Không ngừng vun đắp tình đoàn kết hữu nghị thắm thiết Việt Nam - Cuba
TCCSĐT - Tiếp nối mối quan hệ đặc biệt gắn bó, tình đoàn kết keo sơn trong hơn năm mươi năm qua, hai nước anh em Việt Nam - Cuba luôn sát cánh bên nhau, không ngừng củng cố, phát triển quan hệ hợp tác toàn diện. Với ý nghĩa quan trọng này, tháng 11-2016, Chủ tịch nước Trần Đại Quang thực hiện chuyến thăm Cuba nhằm tạo xung lực mới cho quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.
Mối quan hệ đặc biệt hiếm có
Ngay sau khi cách mạng Cuba thành công, ngày 01-01-1959, Bác Hồ, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã bày tỏ tình đoàn kết với sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Cuba, nhiệt liệt chào mừng thắng lợi vĩ đại trên hòn đảo xinh đẹp và quật khởi của José de San Martín, lãnh tụ tinh thần của cuộc tiến công Moncada (26-7-1953). Lãnh tụ José de San Martín và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt viên gạch đầu tiên cho tình hữu nghị Việt Nam - Cuba. Tháng 12-1960, hai nước Việt Nam và Cuba thiết lập quan hệ ngoại giao.
Việc Chính phủ Cộng hòa Cuba và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thiết lập quan hệ ngoại giao đã mở ra trang sử mới cho tình hữu nghị giữa hai dân tộc nằm ở hai nửa Đông - Tây của địa cầu. Sự kiện này diễn ra như một tất yếu lịch sử, phù hợp với đòi hỏi thực tiễn của cách mạng mỗi nước, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước, phản ánh tính hiện thực của chủ nghĩa quốc tế cách mạng. Cuba trở thành quốc gia châu Mỹ đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Trong lịch sử thế giới đương đại, hiếm có mối quan hệ nào đặc biệt như quan hệ hai Đảng, hai Chính phủ và nhân dân hai nước Việt Nam - Cuba. Trong suốt hơn nửa thế kỷ qua, hai nước đã luôn kề vai, sát cánh bên nhau trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do. Ngày nay, hai nước cùng vững bước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ở mỗi nước. Đây thực sự là mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết, anh em, trước sau như một, mối quan hệ đã trở thành biểu tượng của thời đại, là tài sản vô giá mà hai Đảng và nhân dân hai nước Việt Nam - Cuba luôn giữ gìn, bảo vệ, vun đắp và truyền tiếp cho các thế hệ mai sau. Trong thời kỳ khó khăn nhất của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam, Đảng, Nhà nước và nhân dân Cuba anh em luôn dành cho Việt Nam sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu, có hiệu quả cả tinh thần và vật chất. Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình. Tình đoàn kết và sự ủng hộ quý báu của những người đồng chí, anh em Cuba thực sự là nguồn cổ vũ mạnh mẽ cho toàn quân, toàn dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và tái thiết đất nước.
Với Cuba, thời kỳ 1990, sau khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, đất nước bước vào “thời kỳ đặc biệt trong hòa bình”, giai đoạn khó khăn nhất kể từ khi cách mạng thành công. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã dành cho Cuba anh em sự ủng hộ hết lòng, góp phần khiêm tốn cùng bạn vượt qua khó khăn, như tổ chức các đợt quyên góp gạo, quần áo, đồ dùng học tập cho học sinh, máy tính và một số mặt hàng tiêu dùng cần thiết khác. Các lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định sự ủng hộ và đoàn kết với Cuba là lương tâm và trách nhiệm của mỗi người Việt Nam. Đó cũng là tư tưởng hành động nhất quán của Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam với sự nghiệp cách mạng chính nghĩa của nhân dân Cuba anh em.
Năm tháng trôi qua, quan hệ Việt Nam - Cuba được duy trì, phát triển bất chấp mọi biến động xảy ra trên thế giới. Lãnh tụ F. Castro từng nói: “Quan hệ Việt Nam - Cuba là mối quan hệ đặc biệt, không có tiền lệ, là hình mẫu của quan hệ quốc tế”. Mối quan hệ đó được thử thách qua những giai đoạn khó khăn nhất của cách mạng, bước thăng trầm của lịch sử mỗi nước và lịch sử thế giới. Mối quan hệ thể hiện tình cảm, lập trường cách mạng kiên định, thủy chung của Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước đối với sự nghiệp cách mạng ở mỗi nước.
Hợp tác toàn diện
Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Cuba hiện đang được mở rộng trên nhiều lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, kỹ thuật... Sự củng cố và phát triển của mối quan hệ Việt Nam - Cuba là một trong những nhân tố góp phần bảo vệ, duy trì và phát triển chủ nghĩa xã hội ở hai nước trong những năm qua. Công cuộc đổi mới ở Việt Nam và quá trình cập nhật hóa mô hình kinh tế ở Cuba đã tạo tiền đề, tương tác và bổ sung lẫn nhau trên cả bình diện lý luận và thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước ngày càng được củng cố và phát triển khi lãnh đạo cấp cao hai Đảng và Nhà nước thường xuyên thực hiện các chuyến thăm lẫn nhau. Nổi bật gần đây có các chuyến thăm Cuba của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 4-2012), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (tháng 3-2014), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (tháng 9-2015); và các chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Fidel Castro (tháng 02-2003), Chủ tịch Raul Castro (tháng 7-2012), Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba Miguel Díaz Canel (tháng 6-2013) và nhiều đoàn cấp Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng khác của Cuba.
Hai bên duy trì hoạt động thường niên của cơ chế Ủy ban hợp tác liên Chính phủ, tiếp tục ký Thỏa thuận Trao đổi hợp tác giai đoạn 2014 - 2019 nhằm tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước. Bộ Ngoại giao hai nước cũng duy trì thường xuyên cơ chế tham khảo chính trị cấp Thứ trưởng. Năm 2015, Việt Nam và Cuba đã có nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra trang sử mới cho tình hữu nghị giữa hai dân tộc. Về ngoại giao đa phương, hai nước ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương, nhất là tại Liên hợp quốc.
Cùng với quan hệ chính trị tốt đẹp, hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước có nhiều phát triển. Năm 2015, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Cuba là 218,2 triệu USD, tăng 4,65% so với năm 2014 (đạt 208,5 triệu USD). Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Cuba đạt 214,6 triệu USD, tăng 4,07% và nhập khẩu từ Cuba đạt 3,6 triệu USD, tăng 50%. Các sản phẩm Việt Nam xuất khẩu sang Cuba chủ yếu là gạo, cà phê, sản phẩm hóa chất, gốm sứ, máy móc và thiết bị, phụ tùng và nhập khẩu của Cuba sản phẩm sinh học, thuốc chữa bệnh.
Việt Nam và Cuba đã chủ động vừa tiếp tục đẩy mạnh quan hệ kinh tế - thương mại, vừa bổ sung phát triển kinh tế song phương với nội dung, cơ chế, hình thức mới phù hợp với những cải cách kinh tế ở cả hai nước. Hai nước thúc đẩy phát triển hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí tại Cuba, thúc đẩy khả năng hợp tác giữa Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel và Công ty Viễn thông Nhà nước Cuba ETECSA… Nhiều văn bản, thỏa thuận hợp tác cũng đã được ký kết, tạo cơ sở sâu rộng và căn cứ pháp lý cho hoạt động hợp tác kinh doanh của các doanh nghiệp trước mắt cũng như lâu dài. Về đầu tư, trong bối cảnh tình hình mới ở Cuba, các doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy các dự án đầu tư tại Cuba về xây dựng hạ tầng du lịch, vật liệu xây dựng và sản xuất hàng tiêu dùng. Cuba hiện đứng thứ 75 trong tổng số 100 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam.
Về hợp tác nông nghiệp, dự án hợp tác hỗ trợ Cuba phát triển sản xuất lúa gạo giai đoạn 2011 - 2015 đạt kết quả tích cực. Các dự án hỗ trợ Cuba sản xuất đậu tương, nuôi trồng thủy sản đã kết thúc giai đoạn 1 và hiện đang tiếp tục thực hiện giai đoạn hai. Hai bên tiếp tục nghiên cứu và triển khai các dự án nông nghiệp - thủy sản khác.
Đối với hợp tác giáo dục, Cuba giúp Việt Nam đào tạo hơn 1.500 cán bộ trình độ đại học và trên đại học trong nhiều ngành, nghề khác nhau. Hằng năm, Cuba cấp cho Việt Nam khoảng 20 suất học bổng đại học. Từ năm 2007, Việt Nam dành cho Cuba 10 suất học bổng mỗi năm để đào tạo sinh viên học tiếng Việt, văn hóa Việt Nam và một số chuyên ngành khác. Hai nước duy trì và tăng cường trao đổi các đoàn chuyên gia học tập kinh nghiệm trong các lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi, xây dựng, y tế, nuôi trồng thủy sản, y dược.
Làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đoàn kết anh em
Trong những năm qua, đất nước Cuba đã đạt được những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Những chính sách về cập nhật hóa mô hình kinh tế mà Chính phủ Cuba đang thực thi đã thu được những kết quả tích cực bước đầu, như: môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, lượng đối tác thương mại của Cuba tăng đáng kể, các ngành kinh tế và các nguồn thu ngoại tệ cũng đa dạng hơn, trong khi lĩnh vực tư nhân cũng đã dần phát triển. Xuất khẩu dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ y tế tiếp tục là ngành kinh tế lớn nhất, mang về cho Cuba khoảng 6 - 8 tỷ USD/năm. Lượng du khách tới Cuba tăng mạnh và đạt 3,5 triệu lượt người trong năm 2015 với doanh thu xấp xỉ 3 tỷ USD. Cuba có một lực lượng nhân công tay nghề cao, có vị trí địa lý chiến lược, các khu vực kinh tế trọng yếu như năng lượng, du lịch, chế biến nông phẩm, công nghệ sinh học... đều được Chính phủ quan tâm phát triển.
Trên lĩnh vực đối ngoại, Cuba triển khai đường lối chủ động, tích cực, đặc biệt với Mỹ, Liên minh châu Âu và một số nước lớn trên thế giới, cho thấy khả năng La Habana bước vào một giai đoạn phát triển mới, mở ra nhiều cơ hội hợp tác trong khu vực và trên thế giới. Đây là những tiền đề quan trọng để Cuba giành được những kết quả tích cực hơn trong phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao đời sống nhân dân.
Đặc biệt, tháng 4-2016, Cuba đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Cuba lần thứ VII. Đây là một sự kiện lịch sử có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước Cuba theo con đường chủ nghĩa xã hội. Đại hội VII của Đảng Cộng sản Cuba không chỉ tái khẳng định hướng đi xã hội chủ nghĩa có tính tất yếu tại đảo quốc Caribe, mà còn vạch ra lộ trình và mục tiêu cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, cũng như xây dựng đất nước lên một tầm cao mới. Lần đầu tiên, Đảng Cộng sản Cuba tìm kiếm một định nghĩa chính xác cho mô hình phát triển kinh tế - xã hội mà quốc gia này theo đuổi, thông qua Nghị quyết “Định nghĩa mô hình kinh tế - xã hội xã hội chủ nghĩa của Cuba”.
Việt Nam với thành tựu to lớn của 30 năm đổi mới, đất nước đi lên với nhiều kết quả quan trọng. Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiên đại hóa và hội nhập quốc tế. Kinh tế tăng trưởng khá, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành, phát triển. Chính trị, xã hội ổn định, an ninh - quốc phòng được tăng cường, văn hóa - xã hội có bước phát triển,… Những thành tựu đó tạo tiền đề, nền tảng quan trọng để Việt Nam tiếp tục đổi mới phát triển mạnh mẽ, khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử. Tháng 01-2016, Đại hội lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam thành công tốt đẹp, đề ra mục tiêu tổng quát tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội quan trọng và nhiệm vụ trọng tâm cho giai đoạn 2016 - 2020.
Có thể nói, cập nhật mô hình phát triển kinh tế - xã hội của Cuba và đổi mới của Việt Nam là những tiến trình có bản chất chính trị giống nhau, hướng tới những mục tiêu chung và phải đối mặt với những thách thức tương tự trong quá trình tiến lên chủ nghĩa xã hội. Bên cạnh những thành tựu đạt được, hai nước phải đối mặt với không ít thách thức từ bối cảnh quốc tế và khu vực, cũng như nội tại phát triển của mỗi nước. Chính vì vậy, chuyến thăm Cuba của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tháng 11-2016 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo xung lực mới cho mối quan hệ giữa hai nước, nhất là sau khi cả hai nước Việt Nam - Cuba tổ chức thành công Đại hội Đảng toàn quốc. Trong chuyến thăm này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã hội đàm với Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Raul Castro trong bầu không khí tràn đầy tình đồng chí anh em, hiểu biết và tin cậy lẫn nhau. Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng hội kiến đồng chí Fidel Castro, Lãnh tụ lịch sử của Cách mạng Cuba và cùng ôn lại những dấu mốc kỷ niệm thân thiết của đồng chí F. Fidel với nhân dân Việt Nam.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện các mục tiêu đề ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng Cộng sản hai nước nhằm đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ cho lợi ích của hai dân tộc, hai nước nhất trí thúc đẩy hợp tác giữa hai Đảng, hai Nhà nước, làm sâu sắc hơn nữa cơ chế trao đổi lý luận, thực tiễn và kinh nghiệm xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, phối hợp đánh giá thực tiễn, nghiên cứu và phát triển học thuyết Mác - Lê-nin phù hợp với điều kiện ở mỗi nước.
Ủng hộ Cuba đấu tranh đòi chấm dứt ngay và vô điều kiện lệnh cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính phi lý chống Cuba, ủng hộ quá trình tiến tới bình thường hóa quan hệ giữa Cuba và Hoa Kỳ, đồng thời, đánh giá cao uy tín và chính nghĩa của Cuba ở khu vực Mỹ Latinh - Caribe, cũng như quyết định của Hiệp hội các Nhà nước Mỹ Latinh và Caribe (CELAC) tuyên bố Mỹ Latinh và Caribe là Khu vực Hòa bình, Việt Nam khẳng định tình đoàn kết và sự ủng hộ trước sau như một của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đối với sự nghiệp Cách mạng chính nghĩa của nhân dân Cuba. Coi trọng những bài học quý báu của Việt Nam đúc kết được trong 30 năm Đổi mới, Chính phủ Cuba mong muốn và quyết tâm tăng cường truyền thống quan hệ đặc biệt giữa Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân hai nước Việt Nam - Cuba.
Tương đồng về lập trường đối với nhiều vấn đề quốc tế, Việt Nam - Cuba nhất trí rằng, các cuộc tranh chấp quốc tế cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng các nguyên tắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và quyền tự quyết của các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Hai nước bày tỏ sự ủng hộ lẫn nhau đối với đường lối đối ngoại độc lập và tự chủ của mỗi nước; nhất trí tăng cường sự phối hợp, hợp tác và ủng hộ lẫn nhau giữa hai nước tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương mà hai nước là thành viên.
Trên cơ sở quan hệ hợp tác Việt Nam - Cuba hiện đang được mở rộng trên nhiều lĩnh vực, trong thời gian tới, hai nước tích cực thúc đẩy hợp tác song phương, đặc biệt là trên các lĩnh vực mỗi nước có tiềm năng và thế mạnh có thể bổ trợ cho nhau. Cụ thể là, hai nước phấn đấu từng bước đưa mối quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại và đầu tư song phương lên ngang tầm mối quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước. Cùng với đó, tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước tiếp cận thị trường mỗi nước, cũng như thị trường hai khu vực Đông Nam Á và Mỹ Latinh - Caribe; ủng hộ các doanh nghiệp hai nước triển khai các dự án hợp tác, đầu tư trên các lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng, du lịch, sản xuất vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng, năng lượng, sản phẩm dược sinh học thế hệ mới, tài chính - ngân hàng,... nhất là sớm hiện thực hóa các dự án đầu tư của Việt Nam tại Đặc khu phát triển kinh tế Mariel của Cuba.
Ngay sau chuyến thăm chính thức Cuba của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Cuba về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật tiến hành Kỳ họp thường niên lần thứ 34 tại La Habana để rà soát, kiểm điểm việc thực hiện kết quả Kỳ họp lần thứ 33 diễn ra năm 2015 tại Hà Nội, xác định mục tiêu và các chương trình, dự án hợp tác cụ thể trên các lĩnh vực trong thời gian tới.
Mối quan hệ hữu nghị, anh em, đoàn kết và hợp tác Việt Nam - Cuba đã được xây dựng và thử thách trong khói lửa đấu tranh cách mạng, là tài sản vô cùng quý báu cho nhân dân hai nước trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Với tài sản vô giá đó, Việt Nam và Cuba sẽ tiếp tục giữ gìn, viết tiếp những trang mới, làm cho mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị hợp tác giữa hai nước ngày càng sâu sắc, bền chặt và đóng góp tích cực hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở mỗi nước, vào hòa bình, ổn định và phát triển tại mỗi khu vực và trên thế giới./.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thân mật tiếp đồng chí Phạm Minh Chính  (30/11/2016)
Chủ tịch nước: Doanh nghiệp phải bám sát giá trị Thương hiệu quốc gia  (30/11/2016)
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam  (30/11/2016)
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
- Bảo vệ, phát huy giá trị tài nguyên di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên