Kết hợp xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở khu vực biên giới và biển, đảo trong tình hình mới

Ngô Xuân Lịch Đại tướng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng
22:06, ngày 15-11-2017

TCCS - Lãnh thổ quốc gia bao gồm vùng đất, vùng trời, vùng biển là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, trong đó khu vực biên giới và biển, đảo là địa bàn chiến lược, có vị trí đặc biệt quan trọng cả về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước. Đó không chỉ là “phên dậu” của Tổ quốc, mà còn là cửa ngõ giao thương của nước ta với nước ngoài, có ý nghĩa to lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân kết hợp với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở khu vực biên giới và biển, đảo là vấn đề chiến lược, nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết trong tình hình mới.

Kế thừa truyền thống của dân tộc: “Dựng nước đi đôi với giữ nước”, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết về kết hợp hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó bao hàm việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân kết hợp với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở khu vực biên giới và biển, đảo. Quan điểm này của Đảng được thể hiện rõ trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 22-9-2008, của Bộ Chính trị khóa X, “Về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới”; Chỉ thị số 07-CT/TW, ngày 3-10-2011, của Ban Bí thư, “Về tăng cường lãnh đạo thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới”; Nghị định số 152/2007/NĐ-CP, ngày 10-10-2007, của Chính phủ, Về khu vực phòng thủ và Nghị định số 02/2016/NĐ-CP, ngày 5-1-2016, của Chính phủ, Về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 152/2007/NĐ-CP. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã xác định: “Kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo”(1).

Quán triệt, thực hiện đường lối, chủ trương chiến lược của Đảng và Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị để lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân kết hợp với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nhất là ở khu vực biên giới và biển, đảo, bảo đảm chặt chẽ, đúng lộ trình, kế hoạch và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nổi bật là, Quân đội đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; trọng tâm là triển khai thực hiện dự án khu kinh tế - quốc phòng trên các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới và biển, đảo theo Quyết định số 1391/QĐ-TTg, ngày 9-8-2010, của Thủ tướng Chính phủ, về “Phê duyệt quy hoạch xây dựng và phát triển các khu kinh tế - quốc phòng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”(2). Các khu kinh tế - quốc phòng đã góp phần quan trọng vào việc củng cố thế trận quốc phòng toàn dân kết hợp với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa bàn chiến lược biên giới và biển, đảo của Tổ quốc. Việc triển khai xây dựng đường tuần tra biên giới(3) được thực hiện đúng kế hoạch, bảo đảm tiến độ, chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu bảo vệ và xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Công tác bố trí lực lượng, xây dựng hệ thống công trình phòng thủ ở khu vực biên giới và biển, đảo đang từng bước được triển khai, hoàn thiện. Sự phối hợp giữa Bộ Quốc phòng với các ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với quốc phòng, an ninh ngày càng chặt chẽ, hiệu quả.

Tuy vậy, trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân kết hợp với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở khu vực biên giới và biển, đảo vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Nhận thức của một số cán bộ các cấp, các ngành về nhiệm vụ chưa thật sự đầy đủ, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chưa cao; sự phối hợp giữa Bộ Quốc phòng với các ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương chưa thường xuyên, hiệu quả còn thấp; cơ chế, chính sách đầu tư nguồn lực để xây dựng, phát triển khu vực biên giới và biển, đảo còn hạn hẹp, thiếu đồng bộ.

Trong những năm tới, bên cạnh thuận lợi là cơ bản, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều nhân tố gây bất ổn định; tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo trong khu vực và trên Biển Đông diễn ra gay gắt. Đối với nước ta, tình hình chính trị - xã hội ổn định; kinh tế tiếp tục tăng trưởng; quốc phòng, an ninh được củng cố; quan hệ đối ngoại không ngừng được mở rộng, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, kinh tế đất nước còn gặp nhiều khó khăn, tình hình chính trị - xã hội ở một số địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, biên giới và biển, đảo còn tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định; các thế lực thù địch, phản động đẩy mạnh hoạt động chống phá nước ta bằng chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ cơ quan đảng, nhà nước, quân đội. Để giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, trước hết là xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân kết hợp với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở khu vực biên giới và biển, đảo, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với nhiệm vụ xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở khu vực biên giới và biển, đảo.

Kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là quan điểm nhất quán của Đảng ta. Nội dung cốt lõi của quan điểm đó là: Kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội. Theo đó, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân kết hợp với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở khu vực biên giới và biển, đảo là sự cụ thể hóa quan điểm trên của Đảng vào thực tiễn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Để thực hiện tốt mục tiêu, yêu cầu đó, trước hết phải tuyên truyền, quán triệt cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức rõ tầm quan trọng của địa bàn biên giới và biển, đảo; yêu cầu, mục tiêu, giải pháp xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân kết hợp với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở khu vực này. Trên cơ sở đó, tạo sự đồng thuận xã hội, thống nhất chủ trương, hành động trong hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương, nhất là các địa phương biên giới và biển, đảo. Cần nắm vững tư tưởng, phương châm chỉ đạo xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân là tăng cường tiềm lực mọi mặt, cả về kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng, an ninh. Đặc biệt, trong điều kiện các địa phương ở khu vực biên giới và biển, đảo còn gặp nhiều khó khăn, thì sự kết hợp đó lại càng quan trọng và cấp thiết. Đó là sự kết hợp mang tính lưỡng dụng, nhằm cả mục tiêu xây dựng quốc phòng và mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong quá trình thực hiện, phải quán triệt tinh thần đó, trước hết là đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân gắn với xây dựng các công trình quốc phòng trên tuyến biên giới, ven biển, đảo một cách hài hòa, hợp lý, theo kế hoạch thống nhất. Cùng với việc tuyên truyền cho các cấp, các ngành thấy rõ sự kết hợp giữa xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở khu vực biên giới và biển, đảo là yêu cầu khách quan, vừa mang tính cấp bách, vừa cơ bản, lâu dài, cần khắc phục những nhận thức lệch lạc, phiến diện, chỉ nhấn mạnh một chiều đến tăng cường quốc phòng hoặc chỉ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Hai là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở khu vực biên giới và biển, đảo.

Thực tiễn cho thấy, sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, quản lý thống nhất của Nhà nước là nhân tố quyết định thắng lợi đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung và nhiệm vụ xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân kết hợp với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở khu vực biên giới và biển, đảo nói riêng. Đặc biệt, đối với các địa bàn chiến lược trọng yếu về quốc phòng, an ninh và kinh tế - xã hội, như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, khu vực biên giới và biển, đảo, càng cần phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, tập trung, thống nhất thì mới đạt được hiệu quả mong muốn. Cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, trước hết là các địa phương ở khu vực biên giới và biển, đảo cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, coi trọng việc nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản, cơ chế, chính sách về xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân kết hợp với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội bảo đảm tính đồng bộ, khả thi, tạo cơ sở thuận lợi trong tổ chức thực hiện. Các ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương, nhất là các ngành kinh tế mũi nhọn thường xuyên hoạt động và trực tiếp có liên quan cần phát huy vai trò, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; đồng thời, tích cực tham gia xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, góp phần tạo ra tiềm lực kinh tế và tiềm lực quốc phòng cho khu vực biên giới và biển, đảo. Trong quá trình thực hiện, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức, lực lượng, tránh sự chồng chéo, “mạnh ai nấy làm”, lực lượng tham gia đông mà không mạnh, hiệu quả thấp. Cùng với đó, cần khẩn trương hoàn thành quy hoạch phân vùng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, nhất là ở khu vực biên giới và biển, đảo, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đối với nhiệm vụ xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân kết hợp với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở khu vực biên giới và biển, đảo phải toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt, trong điều kiện khu vực này đang còn khó khăn về nhiều mặt thì việc đầu tư cần phải được nghiên cứu kỹ để có thứ tự ưu tiên phù hợp, hiệu quả. Phải căn cứ vào kế hoạch, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch quốc phòng, quy hoạch xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân ở khu vực biên giới và biển, đảo để thực hiện tốt việc kết hợp giữa hai nhiệm vụ. Hiện nay, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân ở khu vực biên giới và biển, đảo gồm nhiều nội dung phải triển khai, nhưng do khả năng, tiềm lực của đất nước có hạn, nên cần ưu tiên giải quyết những nội dung cấp thiết và có ý nghĩa thiết thực đối với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trước, những nội dung chưa thật cấp thiết thì đưa vào kế hoạch để thực hiện sau. Phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trọng tâm cần phải được đặt lên hàng đầu, tuy nhiên, cần coi trọng ưu tiên đầu tư cho những chương trình, dự án có ý nghĩa quan trọng và trực tiếp góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân ở từng địa bàn, nhất là địa bàn trọng điểm về quốc phòng, an ninh trên tuyến biên giới và biển, đảo.

Ba là, phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở khu vực biên giới và biển, đảo.

Khu vực biên giới và biển, đảo là địa bàn chiến lược của đất nước, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của toàn dân và toàn quân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đây là khu vực xung yếu, diễn biến phức tạp về quốc phòng, an ninh, đối ngoại; đồng thời, là nơi diễn ra các hoạt động kinh tế, thương mại với nước ngoài. Đứng chân và hoạt động tại địa bàn này là lực lượng của hầu hết các ngành, các cấp, có liên quan tới mọi lĩnh vực. Vì thế, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở khu vực biên giới và biển, đảo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, lực lượng, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương. Chỉ khi nào có sự vào cuộc của các thành phần, lực lượng đó thì mới tạo nên được sức mạnh tổng hợp và việc thực hiện nhiệm vụ mới đạt kết quả mong muốn. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, mỗi tổ chức, lực lượng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động và tích cực tham gia một cách hiệu quả. Các đơn vị quân đội, nhất là lực lượng bộ đội biên phòng, hải quân, cảnh sát biển, đoàn kinh tế - quốc phòng, đơn vị chủ lực đóng quân và hoạt động trên địa bàn, cần phát huy tốt vai trò nòng cốt trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và tích cực tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; thực hiện tốt việc kết hợp chặt chẽ quốc phòng với kinh tế và kinh tế với quốc phòng.

Bốn là, tập trung xây dựng thế trận quân sự và khu vực phòng thủ vững chắc, làm cơ sở củng cố thế trận quốc phòng toàn dân gắn với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở khu vực biên giới và biển, đảo.

Yêu cầu đặt ra đối với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân là phải kết hợp chặt chẽ với thế trận an ninh nhân dân và thế trận biên phòng toàn dân, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn, trong đó trọng tâm là xây dựng thế trận quân sự liên hoàn, vững chắc, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng trong thời bình và sẵn sàng chuyển hóa thành thế trận chiến tranh nhân dân khi đất nước có chiến tranh. Để thực hiện được mục tiêu đó, cần coi trọng xây dựng công trình phòng thủ, xây dựng và bố trí lực lượng phù hợp với phương án, kế hoạch tác chiến trên địa bàn biên giới và biển, đảo, bảo đảm sự chủ động trong mọi tình huống; đẩy nhanh tiến độ xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ theo Đề án quy hoạch xây dựng thế trận quân sự khu vực phòng thủ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cơ quan quân sự địa phương ở khu vực biên giới và biển, đảo phải chủ động phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân kết hợp với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong quá trình tổ chức thực hiện, phải phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của địa bàn, thế có lợi của địa hình biên giới và biển, đảo, tận dụng hệ thống kết cấu hạ tầng có sẵn để từng bước xây dựng, hoàn thiện thế trận quân sự phù hợp với quy hoạch, điều kiện, khả năng của địa phương. Chú trọng xây dựng, củng cố các công trình quốc phòng, như khu vực phòng thủ then chốt, căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần, kỹ thuật và sở chỉ huy các cấp, tạo thành thế trận hoàn chỉnh, vững chắc, có chiều sâu.

Để xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc ở biên giới và biển, đảo, cần tập trung xây dựng toàn diện các tiềm lực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị các cấp, nhất là ở cấp cơ sở; đồng thời, đẩy mạnh công tác giáo dục kiến thức quốc phòng, an ninh và tuyên truyền, vận động nhân dân bằng các nội dung, hình thức, phương pháp phù hợp với từng đối tượng và địa bàn, góp phần nâng cao tiềm lực chính trị - tinh thần của khu vực phòng thủ, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân. Các đơn vị đứng chân ở khu vực biên giới cần thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, tích cực tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc. Việc tăng cường tiềm lực kinh tế, quốc phòng, an ninh của khu vực phòng thủ các địa phương ở khu vực biên giới và biển, đảo cần thấu suốt quan điểm của Đảng về kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội; xác định chủ trương, giải pháp kết hợp đúng đắn, phù hợp và phải được thể hiện ngay từ trong quy hoạch, kế hoạch phát triển của địa phương và từng cấp, từng ngành; có kế hoạch huy động nguồn lực kinh tế, chuyển tiềm lực kinh tế thành lực lượng vật chất, đáp ứng nhu cầu quốc phòng khi cần thiết. Trên các địa bàn trọng điểm, biên giới và biển, đảo, cần kết hợp chặt chẽ kế hoạch xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch các làng, bản, cụm dân cư trong quy hoạch tổng thể của địa phương. Đối với khu vực biên giới trên đất liền, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân phải gắn với xây dựng thế trận an ninh nhân dân và thế trận biên phòng toàn dân. Đối với khu vực biển, đảo, cần chú trọng xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển, ven biển gắn với thế trận trên đất liền, hình thành thế phòng thủ liên hoàn, vững chắc giữa các tuyến biển, đảo và giữa tuyến biển, đảo với đất liền.

Năm là, tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt của Quân đội nhân dân trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở khu vực biên giới và biển, đảo.

Thực tiễn đã khẳng định vai trò nòng cốt của Quân đội nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Trước yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ chiến lược này, toàn quân, mà trước hết và trực tiếp là lực lượng bộ đội biên phòng, hải quân, cảnh sát biển, các đoàn kinh tế - quốc phòng và các đơn vị chủ lực đứng chân, hoạt động trên tuyến biên giới và biển, đảo cần nắm vững chức năng, nhiệm vụ, nêu cao ý thức, trách nhiệm trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và tích cực tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Các đơn vị quân đội cần phát huy vai trò xung kích trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; tích cực tham gia các chương trình, dự án quốc gia về xây dựng nông thôn mới, y tế, giáo dục, xóa đói, giảm nghèo..., góp phần thay đổi diện mạo vùng biên giới và biển, đảo của Tổ quốc, tạo dựng lòng tin của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với Quân đội, củng cố “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc. Đặc biệt, trong bối cảnh khu vực biên giới và biển, đảo đang diễn biến phức tạp, các đơn vị quân đội phải thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, nhất là lực lượng công an để nắm chắc tình hình, không để bị động, bất ngờ, “chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; ngăn chặn, phản bác những thông tin và luận điệu sai trái, đẩy lùi các loại tội phạm và tệ nạn xã hội”(4); sẵn sàng ứng phó thắng lợi với mọi hành động xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ của Tổ quốc.

Những năm qua, các đoàn kinh tế - quốc phòng đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức quy hoạch, bố trí dân cư, xây dựng, củng cố kết cấu hạ tầng, sắp xếp sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm ổn định và cải thiện đời sống cho hàng vạn gia đình, hình thành hàng trăm điểm, cụm, làng, bản dân cư trên vành đai biên giới, góp phần hình thành thế bố trí lực lượng mới trên các hướng chiến lược của đất nước. Trong những năm tới, chúng ta tiếp tục triển khai thực hiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế - quốc phòng theo “Quy hoạch tổng thể xây dựng và phát triển các khu kinh tế - quốc phòng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó coi trọng việc xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng ở các vùng biển, đảo xa bờ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ của Tổ quốc trong tình hình mới. Các đơn vị quân đội, nhất là các đoàn kinh tế - quốc phòng cần chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương cả trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn. Mặt khác, cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện tổ chức biên chế, cơ chế, chính sách, bảo đảm tốt chế độ đãi ngộ, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, chiến sĩ yên tâm gắn bó lâu dài với đơn vị, lập gia đình, định cư và sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, biên giới và trên các đảo của Tổ quốc.

Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân kết hợp với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở khu vực biên giới và biển, đảo là chủ trương chiến lược của Đảng ta. Trước yêu cầu cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, nhiệm vụ này lại càng có ý nghĩa quan trọng, cấp thiết. Đây là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị. Với tinh thần “Cả nước vì biên giới và biển, đảo thân yêu của Tổ quốc”, chúng ta tin tưởng rằng, nhiệm vụ xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân kết hợp với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở khu vực biên giới và biển, đảo tiếp tục được đẩy mạnh, đạt hiệu quả thiết thực, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong tình hình mới./.

----------------------------------------------------------------

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 149
(2) Đến nay, đã có 28/33 khu kinh tế - quốc phòng được triển khai theo Đề án quy hoạch
(3) Tổng chiều dài quy hoạch là 10.196km, qua 25 tỉnh biên giới đất liền, từ Quảng Ninh đến Kiên Giang
(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 33