Bảo đảm vũ khí cho trung đoàn Thủ đô trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến

Dương Hồng Anh Đại tá, PGS. TS, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
16:02, ngày 19-12-2016

TCCSĐT - Ngày 19-12-1946, khi mọi nỗ lực hòa hoãn của ta đều bị thực dân Pháp khước từ, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Đáp lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ…”(1), quân dân cả nước nhất tề đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Tại khu vực nội thành Hà Nội, sau hơn 2 tuần chiến đấu, trước yêu cầu thống nhất chỉ huy các lực lượng vũ trang, Đảng ủy Liên khu 1(2) quyết định hợp nhất các lực lượng vũ trang trong Liên khu thành lập một trung đoàn chính quy mang tên “Trung đoàn Liên khu 1”. Ban Chỉ huy Trung đoàn gồm có đồng chí Hoàng Siêu Hải - Trung đoàn trưởng, Lê Trung Toàn - Bí thư Đảng ủy và Hoàng Phương - Tham mưu trưởng. Trung đoàn Liên khu 1 với quân số khoảng 2.500 người được biên chế thành 3 tiểu đoàn (101, 102, 103), Ban Tham mưu, Ban Tuyên truyền, Ban Quản lý, Ban Y tế và một xưởng sửa chữa vũ khí.

Tranh thủ thời gian trước khi nổ ra kháng chiến toàn quốc, việc tổ chức bảo đảm vũ khí cho các tiểu đoàn vệ quốc chiến đấu ở Hà Nội sớm được Trung ương Đảng, Bộ Tổng chỉ huy, Ban Chỉ huy Mặt trận Hà Nội đặc biệt quan tâm. Công tác chuẩn bị được tiến hành khẩn trương, bí mật bằng nhiều cách. Nhiều cán bộ của Úy ban Bảo vệ thành phố, bộ đội, tự vệ chiến đấu được cử xuống các khu phố vận động nhân dân tích cực mua sắm, sửa chữa vũ khí. Cùng với các xưởng chế tạo của Quân giới Cục, các đoàn thể, công ty tư nhân đứng trên địa bàn Hà Nội cũng thành lập các xưởng quân giới, như xưởng Hoàng Văn Thụ của Tổng bộ Việt Minh chế tạo lựu đạn và súng tiểu liên Sten; công ty vũ khí Phan Đình Phùng của Đoàn thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu chế tạo lựu đạn và sửa chữa vũ khí... Ngoài việc tự sản xuất vũ khí, quân dân Hà Nội còn tìm mọi cách mua vũ khí của quân đội Tưởng Giới Thạch. Số vũ khí mua được của quân Tưởng khá lớn, nhiều chủng loại, nhất là súng trường và tiểu liên. Một số tổ sửa chữa lưu động được thành lập làm nhiệm vụ kiểm tra, sửa chữa tại chỗ vũ khí hư hỏng. Đường cơ động lực lượng và tiếp tế vũ khí đạn dược trong thành phố rất đặc biệt. Đường được hình thành bằng cách đục thủng tường ngăn giữa các nhà liền kề trong phố, thông từ nhà này sang nhà khác thành hệ thống liên hoàn, vừa bảo đảm bí mật vừa tránh được hỏa lực địch.

Để nắm chắc số vũ khí hiện có, đồng chí Vương Thừa Vũ, Chỉ huy trưởng mặt trận Hà Nội đã chỉ thị cho cơ quan Quân giới tổ chức kiểm kê vũ khí đạn dược tại các tiểu đoàn vệ quốc. Do yêu cầu cao của nhiệm vụ chiến đấu, lực lượng vũ trang tại Liên khu 1 được bổ sung 10.000 viên đạn, 500 lựu đạn, 100 chai cháy, 2 máy vô tuyến điện... Riêng Tiểu đoàn 101 được bảo đảm 3 trung liên, 15 tiểu liên, 11 súng ngắn, 60 súng trường. Ngoài ra, các đơn vị còn được bảo đảm lựu đạn, dao găm, mã tấu, chai xăng, chai vôi sỏi… Cuộc chiến đấu giữa ta và địch diễn ra ở Liên khu 1 ngày càng gay go, ác liệt. Từ giữa tháng 01-1947, Trung đoàn Thủ đô(3) phải đương đầu với nhiều khó khăn, đặc biệt là sự thiếu thốn về vũ khí, đạn dược. Lúc này, cả Trung đoàn không có một khẩu súng lớn, súng bộ binh trang bị cho chiến sĩ cũng thiếu nghiêm trọng. Tiểu đội phố Cầu Gỗ chỉ còn một khẩu súng khai hậu, tiểu đội khu Đông Thành có 2 khẩu trung liên cũ vừa bắn vừa sửa. Đạn dược lại càng hiếm, nguồn tiếp tế bổ sung không kịp, đường liên lạc tiếp tế có nguy cơ bị cắt đứt. Công binh xưởng Liên khu 1 chỉ có thể sửa chữa vặt với những hỏng hóc thông thường của vũ khí trang bị. Lúc này nhiệm vụ tiết kiệm, sử dụng có hiệu quả đạn dược, chất nổ trong chiến đấu được phổ biến, quán triệt tới từng cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn.

Trước tình hình trên, Đảng ủy mặt trận Hà Nội và Bộ Chỉ huy tiền phương Chiến khu 2 đã tăng cường vận chuyển vũ khí đạn từ ngoài vào. Việc tiếp tế vũ khí đạn dược từ ngoài vào lúc này chỉ duy nhất còn một con đường liên lạc từ vùng tự do qua bãi Phúc Xá đến Cột Đồng Hồ. Theo con đường đầy nguy hiểm ấy, mỗi đêm đội du kích Hồng Hà, tiểu đội nữ giao thông khu Lãng Bạc (Nhật Tân) vượt vòng vây của quân địch chuyển đến Trung đoàn vũ khí đạn dược, lương thực, thực phẩm và chỉ thị của trên.

Nhân dân nội, ngoại thành Hà Nội cũng hăng hái tham gia phục vụ chiến đấu, nhiều chị em phụ nữ và các cháu thiếu nhi đã luồn lách trong các giao thông hào, các chướng ngại vật trên đường, vượt qua lửa đạn tới tận chiến hào để tiếp tế đạn dược cho bộ đội đánh giặc. Các tổ sửa chữa lưu động tăng cường hoạt động làm nhiệm vụ sửa chữa tại chỗ vũ khí hư hỏng. Các công binh xưởng di chuyển ra ngoại thành, vừa ổn định nơi ăn chốn ở đã nhanh chóng sản xuất, sửa chữa vũ khí cung cấp cho Trung đoàn. Nhờ sự hoạt động mưu trí, dũng cảm của các lực lượng vận tải nên đã vận chuyển bổ sung cho các chiến sĩ bảo vệ Thủ đô được 500 quả lựu đạn và 1.000 viên đạn các loại vừa mới ra xưởng... Trong quá trình chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn tích cực thực hiện phương châm “lấy vũ khí địch đánh địch”. Chiến sự ngày càng ác liệt, vũ khí hư hỏng nhiều, Ban Chỉ huy mặt trận Hà Nội quyết định đưa bớt một phần quân số của Trung đoàn ra ngoài để dồn số súng đạn còn lại cho hơn 1.200 chiến sĩ tiếp tục ở lại chiến đấu kìm chân địch.

Trải qua 60 ngày đêm kiên cường bám trụ, chiến đấu trong vòng vây của địch, Trung đoàn đã cùng với quân dân Hà Nội đánh tiêu hao một bộ phận sinh lực quan trọng của địch, loại khỏi vòng chiến đấu gần 2.000 tên địch, phá hủy hơn 100 xe quân sự, bắn chìm 1 ca nô, bắn rơi và phá hủy 5 máy bay.

Trong những ngày giao tranh ác liệt giữa ta và địch trên các mặt trận ở Hà Nội, cùng với tinh thần dũng cảm, kiên cường chiến đấu, vũ khí trang bị được cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn sử dụng một cách rất sáng tạo, hiệu quả. Trung đoàn đã đánh những trận vang dội ở Bắc Bộ Phủ, Đồng Xuân, Long Biên, Hàng Lược, Tràng Tiền, nhà thuốc Noóc-man, nhà Xô-va, Hàng Thiếc... Tại Bắc Bộ Phủ, khi địch tiến công vào nơi phòng ngự của Đại đội 1, Tiểu đoàn 101, một xe tăng địch bị chiến sĩ cảm tử đâm bom ba càng bốc cháy ngay trong sân. Khi quân địch tiếp tục tràn vào, Chính trị viên đại đội Lê Gia Định đã kịp đạp kíp quả bom lớn làm 1 xe tăng địch cùng hàng chục lính Pháp tan xác. Bằng các loại súng bộ binh, các chiến sĩ Trung đội 4, Tiểu đoàn 102 từ sân thượng nhà số 18 phố Lương Văn Can đã bắn rơi máy bay địch... Tại trận chiến trên phố Hàng Thiếc, đồng chí Trần Đan, Chính trị viên trung đội bằng lựu đạn tiêu diệt nhiều tên xâm lược. Lựu đạn nổ trên tay, đồng chí bị thương, nhưng với tay trái đồng chí tiếp tục chiến đấu xứng danh là “vua lựu đạn”. Tại cuộc chiến đấu ở chợ Đồng Xuân, gần 200 tên địch đã chết và bị thương bởi lưỡi lê, dao găm, mã tấu, dao thái thịt, báng súng, cuốc, xẻng, gạch đá, của các chiến sĩ Tiểu đoàn 101. Thực dân Pháp hết sức bất ngờ trước một đội quân non trẻ với những trang bị thiếu thốn lại dám nổ súng vào quân viễn chinh.

Việc bảo đảm cho Trung đoàn Thủ đô có vũ khí trang bị chiến đấu dài ngày giữa lòng thành phố trong những ngày đầu kháng chiến đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi vẻ vang của quân dân Thủ đô. Trung đoàn với những vũ khí thua kém địch nhiều lần, đã đánh những trận mở đầu rất oanh liệt. Chiến công và tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của cán bộ chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến đã tô đẹp và làm rạng rỡ thêm truyền thống ngàn năm Thăng Long - Hà Nội./.

-------------------------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 4, tr. 480

(2) Hà Nội lúc này được được chia thành 3 liên khu. Liên khu 1 là trung tâm của thành phố với 7 khu phố chính là: Trúc Bạch, Đồng Xuân, Long Biên, Đông Kinh Nghĩa Thục, Đông Thành, Hoàn Kiếm và Hồng Hà

(3) Ngày 12-1-1947, Hội nghị Quân sự toàn quốc lần thứ nhất họp tại Chúc Sơn (Chương Mỹ) quyết định tặng danh hiệu “Trung đoàn Thủ đô” cho Trung đoàn Liên khu 1