Những nhân tố quy định văn hóa chính trị của sĩ quan trẻ Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay
TCCS - Nghiên cứu văn hóa chính trị của sĩ quan trẻ Quân đội nhân dân Việt Nam là một vấn đề mới, cấp thiết, đòi hỏi phải làm rõ cả về lý luận và thực tiễn. Trong đó, việc khái quát chính xác, luận giải thấu đáo những nhân tố quy định là một trong những nội dung quan trọng, góp phần tìm ra những giải pháp nhằm xây dựng và phát triển văn hóa chính trị của sĩ quan trẻ Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay.
Những nhân tố quy định văn hóa chính trị của sĩ quan trẻ Quân đội nhân dân Việt Nam
Với tư cách là một bộ phận, một phương diện của văn hóa nói chung, văn hóa chính trị có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh, định hướng mối quan hệ giữa các chủ thể chính trị, giữa con người với tổ chức, cộng đồng xã hội trong đời sống chính trị và đời sống xã hội sao cho phù hợp với những giá trị chân - thiện - mỹ. Sĩ quan trẻ là một bộ phận của đội ngũ sĩ quan quân đội, những người có chức vụ cán bộ cấp phân đội - nguồn cán bộ kế cận cán bộ cao cấp trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Văn hóa chính trị của sĩ quan trẻ là tổng thể những giá trị, bao gồm tri thức, phẩm chất và năng lực của mỗi cá nhân sĩ quan trẻ trong quá trình tham gia vào hoạt động chính trị.
Ở góc độ khách thể, văn hóa chính trị là một trong những yếu tố tinh thần, góp phần khắc phục những mặt trái, những ảnh hưởng tiêu cực từ môi trường, hoàn cảnh đến đạo đức, lối sống, đồng thời khơi dậy tính năng động, sáng tạo trong việc vận dụng cơ hội, điều kiện thuận lợi cho quá trình phát triển và hoàn thiện nhân cách người cán bộ, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội vững mạnh, toàn diện trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Do vậy, chăm lo xây dựng, phát triển văn hóa chính trị của sĩ quan trẻ Quân đội nhân dân Việt Nam là vấn đề cấp thiết, xét cả về phương diện lý luận và thực tiễn. Trong mối liên hệ phổ biến, văn hóa chính trị của sĩ quan trẻ Quân đội nhân dân Việt Nam chịu sự quy định bởi các nhân tố sau:
Một là, đào tạo ở nhà trường và bồi dưỡng ở đơn vị
Văn hóa chính trị của sĩ quan trẻ không phải tự nhiên được hình thành, mà đó là kết quả của quá trình đào tạo, bồi dưỡng gắn với chuyên môn. Quá trình đào tạo ở nhà trường và bồi dưỡng ở đơn vị là những giai đoạn sĩ quan trẻ được tiếp nhận, tích lũy, bổ sung, củng cố, nâng cao tri thức, sự hiểu biết, phẩm chất và năng lực hoạt động chính trị. Vì vậy, quá trình đào tạo ở nhà trường và bồi dưỡng ở đơn vị là một trong những nhân tố quan trọng hàng đầu quy định văn hóa chính trị của sĩ quan trẻ. Thông qua quá trình đào tạo này, hệ thống tri thức, phẩm chất và năng lực hoạt động chính trị của sĩ quan trẻ theo chuẩn giá trị văn hóa chính trị được hình thành và củng cố ngày càng vững chắc. Đồng thời, những nét đặc thù văn hóa chính trị gắn với chuyên môn, nghiệp vụ công tác trong quân đội cũng được định hình và phát triển, đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu, chức trách, nhiệm vụ được giao.
Đào tạo ở nhà trường là yếu tố tạo tiền đề hình thành văn hóa chính trị của sĩ quan trẻ. Đào tạo cán bộ nói chung, sĩ quan trẻ nói riêng là một quá trình sư phạm bao gồm tổng thể các tác động có định hướng, có kế hoạch, chương trình cụ thể và cách thức tổ chức chặt chẽ. Mục đích của quá trình đào tạo là trang bị tri thức, hình thành phẩm chất, kỹ năng nghề nghiệp để người cán bộ có thể hoàn thành chức trách, nhiệm vụ trên từng cương vị công tác sau khi ra trường. Đại đa số sĩ quan trẻ được đào tạo cơ bản ở các học viện và trường sĩ quan quân đội, là nơi trang bị những tri thức khoa học toàn diện, trong đó có tri thức chính trị, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ theo từng quân chủng, binh chủng, tạo cơ sở tiền đề hình thành văn hóa chính trị của sĩ quan trẻ.
Bồi dưỡng ở đơn vị còn giúp sĩ quan trẻ cập nhật, bổ sung, nâng cao tri thức, phẩm chất và năng lực hoạt động thực tiễn. Đây là quá trình tác động tích cực, chủ động, có mục đích, có kế hoạch và được tổ chức chặt chẽ giữa các chủ thể, nhằm củng cố, bổ sung, phát triển trình độ chuyên môn nghề nghiệp, năng lực thực tiễn, trong đó có văn hóa chính trị của sĩ quan trẻ. Bồi dưỡng ở đơn vị là giai đoạn tiếp sau giai đoạn đào tạo ở nhà trường, có vai trò rất quan trọng để tiếp tục định hình chính xác và hoàn thiện mô hình văn hóa chính trị của sĩ quan trẻ phù hợp với thực tiễn, chức trách, nhiệm vụ được giao. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Trường huấn luyện đã giúp anh em biết phương hướng, biết nhắm mục đích mà đi...; rồi sau anh em còn phải học nữa, học mãi trong khi đi làm việc”(1).
Bồi dưỡng sĩ quan trẻ là hoạt động diễn ra thường xuyên, được thực hiện mọi lúc, mọi nơi, thông qua các đợt tập huấn, học tập tại chức, trong các hoạt động công tác tại đơn vị. Bồi dưỡng được thực hiện đa dạng, phong phú thông qua việc cấp trên bồi dưỡng cấp dưới, đồng đội bồi dưỡng, học hỏi lẫn nhau, thông qua góp ý, tự phê bình và phê bình..., qua đó, hệ thống tri thức chính trị gắn với chuyên môn nghề nghiệp được sĩ quan trẻ tích lũy toàn diện, mọi lúc, mọi nơi, tạo cơ sở tiền đề hình thành văn hóa chính trị của từng cá nhân. Đồng thời, thông qua các hình thức, phương pháp bồi dưỡng đa dạng ở đơn vị, phẩm chất, năng lực hoạt động chính trị của sĩ quan trẻ thường xuyên được định hướng, uốn nắn, rèn luyện, tạo sự thống nhất giữa nói và làm theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của quân đội và quy định của từng đơn vị.
Hai là, hoạt động chính trị thực tiễn
Văn hóa chính trị của sĩ quan trẻ không chỉ biểu hiện ở tri thức và sự hiểu biết về chính trị, phẩm chất văn hóa chính trị mà quan trọng là ở năng lực hoạt động chính trị thực tiễn, đây là cơ sở hiện thực quy định văn hóa chính trị của của sĩ quan trẻ. Văn hóa chính trị được hình thành, phát triển và có giá trị hiện thực khi nó được thẩm thấu, lan tỏa, thực hành có hiệu quả thông qua hoạt động chính trị thực tiễn. Vì vậy, hoạt động chính trị thực tiễn là nhân tố có tính hiện thực trực tiếp quy định quá trình hình thành văn hóa chính trị của sĩ quan trẻ.
C. Mác và Ph. Ăng-ghen khẳng định: “Hoạt động sống của họ như thế nào thì họ là như thế ấy”(2), điều đó có nghĩa rằng, phẩm chất, năng lực của con người luôn chịu sự quy định bởi hoạt động thực tiễn. Theo đó, văn hóa chính trị - một trong những phẩm chất quan trọng của sĩ quan trẻ - tất yếu cũng được hình thành thông qua hoạt động chính trị thực tiễn gắn với chức trách, nhiệm vụ ở đơn vị cơ sở trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
Sĩ quan trẻ là chủ thể tham gia vào các hoạt động chính trị thực tiễn, gắn với chức trách, nhiệm vụ chính trị được giao về chuyên môn công tác. Theo đó, hoạt động chính trị thực tiễn của sĩ quan trẻ Quân đội nhân dân Việt Nam bao gồm: Hoạt động trực tiếp tổ chức và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước, kỷ luật của quân đội; chế độ, nền nếp và quy định của đơn vị; trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, lao động, sản xuất, quản lý đối với quân nhân và đơn vị thuộc quyền.
Hoạt động chính trị thực tiễn của sĩ quan trẻ ở đơn vị là cơ sở, mục đích, tiêu chuẩn để kiểm tra, đánh giá trình độ văn hóa chính trị của họ. Vì vậy, hoạt động chính trị thực tiễn của sĩ quan trẻ càng đa dạng, phong phú, sát với chuyên ngành đào tạo, phù hợp với tâm lý tuổi trẻ thì quá trình hình thành, phát triển văn hóa chính trị của họ càng vững chắc.
Ba là, môi trường văn hóa chính trị ở đơn vị cơ sở
Theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật lịch sử, con người là sản phẩm của hoàn cảnh lịch sử, nhưng đồng thời cũng là chủ thể của hoàn cảnh lịch sử đó. C. Mác khẳng định: “Con người tạo ra hoàn cảnh đến mức nào thì hoàn cảnh cũng tạo ra con người đến mức ấy”(3). Văn hóa chính trị của sĩ quan trẻ vừa là nhân tố tạo ra môi trường văn hóa chính trị tích cực, lành mạnh, đồng thời cũng chịu sự quy định bởi chính môi trường mà nó góp phần tạo ra. Vì vậy, môi trường văn hóa chính trị là một trong những nhân tố cơ bản quy định kết quả, mô hình văn hóa chính trị của sĩ quan trẻ.
Môi trường văn hóa chính trị là tổng hòa những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần, phản ánh tập trung quan hệ lợi ích, địa vị kinh tế của các giai cấp, dân tộc, tầng lớp trong xã hội ở mỗi giai đoạn lịch sử nhất định. Môi trường văn hóa chính trị ở vị đơn cơ sở trong Quân đội nhân dân Việt Nam là tổng hòa các giá trị văn hóa vật chất, tinh thần do cán bộ, chiến sĩ sáng tạo ra trong lĩnh vực chính trị, góp phần nuôi dưỡng, định hình, nâng cao ý thức, hành vi chính trị của cán bộ, chiến sĩ theo đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội và quy định của đơn vị; được tạo thành bởi các thành tố cơ bản, như hệ giá trị chính trị, các quan hệ chính trị, các hoạt động chính trị thực tiễn và các thiết chế chính trị. Các thành tố này có mối quan hệ biện chứng tác động qua lại lẫn nhau hợp thành môi trường văn hóa chính trị thống nhất và thường xuyên tác động đến văn hóa chính trị của sĩ quan trẻ.
Môi trường văn hóa chính trị ở đơn vị cơ sở là nơi cung cấp, định hướng, hướng dẫn, uốn nắn những chuẩn mực về tri thức, phẩm chất và năng lực hoạt động chính trị của sĩ quan trẻ. Do đó, phát triển văn hóa chính trị của sĩ quan trẻ trong thực tiễn cần phải xây dựng môi trường văn hóa chính trị ở đơn vị cơ sở một cách tích cực, lành mạnh.
Bốn là, nhân tố chủ quan của sĩ quan trẻ
Văn hóa chính trị của sĩ quan trẻ được hình thành, phát triển là kết quả của quá trình hoạt động tích cực, chủ động, sáng tạo của chủ thể tác động và chủ thể tự giáo dục, rèn luyện, định hình, hoàn thiện của chính bản thân sĩ quan trẻ. Trong đó, chủ thể tác động giữ vai trò quan trọng song sĩ quan trẻ là đối tượng có vai trò trực tiếp quyết định đến kết quả hình thành văn hóa chính trị. Do đó, nhân tố chủ quan của sĩ quan trẻ là nhân tố trực tiếp quy định văn hóa chính trị của họ.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”(4). Văn hóa chính trị cũng như các phẩm chất đạo đức, lối sống là kết quả của quá trình giáo dục, rèn luyện khoa học của các chủ thể giáo dục và quá trình tự giáo dục, rèn luyện của bản thân mỗi sĩ quan trẻ. Theo đó, nhân tố chủ quan của sĩ quan trẻ càng phát huy cao độ, bền bỉ thì văn hóa chính trị của họ càng được định hình, phát triển vững chắc.
Nhân tố chủ quan của sĩ quan trẻ là tổng thể các yếu tố tri thức, phẩm chất và năng lực của họ, được huy động, sử dụng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chức trách ở đơn vị cơ sở. Tri thức của sĩ quan trẻ là cơ sở, tiền đề trực tiếp hình thành văn hóa chính trị của họ, bao gồm: Hệ thống lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; tri thức khoa học chuyên ngành và liên ngành… Phẩm chất tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỷ luật... là cơ sở động lực tinh thần to lớn để sĩ quan trẻ tiếp nhận, chuyển hóa và hiện thực hóa tri thức, phẩm chất và năng lực hoạt động chính trị theo chuẩn văn hóa chính trị. Năng lực của sĩ quan trẻ là tổng hòa các khả năng chủ quan đáp ứng yêu cầu trong thực hiện các hoạt động thực tiễn, nhất là yêu cầu, nhiệm vụ trong quản lý, giáo dục, huấn luyện bộ đội. Năng lực của sĩ quan trẻ bao gồm năng lực nhận thức và năng lực thực tiễn, trong đó năng lực nhận thức giúp lĩnh hội sâu rộng tri thức khoa học, nhất là tri thức chính trị, tri thức khoa học quân sự, hậu cần, kỹ thuật, là tiền đề hình thành phẩm chất, năng lực hoạt động chính trị theo chuẩn văn hóa chính trị; năng lực thực tiễn là cơ sở hiện thực quy định quá trình hình thành, phát triển văn hóa chính trị của họ.
Một số giải pháp nhằm phát triển văn hóa chính trị của sĩ quan trẻ Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay
Để phát triển văn hóa chính trị của sĩ quan trẻ hiện nay, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Thứ nhất, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng sĩ quan trẻ
Đây là giải pháp có ý nghĩa quyết định đến việc phát triển văn hóa chính trị của sĩ quan trẻ hiện nay. Bởi thông qua đào tạo, bồi dưỡng, hệ thống tri thức, phẩm chất và năng lực hoạt động chính trị của từng sĩ quan trẻ ngày càng được bồi đắp, củng cố và phát triển, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng sĩ quan trẻ cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, định kỳ, với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phong phú. Trước hết, các chủ thể giáo dục cần tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, bồi dưỡng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhằm giúp sĩ quan trẻ đáp ứng được những đòi hỏi ngày càng cao của nhiệm vụ, cũng như sự biến đổi từ thực tiễn của đất nước và quân đội trong tình hình mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đã lựa chọn đúng cán bộ còn cần phải dạy bảo lý luận cho cán bộ. Chỉ thực hành mà không có lý luận cũng như có một mắt sáng, một mắt mù”(5). Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của quân đội, các quy chế, quy định của đơn vị. Nâng cao chất lượng, công tác định hướng nhận thức và hành động cho sĩ quan trẻ, nhằm giữ vững lập trường chính trị, kiên định vào mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Đảng, tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới, thành công trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta và sự phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Thứ hai, xây dựng môi trường văn hóa chính trị ở đơn vị cơ sở
Môi trường văn hóa chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam có vai trò to lớn đối với quá trình hình thành và phát triển văn hóa chính trị của quân nhân nói chung, sĩ quan trẻ nói riêng. Do vậy, việc xây dựng môi trường văn hóa chính trị tốt đẹp, lành mạnh ở đơn vị cơ sở có vai trò rất quan trọng, góp phần tạo động lực, phát huy tính tích cực, chủ động trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, phát triển tri thức, nâng cao phẩm chất và năng lực hoạt động chính trị cho sĩ quan trẻ; đồng thời tạo ra bầu không khí dân chủ, cởi mở, gắn bó keo sơn, tình thương yêu đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp trong đơn vị.
Kế thừa, xây dựng hệ giá trị văn hóa chính trị ở đơn vị cơ sở, phát triển thành thang giá trị của sĩ quan trẻ. Kế thừa, phát triển những giá trị truyền thống của văn hóa chính trị Việt Nam, như lòng yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống… Phát huy các giá trị truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam: “Trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Củng cố, phát triển các quan hệ văn hóa chính trị ở đơn vị cơ sở giữa: lãnh đạo - đối tượng chịu sự lãnh đạo; lãnh đạo - chỉ huy; cấp trên - cấp dưới; cán bộ - cán bộ; chiến sĩ - chiến sĩ..., tạo điều kiện thuận lợi để sĩ quan trẻ tiếp nhận, thẩm thấu và lan tỏa các giá trị, chuẩn mực văn hóa từ các quan hệ văn hóa chính trị đó. Đồng thời, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trong và ngoài nước; sự tác động của các yếu tố phản giá trị, phản văn hóa xâm nhập vào đơn vị.
Củng cố, nâng cao hiệu quả hệ thống các hình thái, thiết chế hoạt động văn hóa chính trị nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống tổ chức cơ sở đảng, tổ chức chỉ huy, tổ chức quần chúng ở đơn vị cơ sở nhằm đa dạng hóa các kênh tiếp xúc văn hóa, chuyển tải hệ thống giá trị văn hóa chính trị đến sĩ quan trẻ có tính sáng tạo, phù hợp với thực tiễn hoạt động của họ ở đơn vị cơ sở. Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng; đề cao sức hấp dẫn văn hóa chính trị từ sự nêu gương của đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy, chủ trì các cơ quan, đơn vị; phát huy vai trò của hệ thống thông tin đại chúng, các hình thức hợp tác, các loại hình nghệ thuật, giao lưu văn hóa...
Thứ ba, nâng cao hiệu quả hoạt động chính trị thực tiễn của sĩ quan trẻ
Nghị quyết số 769-NQ/QUTW, ngày 21-12-2012, của Quân ủy Trung ương, “Về xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo”, xác định tầm quan trọng của việc bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ, đặc biệt là cán bộ đảm nhiệm các chức danh từ cấp chiến thuật, chiến dịch trở lên. Gắn đào tạo cơ bản tại trường với bồi dưỡng tại chức và rèn luyện cán bộ trong thực tiễn. Thông qua thực tiễn để đánh giá, tuyển chọn, tạo nguồn và phát triển tài năng cán bộ. Nâng cao hiệu quả hoạt động chính trị thực tiễn của sĩ quan trẻ, trong đó cần tập trung vào các vấn đề cơ bản: Tạo chuyển biến nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể; chủ động xây dựng kế hoạch, phân cấp tổ chức hoạt động chính trị thực tiễn; đẩy mạnh hoạt động học tập, rèn luyện và nghiên cứu khoa học nhằm phát triển tri thức chính trị của sĩ quan trẻ hiện nay. Tổ chức hiệu quả các phong trào thi đua, hội thi, hội thao, diễn tập đưa sĩ quan trẻ vào các tình huống chính trị thực tiễn nhằm bồi dưỡng phẩm chất và năng lực hoạt động chính trị. Coi trọng công tác tổng kết thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm để củng cố, hoàn thiện các yếu tố cấu thành văn hóa chính trị của sĩ quan trẻ.
Thứ tư, phát huy tính năng động, tự chủ của sĩ quan trẻ trong tự giáo dục, rèn luyện
Thực hiện giải pháp này chính là quá trình chuyển hóa từ đối tượng chịu sự tác động trở thành chủ thể chủ động tiếp nhận, nhu cầu tự thân của sĩ quan trẻ. Cần nâng cao ý thức tự giáo dục, rèn luyện, tính tự chủ, sáng tạo văn hóa chính trị của sĩ quan trẻ. Quá trình tự học tập, tự giáo dục này phải được tiến hành thường xuyên, liên tục và trong suốt quá trình công tác trong quân đội của đội ngũ sĩ quan các cấp./.
------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 116
(2) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 3, tr. 30
(3) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 55
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 612
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 315
Một số nội dung cơ bản về xây dựng văn hóa chính trị  (05/05/2020)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển