Thời hoa lửa sáng mãi
TCCSĐT - Đã 45 năm trôi qua kể từ trận chiến lịch sử bảo vệ bầu trời Hà Nội nhưng những ký ức hào hùng về một thời hoa lửa oanh liệt trong lịch sử đấu tranh chống Mỹ, cứu nước vẫn còn in đậm trong ký ức của những người cựu chiến binh đã trực tiếp tham gia chiến đấu, chỉ huy trận chiến Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không. Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Tuân và Đại tá Nguyễn Vàn, nguyên Cục trưởng Cục Phòng không Lục quân, Bộ Tư lệnh Phòng không Không quân, nay là Quân chủng Phòng không Không quân, kể lại những giây phút lịch sử đó.
“Trong 12 ngày đêm, từ đêm 18 đến 30-12-1972, Mỹ dành ra một nửa tổng số máy bay B52 (193 chiếc) để đánh vào Hà Nội, Hải Phòng và các thành phố của chúng ta. Quanh bầu trời Hà Nội, có những đêm Mỹ đánh 50 lần B52 và có tới 350 đến 400 máy bay bay theo để bảo vệ B52. Cả bầu trời Hà Nội đặc kín máy bay. Khó có thể hình dung sức tàn phá khủng khiếp của mỗi chiếc B52 với 30 tấn bom ném xuống. Tuy nhiên, với quyết tâm đánh bằng được B52, lực lượng không quân và Phòng không của chúng ta đã chiến đấu hết sức kiên cường, mưu trí và làm nên chiến thắng lịch sử.
Ký ức hào hùng
Anh hùng Phạm Tuân, người đầu tiên bắn hạ siêu pháo đài bay B52 của Mỹ từ trên không, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Hà Nội - Điện Biên phủ trên không, hào sảng kể lại rằng: “B52 không phải là cái gì ghê gớm lắm đối với không quân, đặc biệt là đối với lực lượng phòng không của chúng ta nhưng do nó được bảo vệ hết sức nghiêm ngặt nên tìm và đánh được nó rất khó. Riêng MiG của chúng tôi, tìm đánh được B52 cũng rất khó”.
Trong trận chiến đấu 12 ngày đêm chống lại B52 của Mỹ, chúng ta gặp rất nhiều khó khăn bởi B52 bay ban đêm, mắt thường không nhìn thấy được, phải dùng ra-đa dẫn đường mà ra-đa gây nhiễu rất lớn, trong khi đó, B52 lại có tới 12 máy gây nhiễu. Một khó khăn nữa là trước khi B52 vào vùng trời Hà Nội, không quân Mỹ đồng thời ném bom phá nát tất cả các sân bay của ta. Bên cạnh đó, B52 còn có hệ thống máy bay yểm hộ rất lớn.
Địch mạnh như vậy nhưng bộ đội không quân của ta và các lực lượng khác vẫn phải tìm cách mà đánh. Qua quá trình nghiên cứu, cuối cùng, chúng ta cũng phát hiện ra điểm yếu của địch. Trung tướng Phạm Tuân nhớ lại: “Chúng tôi thấy rằng, cứ ở Hà Nội thì ra-đa rất nhiễu. Cuối cùng, lực lượng không quân đem máy bay ra bên ngoài, đem sở chỉ huy ra bên ngoài, ra-đa cũng ra bên ngoài Hà Nội. Địch không biết chúng ta cất cánh từ chỗ nào. Địch vừa đánh xong thì quân và dân địa phương lại sửa đường băng ngay để ta cất cánh. Chúng ta làm cho địch bất ngờ. Lúc bấy giờ chúng ta bỏ ra-đa, không đánh bằng ra-đa nữa. Chúng ta tìm ra nếu B52 bay theo biên đội thì phải bật đèn. Máy bay thứ nhất bật đèn, máy bay thứ hai nhìn mà bay. Đó là sơ hở của địch và mình phát hiện được bằng mắt. Đêm 27-12, tôi cất cánh từ sân bay Yên Bái, sân bay này bị địch đánh tan nát từ hôm trước tới chiều 27-12 mới sửa xong. Tôi bay lên thấy địch ở trên đầu mình rất nhiều. Ở dưới lệnh cho tôi vượt qua các tốp máy bay đó mà đi. Đến cự ly khoảng 60km tôi phát hiện được B52 và tiếp cận được. Thấy B52 đằng trước, tôi bám sát đằng sau và ở độ cao 10km và cự ly 10km tôi phát hiện B52 gần nhất. Tôi bay theo sau, xung quanh B52 có rất nhiều máy bay F4 bay theo bảo vệ. Đến cự ly khoảng 3km, chỉ huy lệnh cho tôi bắn và thoát ly ngay. Tôi trả lời chờ một lát. Đến khẩu lệnh thứ 3 thì tôi bắn hai quả tên lửa, trúng máy bay. Nó lật nhào lên và tôi trở về sân bay Yên Bái. Anh hùng Phạm Tuân đúc rút ra một điều: “Trên cơ sở nghiên cứu và từ bài học thực tiễn, chúng ta đã phát hiện điểm yếu của địch. Dù lực lượng ít nhưng biết nghiên cứu và có trí tuệ, thay đổi cách đánh chúng ta cũng tìm ra điểm yếu của địch và đánh được. Vì thế, cuối cùng chúng ta đã chiến thắng”.
Cùng nhớ lại một thời hoa lửa đã qua, Đại tá Nguyễn Vàn khẳng định: “Chiến công trong 12 ngày đêm có ý nghĩa chiến lược rất lớn, trong 34 máy bay B52 bị bắn rơi thì Hà Nội bắn rơi 25 chiếc. Trong các lực lượng chiến đấu, lực lượng tên lửa bắn rơi 29 chiếc, cao xạ bắn rơi 3 máy bay”. Trong 12 ngày đêm lịch sử, Đại tá Nguyễn Vàn khi đó là Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 86, Trung đoàn 274, Sư đoàn 361, Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân, trực tiếp tác chiến tại khu vực Mẫu Lương, Hà Đông để bảo vệ vùng trời phía Tây Nam Hà Nội. Cho tới tận bây giờ, ông vẫn còn nhớ rất rõ khí thế của quân và dân Hà Nội trong những ngày đêm lịch sử đó. “Đầu tháng 11-1972, khi đang ở chiến trường Quảng Trị, chúng tôi được lệnh trở về Hà Nội. Khí thế chuẩn bị của Hà Nội rất sôi sục, mọi việc đâu đã vào đấy cả rồi. Ai sơ tán, ai đánh địch đều có kế hoạch rất rõ ràng. Trong đêm 18-12, người dân vẫn tiếp tục sơ tán nhưng đi trong trật tự. Sự chuẩn bị của Hà Nội rất kỹ và khí thế chiến đấu đã được quán triệt tới tất cả mọi cấp, mọi ngành, cả bộ đội, dân quân và các lực lượng hậu phương. Mọi thứ đều được tập trung ưu tiên cho bộ đội chiến đấu”. Nhiều năm trôi qua, ông Nguyễn Vàn còn lưu giữ trong ký ức của mình rất nhiều kỷ niệm chiến đấu, trong đó kỷ niệm sâu sắc nhất là những ngày chiến đấu trong điều kiện đón tết Nguyên đán. Ông kể: “Tôi còn nhớ, ngày 16, 17-02 -1971, địch đánh ra Quảng Bình. Lúc đó, chúng ta đang đón Tết nguyên đán. Trong 2 ngày đó, chúng tôi bắn rơi 5 máy bay và bắt sống 6 - 7 giặc lái. Ngày hội của dân trở thành ngày hội bắn máy bay, bắt giặc lái Mỹ. Kỷ niệm thứ 2 là khi Mỹ đánh vào Hà Nội, trái tim của đất nước. Chúng tôi bỏ ra nhiều công nghiên cứu để đánh chặn máy bay Mỹ ném bom ra Hà Nội. Chúng tôi vẽ, lên sơ đồ từng trận địa một, máy đến đâu thì đơn vị nào được đánh để tạo nên một hỏa lực tập trung trong phạm vi khoảng 10 giây thôi, nên có trận đánh chúng tôi bắn rơi 5 máy bay một lúc trong phạm vi 20 giây, nhất là trận đánh ngày 18-11-1967, hoặc là chiến dịch 12 ngày đêm, chúng tôi về Hà Nội, trong vô vàn khó khăn, chúng tôi mới ở trong miền Trung ra, bộ đội lâu không được huấn luyện (hơn 7 tháng) do không có khí tài nhưng chúng tôi khắc phục bằng mọi cách. Có thể nói là ở tiểu đoàn chúng tôi có 3 thế hệ sinh viên, anh em rất hăng hái”.
Chiến thắng của sức mạnh đoàn kết dân tộc
Có thể nói, trận chiến Điện Biên Phủ trên không cũng như nhiều chiến thắng khác chính là minh chứng rõ nét nhất cho ý chí tự lực, tự cường của dân tộc ta được xây dựng trên nền tảng khối đại đoàn kết giữa các lực lượng vũ trang nhân dân. Chiêm nghiệm sâu hơn về điều này, Trung tướng Phạm Tuân cho rằng: “Đất nước ta và quân đội ta có những điều rất đặc biệt. Quân đội ta thành lập năm 1944, đến năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời. Quân đội ta ra đời lấy tên là Quân đội nhân dân Việt Nam, tức là quân đội của nhân dân như Bác Hồ đã dạy, quân đội của ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Quân đội luôn luôn gắn chặt với dân. Sức mạnh của quân đội chính là sức mạnh tổng hợp của toàn dân chúng ta, nếu quân đội đứng riêng ra thì không thể chiến đấu được. Đó là một nguyên lý và đường lối kháng chiến, đường lối quân sự của quân đội ta, là đường lối chiến tranh nhân dân từ trước khi thành lập nước cho đến bây giờ. Ta vẫn lấy đường lối chiến tranh nhân dân làm nòng cốt xây dựng lực lượng vũ trang toàn dân để làm sao mà khi có chiến tranh thì toàn dân tham gia mà chúng ta còn gọi là sức mạnh tổng hợp. Và trận chiến Hà Nội của chúng ta là như thế”.
Trung tướng Phạm Tuân tâm sự: “Tôi là một phi công bay trong bầu trời đêm của Hà Nội năm 1972 càng hiểu rõ hơn sức mạnh nhân dân trong lực lượng phòng không như thế nào. Địch bay thấp có chị em dân quân bắn, bay trung bình có pháo cao xạ trung bình bắn, bay cao hơn chút nữa có bộ đội tên lửa, bộ đội không quân bắn và bay cao hơn nữa cũng là bộ đội không quân. Nghĩa là không tầm nào là không có lưới lửa cả. Nếu ta chỉ có lực lượng phòng không bộ đội, tên lửa và không quân thì địch không sợ. Máy bay B52 muốn thả bom vào mục tiêu thì phải bay thẳng ở cự ly khoảng 30km, nhưng lực lượng phòng không của chúng ta như thế đã làm cho địch phải kiếp sợ. Còn máy bay F111 bay theo chương trình, bay theo mặt đất, độ cao của nó chỉ 100 - 200m, không ra-đa nào phát hiện được, không tên lửa nào bắn được, nhưng bộ đội dân quân ta bắn rơi. Trong thời kỳ đó, dân quân bắn rơi 5 máy bay F111. Chiến tranh nhân dân là ở chỗ đó. Nhờ có quân, dân đoàn kết tạo sức mạnh to lớn mà chúng ta mới giành được độc lập, tự do và xây dựng được đất nước như hiện nay”.
Thanh niên luôn là lực lượng tiên phong
Ở thời điểm hiện tại, khi nhìn nhận về vai trò của thế hệ thanh niên hiện nay trong xây dựng và bảo vệ, Trung tướng Phạm Tuân chia sẻ: “Tôi có dịp đi gặp gỡ nhiều người, nhiều tầng lớp nhân dân khác nhau. Nhiều người hỏi tôi là liệu bây giờ chiến tranh xảy ra, thế hệ trẻ có đánh địch được như chúng tôi ngày xưa không? Nhiều người bảo khó lắm. Tôi thì tôi nghĩ không phải như vậy. Chúng ta đang ở trong thời kỳ đổi mới, cái cũ và cái mới đan xen nhau, cái tích cực nhiều nhưng cái tiêu cực cũng không phải là ít. Môi trường có ảnh hưởng không nhỏ đến thanh niên nhưng bản chất của lực lượng thanh niên vẫn là tiên phong, nòng cốt trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Thanh niên lớp sau này được sống và giáo dục trong môi trường xã hội chủ nghĩa, được học những điều tinh túy nhất chúng ta đúc kết lại, có nhiều cơ hội tiếp cận với tri thức cũng như cập nhật tình hình trong nước và thế giới, có khả năng làm chủ, dồi dào sức sáng tạo. Hơn nữa, đất nước chúng ta đã có truyền thống hào hùng và những tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, như vậy là thanh niên vừa có tri thức hiện đại lại có truyền thống soi rọi cho mình thì tôi nghĩ rằng khi vào trận, dù trên bất cứ mặt trận nào, chiến đấu hay sản xuất, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, chắc chắn các đồng chí thanh niên làm tốt hơn thế hệ chúng tôi”.
“Để làm được điều đó, thanh niên phải xây dựng được ý chí quyết tâm, bản lĩnh chính trị, không ngừng học tập mở mang kiến thức, bồi dắp tình yêu Tổ quốc. Khi Tổ quốc cần, chúng ta đóng góp hết khả năng và sức lực của mình” - Trung tướng Phạm Tuân nhắn nhủ tới thế hệ trẻ./.
Sỹ phu tụ hội!  (03/01/2018)
Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trong quá trình tham gia chuỗi giá trị toàn cầu  (03/01/2018)
Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”  (03/01/2018)
Hội nghị Tổng kết công tác Đảng, công tác chính trị năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018  (03/01/2018)
Công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa ở thành phố Hưng Yên  (03/01/2018)
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Chính sách đối ngoại đa phương của nước Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Nâng cao chất lượng quản lý đảng viên ở ngoài nước trong giai đoạn mới: Thực trạng và giải pháp
- Xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế - xã hội trên biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo: Thực tiễn và vấn đề đặt ra hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên