TCCS - Sau 10 năm thực hiện Luật Phố biến, giáo dục pháp luật, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong Công an Thành phố Hà Nội đã có những chuyển biến mạnh mẽ. Công an thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động, việc làm cụ thể, nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện, bền vững trong ý thức tự giác tuân thủ, chấp hành Hiến pháp và pháp luật của cán bộ chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn thành phố.

Lực lượng Công an thành phố thường xuyên phối hợp các nhà trường tổ chức nói chuyện, phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh_Ảnh: cand.com.vn

Đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống

Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện trong Công an thành phố Hà Nội đã thu được những kết quả đáng khích lệ, nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng đa dạng, hướng tới tập trung tuyên tuyền, giới thiệu các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, các quy định pháp luật có liên quan trực tiếp đến công tác công an. Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật được đổi mới; cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được củng cố, kiện toàn, bồi dưỡng về chính trị, nghiệp vụ, chất lượng hoạt động ngày càng được nâng lên. Những kết quả này góp phần ngăn chặn và hạn chế những hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, kịp thời giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp tại cộng đồng dân cư, thúc đẩy nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước.

Công an thành phố Hà Nội đã có những đóng góp quan trọng, cùng các cấp, các ngành tạo chuyển biến tích cực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần xây dựng ý thức sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật của cán bộ và nhân dân thành phố. Công an thành phố chủ động đưa nội dung của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật vào các hội nghị, họp giao ban, sinh hoạt Đảng nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, tạo sự chuyển biến trong việc chấp hành và thực thi pháp luật của cán bộ, đảng viên; tổ chức thành công nhiều hội nghị tập huấn chuyên sâu về bộ luật, luật, nghị định, thông tư liên tịch liên quan đến công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự và chức năng, nhiệm vụ của lực lượng công an nhân dân. Nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương về vai trò, mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phổ biến giáo dục pháp luật ngày càng nâng cao. Trên địa bàn thành phố, mối quan hệ phối kết hợp giữa các cấp, ngành chặt chẽ hơn, huy động sự tham gia của cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị cơ sở, cộng đồng dân cư tham gia vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. 

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật triển khai thực hiện tại Công an thành phố có những bước phát triển mới, đặc biệt trong việc hoàn thiện thể chế. Việc ban hành và triển khai thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật đã tạo cơ sở pháp lý đưa công tác này ngày càng đi vào nền nếp, thống nhất, hiệu quả. Từ đó, góp phần nâng cao sự hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của người dân, đóng góp tích cực vào việc bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật. Công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật trong Công an thành phố được thực hiện chủ động, tích cực hơn, ban hành kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật được triển khai kịp thời, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, các đơn vị trong Công an thành phố đã nhận thức đúng đắn hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Về triển khai các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời gian qua, Công an thành phố đã quan tâm khảo sát nhu cầu; lựa chọn nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với đối tượng; bước đầu ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong phổ biến, giáo dục pháp luật, đồng thời chú trọng cho một số đối tượng, địa bàn đặc thù, chất lượng báo cáo viên pháp luật được quan tâm, có sự đầu tư các nguồn lực; qua đó đã tác động tích cực, nâng cao nhận thức, hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, từng bước giảm số vụ việc và người vi phạm pháp luật, tạo môi trường thuận lợi, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Vấn đề tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ chiến sỹ trong các đơn vị được quan tâm thực hiện, trong đó tập trung vào việc tuyên truyền phổ biến các văn bản pháp luật mới liên quan trực tiếp đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của lực lượng công an, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. Công tác sơ, tổng kết đánh giá các chương trình, đề án phổ biến, giáo dục pháp luật cũng được quan tâm chỉ đạo sát sao hơn, nhiều mô hình, hình thức hiệu quả được áp dụng, nhân rộng góp phần nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong Công an thành phố nói riêng và toàn thành phố nói chung. 

Việc lồng ghép phối hợp giữa phổ biến, giáo dục pháp luật với việc thực hiện phong trào  “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, công tác dân vận và công tác giáo dục, đào tạo trong Công an thành phố đã chủ động trên các mặt tham mưu, tăng cường chỉ đạo, tích cực làm mới các hình thức, nội dung tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và chấp hành pháp luật; gắn kết với các phong trào cách mạng của toàn Đảng, toàn dân, xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến phù hợp từng lĩnh vực. Thường xuyên duy trì công tác hướng dẫn, vận động quần chúng nhân dân tham gia phát hiện, tố giác tội phạm và các tệ nạn xã hội thông qua đường dây nóng, qua phản ánh trực tiếp, qua hòm thư tố giác tội phạm… góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở. Trong 10 năm qua, quần chúng nhân dân đã cung cấp 342.736 tin liên quan đến an ninh trật tự, 56.744 tin khác, giúp lực lượng công an điều tra khám phá hàng ngàn vụ án. Lực lượng công an các cấp đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tham mưu cấp ủy, chính quyền các tổ dân phố, khu dân cư giải quyết có hiệu quả hơn 20.000 vụ mâu thuẫn, khiếu kiện trong nội bộ nhân dân; huy động trên 500.000 lượt quần chúng nhân dân tham gia công tác tuần tra, canh gác giữ gìn an ninh trật tự tại các địa bàn giáp ranh phức tạp về an ninh trật tự; tổ chức 21.129 lượt cán bộ, hội viên, đoàn viên và quần chúng nhân dân tham gia quản lý, giáo dục, giúp đỡ trên 70.000 lượt người lầm lỗi tại gia đình và cộng đồng dân cư.

Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác phổ biến pháp luật, Công an thành phố thường xuyên đổi mới phong phú nội dung tuyên truyền, vận động, cập nhật kịp thời các vấn đề mang tính thời sự, phù hợp với từng đặc điểm tình hình của thành phố. Cổng thông tin điện tử của Công an thành phố đã đăng tải gần 7.000 tin, bài nhằm kịp thời cập nhật, giải đáp các thủ tục hành chính, thông tin về các hoạt động của Công an thành phố, phục vụ hiệu quả công tác tuyên truyền, nhu cầu giải đáp các thủ tục hành chính cho người dân.

Chú trọng nâng cao hiệu quả công tác tổ chức triển khai thực hiện

Trước những yêu cầu mới của nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cần được thực hiện ở một tầm cao hơn, với một tư duy mới, toàn diện hơn, thiết thực và khoa học hơn. Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền Công an thành phố cần tập trung một số nội dung sau:

Một là, Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Kết luận số 80-KL/TW, ngày 20-6-2020, của Ban Bí thư, về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 9-12-2003, của Ban Bí thư, về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; Chỉ thị số 08/CT-BCA, ngày 15-8-2022, của Bộ Công an về tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng công an nhân dân để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ chiến sỹ trong thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an ninh trật tự. Triển khai các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại các các đơn vị nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, vai trò, ý nghĩa của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. 

Hai là, phát huy tốt vai trò chủ động, sáng tạo của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Công an thành phố trong việc tham mưu và tổ chức thực hiện, bảo đảm chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước được phổ biến kịp thời, đầy đủ đến toàn thể cán bộ chiến sỹ các đơn vị và nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Ba là, chú trọng xây dựng, nâng cao chất lượng, tăng cường số lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật và đội ngũ cán bộ pháp chế trong Công an thành phố vững vàng về chính trị, hiểu biết toàn diện về pháp luật. Lựa chọn những người có phẩm chất, năng lực, trình độ, có khả năng tuyên truyền, có lòng nhiệt tình, say mê với công việc giáo dục pháp luật. Chú trọng củng cố, phát huy vai trò của người làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở các đơn vị, thường xuyên kiện toàn, bảo đảm đủ thành phần, có quy chế làm việc rõ ràng để hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ được phân công. Cần có chế độ đãi ngộ tương xứng nhằm động viên, khen thưởng, khuyến khích kịp thời đối với đội ngũ làm công tác này để phát huy nội lực cá nhân, tạo thành sức mạnh của toàn lực lượng, đủ sức đảm nhận vai trò nòng cốt trong việc nâng cao hiểu biết, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân.

Bốn là, đổi mới thường xuyên về nội dung và hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật. Cần khắc phục tình trạng một số nội dung còn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Cách thức xây dựng nội dung còn cứng nhắc, khuôn mẫu, chưa phù hợp với trình độ hiểu biết, nhu cầu, tâm lý lứa tuổi của từng đối tượng đặc thù, thiếu sự gắn kết với những tình huống pháp luật thực tế nên chưa tạo được sức hút và khơi dậy ý thức tự tìm hiểu pháp luật trong mỗi người dân. Về hình thức, cần tiếp tục phát huy các hình thức tuyên truyền hiệu quả thời gian qua, như thông qua tổ chức hội nghị, tọa đàm, sinh hoạt chuyên đề, cung cấp các tin bài, cấp phát tài liệu hỏi đáp, tờ gấp, tờ rơi, panô, áp phích, khai thác, tìm hiểu pháp luật qua tủ sách pháp luật, tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh, truyền hình, báo chí... Đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền qua tổ chức sân khấu hóa, các trang web, mạng xã hội… 

Năm là, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, ưu tiên các hình thức như: xây dựng các tin, bài, video clip tuyên truyền; tổ chức các cuộc thi trên mạng xã hội; các hoạt động tuyên truyền qua Cổng thông tin điện tử Công an thành phố, trang Fanpage Công an thành phố Hà Nội…

Sáu là, kết hợp chặt chẽ giữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với việc tổ chức thi hành pháp luật. Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan trong công tác kiểm tra, giám sát, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án với việc tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật có liên quan nhằm nâng cao ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật của cán bộ chiến sỹ và nhân dân./.