TCCSĐT - Trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp (SOM2) Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), sáng 15-5, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị toàn thể lần thứ 24 Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC).

 
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh
 phát biểu tại cuộc họp

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017 dự và phát biểu.

Tiếp tục là động lực của tăng trưởng khu vực, toàn cầu

Phát biểu khai mạc, chúc mừng những thành quả xuất sắc và cống hiến của Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương cũng như tất cả thành viên về sự tiên phong, những đóng góp nổi bật của Hội đồng đối với hợp tác, thịnh vượng của khu vực trong gần 4 thập kỷ qua, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương đã khẳng định vai trò là một thể chế đặc biệt, nắm bắt được tâm huyết, trí tuệ của các các doanh nghiệp, chính phủ, giới học giả để hình thành các ý tưởng nhằm xử lý những thách thức quan trọng nhất mà châu Á-Thái Bình Dương đang phải đối mặt.

Phó Thủ tướng cho biết, sau hơn ba thập kỷ, khu vực châu Á trở thành một khu vực hòa bình, một động lực của tăng trưởng, liên kết kinh tế toàn cầu. Khi Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương được thành lập năm 1980, khu vực châu Á-Thái Bình Dương chiếm hơn 40% GDP toàn cầu. Ngày nay, con số này đã tăng lên trên 50%. Hơn một tỷ người trong khu vực đã thoát khỏi cảnh nghèo cùng cực. Hướng tới tương lai, trọng tâm kinh tế thế giới tiếp tục chuyển dịch về châu Á-Thái Bình Dương.

Các nền kinh tế mới nổi trong khu vực được dự báo sẽ tiếp tục là động lực của tăng trưởng khu vực và toàn cầu. Đây là khu vực có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới. Là nơi hội tụ các công nghệ mới, lực lượng lao động có tay nghề và tầng lớp trung lưu phát triển mạnh mẽ, 10 trong số 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ là các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương. Khu vực này là minh chứng cho thịnh vượng chung có thể đạt được thông qua liên kết và hợp tác kinh tế sâu rộng hơn, cũng như tự do hóa thương mại và đầu tư.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, triển vọng của khu vực còn phụ thuộc vào hiệu quả xử lý ba “nhóm” thách thức mà khu vực hiện đang đối mặt, cả về ngắn hạn và dài hạn.

Một là,  năng suất trì trệ, bất bình đẳng gia tăng trong từng nền kinh tế và giữa các nền kinh tế; các thách thức dân số, bao gồm cả già hóa dân số, vấn đề đói nghèo, đô thị hóa, các tác động chưa từng có của biến đổi khí hậu.

Hai là, mức độ sẵn sàng cho cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Chỉ trong gần hai thập kỷ đầu của thế kỷ XXI, có những thay đổi to lớn về công nghệ, làm thay đổi bản chất của việc làm, chuyển đổi xã hội cũng như cách thức liên hệ và tương tác với nhau.

Ba là, những rủi ro tiềm ẩn của xung đột địa chính trị và thiếu một cơ chế quản trị khu vực có khả năng thích ứng. Môi trường khu vực đang trải qua những chuyển biến phức tạp và cơ bản. Bên cạnh đó cũng nổi lên các vấn đề an ninh mới, như các hệ lụy của các công nghệ mới xuất hiện, khả năng mạng dễ tổn thương và quản lý tài nguyên…

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Đây là thời điểm thích hợp để các nền kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương cùng nhau thảo luận về tầm nhìn quan hệ châu Á-Thái Bình Dương trong những thập kỷ tới và triển khai các nội dung: Mục tiêu của châu Á-Thái Bình Dương trong những thập kỷ tới là gì? Liệu khu vực có thể khẳng định vai trò lãnh đạo toàn cầu hay không? Chúng ta có thể hình thành một cộng đồng và mối quan hệ đối tác châu Á-Thái Bình Dương vì phát triển bền vững và bao trùm không? Chúng ta cần làm gì để tăng trưởng bao trùm, bền vững và sáng tạo trong kỷ nguyên số? Các lợi thế so sánh mới của chúng ta là gì? Làm sao để tạo được những động lực mới cho tăng trưởng? Làm thế nào để chúng ta tạo dựng được một châu Á-Thái Bình Dương gắn kết chặt chẽ, là động lực của liên kết kinh tế toàn cầu trong một thế giới toàn cầu hóa? Chúng ta cần chuẩn bị như thế nào để tranh thủ các cơ chế hợp tác đang được hình thành?"

Cần có những phương thức sáng tạo trong hợp tác

Phó Thủ tướng kỳ vọng, các nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương sẽ xây dựng một Cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, năng động, tự cường, bao trùm, kết nối và liên kết toàn diện, tạo cơ hội, sự tham gia bình đẳng cho tất cả mọi người. Bên cạnh đó, động lực của kinh tế khu vực phải đến từ tăng trưởng có chất lượng, bền vững, sáng tạo, bao trùm, kết nối, liên kết kinh tế sâu rộng.

 
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh
với Đại biểu các nền kinh tế APEC tham dự cuộc họp

Các động lực chính gồm cải cách cơ cấu, các công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ số, thương mại điện tử, thương mại số, nguồn nhân lực chất lượng, tính cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, bảo đảm tính bao trùm trên các lĩnh vực kinh tế, tài chính và xã hội… Cùng với đó, các nền kinh tế trong khu vực cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa thương mại và đầu tư tự do và mở, các hiệp định thương mại khu vực, các hiệp định tự do thương mại hướng tới việc hình thành Khu vực thương mại tự do toàn châu Á-Thái Bình Dương; nắm bắt các cơ hội của những hiệp định khu vực hiện có và đang hình thành.

Các nền kinh tế khu vực này cũng cần có những phương thức sáng tạo trong hợp tác và hài hòa các chính sách, thương mại, xử lý các vấn đề thương mại và đầu tư thế hệ mới, nâng cao năng lực và hợp tác kinh tế-kỹ thuật…

Tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận nhiều nội dung trong đó có các triển vọng tăng trưởng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương; các thể chế và tiến trình khu vực châu Á-Thái Bình Dương cần làm để giải quyết các mối quan tâm về vấn đề toàn cầu hóa, hướng tiến tới hội nhập, phát triển, tự do hóa thương mại; vai trò của dịch vụ, đầu tư trong xúc tiến tăng trưởng, hội nhập kinh tế khu vực…

Đại sứ Don Campbell, đồng Chủ tịch Cuộc họp Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương cho rằng, với vai trò là một thể chế đặc biệt kết nối các nền kinh tế trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương là một đối tác ba bên duy nhất kết nối các cá nhân cấp cao từ khối doanh nghiệp, ngành công nghiệp, chính phủ, các nhà khoa học và tầng lớp trí thức khác. Các lực lượng này đều tham gia thảo luận về các vấn đề chính sách hiện tại và thực tiễn trong vấn đề hợp tác kinh tế của khu vực châu Á-Thái Bình Dương; từ đó, đưa ra các khuyến nghị, giải pháp trên tinh thần hợp tác, công bằng, tôn trọng, hướng tới một khu vực châu Á-Thái Bình Dương thịnh vượng và tiến bộ.

Tại cuộc họp này, các đại biểu sẽ tìm hiểu và thống nhất các giải pháp tận dụng các động lực tăng trưởng mới, bảo đảm các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa có thể phát triển; tiềm năng của Cuộc cách mạng công nghệ mới và kinh tế số; rủi ro và và cơ hội từ sự thay đổi công nghệ; cơ hội và thách thức mà kỷ nguyên số mang lại cho kinh tế-tài chính-xã hội và phát triển nhân lực; thách thức và cơ hội cho tương lai của quan hệ đối tác châu Á-Thái Bình Dương; tầm nhìn thúc đẩy của châu Á-Thái Bình Dương sau 2020.

* Cũng trong sáng nay, trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp (SOM2) Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và các cuộc họp liên quan, Đối thoại chính sách cao cấp APEC về Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số đã khai mạc.

 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc đối thoại

Cuộc đối thoại có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và đại diện các nền kinh tế thành viên APEC.

Nguồn nhân lực, trung tâm của sự phát triển

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Đối thoại chính sách cao cấp APEC về Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số là hội nghị mở đầu cho 8 hội nghị cấp bộ trưởng trong Năm APEC Việt Nam 2017; thể hiện nỗ lực không ngừng của cộng đồng APEC cũng như của Việt Nam trong phát triển nguồn nhân lực.

Theo Phó Thủ tướng, nguồn nhân lực luôn là trung tâm của sự phát triển, đặc biệt là trong kỷ nguyên số. Sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin đã mang tới nhiều yêu cầu, điều kiện mới để phát triển nguồn nhân lực.

Vấn đề này không chỉ đặt ra với những nhân lực có trình độ làm việc trong lĩnh vực công nghệ cao mà còn liên quan đến tất cả các tầng lớp lao động, bao gồm lao động giản đơn. Khu vực APEC là khu vực phát triển rất năng động. Tỷ trọng đóng góp của kinh tế số vào tăng trưởng ở các nền kinh tế thành viên APEC đều cao hơn mức trung bình. Điều này không chỉ góp phần tăng năng suất lao động, phát triển công nghệ thông tin mà còn tạo sự thuận lợi trong kết nối phương tiện để mở ra cơ hội mới cho mỗi cá nhân và cộng đồng với mục tiêu để tất cả mọi người được chia sẻ, giao lưu, tiếp cận, đóng góp chung vào thành tựu văn minh nhân loại của toàn cầu.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, việc kết nối, mở rộng mạng lưới và tăng cường hợp tác giữa các trung tâm đào tạo trong khu vực và trên thế giới đối với lĩnh vực giáo dục, đào tạo nghề rất quan trọng; giúp bảo đảm sự hợp tác thực chất hơn giữa các thành viên với cộng đồng doanh nghiệp.

Đối thoại lần này sẽ góp phần vào sự phát triển của nguồn nhân lực trong khu vực APEC và tạo động lực mới cho các nền kinh tế thành viên cùng chung tay hợp tác vì hòa bình, thịnh vượng trong khu vực và thế giới; phấn đấu để hoàn thành các mục tiêu của Chương trình nghị sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Công nghệ, số hóa, cơ hội mới góp phần nâng cao năng suất lao động

Các đại biểu tham dự cuộc đối thoại đã tham gia các phiên thảo luận tập trung vào một số nội dung chính: Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, tạo sự năng động mới để tăng trưởng; Thúc đẩy cam kết của các bên liên quan trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực; Thông qua khuôn khổ hợp tác APEC về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số.

 
 Quang cảnh cuộc đối thoại

Các đại diện đến từ nhiều nền kinh tế thành viên APEC đã chia sẻ quan điểm và kinh nghiệm liên quan tới cơ hội, thách thức khi đối diện với vấn đề phát triển nguồn nhân lực, an sinh xã hội trong kỷ nguyên số. Ngoài ra, vấn đề về tương lai việc làm cũng được quan tâm thảo luận với mục tiêu chia sẻ thông tin và thực tiễn liên quan về phát triển nguồn nhân lực, cũng như nền tảng hợp tác giữa các bên tham gia.

Trong nội dung thảo luận về giáo dục và đào tạo kỹ năng, đại diện của các nền kinh tế thành viên APEC và đại diện một số cơ sở đào tạo, doanh nghiệp bàn thảo về vai trò, trách nhiệm công-tư trong giáo dục, phát triển kỹ năng và cơ chế cho sự tham gia của các bên trong quá trình này.

Tiến sỹ Alan Bollard, Giám đốc Điều hành Ban Thư ký APEC cho rằng, trong những năm vừa qua, các nền kinh tế là chủ nhà APEC đã chuyển trọng tâm hướng tới những lĩnh vực giúp nâng cao năng lực con người, chú trọng vào tự do hóa thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, phụ nữ trong phát triển kinh tế, dịch chuyển lao động xuyên biên giới, các vấn đề đàm phán trong thương mại…

Trong năm đăng cai, Việt Nam đã đề ra bốn ưu tiên phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số. Việt Nam đã đề xuất những giải pháp ứng phó đối với vấn đề này.

Tại cuộc đối thoại, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, các tiến bộ khoa học công nghệ đang tác động mạnh mẽ lên toàn bộ đời sống kinh tế, chính trị và xã hội của các nền kinh tế thành viên APEC.

Trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, việc ứng dụng công nghệ và số hóa là cơ hội mới góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng suất lao động, tăng sản lượng kinh tế; tạo điều kiện cho việc ra đời, phát triển mô hình kinh doanh mới, thị trường mới và những cơ hội việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, vấn đề này cũng đặt ra nhiều thách thức mới do sự gia tăng của tính phân đoạn trong quy trình sản xuất, chế tạo; do thay đổi, phát sinh trong thị trường lao động, quan hệ lao động và nhu cầu của các nghề mới.

Việc nắm bắt những thay đổi do cách mạng công nghệ lần thứ 4 tạo ra và chủ động điều chỉnh, thực hiện các chính sách về việc làm, đào tạo nghề sẽ hỗ trợ các nền kinh tế thành viên APEC trong quá trình đối phó với những thách thức trong nền kinh tế và trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực.

Các nền kinh tế thành viên APEC đang thúc đẩy nỗ lực để bảo đảm tăng trưởng toàn diện, bền vững; trong đó tập trung mạnh vào việc tăng cao khả năng thích ứng của lực lượng lao động để nhanh chóng đáp ứng sự thay đổi của phát triển công nghệ, theo đó việc tăng cường các nỗ lực bảo đảm việc làm bền vững, chất lượng cho tất cả mọi người đặc biệt là các nhóm yếu thế bằng cách hỗ trợ tiếp cận hệ thống giáo dục, dạy nghề bao trùm, có chất lượng, khích lệ tinh thần khởi nghiệp; hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội, tăng cường hợp tác các khu vực là mối quan tâm, cam kết của các nhà lãnh đạo từ các nền kinh tế thành viên APEC./.