TCCSĐT - Nhân kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga thành công (07-11-1917 - 07-11-2017), sáng 18-10-2017, tại Hà Nội, Tạp chí Cộng sản, Báo Quân đội nhân dân và Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp tổ chức Tọa đàm “Ý nghĩa lịch sử và thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga”.
Các đồng chí: TS. Phạm Tất Thắng, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân; PGS, TS. Phạm Huy Kỳ, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, đồng chủ trì Tọa đàm.

Tham dự Tọa đàm có đồng chí Vũ Khoan, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; PGS, TS. Hồng Vinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân; GS, TS. Vũ Văn Hiền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Thượng tướng Võ Văn Tuấn, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà báo; các đồng chí tướng lĩnh, sĩ quan; giảng viên, sinh viên các học viện, nhà trường trong và ngoài quân đội.

Trong phát biểu đề dẫn, đồng chí Phạm Tất Thắng, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nhấn mạnh, cuộc Tọa đàm được tổ chức nhằm khẳng định tầm vóc, ý nghĩa lịch sử và thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga; những thành tựu của chủ nghĩa xã hội hiện thực; đúc kết những bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười Nga; bài học đối với sự nghiệp cách mạng và công tác xây dựng Đảng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa...

Hơn 20 tham luận và phát biểu tại Tọa đàm đã tập trung vào ba mảng nội dung lớn sau:

1. Khẳng định ý nghĩa lịch sử và thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga


Nhiều tham luận đã tập trung phân tích điều kiện, hoàn cảnh kinh tế, chính trị, xã hội cụ thể của nước Nga đầu thế kỷ XX để trên cơ sở đó khẳng định Cách mạng Tháng Mưới Nga nổ ra là một tất yếu lịch sử, đồng thời nhấn mạnh tầm vóc, ý nghĩa và giá trị nhân văn của Cách mạng Tháng Mười Nga.

GS, TS. Vũ Văn Hiền, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phân tích: thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga chứng tỏ chủ nghĩa tư bản đã suy yếu, các thế lực phản động không thể ngăn nổi phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức. Cách mạng Tháng Mười đã khai sinh hệ thống xã hội chủ nghĩa từng tồn tại trong nhiều thập niên, đã đưa đất nước Xô-viết tiến lên với những thành tựu thần kỳ mà chính chủ nghĩa tư bản đã phải thừa nhận. Sự phát triển hợp quy luật lịch sử của Cách mạng Tháng Mười đã tạo điều kiện cho Liên Xô đánh bại chủ nghĩa phát-xít, kẻ thù hung bạo nhất của nhân loại trong thế kỷ XX.

Trong tham luận của mình, PGS, TS. Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nêu rõ: Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi đã mở ra cơ hội để hiện thực hóa lý tưởng của chủ nghĩa xã hội khoa học là giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và giải phóng con người, lập ra Nhà nước Nga Xô-viết - Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới, xây dựng một chế độ xã hội mới do nhân dân lao động làm chủ. Không chỉ dừng lại ở phạm vi quốc gia, Cách mạng Tháng Mười Nga đã tác động to lớn và sâu sắc đối với sự phát triển của phong trào cách mạng thế giới, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Thắng lợi của cuộc cách mạng này không chỉ là niềm cổ vũ, động viên, khích lệ, không chỉ truyền cảm hứng và tinh thần đấu tranh cho giai cấp vô sản, cho các dân tộc bị áp bức trên thế giới mà còn vạch ra cách thức để giai cấp vô sản thực hiện thành công cuộc cách mạng giành chính quyền, giành quyền làm chủ, giải phóng khỏi sự áp bức, bao gồm cả áp bức dân tộc và áp bức giai cấp. Hơn thế nữa, với sự đời của nhà nước Xô-viết đầu tiên trên thế giới, Cách mạng Tháng Mười Nga đã đưa ra một mô hình nhà nước kiểu mới sau khi giai cấp vô sản giành được chính quyền.

PGS, TS. Hà Mỹ Hương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: Cách mạng Tháng Mười Nga là cuộc cách mạng nhân văn nhất bởi “đã tạo điều kiện và cơ hội cho hơn một trăm triệu người lao động từng bị áp bức, bóc lột đến tận xương tủy trên đất nước Nga, lần đầu tiên trong lịch sử được thực hiện vai trò làm chủ xã hội, làm chủ vận mệnh của mình; đã khai phá một con đường chưa từng có để nhân loại cần lao thực hiện mục tiêu phát triển và tiến bộ xã hội. Đó là giá trị nhân đạo, nhân văn lớn nhất, là một trong những giá trị đích thực của Cách mạng Tháng Mười Nga”.

TS. Cao Đức Thái, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khái quát: “Cách mạng Tháng Mười Nga là một sự kiện trọng đại đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử nhân loại. Cách mạng Tháng Mười Nga đã phá vỡ sự độc quyền của hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa kéo dài từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, mở ra cơ hội cho các dân tộc thuộc địa thực hiện sự nghiệp giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của thực dân, phong kiến, lựa chọn con đường phát triển riêng của mình, trong đó có con đường xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa”.

2. Tác động của Cách mạng Tháng Mười Nga đối với cách mạng Việt Nam


GS. Nguyễn Đức Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương đã có những phân tích rất sâu sắc về tác động của Cách mạng Tháng Mười Nga đối với cách mạng Việt Nam, đồng thời khẳng định “thắng lợi của cách mạng Việt Nam trước hết là thắng lợi của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc vận dụng một cách sáng tạo thực chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, những kinh nghiệm mang tính phổ biến của Cách mạng Tháng Mười Nga, những kinh nghiệm phong phú của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế vào những điều kiện cụ thể của đất nước, để vạch ra đường lối chính trị và phương pháp cách mạng đúng đắn nhằm giải quyết những vấn đề của thực tiễn cách mạng Việt Nam”.

Đồng chí Vũ Khoan, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ đánh giá: “Cách mạng Tháng Mười Nga đã ảnh hưởng trực tiếp và vô cùng sâu sắc tới vận mệnh của nhân dân ta, là cội nguồn của mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa nhân dân ta với các dân tộc trong Liên bang Xô-viết trước đây. Có lẽ nguồn gốc của tình cảm đặc biệt Việt Nam - Liên Xô là sự song trùng vận mệnh, bản sắc văn hóa, lòng yêu chính nghĩa, sự đồng cảm với các dân tộc khác gặp cơn hoạn nạn”. “Sự giúp đỡ của Liên Xô trong công cuộc xây dựng kinh tế - xã hội thật vô cùng quý báu. Chắc rằng ai ai cũng nhớ những cái tên quen thuộc như các nhà máy thủy điện Thác Bà, Hòa Bình, Trị An…, Nhiệt điện Uông Bí, Phả Lại…, Cơ khí Hà Nội, Cẩm Phả, Sông Công…, Dầu khí Vietsopetro, Xi-măng Bỉm sơn…, Bách Khoa Hà Nội, Bệnh viện và Cung Văn hóa Viêt - Xô… Đằng sau những công trình ấy là mồ hôi, là trí tuệ và cả tấm lòng của người dân Xô-viết đối với Việt Nam”.

Thượng tướng Võ Văn Tuấn, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam khẳng định: Cách mạng Tháng Mười Nga là sự kiện lịch sử vĩ đại của thế kỷ XX và có ý nghĩa vô cùng quan trọng đến vận mệnh của đất nước và dân tộc Việt Nam. Sự giúp đỡ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa là một trong những nhân tố quyết định để chúng ta chiến thắng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Tiếp cận từ góc độ ảnh hưởng của Văn học Xô-viết đối với người lính Việt Nam, nhà thơ Hồng Thanh Quang cho rằng, trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, nhiều tác phẩm văn học Xô-viết đã có trong hành trang của người lính cách mạng trên đường ra chiến trường. Những tác phẩm văn học, những hình tượng với các phẩm chất, cốt cách, lý tưởng, hoài bão cách mạng trong các tác phẩm đó, đã góp phần rất quan trọng trong việc hình thành nên phẩm chất quân nhân cách mạng Việt Nam.

3. Cách mạng Tháng Mười Nga và thời đại ngày nay

Nếu như Cách mạng Tháng Mười là bài ca chiến thắng, là niềm tự hào bất tận của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới thì sự sụp đổ thể chế xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô là tổn thất lớn lao của phong trào xã hội chủ nghĩa cũng như của phong trào cách mạng thế giới. Vì thế, đây là mảng nội dung được nhiều tham luận tập trung phân tích, đánh giá. Các đại biểu đều nhất trí cho rằng, sự sụp đổ của Liên Xô và sự tan rã của các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu là một thực tế, nhưng không vì thế mà làm thay đổi ý nghĩa lịch sử và thời đại của Cách mạng Tháng Mười.

Một số đại biểu đã phân tích việc khẳng định giá trị, ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười Nga cũng như những bài học rút ra từ sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa theo mô hình Xô-viết ở Liên Xô và Đông Âu đều nhằm mục đích cao nhất là rút ra những bài học cho chính chúng ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Ở khía cạnh này, đồng chí Hồng Vinh đã phát biểu: “Nước Nga với những ký ức không quên. Ôn lại cái hôm qua để biết hôm nay cần làm gì để đạt được những điều tốt đẹp”.

Một trong những bài học được rút ra mà Thiếu tướng Nguyễn Bá Dương, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự, Bộ Quốc phòng đề cập đến, là trong bất luận điều kiện, hoàn cảnh nào, đảng cộng sản và các lãnh tụ của đảng cộng sản đều phải dựa trên nền tảng nguyên tắc mác-xít, gắn bó chặt chẽ với nhân dân, luôn bảo vệ lợi ích của giai cấp công nhân, quần chúng nhân dân lao động.

Trong phân tích của mình, đồng chí Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: “Sẽ là không thỏa đáng nếu giải thích nguyên nhân thoái trào cách mạng xã hội chủ nghĩa, sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu chỉ bằng cách nêu lên tính quanh co, phức tạp của các hình thái kinh tế - xã hội. Trong tổ hợp các nguyên nhân, sự trì trệ kém hiệu quả của nền kinh tế, tình trạng tập trung quan liêu, vốn là nhược điểm đã tích tụ thành khuyết tật tai hại của một mô hình chủ nghĩa xã hội dựa trên chế độ kế hoạch hoá tập trung cao phải được mổ xẻ, phân tích với một thái độ nghiêm túc nhất. Cải cách, cải tổ, thay đổi mô hình, sửa chữa khuyết tật là tất yếu. Nhưng bằng cải tổ, người ta đã đập tan ngôi nhà xã hội chủ nghĩa từ thượng tầng chính trị và tư tưởng đến hạ tầng cơ sở kinh tế. Cải tổ là tất yếu nhưng sụp đổ lại không phải là tất yếu nếu có đường lối đúng, nếu không xa rời những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Đó là bài học lịch sử đắt giá nhất!”. Hoặc một bài học nữa được rút ra đó là bài học về sự sáng tạo. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười và Nhà nước Xô-viết trong quá trình xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội là minh chứng và là bài học về đường lối cách mạng sáng tạo. Bài học sáng tạo đó có ý nghĩa soi sáng cho việc phân tích những vấn đề nảy sinh hôm qua và cung cấp phương pháp luận cho hôm nay.

PGS,TS. Phạm Hữu Tiến, nguyên Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ: Kỷ niệm 100 năm Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga thành công là dịp để những người đương đại nhìn lại cuộc cách mạng đã tạo nên những thành tựu vĩ đại trong lịch sử thế giới. Ngày nay tuy Liên bang Xô-viết không còn tồn tại trên thực tế, song những giá trị cơ bản của Cách mạng Tháng Mười vẫn có ý nghĩa nhiều mặt đối với thời đại chúng ta.

TS. Trương Thị Bích Hạnh, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhấn mạnh, trong điều kiện cụ thể hiện nay, cần có những cách thông tin phù hợp hơn để giới trẻ hiểu rõ hơn, sâu sắc hơn về tính chất, ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười không chỉ với nước Nga, với thế giới mà với chính những vấn đề của Việt Nam hôm nay, với lý tưởng sống của mỗi cá nhân. “Nếu như sức hút của Cách mạng Tháng Mười đối với lớp thanh niên trí thức đầu thế kỷ chính là ở chỗ nó chỉ ra con đường giải phóng, quá trình đến với Cách mạng Tháng Mười cũng là con đường đi tìm lý tưởng, thì xây dựng lý tưởng sống cho thanh niên vẫn là câu hỏi đặt ra cho thời đại ngày nay. Mặc dù thời đại đã nhiều thay đổi, dù thế giới có trải qua những bước thăng trầm, giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại của cuộc Cách mạng Tháng Mười vẫn được khẳng định. Tương lai của đất nước, của nhân loại vẫn phụ thuộc giới trẻ biết trân trọng quá khứ, nắm giữ tương lai”.

Phát biểu kết luận Tọa đàm, Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân một lần nữa nhấn mạnh vai trò và ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga, đồng thời khẳng định, những tổn thất của chủ nghĩa xã hội hiện thực trong thế kỷ XX không làm suy giảm ý nghĩa lịch sử to lớn và lý tưởng cao đẹp của Cách mạng Tháng Mười. Những lý tưởng cao đẹp của Cách mạng Tháng Mười, như độc lập dân tộc, tự do cho nhân dân, hòa bình, dân chủ, bình đẳng, bác ái cho mọi người, xóa bỏ áp bức, bóc lột, xóa nghèo nàn, lạc hậu, phân biệt chủng tộc... vẫn là những giá trị mà hiện nay nhân loại đang tiếp tục theo đuổi và hướng tới. Lý tưởng Cách mạng Tháng Mười mãi mãi soi rọi cho nhân loại trên con đường đấu tranh vì một thế giới hòa bình, công bằng, dân chủ, bình đẳng và tiến bộ./.