TCCS - Chuyển đổi số đóng vai trò kết nối hộ nông dân với các doanh nghiệp chế biến, thương mại gắn với người tiêu dùng trong nước và thế giới. Thời gian qua, Hà Nội đã tích cực thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh tại các đơn vị nông nghiệp, kinh doanh nông sản, tạo đà phát triển kinh tế vùng nông thôn và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.

Chú trọng ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp

Trên địa bàn Hà Nội, những mô hình chuyển đổi số trong nông nghiệp đang xuất hiện ngày càng nhiều, góp phần đem lại những giá trị mới có tính bền vững. Hà Nội đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý cũng như hỗ trợ các nhà sản xuất, kinh doanh nắm bắt nhu cầu thị trường, đa dạng kênh tiêu thụ sản phẩm. Chuyển đổi số không chỉ giúp người nông dân giảm chi phí sản xuất, thu hẹp và loại bỏ các khâu trung gian vốn là vấn đề nan giải nhiều năm qua, việc ứng dụng công nghệ số đang từng bước đưa nền nông nghiệp vận hành theo phương thức truyền thống sang nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại. Nền nông nghiệp hiện đại đòi hỏi tính chuyên nghiệp, tư duy hợp tác, năng lực tiếp cận khoa học - công nghệ, song đây lại là hạn chế của nông dân - vốn vẫn gắn bó với phương thức sản xuất truyền thống. Do vậy, để đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Chương trình chuyển đổi số thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (kèm theo Quyết định số 4098/QĐ-UBND, ngày 6-9-2021 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội) nhằm đồng hành, hỗ trợ người nông dân ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Thành phố sẽ phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của ngành nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế. Tập trung phát triển ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý, giám sát nguồn gốc chuỗi cung ứng sản phẩm bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm. Thành phố cũng đặt mục tiêu mỗi nông dân được định hướng đào tạo, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, cung cấp, phân phối, dự báo về giá, thời vụ... nông sản; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp...

Quy hoạch vùng sản xuất tập trung, xây dựng các chuỗi nông sản từ sản xuất đến tiêu thụ sẽ giúp ngành nông nghiệp Thủ đô duy trì tăng trưởng (Trong ảnh: Chăm sóc rau sạch tại Hợp tác xã Thanh Đa (huyện Phúc Thọ)_Nguồn: hanoimoi.com.vn

Để việc chuyển đổi số trong nông nghiệp đi vào thực chất, hiệu quả, ngành nông nghiệp tiếp tục tham mưu Ủy nhân nhân dân thành phố Hà Nội cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, phát triển các nền tảng số, hoạt động dữ liệu số, tạo ra những dịch vụ nội dung số về nông nghiệp, nông thôn; đồng thời hỗ trợ nông dân phát huy vai trò làm chủ trong nền nông nghiệp số; phối hợp với các đơn vị tư vấn, cơ quan chức năng xây dựng và triển khai kế hoạch chuyển đổi số trong nông nghiệp; liên kết với doanh nghiệp chuyển đổi số, phân phối và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, chất lượng cao trên cơ sở minh bạch thông tin mã số vùng trồng, nguồn gốc sản phẩm bằng công nghệ. Bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, người nông dân cần thay đổi tư duy, chủ động vào cuộc thì mới làm chủ được công nghệ số, đáp ứng xu thế phát triển tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại.

Hỗ trợ đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Để hỗ trợ đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 08/KH-UB, ngày 7-1-2022 về việc hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn của thành phố. Theo đó, sản phẩm nông nghiệp sẽ được quảng bá, giới thiệu lên các sàn thương mại điện tử Postmart.vn (thuộc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam) và Voso.vn (thuộc Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel). Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các bên liên quan và các sàn thương mại điện tử tổ chức đào tạo, tập huấn, tạo tài khoản, gian hàng trên sàn cho các hộ sản xuất. Các sàn thương mại điện tử xây dựng quy trình đóng gói, kết nối, giao nhận để hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ sản xuất trong quy trình giao dịch trên sàn thương mại điện tử; đồng thời triển khai giải pháp truy xuất nguồn gốc hàng hóa trên sàn thương mại điện tử để bảo đảm chất lượng sản phẩm… Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ kiểm nghiệm và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp tham gia tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử; kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm các sản phẩm nông sản. Sở Công Thương hỗ trợ các sàn thương mại điện tử thủ tục xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu…

Tính đến tháng 6-2022, thành phố có 141 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Để các chuỗi phát huy hiệu quả, ngành nông nghiệp Thủ đô đã hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử để tiêu thụ sản phẩm. Mới đây, 50 hộ nông dân, tổ hợp tác trên địa bàn huyện Đông Anh đã bắt tay đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử. Nông dân được hướng dẫn từ cách tạo tài khoản, tạo kho hàng, đăng sản phẩm lên để bán, cách mô tả sản phẩm đến kinh nghiệm chốt đơn, xác định đơn hàng, chăm sóc khách hàng đối với các đơn hoàn thành. Bên cạnh đó là các thông tin hỗ trợ hướng dẫn cách thức chăn nuôi, trồng trọt, tiếp cận với nguồn thông tin về giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc trừ sâu… để có sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng và bán được ra thị trường. Trên thực tế, từ trước đó, nhiều hộ nông dân trên địa bàn thành phố đã chủ động ứng dụng công nghệ số vào sản xuất và thành lập các nhóm, tổ tiêu thụ sản phẩm qua trang điện tử. Trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp vừa qua, hàng nghìn tấn nông sản đã được nông dân các huyện kết nối tiêu thụ thông qua hình thức này.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân thành phố phối hợp với Bưu điện Hà Nội rà soát, thu thập thông tin của tối thiểu 165.497 hộ sản xuất nông nghiệp cập nhật lên giới thiệu, bán sản phẩm nông sản trên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn và Agri-postmart.vn. Các hộ nông dân sản xuất giỏi, tổ hợp tác, hợp tác xã tiêu biểu với những loại nông sản an toàn, chất lượng, có giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, các sản phẩm OCOP sẽ được ưu tiên lựa chọn tham gia sàn thương mại điện tử trước, trước mắt hoạt động được tổ chức triển khai thí điểm ở huyện Đông Anh và huyện Chương Mỹ. Tổ chức sàn thương mại điện tử góp phần tạo ra kênh phân phối mới, hiện đại, bền vững cho nông sản địa phương; hình thành không gian kinh doanh mở, định vị đúng giá trị thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm… Sàn thương mại điện tử không chỉ giúp tiết kiệm chi phí tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp mà còn cung cấp thông tin hữu ích cho các hộ sản xuất nông nghiệp như thông tin thời tiết mùa vụ, thị trường nông sản, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất.

Thời gian tới, ngành nông nghiệp Thủ đô tập trung phát triển các kênh xúc tiến thương mại điện tử và thúc đẩy chuyển đổi số, theo đó, sẽ tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm chủ lực và sản phẩm OCOP; đa dạng hóa các phương thức truyền thông, quảng bá để mở rộng đối tượng khách hàng tham gia các hoạt động giao thương. Đồng thời, phát triển chuỗi cửa hàng sản phẩm OCOP và sản phẩm chủ lực của địa phương trên các kênh thương mại điện tử và điểm du lịch trên địa bàn thành phố…/.