biết mình mà không biết địch hay là chỉ biết địch mà không biết mình là chỉ biết một nửa và không thể thành công”(2).

Chủ tịch Hồ Chí Minh nắm vững bản chất những nguyên lý, quy luật của chiến tranh làm cơ sở khoa học trong nhận thức dự báo và hoạt động thực tiễn cách mạng theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin: “… chỉ có dựa trên cơ sở hiểu biết những đặc điểm cơ bản của một thời đại, chúng ta mới có thể tính đến những đặc điểm chi tiết của nước này hay nước nọ”(3). Người nghiên cứu xu thế thời đại, mục đích, tính chất cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ để khẳng định quyết tâm đánh thắng Mỹ, giành độc lập dân tộc, giải phóng đất nước: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”(4). Nếu V. I. Lê-nin coi lý luận nhận thức của chủ nghĩa Mác là công cụ nhận thức vĩ đại, thì Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, học thuyết Mác - Lê-nin về chiến tranh và quân đội là cuốn “cẩm nang thần kỳ”, là “vũ khí tư tưởng vĩ đại của giai cấp vô sản”(5) và là vũ khí không gì thay thế được.

Thực tiễn các cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trên thế giới cho thấy, Mỹ tập kích đường không vào Thủ đô Nhật Bản năm 1945 và ở Triều Tiên năm 1953. Tại Việt Nam, ngày 18-6-1965, lần đầu tiên đế quốc Mỹ sử dụng máy bay B52 là để ném bom rải thảm xuống vùng Bến Cát (tỉnh Bình Dương); từ đó, máy bay B52 thường xuyên được sử dụng để yểm trợ cho các cuộc hành quân của Mỹ - ngụy trên chiến trường miền Nam. Tiếp theo, ngày 12-4-1966, đế quốc Mỹ đã đưa máy bay B52 ra đánh đèo Mụ Giạ (tây nam tỉnh Quảng Bình) và mở rộng đánh phá các trọng điểm giao thông trên địa bàn Quân khu 4 nhằm phá hoại, ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc xã hội chủ nghĩa cho cách mạng miền Nam. Trước thực tế đó, với quyết tâm của toàn dân tộc chống ngoại xâm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền, dù chúng có B57, B52 hay “B” gì đi nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ, chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng.

Ngày 30-12-1972, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thị sát xác chiếc máy bay B-52 Mỹ bị quân và dân ta bắn rơi tại làng Ngọc Hà (Hà Nội) trong chuyến thăm Tiểu đoàn 79 tên lửa, đơn vị có nhiều thành tích cùng quân và dân Thủ đô đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của Mỹ, cuối tháng 12-1972 _ Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu, bản chất xâm lược của đế quốc Mỹ. Nghiên cứu động thái thay đổi về con người và vũ khí trên chiến trường của quân Mỹ là căn cứ cơ bản để Người đưa ra dự báo chính xác về cuộc tập kích chiến lược đường không của Mỹ vào Hà Nội. Trước động thái của chính quyền Mỹ huy động hàng triệu lượt lính Mỹ vào trực tiếp tham chiến trên chiến trường Việt Nam, thay đổi nhiều hình thức chiến lược chiến tranh ở Việt Nam, song vẫn không cứu vãn được thất bại, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Đó là hành động tuyệt vọng của chúng, khác nào con thú dữ bị thương nặng, giãy giụa một cách hung tợn trước hơi thở cuối cùng”(6).

Trước sự thay đổi của chiến trường, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng với Quân ủy Trung ương, lãnh đạo, chỉ đạo Bộ Quốc phòng, Quân chủng Phòng không - Không quân bám sát chiến trường, chỉ đạo nghiên cứu tìm cách đánh mới, xây dựng phương pháp tổ chức, huấn luyện, giáo dục nâng cao tinh thần, ý chí, trình độ kỹ thuật, chiến thuật đánh máy bay B52 của bộ đội ta. Người rất coi trọng chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục, động viên tinh thần nhân dân, làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ, mọi người dân hiểu rõ âm mưu, bản chất, tính chất của cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B52 của đế quốc Mỹ; qua đó, nâng cao lòng yêu nước, ý chí chiến đấu kiên cường, bất khuất, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ, khắc phục được tư tưởng hữu khuynh do dự cho rằng: “B52 là bất khả xâm phạm”; “không thể bắn hạ” trong một bộ phận bộ đội và nhân dân.

Trước đó, ngay sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự báo rằng đế quốc Mỹ sẽ xâm lược Việt Nam. Người nhận định: “Thắng lợi tuy lớn nhưng mới chỉ là bước đầu”(7), “Nhân dân ta còn phải tiếp tục chống Mỹ”(8). Trong cuộc xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ không từ một thủ đoạn dã man, tàn bạo nào: Từ chiến tranh “Đặc biệt” rồi chiến tranh “Cục bộ” và “Việt Nam hóa chiến tranh”. Đây là những cơ sở để Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra dự báo đế quốc Mỹ sẽ không ngần ngại dùng máy bay B52 đánh phá Hà Nội và sớm chỉ đạo Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị chủ động ban hành, phổ biến các tài liệu tuyên truyền, giáo dục bộ đội và nhân dân thường xuyên cảnh giác, tích cực chuẩn bị đối phó với mọi âm mưu, thủ đoạn leo thang đánh phá miền Bắc bằng máy bay B52 của đế quốc Mỹ, hướng dẫn, triển khai làm tốt công tác phối hợp sơ tán nhân dân và tài sản, chuyển toàn bộ sang trạng thái sẵn sàng đánh bại nấc thang cao nhất của địch trong chiến tranh.

Ngày 22-10-1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh và Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 50/QĐ, thành lập Quân chủng Phòng không - Không quân và chỉ đạo kiện toàn tổ chức, làm tốt công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, cải tiến vũ khí, khí tài gắn trực tiếp với thực tiễn chiến trường. Người căn dặn, phải phát huy được sức mạnh sau khi hợp nhất, sẵn sàng cùng các lực lượng vũ trang nhân dân đập tan mọi âm mưu đen tối của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc xã hội chủ nghĩa... Nghiên cứu cách đánh thông qua trực tiếp chiến đấu với “Con quái vật B52”, khiến nó dần phải bộc lộ bản chất, đặc điểm, tính năng kỹ thuật, chiến thuật khi đối đầu với phòng không, không quân Việt Nam. Ngay sau khi Mỹ đưa máy bay B52 đánh phá miền Nam Việt Nam, Bộ Chính trị họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thống nhất chủ trương: “Sớm đưa tên lửa phòng không vào Nam Quân khu 4 để nghiên cứu cách đánh B52”. Người căn dặn, muốn thắng địch thì phải hiểu địch, nắm chắc địch, muốn bắt cọp phải vào tận hang. Theo đó, Quân chủng Phòng không - Không quân đã điều động nhiều đơn vị tên lửa cơ động vào trực tiếp chiến đấu, nghiên cứu cách đánh máy bay B52 tại chiến trường Quân khu 4.

Thực hiện phương châm vừa huấn luyện, vừa chiến đấu, vừa rút kinh nghiệm, chúng ta đã từng bước trưởng thành nhanh chóng về mọi mặt, nhất là kỹ thuật chiến đấu, đồng thời khả năng tác chiến hiệp đồng giữa các lực lượng ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. Song song với huấn luyện trực tiếp chiến đấu, quân đội đã phối hợp làm tốt công tác sơ tán nhân dân bảo đảm an toàn về người và tài sản. Nội dung huấn luyện mang tính thiết thực, bao gồm cả kỹ thuật và chiến thuật về quy luật hoạt động của không quân Mỹ và máy bay B52, quy trình bắn máy bay B52 trong nhiễu; huấn luyện bay đêm, cất cánh, hạ cánh ở đường băng ngắn, hẹp; cải tiến khí tài, huấn luyện bổ sung phương pháp xử lý kỹ thuật, chiến thuật đối phó với các loại tên lửa và chiến thuật giãn đội hình bay kết hợp với tăng số lượng và công suất máy gây nhiễu của Mỹ; xử lý kỹ thuật tên lửa mất điều khiển do nhiễu rãnh đạn; cải tiến thao tác lắp ráp đạn tên lửa ngay trên xe kéo; xác định phương án dùng máy bay MiG21 đánh máy bay B52; dùng phương pháp huấn luyện trực tiếp truyền đạt, hướng dẫn cách tìm chỗ yếu, sơ hở về kỹ thuật, chiến thuật của máy bay B52; thay đổi cách đánh, bố trí trận địa, xây dựng phương án đánh máy bay B52 cho từng kíp chiến đấu ngay tại trận địa,… Thông qua đó, giúp Quân chủng Phòng không - Không quân tổng kết, khái quát thực tiễn đánh máy bay B52 để biên soạn cuốn sách về cách đánh B52 và cuốn sách này trở thành “cẩm nang” chiến thắng của bộ đội tên lửa Việt Nam. Những điều đó giúp quân và dân ta có được những kinh nghiệm cần thiết khi đối đầu với chiến thuật dùng máy bay B52 của đế quốc Mỹ.

Ngày 14-12-1972, Tổng thống Mỹ R. Ních-xơn phê chuẩn kế hoạch tập kích bằng không quân chiến lược vào Hà Nội và Hải Phòng với mật danh Lai-nơ-bếch-cơ II, một kế hoạch đã được chuẩn bị rất kỹ từ trước. Nhờ nắm chắc tình hình, hiểu rõ bản chất, âm mưu, thủ đoạn của địch, chuẩn bị từ sớm về tư tưởng, tổ chức, lực lượng, quân và dân ta đã không bị bất ngờ về chiến lược, chiến dịch cũng như chiến thuật; toàn bộ các phương án đánh địch đã được triển khai thực hiện một cách đồng bộ, nhịp nhàng, ăn khớp. Việt Nam đã hạ được máy bay B52 ngay trong lòng Hà Nội, đánh bại ý đồ man rợ của kẻ thù hòng “đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá”. “Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã chứng minh sự sáng tạo trong tư duy dự báo chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần sớm chủ động triển khai xây dựng, bố trí lực lượng phòng không ba thứ quân, hình thành thế trận phòng không liên hoàn, vững chắc; do vậy, đã phối hợp, hiệp đồng, phát huy được sức mạnh khả năng chiến đấu cao nhất của từng lực lượng, tạo nên “lưới lửa phòng không” đánh máy bay B52 từ nhiều hướng, ở mọi độ cao, cả ngày lẫn đêm, đánh rộng khắp đối với các loại máy bay và thu được kết quả vang dội. Ta thắng trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.

Ý nghĩa lịch sử và giá trị thời đại của chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đối với công tác dự báo trong hoạt động quân sự, quốc phòng hiện nay

Cho đến ngày nay, nhân loại đang bước vào thập niên thứ ba của thế kỷ XXI, nhưng chỉ có lực lượng phòng không, không quân của Quân đội nhân dân Việt Nam bắn hạ được máy bay B52 của Mỹ. Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972 không chỉ là một trận thắng của một chiến dịch, mà còn là bước ngoặt quan trọng trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Chiến thắng lịch sử này là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, thể hiện phong cách tư duy quân sự Hồ Chí Minh.

Chiến thắng vang dội của quân và dân ta trên bầu trời Hà Nội, chiến thắng được mệnh danh là “Điện Biên Phủ trên không”, là chiến thắng của tinh thần quyết chiến, quyết thắng, không có gì quý hơn độc lập, tự do, của tinh thần, trí tuệ khoa học, sáng tạo Việt Nam đánh bại huyền thoại không lực Hoa Kỳ. Hà Nội trở thành điểm đến của niềm tin, là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lương tri, nhân phẩm của những con người yêu chuộng hòa bình, tự do, độc lập. Bằng trí tuệ và sức mạnh Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, chúng ta đã đập tan sức mạnh tưởng như vô địch của quân đội Mỹ, trong đó “thần tượng B52” - vũ khí hiện đại nhất của quân đội Mỹ - hoàn toàn có thể bị đánh bại bởi sức mạnh to lớn của cuộc chiến tranh chính nghĩa của một dân tộc có lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần chiến đấu dũng cảm, sáng tạo. Đó là cội nguồn sức mạnh, là nội lực để chúng ta đánh thắng đế quốc Mỹ, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; tiếp tục vượt qua khó khăn, thách thức, đưa công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đi đến thành công.

Vận dụng sáng tạo học thuyết Mác - Lê-nin về chiến tranh và quân đội, kế thừa truyền thống nghệ thuật đánh giặc giữ nước của tổ tiên ta, là những nhân tố quyết định làm nên chiến thắng vĩ đại “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Nghiên cứu dự báo chiến lược đưa đến chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” của Chủ tịch Hồ Chí Minh gợi mở cho chúng ta nhận thức sâu sắc hơn về vai trò của công tác dự báo, phương pháp nghiên cứu đánh giá tình hình thế giới, trong nước một cách cụ thể, khách quan, toàn diện; làm tốt công tác tổng kết thực tiễn, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan trong hoạch định đường lối, chiến lược, sách lược bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham quan trưng bày sản phẩm vũ khí, khí tài tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022_Ảnh: TTXVN

Trên thế giới, những năm gần đây, tình hình xung đột vũ trang đã xảy ra với những dạng thức mới. Đối tượng gây ra chiến tranh chủ yếu là chủ nghĩa đế quốc, nhưng dưới danh nghĩa tập thể một khối quân sự hoặc tổ chức nhất định, lợi dụng vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo” hoặc lấy danh nghĩa chống khủng bố... để gây ra chiến tranh. Chúng sử dụng âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn, khủng bố, phá hoại, kích động ly khai, tự trị, dựng “ngọn cờ” hình thành các tổ chức chính trị đối lập trong nước, hướng lái "tự chuyển hóa" chính trị, kết hợp chống phá bạo loạn từ bên trong với sự ủng hộ của lực lượng đối lập từ bên ngoài, tiến hành “thay đổi” để dựng lên chính quyền mới thân phương Tây. Theo đó, không gian, thời gian, tính chất chiến tranh thay đổi, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thì bên cạnh nhiều thuận lợi, thời cơ mang lại cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vẫn còn xuất hiện không ít những hạn chế, nguy cơ tác động đan xen, phức tạp, biến động “ngẫu nhiên”, khó lường từ đối tượng, đối tác quan hệ trong hoạt động quân sự, quốc phòng, gây khó khăn cho công tác nắm bắt, phân tích, dự báo chiến lược của chủ thể làm công tác dự báo chiến lược quân sự, quốc phòng. Đó là, bất ngờ về kẻ địch, như âm mưu, mục đích, phương thức, thủ đoạn, hiệu quả sử dụng vũ khí công nghệ cao; bất ngờ về năng lực nắm bắt tình hình của đối phương.

Trong thời gian vừa qua, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, công tác dự báo trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng được tiếp tục giữ vững và tăng cường, tư duy nhận thức về công tác quân sự, quốc phòng, đối tượng, đối tác có bước phát triển mới và dần được hoàn thiện. Đảng ta luôn xác định, bảo đảm quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên; quyết tâm chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn, khủng bố, phá hoại của các thế lực thù địch, phản động; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, không để hình thành các tổ chức đối lập trong nước. Việt Nam đã tham gia tích cực, có hiệu quả hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; xử lý hiệu quả các vụ việc phức tạp về quân sự, quốc phòng; đặc biệt là, ứng phó kịp thời với các mối đe dọa về quốc phòng, an ninh trên các địa bàn chiến lược, biên giới và trên biển, không để đối tượng bên ngoài tạo cớ xung đột; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.

Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra, công tác nghiên cứu dự báo chiến lược vẫn còn có những hạn chế, bất cập. Điều này đã được Đảng ta chỉ rõ: Chất lượng công tác nắm bắt, đánh giá, dự báo tình hình tham mưu với Đảng, Nhà nước có nội dung chưa toàn diện. Công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng còn hạn chế, khó khăn do tình hình tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao; tội phạm ma túy có vũ trang diễn biến phức tạp. Những thành công và hạn chế về quân sự, quốc phòng do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó nguyên nhân chủ quan cơ bản là: “Công tác nắm tình hình, dự báo chiến lược về quốc phòng, an ninh có lúc chưa thật chủ động”(9).

Trong thời gian tới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn của thế giới, nhưng tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo; hợp tác, cạnh tranh lợi ích giữa các đối tượng, đối tác gia tăng. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động toàn diện, sâu sắc, tạo sự phát triển trên các lĩnh vực nói chung và lĩnh vực quân sự, quốc phòng nói riêng, các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng phức tạp. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan, dân túy, cường quyền nước lớn trỗi dậy can dự, chi phối, thỏa hiệp, tranh giành sự ảnh hưởng trong các quan hệ quốc tế, tác động thẩm thấu hòng làm chuyển hóa chế độ chính trị ở Việt Nam. Tình hình Biển Đông sẽ diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường hơn, gây khó khăn cho công tác nghiên cứu dự báo chiến lược về quân sự, quốc phòng; các thế lực thù địch, phản động tiếp tục đẩy mạnh “diễn biến hòa bình”, tác động “chuyển hóa”, quyết liệt chống phá Đảng, Nhà nước với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn.

Từ nhận thức trên, Đảng ta khẳng định: “Phải kịp thời đổi mới tư duy và hành động, thực hiện tốt công tác dự báo, bảo đảm đánh giá đúng, đầy đủ, kịp thời, chủ động thích ứng với những biến động khó lường của thế giới…”(10). Để bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, công tác dự báo chiến lược về quân sự, quốc phòng cần thực hiện tốt một số yêu cầu có tính chất phương pháp luận: Một là, quán triệt sâu sắc tình hình nhiệm vụ, vận dụng nhuần nhuyễn các quan điểm của Đảng về quân sự, quốc phòng; hai là, nâng cao chất lượng nghiên cứu, nắm chắc tình hình, xử lý thông tin, tham mưu chiến lược về quân sự, quốc phòng, như Đại hội XIII của Đảng đã đề cập; ba là, xây dựng đồng bộ văn bản pháp lý, phát huy vai trò chủ động phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị và giữa các cán bộ nghiên cứu dự báo chiến lược về công tác quân sự, quốc phòng. Chủ động tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực dự báo quân sự, quốc phòng nhằm tiếp cận nguồn tri thức và phương pháp nghiên cứu dự báo của thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; vận dụng sáng tạo, kết hợp phương pháp truyền thống với hiện đại; qua đó, giúp cho mỗi chúng ta nhận thức đầy đủ hơn về tầm quan trọng của công tác dự báo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế hiện nay, từ đó làm cơ sở khoa học cho từng tổ chức và cá nhân chủ động xác định kế hoạch sát đúng; tích cực, sáng tạo trong tổ chức, triển khai thực hiện hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao./.

----------------------

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr. 323
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 8, tr. 46
(3) V. I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t. 26, tr. 174
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 2, tr. 289
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd,  t. 9, tr. 408
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 131
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 466
(8) Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử, Hồi ức, Hữu Mai thể hiện, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2000, tr. 463
(9) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 87
(10) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. II, tr. 80