Đại tướng Ngô Xuân Lịch dự gặp không chính thức ADMM+1
Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) lần thứ 11, chiều 23-10 đã diễn ra các cuộc gặp không chính thức giữa Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN với Bộ trưởng Quốc phòng các nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ.
Tại cuộc gặp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Bộ trưởng Thường Vạn Toàn hoan nghênh các quốc gia ASEAN chia sẻ kinh nghiệm và cùng phát triển với Trung Quốc, cùng nhau xây dựng một cộng đồng gần gũi hơn.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc nhấn mạnh khu vực đang phải đối mặt với nhiều thách thức và cơ hội, vì vậy việc hợp tác giữa các quốc gia ASEAN cũng như giữa ASEAN với Trung Quốc là cần thiết để đối phó với các thách thức đó, trong đó có chủ nghĩa khủng bố.
Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ ASEAN trong lĩnh vực chống khủng bố.
Phát biểu tại cuộc gặp, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch đánh giá cao ý nghĩa của cuộc gặp, cho rằng đây là một hình thức cần thiết và hữu hiệu để ASEAN và đối tác chiến lược quan trọng của mình trong khu vực cùng trao đổi những vấn đề quan tâm, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng, quân sự nhằm góp phần xây dựng và duy trì lòng tin, đưa ra những biện pháp để đối phó với những thách thức an ninh chung, tăng cường sự đoàn kết, đồng thuận của ASEAN cũng như sự gắn kết vì lợi ích chung giữa ASEAN và Trung Quốc, đóng góp tích cực cho việc duy trì hòa bình ổn định trong khu vực và trên thế giới.
Việt Nam đánh giá cao sự ủng hộ của Trung Quốc đối với vai trò trung tâm của ASEAN cũng như sự đóng góp tích cực của Trung Quốc trong xây dựng các cơ chế hợp tác quốc phòng do ASEAN đóng vai trò chủ đạo như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) và ARF trong thời gian qua. Tuy nhiên, sự hợp tác này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng to lớn của hai bên.
Năm nay, ASEAN đã chính thức đưa Cơ sở hạ tầng liên lạc trực tiếp ASEAN (ADI) vào hoạt động. Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch đề nghị hai bên nghiên cứu để có thể sớm mở rộng ADI ra các nước đối tác, trước hết là Trung Quốc để hai bên có thể đẩy mạnh việc trao đổi thông tin, tham vấn lẫn nhau về các vấn đề cùng quan tâm.
Vừa qua, ASEAN và Trung Quốc đã xây dựng thành công Khung Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Theo Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch, đây là một bước phát triển tích cực và hai bên cần hướng tới một COC có hiệu lực thi hành cao và tính ràng buộc về mặt pháp lý.
Để sớm đạt được điều này, mỗi bên đều cần đề cao hợp tác thực tâm và ứng xử phù hợp với những cam kết của mình.
Tuyên bố chung ADMM-11 đã nhấn mạnh giá trị của việc thúc đẩy giao lưu nhân dân giữa các cơ quan quốc phòng thông qua chương trình giao lưu quốc phòng ASEAN.
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho rằng, đây là một hình thức rất hữu hiệu cho việc củng cố lòng tin, cơ sở cho sự hợp tác bình đẳng cùng có lợi. Việt Nam và Trung Quốc đã cùng tiến hành Chương trình giao lưu hữu nghị Biên giới và mới đây trong tháng 9 vừa qua đã diễn ra Chương trình giao lưu hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 4, mang lại hiệu quả thiết thực cho nhân dân hai nước.
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho rằng cần nghiên cứu thúc đẩy sớm chương trình này trong ASEAN.
Tại cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera, Bộ trưởng Onodera khẳng định Nhật Bản ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN.
Nhật Bản cũng mong muốn tận dụng các cơ hội hợp tác với ASEAN để đạt được hiệu quả nhất và trên cơ sở nhu cầu của từng bên.
Việc hợp tác sẽ là dịp để hai bên học hỏi lẫn nhau. Nhật Bản cũng cam kết sẽ giúp ASEAN tăng cường năng lực, nhất là về công nghệ và sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác trên cơ sở “Tầm nhìn Vientiane”.
Các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN khẳng định, quan hệ hợp tác giữa ASEAN và Nhật Bản không ngừng mở rộng trên nhiều lĩnh vực trong thời gian qua; đánh giá cao những hỗ trợ và sự ủng hộ của Nhật Bản đối với ASEAN.
Các Bộ trưởng mong muốn, thông qua hợp tác, Nhật Bản sẽ tiếp tục đóng góp vào việc tăng cường hòa bình, ổn định và an ninh tại khu vực.
Chia sẻ ý kiến tại cuộc gặp, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh, ASEAN đánh giá cao sự ủng hộ của Nhật Bản đối với việc duy trì vai trò trung tâm của ASEAN tại khu vực.
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho rằng cần phải duy trì các cuộc tiếp xúc giữa ASEAN và Nhật Bản qua nhiều hình thức nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng một cách toàn diện giữa hai bên.
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cũng khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam về vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên.
Tại cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis đánh giá cao vai trò trung tâm của ASEAN đối với hòa bình, ổn định trong khu vực.
Bộ trưởng Hoa Kỳ cũng chia sẻ quan điểm của Hoa Kỳ về chống khủng bố, an ninh biển và nhấn mạnh Hoa Kỳ ủng hộ việc thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm kết thúc xây dựng COC.
Các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN bày tỏ mong muốn Hoa Kỳ tiếp tục đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông cũng như trong hợp tác chống khủng bố.
Phát biểu tại cuộc gặp, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho rằng, trong các thách thức nổi lên có một vấn đề liên quan đến các quốc gia trong khu vực, đó là vấn đề an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên biển, đặc biệt là Biển Đông.
Vì lợi ích chung, các quốc gia trong khu vực cần vượt qua sự khác biệt để có được đồng thuận trên cơ sở luật pháp quốc tế và các cam kết đã thỏa thuận.
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch mong muốn Hoa Kỳ ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 và tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý.
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch hoan nghênh việc Hoa Kỳ thúc đẩy hợp tác với ASEAN trên các lĩnh vực chống khủng bố, an ninh biển (đặc biệt là tiếp tục trợ giúp các nước ASEAN nâng cao năng lực hàng hải) và hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa.
Đây là những lĩnh vực hợp tác đang được triển khai trong khuôn khổ ADMM+ và việc triển khai hiệu quả các lĩnh vực này sẽ góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Hoa Kỳ.
Bên lề Hội nghị ADMM-11, chiều cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch đã có cuộc gặp song phương với Thượng tướng Chansamon Channhalat, Bộ trưởng Quốc phòng Lào.
Tại cuộc gặp, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch khẳng định quan điểm trước sau như một của Việt Nam luôn coi trọng việc củng cố và tăng cường quan hệ đoàn kết hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện với Lào.
Hai Bộ trưởng đánh giá hợp tác quốc phòng song phương thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần giữ vững an ninh, ổn định chính trị ở mỗi nước, tăng cường tình đoàn kết, thúc đẩy quan hệ Việt - Lào ngày càng phát triển.
Hai Bộ trưởng nhất trí, trong thời gian tới, hai bên tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc phòng theo hướng hiệu quả, thiết thực, mang lại lợi ích cho hai nước cũng như đóng góp tích cực cho hòa bình và ổn định ở khu vực.
Thượng tướng Chansamon Channhalat và Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cùng cho rằng, hai bên cần tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ cũng như cán bộ, chiến sỹ Quân đội hai nước về mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa nhân dân và Quân đội hai nước./.
Thực hiện nghiêm quy định pháp luật về trách nhiệm người đứng đầu, góp phần đấu tranh ngăn chặn những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”  (24/10/2017)
Hoàn thiện pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước ở Việt Nam hiện nay  (24/10/2017)
Dịch vụ nộp thuế Hải quan điện tử của Vietcombank giúp hàng hóa được thông quan nhanh chóng  (24/10/2017)
Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 16 đến ngày 22-10-2017)  (24/10/2017)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên