TCCSĐT - Trong bản tin truyền hình cuối ngày 25-11, Chủ tịch Cuba Raul Castro (Ra-un Ca-xtơ-rô) đã thông báo về sự ra đi của Fidel Castro - lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Cuba. Lãnh tụ cách mạng Cuba Fidel Castro hưởng thọ 90 tuổi. Ngay sau khi có tin lãnh tụ Fidel Castro qua đời, các nhà lãnh đạo và người dân trên thế giới đã lên tiếng ca ngợi những đóng góp của Lãnh tụ Cuba Fidel Castro và bày tỏ tiếc thương trước sự ra đi của ông.

Cuba tổ chức quốc tang trong 9 ngày

Ngày 26-11, Cuba thông báo quốc tang Lãnh tụ cách mạng Cuba Fidel Castro (Phi-đen Ca-xtơ-rô) sẽ diễn ra trong 9 ngày. Theo tâm nguyện của lãnh tụ Fidel, thi hài của ông sẽ được hỏa táng. Chính phủ Cuba thông báo sẽ tổ chức lễ an táng tro cốt của cố Lãnh tụ Fidel vào ngày 04-12 tới tại thành phố lịch sử Santiago de Cuba (Xan-ti-a-gô đề Cu-ba), Đông nam Cuba sau 4 ngày rước thi hài khắp cả nước. Từ ngày 26-11-04-12, các hoạt động và biểu diễn công cộng sẽ tạm ngừng, cờ rủ sẽ được treo trên các tòa nhà công và các căn cứ quân sự.

Sự ra đi của Lãnh tụ Cách mạng Cuba kiệt xuất Fidel Castro để lại sự tiếc thương sâu sắc trong lòng người dân Cuba và người dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Cho đến nay, ông vẫn luôn là một nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn, một biểu tượng về một con người kiên cường đấu tranh cho tinh thần độc lập dân tộc và vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của con người. Sự ra đi của vị lãnh tụ lỗi lạc, Tổng tư lệnh kính yêu Fidel Castro đã để lại niềm tiếc thương vô hạn. Là một nhà cách mạng kiệt xuất, ông đã để lại những ấn tượng khó phai không chỉ trong lòng mỗi người dân Cuba mà còn nhân dân trên khắp thế giới.

Đài truyền hình quốc gia Cuba đang phát sóng chương trình đặc biệt ca ngợi cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của vị lãnh tụ vĩ đại này.

Ngày 26-11, trên mọi nẻo đường khắp đất nước Cuba, từ những em nhỏ, sinh viên đến những người dân bình thường đều bày tỏ sự đau buồn và hụt hẫng khi nghe tin lãnh tụ Fidel Castro qua đời. Cậu bé Carlos Rodriguez (Các-lốt Rô-đri-gu-ết) dù mới 15 tuổi đã đón nhận thông tin vị lãnh tụ kính yêu ra đi trong sự ngỡ ngàng. Cậu nói: "Đó không phải là điều cháu muốn nghe. Cháu nghĩ lãnh tụ Fidel sẽ sống mãi". Còn sinh viên Sariel Valdespino (Xa-ri-ên Van-đết-pi-nô) đang theo học tại thủ đô La Habana cũng bày tỏ sự đau buồn trước sự ra đi của lãnh tụ Fidel, ca ngợi ông là "một nhân vật được cả thế giới kính trọng và yêu mến".

Các nhà lãnh đạo thế giới bày tỏ tiếc thương trước sự ra đi của Fidel Castro

Trong một bức điện chia buồn gửi đến Chủ tịch Cuba Raul Castro (Ra-un Ca-xtơ-rô) ngày 26-11, Tổng thống Nga Vladimir Putin (Vla-đi-mia Pu-tin) đã ca ngợi lãnh tụ Fidel là "biểu tượng của một thời đại trong lịch sử thế giới hiện đại", là "một người bạn chân thành và đáng tin cậy của nước Nga". Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh lãnh tụ Fidel đã luôn đấu tranh để xây dựng "một đất nước Cuba tự do và độc lập" và trở thành "một thành viên có tầm ảnh hưởng trong cộng đồng quốc tế, khơi gợi cảm hứng đối với nhiều quốc gia và dân tộc". Ông ca ngợi vị tổng tư lệnh của Cuba là "một nhân vật mạnh mẽ và uyên bác, luôn hướng đến tương lai với sự tin tưởng", đồng thời khẳng định "những ký ức về lãnh tụ Fidel mãi sống trong tim của người dân Nga".

Tổng thống Mỹ Barack Obama (Ba-rắc Ô-ba-ma) ngày 26-11 tuyên bố "lịch sử sẽ ghi nhận và phán xét" về tác động của nhà lãnh đạo Fidel Castro đối với thế giới.

Ông Obama nhấn mạnh rằng trên cương vị Tổng thống, ông đã làm việc tích cực để mở ra một chương mới trong quan hệ với Cuba. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (Giôn Ke-ri) cũng bày tỏ sự chia buồn đối với nhân dân Cuba, đồng thời tuyên bố sẽ tiếp tục hợp tác với nhân dân Cuba sau khi lãnh tụ Fidel qua đời. Tuyên bố nêu rõ: "Mỹ tái khẳng định sự ủng hộ của Washington trong việc tiếp tục tương tác sâu rộng với nhân dân Cuba hiện nay và trong những năm tới".

Ngoại trưởng Kerry nhấn mạnh hai nước đã có những bước tiến dài về phía trước trong tiến trình bình thường hóa quan hệ và công việc này sẽ được thực hiện "với nguyện vọng thiết tha rằng hai bên sẽ không phớt lờ lịch sử mà sẽ viết ra một tương lai mới mẻ và tốt đẹp hơn đối với nhân dân hai nước".

Từ Tòa thánh Vatican, Giáo hoàng Francis (Phran-xít) gửi điện chia buồn đến Chủ tịch Cuba Raul Castro trước sự mất mát lớn lao của nhân dân đảo quốc Caribe. Trong khi đó, Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini (Phê-đê-ri-ca Mô-ghê-ri-ni) đã ca ngợi tầm quan trọng lịch sử của nhà lãnh đạo cách mạng huyền thoại Fidel, đồng thời khẳng định mối quan hệ giữa EU và Cuba sẽ tiếp tục cải thiện. Bà Mogherini mô tả cựu Chủ tịch Cuba là "một người quyết đoán và là một biểu tượng lịch sử".

Thủ lĩnh tinh thần tối cao Iran Ali Khamenei (A-li Kha-mê-ni) đã bày tỏ sự ngưỡng mộ với lãnh tụ Fidel - người bằng nhân cách của mình đã chiếm trọn niềm tin của nhân dân Cuba. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha cùng ngày ra thông báo chia buồn với Chính phủ và nhân dân Cuba. Thông cáo viết: "Một biểu tượng lịch sử vĩ đại, quan trọng đã ra đi. Một người mang đến bước ngoặt cho cách mạng, đất nước, ảnh hưởng của ông Fidel có thể cảm nhận được trong khu vực.... Mang trong mình dòng máu Tây Ban Nha kiên cường, vị cựu Chủ tịch Cuba luôn duy trì mối quan hệ mạnh mẽ với Tây Ban Nha".

Ngày 26-11, Bộ Ngoại giao Venezuela ra thông cáo cho biết Chính phủ nước này đã quyết định quốc tang 3 ngày để tưởng nhớ Lãnh tụ Cách mạng Cuba Fidel Castro, người vừa từ trần, hưởng thọ 90 tuổi.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Venezuela khẳng định Fidel Castro là con người vĩ đại, người thầy, là người đã cùng với cố Tổng thống Hugo Chavez (U-gô Cha-vết) kiến tạo mô hình hội nhập khu vực, dựa trên tình đoàn kết, sự bổ trợ, đối xử công bằng và nhân văn. Theo Tổng thống Nicolás Maduro (Ni-cô-lát Ma-đu-rô), Fidel đã đi vào lịch sử nhân loại như một lãnh tụ luôn chiến đấu vì nhân phẩm và độc lập chủ quyền quốc gia, và ông là một huyền thoại bất tử.

Trong khi đó, Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos (Hoan Ma-nu-ên Xan-tốt) cũng gửi lời chia buồn tới Chủ tịch Cuba Raul Castro (Ra-un Ca-xtơ-rô) và bày tỏ tình đoàn kết với nhân dân Cuba, đồng thời bày tỏ sự biết ơn sâu sắc đối với sự ủng hộ của lãnh tụ Fidel đối với tiến trình hòa bình ở nước này. Về phần mình, thủ lĩnh tối cao của Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) Rodrigo Londoño (Rô-đri-gô Lông-đô-nhô) bày tỏ Fidel là một trong những con người vĩ đại nhất của châu Mỹ và thế giới. Ông Londoño khẳng định thỏa thuận hòa bình vừa đạt được với Chính phủ Colombia để tưởng nhớ Lãnh tụ Fidel.

Cùng ngày 26-11, Bộ Ngoại giao Brazil ra thông cáo khẳng định Lãnh tụ Cách mạng Cuba Fidel là một trong những chính khách nổi tiếng nhất thế kỷ XX và khi đề cập tới lịch sử châu Mỹ sẽ không thể không nhắc tới Fidel. Ngoại trưởng nước này José Serra (Hô-xê Xê-ra) đã gửi lời chia buồn tới Chính phủ và gia đình Lãnh tụ Fidel cũng như bày tỏ tình đoàn kết với nhân dân Cuba. Các cựu Tổng thống Nicanor Duarte (Ni-ca-nô Đu-ác-tê) của Paraguay và Ollanta Humala (Ô-gian-ta U-ma-la) của Peru đều khẳng định lãnh tụ Fidel là một nhân vật vĩ đại trong lịch sử thế giới, là biểu tượng của sự nghiệp giải phóng các dân tộc thuộc thế giới thứ ba trong nhiều thập kỷ.

Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto (Ên-rích-kê Pê-nha Ni-ê-tô) ngày 26-11 khẳng định Lãnh tụ cách mạng Cuba Fidel Castro, người vừa qua đời ở tuổi 90, là một người bạn của Mexico, người thúc đẩy một mối quan hệ song phương dựa trên sự tôn trọng, đối thoại và tình hữu nghị, đoàn kết. Trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Nieto đã viết : "Fidel Castro, lãnh tụ của Cách mạng Cuba và một biểu tượng của thế kỷ XX, đã ra đi".

Trong khi đó, nhiều quan chức, chính trị gia của Mexico cũng đã bảy tỏ nỗi buồn sâu sắc trước một biểu tượng của lịch sử đã ra đi với nhiều dòng cảm tưởng đăng trên mạng xã hội như: “Fidel luôn luôn đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc phù hợp với những lý tưởng quốc tế”; “Người cuối cùng của cách mạng thế kỷ XX đã ra đi. Một người bạn thân của Mexico. Hãy yên nghỉ Fidel Castro”.

Tổng thống El Salvador Sanchez Ceren (Xan-chết Xê-rên) đã bày tỏ nỗi đau buồn sâu sắc trước sự ra đi của "người bạn thân thiết" - Tổng tư lệnh Fidel. Ông khẳng định người dân sẽ mãi khắc ghi hình ảnh vị lãnh tụ lỗi lạc, luôn đấu tranh vì công bằng, phẩm giá của con người và tình hữu nghị".

Không giấu sự xúc động, Tổng thống Chile Michell Bachelet (Mi-sen Ba-chê-lết) và cựu Tổng thống Brazil Dilma Rousseff (Din-ma Rút-xép) cũng bày tỏ niềm tiếc thương khi lãnh tụ Fidel qua đời. Trong một tuyên bố, cựu Tổng thống Rousseff ca ngợi lãnh tụ Fidel là một trong những nhà chính trị đương thời quan trọng nhất và một nhà lãnh đạo luôn nhìn xa trộng rộng, luôn tin tưởng vào nỗ lực xây dựng một xã hội công bằng, thoát khỏi đói nghèo, một Mỹ Latinh thống nhất và mạnh mẽ".

Thủ tướng Canada Justine Trudeau (Giu-xtin Tru-đô) gọi lãnh tụ Fidel là "nhà cách mạng và hùng biện huyền thoại", đã mang lại những đóng góp to lớn trong việc cải thiện nền giáo dục và y tế của đảo quốc Caribe. Về phần mình, Tổng thống Ireland Michael Higgins (Mai-cơn Hích-gin) khẳng định nhà lãnh đạo kiệt xuất của Cuba sẽ mãi được nhớ đến như "một người khổng lồ trong số các nhà lãnh đạo trên thế giới".

Tổng thống Argentina Mauricio Macri (Mau-ri-xi-ô Ma-cri) ngày 26-11 đã gửi điện chia buồn tới Chính phủ Cuba, sau khi tin lãnh tụ cách mạng Cuba Fidel Castro từ trần ngày 26-11 được công bố. Trên tài khoản Twitter, Tổng thống Macri gửi lời chia buồn tới Chính phủ Cuba. Bộ Ngoại giao Argentina cũng ra thông cáo bày tỏ lấy làm tiếc trước sự ra đi của lãnh tụ Fidel, đồng thời đánh giá ông "là người đóng vai trò quan trọng trong lịch sử thế kỷ XX".

Trong khi đó, cựu Tổng thống trung tả Cristina Fernandez (Cri-xti-na Phết-nan-đết) tuyên bố Fidel cùng với nhân dân Cuba đã đi vào lịch sử của nhân loại và là biểu tượng của phẩm giá và chủ quyền. Về phần mình, huyền thoại bóng đá Diego Maradona (Đi-ê-gô Ma-ra-đô-na) bày tỏ vô cùng thương tiếc lãnh tụ Fidel và nhấn mạnh lãnh tụ Cách mạng Cuba như người cha thứ hai của ông.

Tại Hoạt động hữu nghị quốc gia của Argentina lần thứ 12 với Cuba, khai mạc cùng ngày ở thủ đô Buenos Aires với sự có mặt của anh hùng Cách mạng Cuba Fernando González (Phết-năng-đô Gôn-xa-lết), các đại biểu tham dự bày tỏ sự ủng hộ vô điều kiện với Chính phủ và nhân dân Cuba anh em, đồng thời bày tỏ sự thương tiếc trước sự mất mát lớn lao của Cuba.

Tổng thống Ecuador Rafael Correa (Ra-pha-ên Cô-rê-a) tuyên bố Fidel là một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ XX và vị lãnh tụ Cuba sẽ sống mãi trong lòng nhân dân thế giới, người đã minh chứng cho việc xây dựng một thế giới khác là hoàn toàn có thể, đó là thế giới của sự công bằng xã hội, của độc lập, chủ quyền.

Tổng Thư ký Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) Luis Almagro (Lu-ít An-ma-gro) cũng bày tỏ sự tôn trọng và lời chia buồn tới La Habana trước sự ra đi của "lãnh tụ cuộc Cách mạnh Cuba". Tổng Thư ký Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) Ernesto Samper (Ê-nê-xtô Xam-pê) kêu gọi người dân Mỹ Latinh cùng gìn giữ tư tưởng và sự chỉ bảo của lãnh tụ Fidel, cũng như tiếp tục theo đổi những chính sách tiến bộ tại khu vực, chiến đấu để bảo vệ những thành quả xã hội đã đạt được ở Tây Bán Cầu.

... và ca ngợi những đóng góp của Lãnh tụ Cuba Fidel Castro

Sau khi nhận được thông tin về Lãnh tụ Cuba Fidel Castro (Phi-đen Ca-xtơ-rô) từ trần, Tổng thống Pháp François Hollande (Phrăng-xoa Ô-lăng-đơ) đang có mặt tại Madagascar để dự Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 16 đã bày tỏ niềm tiếc thương trước sự mất mát to lớn của nhân dân Cuba, đồng thời đánh giá lãnh tụ Fidel là "gương mặt nổi bật" của thế kỷ XX.

Thông cáo của Điện Elysée (Phủ Tổng thống Pháp) phát đi sáng 26-11 viết: "Fidel Castro là hiện thân của cuộc cách mạng Cuba. Ông là niềm tự hào của một đất nước đã đẩy lùi được sự thống trị của nước ngoài". Tổng thống Pháp cũng gửi tới Chủ tịch Cuba Raul Castro, gia đình của lãnh tụ Fidel Castro và nhân dân Cuba lời chia buồn trước sự ra đi của lãnh tụ Fidel, đồng thời nhắc lại đã được gặp lãnh tụ Fidel ngày 11-5-2015 khi ông thăm chính thức Cuba. Nhà lãnh đạo Pháp đồng thời kêu gọi cần dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận nhằm vào đảo quốc Caribe này.

Phát biểu trên kênh truyền hình iTELE, Bí thư toàn quốc của Đảng Cộng sản Pháp (PCF) Pierre Laurent (Pi-e Lô-răng) nhận định lãnh tụ Fidel Castro "sẽ đi vào lịch sử" như một nhà lãnh đạo của phong trào giải phóng con người, "một người đã dám đương đầu với chủ nghĩa đế quốc Mỹ", giải phóng dân tộc Cuba vào năm 1959. Theo ông, đối với cả thế giới, đặc biệt là nhân dân các nước Trung Mỹ và Mỹ La tinh, lãnh tụ Fidel là một người đã có những đóng góp to lớn trong thế kỷ XX. Trong phong trào giải phóng thuộc địa, cuộc cách mạng Cuba đã ghi lại được ghi dấu bằng việc khôi phục chủ quyền dân tộc. Hình ảnh nhân dân Cuba giành lại chính quyền, tấn công pháo đài Moncada trong cuộc cách mạng năm 1959 sẽ luôn được lưu giữ trong ký ức nhân loại.

Cùng ngày, trong thông điệp được phát trên kênh truyền hình nhà nước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu rõ: "Nhân dân Trung Quốc đã mất đi một người đồng chí tốt và chân thành. Đồng chí Fidel Castro sẽ sống mãi". Nhà lãnh đạo Trung Quốc ca ngợi lãnh tụ Fidel là "một nhân vật vĩ đại của thời đại", khẳng định "lịch sử và người dân sẽ luôn nhớ đến ông".

Trong khi đó, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma (Gia-cốp Du-ma) cũng bày tỏ lòng tôn kính ấm áp nhất đối với nhà lãnh đạo lỗi lạc của Cuba. Ông đồng thời khẳng định "mối quan hệ bền chặt của tình hữu nghị, sự hợp tác và tình đoàn kết giữa Nam Phi và Cuba phải được duy trì và nuôi dưỡng".

Tại Bolivia, Tổng thống nước này Evo Molares (Ê-vô Mô-ra-lết) đã bày tỏ sự đau buồn khi vị nhà lãnh đạo kiệt xuất của Cuba qua đời, nhấn mạnh "lãnh tụ Fidel Castro đã để lại cho chúng ta một di sản của cuộc đấu tranh vì quyền bình đẳng cho mọi dân tộc trên thế giới".

Chính phủ Philippines cùng ngày 26-11cũng gửi lời chia buồn đến Chính phủ và nhân dân Cuba, đồng thời ca ngợi những đóng góp vô giá của nhà lãnh đạo cộng sản và cách mạng kiên cường của các dân tộc Mỹ Latinh.

Người dân Việt Nam cũng không bao giờ quên được việc Fidel là nguyên thủ đầu tiên và duy nhất thăm vùng giải phóng tại tỉnh Quảng Trị, ngay vào thời điểm cuộc chiến vẫn còn khốc liệt vào tháng 9-1973, theo đề xuất của chính ông.

Lòng quả cảm của ông không chỉ thể hiện qua những hành động mang tính quên mình đó, mà còn cả trong việc dám chọn lựa một con đường chông gai nhưng đúng đắn để theo đuổi và sau này là phát triển đất nước, đi ngược lại lối mòn của tất cả các nước trong khu vực khi đó và thách thức siêu cường lớn nhất thế giới chỉ cách Cuba 150 km đường biển để bảo vệ khát vọng về độc lập và tự chủ của dân tộc mình. Chính những điều này đã tạo nên sức lôi cuốn mạnh mẽ của Fidel nói riêng và của cách mạng Cuba nói chung trên thế giới, đặc biệt là tại khu vực Mỹ Latinh./.