Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ: 50 năm gắn kết tình hữu nghị
TCCS - Năm 2022 là năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Ấn Độ (1972 - 2022). Trong nhiều thập niên, dù trải qua những biến động phức tạp của tình hình khu vực và thế giới, nhưng quan hệ Việt Nam - Ấn Độ luôn duy trì tình hữu nghị bền vững và ngày càng phát triển tốt đẹp. Trên cơ sở phát huy những thành tựu trong quá khứ, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ sẽ hướng tới hợp tác sâu rộng hơn nữa trong tương lai.
Quan hệ truyền thống hữu nghị thử thách qua thời gian
Lịch sử quan hệ Việt Nam - Ấn Độ bắt nguồn từ quá trình giao lưu văn hóa, tôn giáo từ hơn 2.000 năm trước và được hai lãnh tụ vĩ đại là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru gây dựng và vun đắp. Hai nước luôn ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau trong các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm và giành độc lập dân tộc. Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, Việt Nam luôn nhận được sự ủng hộ tích cực, mạnh mẽ và thực chất của Chính phủ và nhân dân Ấn Độ. Sau khi Ấn Độ giành độc lập (năm 1954), Chính phủ Ấn Độ đã không cho phép các máy bay của thực dân Pháp chở vũ khí sang xâm lược Việt Nam bay trên không phận của Ấn Độ.
Năm 1954, chỉ một tuần sau ngày Thủ đô Hà Nội hoàn toàn được giải phóng khỏi sự chiếm đóng của thực dân Pháp, Thủ tướng Ấn Độ J. Nehru - người đầu tiên đứng đầu một chính phủ của nước ngoài - đã đến Hà Nội. Điều này thể hiện rõ sự ủng hộ cao độ của Chính phủ Ấn Độ đối với sự nghiệp cách mạng chính nghĩa sáng ngời của nhân dân Việt Nam. Năm 1958, trong chuyến thăm chính thức Ấn Độ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng tôi tin rằng cuộc đi thăm lần này sẽ thắt chặt hơn nữa quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước chúng ta, đồng thời góp phần tăng cường tình đoàn kết giữa các nước Á - Phi và củng cố hòa bình châu Á và thế giới” (1). Cả hai nước luôn ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế. Việt Nam ủng hộ chính sách của Ấn Độ về Phong trào Không liên kết. Ấn Độ giữ chức Chủ tịch Ủy ban Giám sát và Kiểm soát quốc tế (ICSC), được thành lập theo Hiệp định Genève năm 1954 nhằm tạo thuận lợi cho tiến trình hòa bình ở Việt Nam. Năm 1975, Ấn Độ đã trao quy chế tối huệ quốc (MFN) cho Việt Nam. Năm 1978, hai nước đã ký kết hiệp định thương mại song phương.
Từ năm 1991, Ấn Độ triển khai “Chính sách Hướng Đông” (Look East) và sau này chuyển thành chính sách “Hành động Hướng Đông” (Act East), trong đó, ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng trở thành đối tác quan trọng của Ấn Độ trong khu vực. Năm 1992, Ấn Độ và Việt Nam thiết lập quan hệ kinh tế sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, bao gồm thăm dò dầu khí, nông nghiệp và chế tạo. Năm 1993, Hội đồng doanh nghiệp Ấn Độ - Việt Nam đã được thành lập để thúc đẩy, kết nối thương mại và đầu tư giữa hai nước. Năm 1997, Ấn Độ và Việt Nam nâng tầm quan hệ đối tác thương mại thông qua ký kết Hiệp định Bảo hộ và Khuyến khích đầu tư song phương (BIPPA).
Bước vào thế kỷ XXI, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu và bước tiến quan trọng. Quan hệ song phương nói chung và quan hệ thương mại nói riêng đã được thúc đẩy mạnh mẽ kể từ khi hai nước mở cửa thị trường và tự do hóa nền kinh tế. Hai nước đã ban hành Tuyên bố chung về Hợp tác toàn diện vào năm 2003 và bắt đầu đối thoại chiến lược từ năm 2009. Việt Nam và Ấn Độ thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2007, sau đó được nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện (CSP) vào năm 2016. Ấn Độ là một trong bốn quốc gia mà Việt Nam có quan hệ CSP. Quan hệ song phương trên các kênh của đảng, nhà nước, quốc hội, giao lưu nhân dân giữa hai nước ngày càng mở rộng và sâu sắc. Có thế thấy, sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, quốc phòng, an ninh… tạo nền tảng vững chắc và là triển vọng to lớn để hai nước tiếp tục đẩy mạnh hợp tác sâu rộng hơn nữa trong giai đoạn tới.
Thúc đẩy quan hệ song phương không ngừng phát triển toàn diện
Trong 50 năm qua, Ấn Độ là một trong những đối tác tin cậy nhất, thường xuyên bày tỏ sự ủng hộ đối với con đường phát triển và chính sách của Việt Nam trên nhiều diễn đàn khu vực và quốc tế. Không chỉ trong lĩnh vực chính trị - ngoại giao, hợp tác giữa hai nước đã và đang gặt hái nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế và quốc phòng - an ninh. Quan hệ Ấn Độ - Việt Nam tiếp tục được đẩy mạnh khi Chính phủ Thủ tướng Ấn Độ N. Modi nâng cấp “Chính sách hướng Đông” thành chính sách “Hành động hướng Đông” nhằm thể hiện quyết tâm tăng cường các kết nối về kinh tế với thị trường Đông Nam Á cũng như nâng cao vai trò và vị thế của Ấn Độ tại khu vực, trong đó, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong chính sách này, như tuyên bố của Thủ tướng Ấn Độ N. Modi, vào ngày 3-9-2016, trước Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu, Trung Quốc rằng: “Việt Nam là trụ cột mạnh mẽ trong chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ” và “quan hệ song phương giữa hai nước dựa trên sự tin tưởng, hiểu biết lẫn nhau và hội tụ những quan điểm về các vấn đề khác nhau trong khu vực và toàn cầu”. Việc đặt Việt Nam ở vị trí quan trọng, là “trọng tâm”, “cầu nối” trong chính sách “Hành động hướng Đông” đã góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Ấn Độ nói chung và quan hệ kinh tế nói riêng phát triển lên tầm cao mới.
Nếu như trước kia, quan hệ hai nước chủ yếu thể hiện trên lĩnh vực chính trị, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế thì hiện nay, quan hệ hai nước đã mở rộng sang nhiều lĩnh vực, hợp tác cùng có lợi, trao đổi thương mại ngày càng tăng; các lĩnh vực hợp tác, như quốc phòng - an ninh, khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo ngày càng được thúc đẩy và phát triển mạnh mẽ, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai nước. Quan hệ Ấn Độ - Việt Nam đang trên đà phát triển thuận lợi bởi dựa trên “ba chân kiềng” với những cam kết về chính trị - ngoại giao, quốc phòng - an ninh và kinh tế - thương mại, cụ thể:
Trên lĩnh vực chính trị, thông qua các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước trên hầu hết các kênh, từ Chính phủ tới Quốc hội, đảng phái chính trị và giao lưu nhân dân đều được thúc đẩy mạnh mẽ và trở thành cơ sở, động lực chính trị quan trọng đưa quan hệ hợp tác giữa hai nước phát triển trên mọi lĩnh vực. Có thể thấy, Ấn Độ coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam. Nhiều lãnh đạo cấp cao của Ấn Độ trong các cuộc tiếp xúc đều khẳng định Việt Nam có vai trò quan trọng, là trụ cột trong chính sách hướng Đông của Ấn Độ; bày tỏ sẵn sàng tạo mọi điều kiện để quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước toàn diện và thực chất hơn. Hai nước cũng thiết lập và phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương sẵn có, như Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Ấn Độ, Tham khảo chính trị và Đối thoại chiến lược cấp Thứ trưởng Ngoại giao, Đối thoại quốc phòng cấp Thứ trưởng Quốc phòng, Tiểu ban hỗn hợp thương mại...
Đặc biệt trong quan hệ đảng, trong nhiều năm qua, tất cả các chính đảng tại Ấn Độ, trong đó có Đảng Quốc Đại (INC), Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP), các đảng cộng sản, cánh tả, như Đảng Cộng sản Ấn Độ (CPI), Đảng Cộng sản Ấn Độ Mác-xít (CPI-M), Đảng Khối Tiến lên toàn Ấn (AIFB)… đều luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác tốt đẹp với Đảng Cộng sản Việt Nam, kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh, ca ngợi những thành tựu của Việt Nam, ủng hộ Chính phủ Ấn Độ tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam.
Về hợp tác quốc phòng - an ninh, đây là lĩnh vực hợp tác mang tính trụ cột trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ. Hợp tác quốc phòng và an ninh song phương có phạm vi rộng, bao gồm các cuộc đối thoại quốc phòng - an ninh, thỏa thuận quốc phòng song phương, các gói tín dụng quốc phòng, huấn luyện và diễn tập quân sự, mua sắm quốc phòng, hợp tác hàng hải và hợp tác đa phương, kể cả thông qua Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Về quan hệ thương mại, Ấn Độ hiện là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Trao đổi thương mại giữa hai nước đã tăng vọt hơn 60 lần, từ 200 triệu USD (năm 2000) lên 12,3 tỷ USD (năm 2019). Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 từ năm 2020 đến nay, tỷ trọng kim ngạch thương mại năm 2021 giữa hai nước vẫn đạt gần 11 tỷ USD. Hai bên đặt mục tiêu nâng tỷ trọng kim ngạch thương mại lên 15 tỷ USD trong những năm tới. Về đầu tư, Ấn Độ hiện có hơn 300 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký khoảng 1 tỷ USD, đứng thứ 26 trong tổng số 141 các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Hiện các dự án của Ấn Độ tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 60 dự án, tổng vốn đầu tư đạt 459,67 triệu USD, chiếm 50,5% về vốn đầu tư.
Về giáo dục - văn hóa, Ấn Độ hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Ấn Độ hiện đang cung cấp 150 suất học bổng ngắn hạn thuộc Chương trình hợp tác Kinh tế kỹ thuật (ITEC); 30 suất học bổng thuộc Chương trình Trao đổi văn hóa ICCR (CEP) và Chương trình Học bổng văn hóa (GCSS). Ngoài ra, Ấn Độ còn cấp cho Việt Nam một số học bổng đào tạo tiếng Hindi và văn hóa Ấn Độ (2 - 4 suất/năm). Ấn Độ cũng hỗ trợ Việt Nam một số dự án về công nghệ thông tin và giảng dạy tiếng Anh, như Trung tâm đào tạo nguồn lực chất lượng cao về công nghệ thông tin và truyền thông tại Hà Nội (ARC-ICT, hoạt động từ tháng 9-2011); giúp Việt Nam thành lập Trung tâm tiếng Anh tại Đại học Đà Nẵng (thuộc khuôn khổ hợp tác ASEAN - Ấn Độ), Trung tâm tiếng Anh tại Học viện Quốc phòng. Bên cạnh đó, Ấn Độ còn cung cấp cho Việt Nam hệ thống máy tính hiệu năng cao lắp đặt tại Đại học Bách khoa Hà Nội.
Về hợp tác trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Ấn Độ đã và đang tích cực hỗ trợ Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Ngay sau khi vượt qua giai đoạn đỉnh dịch giữa năm 2021, Ấn Độ đã cử tàu hải quân vận chuyển 300 máy tạo oxy và 100 tấn oxy y tế lỏng tặng Việt Nam để góp phần phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Ấn Độ cũng cam kết cung cấp 1 triệu liều thuốc kháng virus Remdesivir cho Việt Nam; những bệnh nhân bị nhiễm COVID-19 ở các tỉnh phía Nam trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát giữa năm 2021 đã được chữa trị rất hiệu quả bằng loại thuốc này. Tháng 8-2021, Ấn Độ ký kết thỏa thuận hợp tác với Việt Nam thử nghiệm và sản xuất vaccine Nanocovax và cam kết sẽ ưu tiên bán vaccine phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cho Việt Nam ngay khi Ấn Độ trở lại năng lực sản xuất.
Về lĩnh vực khoa học - công nghệ, hai bên xác định đây là lĩnh vực quan trọng trong mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Hiện Việt Nam và Ấn Độ đang tiếp tục triển khai hiệu quả 5 dự án nghiên cứu chung về công nghệ sinh học, viễn thám, điện tử viễn thông; thực hiện 9 dự án nghiên cứu, ứng dụng công nghệ nano, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, hải dương học, biến đổi khí hậu, Ấn Độ học, Việt Nam học; trao đổi sinh viên và giảng viên giữa các trường đại học và viện nghiên cứu hai nước (ký kết từ tháng 3-2012). Ấn Độ hiện đang tích cực hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu phát triển bền vững thông qua các dự án tác động nhanh (QIPs).
Nhìn chung, thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt với Ấn Độ mang lại cho Việt Nam nhiều lợi ích trong cả giai đoạn trước mắt và lâu dài. Triển vọng và thành quả trong hợp tác phát triển giữa Việt Nam và Ấn Độ sẽ tạo cơ hội lớn cho hai nước tăng cường hợp tác sâu rộng trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đưa Việt Nam đạt mục tiêu trở thành nước đang phát triển, có nền công nghiệp hiện đại, đạt mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045.
Mối quan hệ hướng tới tương lai
Xét về mục tiêu, chính sách, ưu tiên phát triển của cả Việt Nam và Ấn Độ trong bối cảnh mỗi nước hiện nay trong giai đoạn trung hạn cơ bản sẽ không có biến động lớn, do đó, quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ sẽ phát triển tích cực theo hướng ngày càng sâu rộng. Mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 có ảnh hưởng đến quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn, quan hệ Ấn Độ - Việt Nam đang trên đà phát triển thuận lợi, dựa trên “ba chân kiềng” với đầy đủ cam kết về chính trị - ngoại giao, quốc phòng - an ninh và kinh tế - thương mại và được làm sâu sắc bởi các yếu tố sau:
Thứ nhất, quan hệ giữa Ấn Độ và Việt Nam đã chứng kiến những bước phát triển mạnh mẽ và tích cực trong những năm gần đây, điều này chính là động lực mạnh mẽ để thúc đẩy hợp tác sâu rộng trên các lĩnh vực trụ cột. Chính sách ngoại giao năng động của Ấn Độ dưới thời kỳ Thủ tướng Ấn Độ N. Modi đã nâng tầm nhận thức của Ấn Độ về Việt Nam. Đặc biệt vào tháng 9-2016, khi Thủ tướng Ấn Độ N. Modi thăm Việt Nam và đề xuất nâng cấp quan hệ Việt Nam - Ấn Độ lên tầm “Đối tác chiến lược toàn diện”. Đây là sự khẳng định về mức độ phát triển sâu rộng của hợp tác song phương cùng sự hội tụ về lợi ích chiến lược giữa hai nước. Bởi lẽ, trong ba cấp độ của đối tác chiến lược thì cấp độ cao nhất là đối tác chiến lược toàn diện, có nghĩa là hai bên xác định sẽ gắn bó lợi ích lâu dài, hỗ trợ lẫn nhau và thúc đẩy hợp tác sâu rộng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực mà các bên cùng có lợi trên cơ sở tin cậy lẫn nhau. Bên cạnh đó, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ còn góp phần xây dựng một vòng cung lợi ích kinh tế và thịnh vượng ở khu vực Đông Nam Á và rộng hơn là Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Thứ hai, các chính đảng tại Ấn Độ đều có chung quan điểm coi trọng mối quan hệ hữu nghị truyền thống với Việt Nam. Chính phủ Đảng Nhân dân Ấn Độ ngay khi lên cầm quyền đã cho thấy mong muốn tăng cường quan hệ với Việt Nam. Cố Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên ở khu vực Nam Á trong 3 tháng đầu sau khi nhậm chức. Việc thiết lập mối quan hệ Đối tác chiến lược và quan hệ tốt đẹp giữa các chính đảng đã tạo hiệu ứng cộng hưởng, đan xen, đặt nền móng cho sự phát triển sâu rộng và toàn diện giữa hai nước. Hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, giáo dục - đào tạo, văn hóa - xã hội... đã và đang được định hình, thể chế hóa, cơ chế hóa phù hợp hơn, sẽ tạo ra những động lực và đặt ra các mục tiêu phát triển toàn diện, sâu sắc và hiệu quả cho quan hệ tổng thể giữa hai nước.
Thứ ba, cả hai nước đều đang đẩy mạnh công cuộc cải cách kinh tế, đổi mới, tăng cường hội nhập khu vực và quốc tế, đã và đang đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao trong thời gian vừa qua, đều đang có nhu cầu mở rộng thị trường, thu hút đầu tư nước ngoài để duy trì tốc độ tăng trưởng cao của nền kinh tế. Đây là cơ hội để hai nước đẩy mạnh hơn nữa mối quan hệ hợp tác nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, thu hút đầu tư, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cải cách, đổi mới, cùng nhau phát triển.
Thứ tư, Việt Nam và Ấn Độ chia sẻ nhiều quan điểm tương đồng trong các vấn đề khu vực và quốc tế. Việt Nam là một thành viên tích cực, có trách nhiệm và đã có những đóng góp quan trọng cho ASEAN. Ấn Độ có vị trí quan trọng trong Tổ chức hợp tác khu vực Nam Á (SAARC). Ấn Độ coi quan hệ với ASEAN là một trụ cột và nền tảng của chính sách “Hành động hướng Đông”. Vì vậy, Ấn Độ luôn tích cực tham gia các cơ chế do ASEAN dẫn dắt; ủng hộ đoàn kết, thống nhất và đề cao vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc khu vực. Sự hợp tác gắn bó giữa Việt Nam và Ấn Độ sẽ góp phần nâng cao vai trò, vị thế của mỗi nước ở khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, quan hệ hợp tác song phương vẫn còn một số mặt hạn chế nhất định: 1- Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và đáp ứng được mong muốn của cả hai bên, nhất là hợp tác về kinh tế; 2- Sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước còn tương đối hạn chế; 3- Hai nước đều có nền kinh tế đang phát triển ở trình độ trung bình thấp, còn nhiều hạn chế về vốn, công nghệ, thị trường; 4- Cạnh tranh nước lớn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngày càng phức tạp, khó lường, tác động gián tiếp đến quá trình triển khai các hợp tác song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ.
Để quan hệ Việt Nam - Ấn Độ đi vào chiều sâu và thực chất hơn nữa, hai nước cần tăng cường tập trung vào một số lĩnh vực nhất định mà hai bên có thế mạnh, như năng lượng, khoa học - công nghệ, nông nghiệp... Bên cạnh đó, tăng cường thúc đẩy trao đổi cấp cao hơn sẽ củng cố quan hệ chính trị giữa hai nước. Ấn Độ có nhiều thành tựu trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, chẳng hạn như vũ trụ, công nghệ thông tin… Hơn nữa, Ấn Độ có hệ thống giáo dục được đánh giá cao, có thể đóng góp quan trọng vào phát triển nguồn nhân lực ở Việt Nam.
Hiện số vốn đăng ký của các nhà đầu tư Ấn Độ vào Việt Nam đạt khoảng 1 tỷ USD (năm 2021), con số này là khá thấp so với mức đầu tư của Ấn Độ vào các nước khác. Thương mại song phương đang gia tăng nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng. Việt Nam mong đợi nhiều giao dịch thương mại hơn từ Ấn Độ bởi tầm quan trọng chiến lược của Ấn Độ chứ không chỉ vì lợi ích kinh tế. Tương tự, Ấn Độ cũng mong muốn được đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn bởi như vậy có nghĩa là sự hiện diện và tầm ảnh hưởng của Ấn Độ trong khu vực Đông Nam Á sẽ được tăng cường hơn.
Hai nước cần tích cực hơn trong việc quảng bá, tuyên truyền, chia sẻ thông tin để tăng cường sự hiểu biết của nhân dân hai nước, đặc biệt là những thông tin cập nhật về tình hình mỗi nước thông qua các cơ hội trao đổi hợp tác, đầu tư kinh doanh, hoạt động du lịch, văn hóa, nghệ thuật…; từ đó, góp phần thúc đẩy sự kết nối giữa người dân và doanh nghiệp hai nước trong bối cảnh mới.
Về phía Việt Nam, các lãnh đạo, các bộ, ngành cho đến doanh nghiệp cần nhìn nhận đầy đủ hơn về vai trò, vị trí hiện nay của Ấn Độ, từ đó thực sự coi Ấn Độ là đối tác quan trọng của Việt Nam và chủ động hơn trong việc khai thác các tiềm năng hiện có, tận dụng cơ hội và lợi thế để gia tăng trao đổi thương mại trong bối cảnh Việt Nam là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do và cơ hội mang lại khi Ấn Độ - ASEAN điều chỉnh các cam kết hợp tác mới để có thể nâng tỷ trọng thương mại giữa ASEAN và Ấn Độ lên 300 tỷ USD vào năm 2025. Triển vọng quan hệ Việt Nam - Ấn Độ cũng cần phải được đặt trong bối cảnh khu vực và quốc tế hiện nay, khi cạnh tranh nước lớn tiếp tục diễn biến phức tạp và những tác động lâu dài của dịch bệnh COVID-19 đến khả năng phục hồi của nền kinh tế thế giới.
Với đường lối đối ngoại đúng đắn, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại của Việt Nam và chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ, cùng với quyết tâm chính trị của lãnh đạo hai nước, ý chí và nguyện vọng của người dân hai nước, mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ, tốt đẹp, sâu sắc, hiệu quả, góp phần xây dựng, củng cố ổn định, hòa bình, phát triển ở khu vực và trên thế giới./.
----------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 11, tr. 256
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
- Tăng cường công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển