TCCSĐT - Nhận thức rõ tầm quan trọng của địa bàn biên giới phía Bắc, những năm qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên Phòng và tỉnh ủy, ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới phía Bắc đã có nhiều chủ trương, giải pháp xây dựng, phát triển toàn diện ở khu vực biên giới.

Các tỉnh biên giới phía Bắc có đường biên giới tiếp giáp với hai tỉnh Quảng Tây và Vân Nam của Trung Quốc, dài 1.449,566km tính từ ngã ba biên giới giữa Việt Nam, Lào và Trung Quốc đến bờ biển Vịnh Bắc Bộ; đi qua bảy tỉnh biên giới phía Việt Nam là Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh. Dân số của 31 huyện/thị (gồm 168 xã, phường, thị trấn) biên giới phía Bắc khoảng gần 117.000 hộ (trên 535.000 khẩu) với 22 dân tộc, trong đó có 21 dân tộc thiểu số với gần 92.000 hộ (trên 460.000 khẩu).

Với vị trí chiến lược đặc thù về kinh tế, chính trị, quốc phòng và an ninh, khu vực biên giới các tỉnh phía Bắc đã được Đảng, Nhà nước ta quan tâm đầu tư, phát triển bằng nhiều chủ trương, giải pháp lớn và đã đạt được những kết quả đáng kể. Song, đây vẫn là khu vực khó khăn nhất của cả nước, đang tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp; đặc biệt, hoạt động chống phá của các loại đối tượng tiếp tục gia tăng với tính chất, quy mô, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt... Điều đó sẽ tác động không nhỏ đến vấn đề an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Trong thời gian qua, bộ đội biên phòng các tỉnh biên giới phía Bắc đã cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tích cực tham gia xây dựng, củng cố cơ sở chính trị ở địa phương; tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào khu vực biên giới trên địa bàn phụ trách. Tuy nhiên, khu vực biên giới các tỉnh phía Bắc vẫn là nơi kinh tế chậm phát triển, trong sản xuất nông nghiệp vẫn phụ thuộc vào tự nhiên là chủ yếu; trình độ dân trí thấp, một số tập quán, hủ tục lạc hậu vẫn tồn tại; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc nhìn chung còn nhiều khó khăn, tiềm ẩn những vấn đề phức tạp về dân tộc, tôn giáo, trật tự xã hội mà các thế lực thù địch và các loại đối tượng có thể lợi dụng hoạt động, chống phá.

Nguyên nhân chủ yếu một phần là do sự phối hợp trong tiến hành công tác dân vận, xây dựng cơ sở địa bàn của ta có thời điểm chưa tốt; vai trò của đội ngũ nòng cốt, chuyên trách trong công tác vận động nhân dân tham gia bảo vệ biên giới ở một số đơn vị có lúc còn chưa được chú trọng đúng mức, khả năng làm công tác dân vận của một số cán bộ, chiến sĩ có mặt còn hạn chế, công tác tham mưu cho địa phương giải quyết một số vụ, việc có lúc còn thiếu kịp thời, kinh phí hoạt động hạn hẹp. Vì vậy, trong thời gian tới, để phát huy những mặt tích cực, khắc phục những vướng mắc còn tồn đọng trong công tác dân vận, bộ đội biên phòng các tỉnh biên giới phía Bắc cần tổ chức thực hiện tốt các giải pháp cơ bản sau:

Một là, nâng cao nhận thức cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng các tỉnh biên giới phía Bắc về công tác dân vận và vai trò của họ đối với nhiệm vụ đó.

Đây là giải pháp có ý nghĩa cơ sở, nền tảng trong hệ thống các giải pháp; giúp cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị hiểu sâu sắc về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là chính sách về dân tộc, tôn giáo và các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch của tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh; về yêu cầu, nhiệm vụ của công tác dân vận trong tình hình mới; về âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch... Từ đó, xác định đúng vai trò, trách nhiệm, biết cách vận dụng linh hoạt vào quá trình tuyên truyền, vận động, tổ chức, hướng dẫn nhân dân tham gia bảo vệ biên giới.

Theo đó, cần tổ chức tập huấn, quán triệt riêng hoặc lồng ghép vào các nội dung, chương trình hội nghị, sinh hoạt tập thể, triển khai kế hoạch, báo cáo chuyên đề, sơ, tổng kết,... để giáo dục chính trị, phổ biến pháp luật, hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là lực lượng chuyên trách làm công tác dân vận; giúp họ hình thành những phẩm chất đặc biệt, đáp ứng tốt yêu cầu, đòi hỏi. Thường xuyên lãnh đạo, chỉ huy, kiểm tra đánh giá kết quả nhận thức của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị về công tác dân vận và vai trò của họ đối với nhiệm vụ này. Trên cơ sở đó, lựa chọn nội dung, hình thức, phương pháp bồi dưỡng, bổ sung, cập nhật kiến thức mới cho phù hợp, uốn nắn kịp thời những quan điểm lệch lạc, những sai sót trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của bộ đội. Tổ chức tốt các hoạt động trao đổi, tọa đàm, hội thảo, sơ, tổng kết rút kinh nghiệm về công tác dân vận, đặc biệt sau những đợt tuyên truyền, vận động, tổ chức, hướng dẫn nhân dân theo chuyên đề; nhằm giúp cho cán bộ, chiến sĩ rút ra kinh nghiệm cho bản thân, nâng cao trình độ nhận thức, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác, chiến đấu.

Hai là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với nhiệm vụ phát huy vai trò của bộ đội biên phòng các tỉnh biên giới phía Bắc trong công tác dân vận hiện nay.

Để thực hiện tốt giải pháp này bộ đội biên phòng các tỉnh biên giới phía Bắc cần tập trung vào những nội dung, biện pháp cụ thể sau:

- Cấp ủy, chỉ huy các cấp bộ đội biên phòng từng tỉnh nắm chắc tình hình có liên quan, chủ động xây dựng và triển khai thực hiện nghị quyết chuyên đề lãnh đạo công tác dân vận khoa học, sát hợp và có chất lượng; trong quá trình chỉ đạo các đơn vị thực hiện nhiệm vụ cần kết hợp chặt chẽ giữa chỉ đạo toàn diện với chỉ đạo trọng điểm; duy trì nghiêm chế độ báo cáo, nắm tình hình, không để bị động, bất ngờ.

- Thường xuyên nắm chắc tâm tư, tình cảm, phẩm chất, năng lực công tác của cán bộ, chiến sĩ, nguyện vọng của nhân dân cũng như mọi diễn biến tình hình xảy ra ở địa bàn; đầu tư, hỗ trợ vật chất, trang thiết bị, phương tiện, động viên tinh thần bộ đội khắc phục mọi khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ trên cương vị, chức trách được giao.

- Tăng cường hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác dân vận của đơn vị cơ sở, trọng tâm là đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác dân vận; qua đó, nắm chắc tình hình thực hiện nhiệm vụ, nhân rộng những điển hình tiên tiến, khắc phục kịp thời những hạn chế, thiếu sót; phát huy có hiệu quả vai trò, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ trong quá trình vận động nhân dân theo cương vị, chức trách được giao.

Ba là, xác định nội dung, vận dụng linh hoạt các hình thức, phương pháp vận động nhân dân ở khu vực biên giới phía Bắc tham gia bảo vệ biên giới phù hợp với tình hình thực tế đơn vị công tác.

Trên cơ sở nội dung nhiệm vụ chung, mỗi địa bàn ở từng thời điểm cụ thể phải xác định nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, vận động, tổ chức, hướng dẫn nhân dân phù hợp với tình hình thực tế; tránh rập khuôn, máy móc. Thực hiện tốt phương châm “ba bám” (bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương chính sách); “bốn cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào) để nắm chắc tình hình, lựa chọn nội dung, hình thức, phương pháp dân vận cho phù hợp. Từ đó, tổ chức phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương (Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên...) và những người có uy tín để tiến hành lồng ghép các nội dung cần tuyên truyền, vận động vào các buổi sinh hoạt, như nói chuyện thời sự, hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, tổ chức chiếu phim,... để tuyên truyền, vận động một cách sâu rộng và khoa học tới mọi tầng lớp nhân dân.

Cấp ủy, chỉ huy các cấp bộ đội biên phòng từng tỉnh cần chủ động hướng dẫn bộ đội cách thức xác định nội dung, hình thức, phương pháp dân vận mềm dẻo, linh hoạt trên cơ sở giữ vững nguyên tắc, nhất là đối với các tình huống phức tạp, nhạy cảm, dễ bị kẻ địch lợi dụng kích động, chống phá; bảo đảm luôn phù hợp với sự biến động của địa bàn và đối tượng vận động. Hằng năm, các đơn vị xây dựng chương trình, kế hoạch tham gia giúp đỡ địa phương; trong đó, xác định rõ trách nhiệm của đơn vị đối với công tác bảo vệ biên giới ở địa phương, trách nhiệm của mỗi bên trong phối hợp thực hiện công tác dân vận, chú trọng gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Duy trì nghiêm các chế độ trao đổi thông tin, báo cáo; kiên quyết đấu tranh với những quan điểm và hành động sai trái, phản động, thù địch.

- Tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động đồng bào tích cực, tự giác trong tham gia bảo vệ đường biên, mốc quốc giới; duy trì hiệu quả các phong trào giữ gìn an ninh trật tự; xây dựng nếp sống văn hóa mới; đẩy mạnh phong trào tự quản đường biên, mốc quốc giới; phát huy và nhân rộng những gương người tốt, việc tốt của quần chúng nhân dân. Đồng thời, tổ chức trao đổi rút kinh nghiệm trên từng tỉnh và toàn tuyến biên giới nhằm phát huy những kết quả đã làm được, khắc phục những hạn chế trong quá trình thực hiện công tác dân vận.

Bốn là, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các tỉnh biên giới phía Bắc tích cực xây dựng và củng cố hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trong công tác dân vận.

Trước hết, cấp ủy, chỉ huy các cấp bộ đội biên phòng những tỉnh biên giới phía Bắc mà trực tiếp là các đồn biên phòng cùng với đội ngũ chuyên trách làm công tác dân vận thường xuyên thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu và trực tiếp tham gia cùng với địa phương xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động các đảng bộ, chi bộ cơ sở trong sạch vững mạnh; tổ chức chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân các xã, thị trấn biên giới vững mạnh toàn diện; bảo đảm kiện toàn về số lượng, có chất lượng cao và cơ cấu hợp lý, có đủ khả năng duy trì khối đại đoàn kết các dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, sự nghiệp bảo vệ biên giới quốc gia nói riêng, tổ chức thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng và thực hiện có hiệu quả quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo ở khu khu vực biên giới; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, an ninh với giữ gìn và phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc; tổ chức và thực hiện tốt chính sách xã hội, như xây nhà tình nghĩa cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình và người có công với cách mạng; nhận đỡ đầu những học sinh nghèo vượt khó, hỗ trợ vốn cho các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong phát triển kinh tế (như Chương trình “Nâng bước em tới trường” do bộ đội biên phòng phát động, Chương trình “Chung tay vì cộng đồng và bò giống giúp người nghèo biên giới” do bộ đội biên phòng và Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện...).

Thứ ba, tích cực tham mưu và trực tiếp tham gia cùng với địa phương xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch phối kết hợp với các lực lượng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ dân vận; bảo đảm phối hợp chặt chẽ với lực lượng đứng chân trên địa bàn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ở khu vực biên giới chấp hành nghiêm quy chế biên giới, tích cực tham gia thực hiện tốt thế trận biên phòng toàn dân.

Năm là, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác dân vận của bộ đội biên phòng các tỉnh biên giới phía Bắc vững mạnh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ biên giới quốc gia.

Theo đó thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy và đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác dân vận ở đồn biên phòng đáp ứng yêu cầu về số lượng, có chất lượng cao và cơ cấu hợp lý, trong đó chất lượng là yếu tố quan trọng, được quan tâm hàng đầu; chủ động xây dựng kế hoạch sắp xếp, sử dụng cán bộ nhằm phát huy hiệu quả vai trò của từng cán bộ, chiến sĩ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; kiên quyết luân chuyển vị trí khác đối với các đồng chí không đủ điều kiện, khả năng làm công tác dân vận. Không ngừng bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là đội ngũ chuyên trách làm công tác dân vận. Hằng năm, cần tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về công tác dân vận; nội dung tập huấn cần tập trung vào những vấn đề mới nổi lên về tình hình dân tộc, tôn giáo; các kiến thức tâm lý học, xã hội học, kỹ năng tuyên truyền, quy trình công tác dân vận trong các loại hình hoạt động bảo vệ biên giới quốc gia. Có chế độ, chính sách thỏa đáng cả về vật chất lẫn tinh thần đối với bản thân, gia đình và hậu phương đội ngũ chuyên trách làm công tác dân vận; đề xuất trên có kinh phí hỗ trợ riêng ở mức cao hơn đối với những cán bộ, chiến sĩ công tác ở các địa bàn đặc biệt khó khăn, giúp họ an tâm tư tưởng, bám trụ địa bàn công tác./.

-----------------------------------------------

(1) Quân ủy Trung ương, Nghị quyết số 806 - NQ/QUTW, ngày 31-12-2013, về hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo

(2) Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Cục Chính trị, Báo cáo số 1343/BC-CCT, ngày 04-10-2016, về tình hình và kết quả công tác vận động quần chúng năm 2016