Nâng cao chất lượng và ý thức kỷ luật của lao động Việt Nam đi làm việc ở ngoài nước trong tình hình mới
TCCS - Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đóng góp đáng kể vào lượng kiều hối gửi về, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian tới, cần chú trọng hơn đến chất lượng lao động, những người có khả năng học tập, nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn, tiếp cận công nghệ và tư duy quản lý ở nước ngoài, để khi trở về nước sẽ trở thành nguồn lao động chất lượng cao, phục vụ quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Pháp luật Việt Nam về việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là một trong những hoạt động quan trọng nhằm giải quyết việc làm, tạo thu nhập, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng nguồn thu ngoại tệ. Những năm 80 của thế kỷ XX, Việt Nam triển khai hoạt động hợp tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài chủ yếu dưới hình thức hợp tác lao động và chuyên gia với mục tiêu hài hoà lợi ích giữa hai bên. Với các quốc gia nhận lao động, hoạt động này bù đắp sự thiếu hụt nhân lực trong phát triển kinh tế - xã hội, còn với Việt Nam thì giải quyết được việc làm cho một bộ phận người lao động và qua đó đào tạo, nâng cao tay nghề cho lao động, khi về nước phục vụ cho công cuộc xây dựng đất nước. Giai đoạn này, hoạt động hợp tác đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài chủ yếu là tới một số nước xã hội chủ nghĩa, một số nước ở Trung Đông, châu Phi... Đến đầu những năm 2000, số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài hằng năm vẫn tăng nhưng không lớn so với nguồn lao động dồi dào trong nước.
Ngày 29-11-2006, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được Quốc hội khóa XI thông qua, đánh dấu mốc quan trọng hoàn thiện văn bản thể chế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và các tổ chức tham gia hoạt động xuất khẩu lao động và một bộ phận người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm ngoài nước. Tuy nhiên, trên thực tế, một số cá nhân, tổ chức lợi dụng sơ hở trong công tác triển khai chính sách xuất khẩu lao động để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây nhiều khó khăn, thách thức trong công tác quản lý.
Để khắc phục tình trạng trên, ngày 13-11-2020, Quốc hội khóa XIV ban hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, thay thế Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006, quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, trong đó nhấn mạnh nội dung khuyến khích nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; phát huy và sử dụng hiệu quả nguồn lao động sau khi đi làm việc ở nước ngoài trở về. Ngoài ra, Luật bổ sung một số quy định liên quan đến việc ứng dụng công nghệ, số hóa thông tin về lao động di cư trong quản lý nhà nước, cải cách thủ tục hành chính thông qua phối hợp, liên thông giữa các cơ quan trong quản lý doanh nghiệp…, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới khi các quốc gia thực hiện quản lý số đối với thị trường lao động. Luật đã giải quyết nhiều vướng mắc, bất cập phát sinh trước kia, đồng thời điều chỉnh những vấn đề phát sinh từ sự tác động của đại dịch COVID-19 và Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư đối với hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Cùng với đó, việc hợp tác quốc tế về tổ chức và quản lý lao động di cư, phát triển việc làm ngoài nước và bảo vệ quyền của người lao động di cư cũng tương thích với các điều ước, thỏa thuận quốc tế Việt Nam ký kết và tham gia.
Có thể khẳng định, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài luôn được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và địa phương và người lao động. Trên thực tế, lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện rõ rệt về phúc lợi xã hội. Đa số người lao động đi làm việc ở nước ngoài khi trở về nước đã được nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn, ý thức kỷ luật lao động và trở thành nguồn lao động chất lượng cao phục vụ quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Thực trạng lao động Việt Nam ở nước ngoài theo hợp đồng trước dịch bệnh COVID-19
Chất lượng lao động và kỷ luật lao động có mối quan hệ tác động lẫn nhau. Trong quan hệ lao động, ý thức kỷ luật lao động có ý nghĩa quan trọng, góp phần bảo đảm chất lượng lao động; ngược lại, bảo đảm chất lượng lao động sẽ làm gia tăng ý thức kỷ luật của người lao động. Đối với người sử dụng lao động, kỷ luật lao động được coi là phương tiện quản lý lao động, là một nhân tố quan trọng để tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm nguyên vật liệu… Đối với người lao động, kỷ luật lao động là cơ sở để họ biết rõ các quyền và nghĩa vụ của mình, cũng như các chế tài cho việc vi phạm những nghĩa vụ đó.
Nâng cao ý thức kỷ luật lao động, người lao động có thể tự rèn luyện để trở thành người có vị trí quan trọng trong dây chuyền sản xuất, có tác phong công nghiệp, qua đó khẳng định được uy tín cá nhân cũng như thương hiệu sản phẩm lao động của tập thể. Ngược lại, muốn nâng cao chất lượng lao động, người lao động cần thực hiện tốt kỷ luật lao động, định hướng cách thức làm việc có hiệu quả ngay từ khi bắt đầu thực hiện công việc, với tinh thần trách nhiệm cao.
Kể từ khi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được thực thi, từ năm 2007 đến trước năm 2020, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã đạt được những kết quả nhất định, số lượng lao động được đưa đi tăng dần hằng năm, chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài không ngừng được nâng cao.
Về số lượng và thị trường lao động, theo đánh giá của Cục Quản lý lao động ngoài nước, Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc) là quốc gia và vùng lãnh thổ có nhu cầu tuyển dụng lao động Việt Nam cao, là hai thị trường trọng điểm (chiếm hơn 90% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài). Đài Loan (Trung Quốc) được đánh giá là thị trường tiếp nhận nhiều nhất lao động Việt Nam sang làm việc. Nhật Bản là một thị trường xuất khẩu lao động nhiều tiềm năng, nhu cầu tuyển dụng lao động Việt Nam ngày càng tăng, đa dạng về ngành nghề. Đặc biệt, đây là một trong các thị trường có điều kiện làm việc và thu nhập tốt, đòi hỏi tay nghề cao và ý thức chấp hành pháp luật cũng như ý thức kỷ luật lao động tốt, được nhiều lao động Việt Nam quan tâm và đăng ký tham gia. Ngoài ra, một số thị trường châu Âu đang có nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài, như: Rumani, Ba Lan, Na Uy có sự hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực y tế, điều dưỡng.
Với những thị trường đòi hỏi chất lượng lao động cao, yêu cầu lao động có ý thức kỷ luật tốt được đặt lên hàng đầu. Trong những năm gần đây, số lượng lao động làm việc ở nước ngoài tăng mạnh tại các thị trường có thu nhập cao như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Trung Đông... Từ năm 2006 đến năm 2019, có hơn 1 triệu lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tăng qua các năm (năm 2013 là 72.172 người, đến năm 2017 là 81.359 người..).
Về trình độ chuyên môn kỹ thuật, với việc Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức thành lập (năm 2015), lao động trong các nước ASEAN được tự do di chuyển thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương, có 8 ngành nghề được di chuyển tự do là: kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, vận chuyển và nhân viên ngành du lịch. Ngoài ra, nhân lực chất lượng cao (các chuyên gia, thợ lành nghề), trong đó có nhân lực được đào tạo chuyên môn hoặc có trình độ từ đại học trở lên, thông thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh cũng được di chuyển tự do hơn. Lao động Việt Nam trong 8 ngành nghề nói trên hoặc có trình độ, bằng cấp đạt tiêu chuẩn sẽ có nhiều cơ hội việc làm tại các nước trong khối. Do đó, số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài thuộc đối tượng này tăng lên đáng kể từ năm 2015.
Ở những thị trường lao động truyền thống như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, chủ sử dụng lao động ưu tiên tuyển chọn lao động Việt Nam có sự khéo léo, chăm chỉ, thích nghi nhanh và ý thức kỷ luật lao động cao. Ở thị trường có yêu cầu cao như châu Âu, song song với yêu cầu về tay nghề, thì việc bảo đảm kỷ luật lao động rất được chú trọng.
Về vị trí làm việc và thu nhập, những năm gần đây, một số thị trường có nhu cầu tuyển dụng nhóm ngành nghề mới mà Việt Nam có khả năng đáp ứng tốt, như điều dưỡng, hộ lý và lao động trong một số lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, đòi hỏi có tay nghề, kỹ thuật cao, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người lao động lựa chọn khi đi làm việc ở nước ngoài. Những chương trình thí điểm đưa điều dưỡng viên, hộ lý sang Đức và Nhật Bản làm việc được triển khai bước đầu gặp nhiều thuận lợi. Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, năm 2015, cơ quan chuyên môn đã kết thúc việc tuyển chọn ứng viên cho khóa 2 của chương trình thí điểm “Đào tạo điều dưỡng viên đến từ Việt Nam” cho Cộng hòa Liên bang Đức, có 125 ứng viên phù hợp đã được tuyển chọn để đưa sang Đức đào tạo. Những ứng viên này hội tụ đủ hai điều kiện, được đào tạo lành nghề và cam kết thực hiện kỷ luật lao động theo yêu cầu của quốc gia tiếp nhận lao động. Mặc dù số lượng lao động trong lĩnh vực này chưa nhiều, nhưng đã tạo đà để mở rộng thị trường xuất khẩu lao động nghề có trình độ cao, thu nhập khá tại các nước phát triển trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với quốc tế và khu vực hiện nay.
Người lao động Việt Nam làm việc tại các quốc gia có yêu cầu cao về chất lượng lao động và ý thức kỷ luật lao động, có thu nhập cao và ổn định hơn so với lao động trong nước cùng ngành nghề, trình độ. Bình quân thu nhập (kể cả làm thêm) của người lao động làm việc là 400 - 600 USD/tháng ở thị trường Trung Đông; 700 - 800 USD/tháng ở thị trường Đài Loan (Trung Quốc); 1.000 - 1.200 USD/tháng ở thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản. Hằng năm, lượng kiều hối gửi về Việt Nam khoảng 2 - 2,5 tỷ USD (1).
Về dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, các nước, vùng lãnh thổ tiếp nhận người lao động Việt Nam làm việc ngày càng mở rộng và phát triển, từ 9 thị trường năm 2013 đến năm 2019 đã mở rộng được lên tới 25 thị trường. Quy mô tổ chức, doanh nghiệp làm dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng nhanh qua các năm, từ 15 doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài trong những năm 90 của thế kỷ XX, đến năm 2019 có khoảng hơn 400 doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Tuy nhiên, số người lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua các đơn vị chưa được cấp giấy phép hoạt động xuất khẩu lao động vẫn còn nhiều. Một số đơn vị đã ủy thác trách nhiệm cho những cá nhân hoặc chi nhánh thực hiện các hoạt động xuất khẩu lao động dẫn đến tình trạng nhiều khó khăn, bức xúc của người lao động đi làm ở nước ngoài không được hỗ trợ, giải quyết kịp thời; người lao động tự ý giải quyết mâu thuẫn, dẫn đến tình trạng thiếu kiểm soát.
Tác động của đại dịch COVID-19 đến việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và một số vấn đề đặt ra
Tổ chức Lao động quốc tế ILO cho rằng, số giờ làm việc trên thế giới đã giảm trong quý I-2022 và thấp hơn 3,8% so với quý IV-2019 (mức trước khủng hoảng), tương đương với mức thâm hụt 112 triệu việc làm toàn thời gian, cho thấy một sự sụt giảm đáng kể trong quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu. Các biện pháp phong tỏa ở Trung Quốc là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm số giờ làm việc toàn cầu. Cuộc xung đột Nga - Ucraina ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, làm gia tăng lạm phát, đặc biệt là giá thực phẩm và năng lượng, đồng thời đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoài ra, bất ổn tài chính gia tăng và chính sách thắt chặt tiền tệ tác động sâu rộng hơn đến thị trường lao động trên thế giới, đặc biệt làm suy giảm số giờ làm việc trong năm 2022(2)…
Đối với Việt Nam, năm 2020 - 2021, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới khiến hoạt động đưa người ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng bị sụt giảm đáng kể. Năm 2020, Việt Nam chỉ đưa được 78.641 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 60,5% so với kế hoạch đề ra và bằng 51,65% so với cùng kỳ năm 2019 (năm 2019, có 152.230 nghìn lao động). Năm 2021, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 45.058 lao động, bằng 57,3% so với năm 2020(3). Tnh đến hết quý IV-2021, cả nước có 424 doanh nghiệp được cấp phép trong lĩnh vực hoạt động (4).
Năm 2022, mặc dù dịch bệnh còn diễn biến phức tạp trên thế giới song cùng với xu hướng mở cửa, phục hồi kinh tế toàn cầu, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã dần hồi phục. Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài chỉ trong tháng 9-2022 là 8.180 lao động (có 2.687 lao động nữ), gấp hơn 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái (tháng 9-2021 là 776 lao động, trong đó có 18 lao động nữ). Tổng 9 tháng đầu năm 2022, có 103.000 lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng. Bên cạnh đó, Việt Nam đã ký bản thỏa thuận hợp tác đưa lao động đi làm việc với một số nước châu Âu, như Đức, Romania, Czech, Bulgaria…
Đơn vị tính: người
Nguồn: Số liệu tổng hợp từ Niên giám thống kê, dữ liệu thống kê của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Khi dịch bệnh COIVD-19 trở thành đại dịch toàn cầu, việc thực hiện các quy định về an toàn, vệ sinh nơi làm việc, tuân thủ các quy định, quy trình về kỹ thuật, công nghệ tại tất cả các quốc gia đều được nâng lên ở mức tối đa và được thực hiện nghiêm ngặt, bảo đảm tính đồng bộ, tính liên kết và hiệu quả trong các hoạt động của từng người lao động và hoạt động của cả tập thể trong một dây chuyền sản xuất.
Năm 2022, thị trường lao động trong nước đã có nhiều khởi sắc với những chuyển biến tích cực. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm giảm mạnh; số lượng lao động có việc làm chính thức tăng mạnh; thu nhập của người lao động tiếp tục được cải thiện; đời sống an sinh xã hội dần được bảo đảm. Tuy nhiên, Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều rủi ro do thiếu hụt lao động cục bộ; giá nguyên, nhiên liệu đầu vào, chi phí sản xuất cao; lực lượng lao động dồi dào nhưng chất lượng vẫn còn thấp…
Đối với hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, các cơ quan chức năng và doanh nghiệp xuất khẩu lao động mới tập trung vào hỗ trợ cho người lao động nghèo, yếu thế để giúp họ có điều kiện vay vốn đi làm việc ở nước ngoài nâng cao thu nhập, hỗ trợ gia đình cải thiện đời sống. Các chương trình đào tạo cho lao động đi làm việc tại nước ngoài chú trọng nhiều đến đào tạo trình độ ngoại ngữ, trình độ chuyên môn kỹ thuật cơ bản, chưa quan tâm đúng mức đến đào tạo chuyên sâu cho từng đối tượng, lĩnh vực lao động; thời gian bồi dưỡng nâng cao ý thức kỷ luật lao động và hệ thống pháp luật, đặc biệt là pháp luật lao động của quốc gia tiếp nhận lao động còn ít. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động của Việt Nam ở nhiều nơi chưa bao phủ rộng đến cấp cơ sở, đến mọi quy mô doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do đó, việc tiếp nhận thông tin, tuân thủ, thi hành pháp luật lao động cũng như tự bồi dưỡng, tìm hiểu pháp luật lao động của người lao động, trong đó có lao động làm việc ở nước ngoài, còn rất hạn chế. Các cấp, ngành, các đơn vị làm dịch vụ xuất khẩu lao động chưa quan tâm đúng mức tới công tác phổ biến, bồi dưỡng nâng cao ý thức kỷ luật lao động, nên chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới.
Giải pháp nâng cao chất lượng lao động, ý thức kỷ luật của lao động làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Thứ nhất, xây dựng đề tài, đề án nghiên cứu cấp quốc gia để xác định rõ mục tiêu đào tạo đối với từng cấp học, bậc học, trên cơ sở đó, tiến hành phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh theo nhu cầu nhân lực của xã hội và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong ngắn hạn và dài hạn. Tiếp tục đẩy mạnh chương trình định hướng nghề nghiệp trước khi đi làm việc ở nước ngoài cho người lao động. Cần có chính sách ưu tiên, nâng cao tỷ lệ lao động đã có tay nghề, lao động lành nghề đưa đi làm việc ở nước ngoài; chú trọng bồi dưỡng ngoại ngữ và pháp luật về dân sự, giao thông, hình sự, đặc biệt về luật lao động của các nước cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài.
Thứ hai, có sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp trong giáo dục nghề nghiệp, để học viên sau khi ra trường có thể ra nước ngoài tiếp tục học tập, nâng cao tay nghề và làm việc được ở môi trường chuyên nghiệp. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người lao động. Ngay từ trong hệ đào tạo phổ thông, cần nâng thời lượng tiết học, dung lượng nội dung đào tạo theo hướng nâng cao đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội. Tiếp tục nghiên cứu mở rộng thị trường lao động, nhất là quan tâm mở rộng các thị trường đòi hỏi lao động có tay nghề cao, có mức thu nhập và điều kiện lao động tốt để người lao động Việt Nam có cơ hội được học hỏi, tích lũy thêm kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm.
Thứ ba, xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê chính xác về lao động làm việc ở nước ngoài một cách đồng bộ, thống nhất (từ cấp xã đến trung ương, liên kết cơ sở dữ liệu giữa các ngành công an, biên phòng, lao động, tư pháp)… Cập nhật thông tin về số lao động di chuyển hằng năm, đặc điểm cá nhân, mức lương, điều kiện lao động, thời gian di chuyển… suốt quá trình đăng ký xuất khẩu lao động đến khi trở về, góp phần giúp cho việc quản lý, hỗ trợ người lao động hiệu quả trong cả quá trình đi làm việc ở nước ngoài và khi hồi hương. Đồng thời, cung cấp cho người lao động cũng như học sinh, sinh viên thông tin về đào tạo, phát triển nhân lực, việc làm của quốc gia, ngành và địa phương…
Thứ tư, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật để người lao động nâng cao hiểu biết và tự giác chấp hành pháp luật, kỷ luật lao động của nước sở tại. Thực hiện tuyên truyền, giáo dục ở mức độ sâu, chuyên biệt hơn về ý thức thực hiện pháp luật lao động, tập trung vào quyền và nghĩa vụ của người lao động; đồng thời tuyên truyền, giáo dục về các giá trị, lợi ích cho người động khi hình thành và nâng cao ý thức thực hiện pháp luật lao động, tạo nên những hình ảnh đẹp của người lao động Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Nâng cao hiểu biết về văn hóa, môi trường làm việc, tác phong công nghiệp cho lao động Việt Nam tại các quốc gia tiếp nhận lao động. Kịp thời biểu dương những gương người tốt, những cá nhân, tập thể tiêu biểu, đồng thời, phê phán những hành vi vi phạm kỷ luật lao động để góp phần giáo dục ý thức và kỹ năng lao động chuyên nghiệp.
Thứ năm, có cơ chế, chính sách cụ thể trong việc ràng buộc về kinh tế đối với tổ chức, doanh nghiệp cung ứng lao động đi làm việc ở nước ngoài và đối với người lao động. Cần có chính sách cụ thể, có chế tài đủ mạnh đối với những doanh nghiệp thiếu trách nhiệm, không thực hiện đúng nghĩa vụ đối với người lao động đưa đi làm việc tại nước ngoài. Có cơ chế ràng buộc về kinh tế đối với các doanh nghiệp và với người lao động, để cùng cam kết với Nhà nước xây dựng thương hiệu cung cấp lực lượng lao động chất lượng cao, uy tín, tin cậy đối với các doanh nghiệp nước ngoài khi sử dụng lao động người Việt Nam. Nghiên cứu về việc thành lập các văn phòng đại diện cho người lao động Việt Nam tại các quốc gia có đông người lao động Việt Nam đang làm việc. Các văn phòng này có nhiệm vụ thúc đẩy tạo việc làm cho người lao động nước ngoài; cung cấp thông tin, tư vấn và bảo vệ người lao động Việt Nam ở nước ngoài để người lao động yên tâm làm việc với tinh thần trách nhiệm và ý thức là công dân Việt Nam; mỗi người lao động là một hình ảnh đại diện của đất nước và con người Việt Nam ở nước ngoài.
Thứ sáu, xây dựng các chính sách nhằm hỗ trợ người lao động tái hòa nhập vào thị trường lao động sau khi trở về nước. Tăng cường tái đào tạo, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, vay vốn sản xuất; tạo mạng lưới doanh nghiệp ở Việt Nam giới thiệu việc làm cho người lao động sau khi về nước. Tổ chức ngày hội việc làm dành cho lao động sau khi về nước một cách thường xuyên để người lao động yên tâm thực hiện đúng hợp đồng lao động, trở về Việt Nam đúng thời hạn hợp đồng, có cơ hội tìm được việc làm./.
-------------------
(1) Tham khảo số liệu từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: http://www.molisa.gov.vn/Pages/tintuc/chitiet.aspx?tintucID=219367
(2) Tổ chức Lao động quốc tế: Ấn bản thứ 9 Báo cáo giám sát của ILO về thế giới việc làm, 23-5-2022
(3) Xem: "Lao động đi làm việc ở nước ngoài giảm mạnh trong năm 2021", Tạp chí Kinh tế Việt Nam điện tử, ngày 11-1-2022, https://vneconomy.vn/techconnect/lao-dong-di-lam-viec-o-nuoc-ngoai-giam-manh-trong-nam-2021.htm
(4) Xem "Bản tin thị trường lao động Việt Nam Quý 4 năm 2021", Cổng thông tin điện tử Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, ngày 7-3-2022, http://thongke.molisa.gov.vn/infographics/cc43f298-1376-4910-a597-75ddffcba7f3
Đà Nẵng nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng  (01/11/2022)
Thành phố Thái Bình: Chung tay lắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh  (28/10/2022)
Giáo dục ý thức phòng, chống dịch bệnh lây nhiễm cộng đồng cho thanh niên quân đội hiện nay  (24/06/2022)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển