TCCSĐT - Đa dạng văn hóa đã và đang là một phần cấu thành bản sắc văn hóa của Việt Nam và Ấn Độ, đặc biệt trong việc bồi dưỡng, phát triển con người và bảo đảm quyền con người. Ngày nay, dưới tác động của quá trình toàn cầu hóa, các nhóm xã hội - văn hóa và các kênh thông tin khác nhau đã mang đến cho bản sắc văn hóa ở hai nước thêm nhiều màu sắc nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề trong bảo đảm quyền con người.

Những yếu tố tác động tới nghiên cứu, giáo dục quyền con người ở Việt Nam và Ấn Độ

Một là, các nhóm xã hội - văn hóa khác nhau, theo cách thức riêng của mình, tham gia vào quá trình bảo tồn, phát triển sự đa dạng văn hóa và bảo đảm quyền con người

Trong điều kiện đa dạng văn hóa, các nhóm xã hội - văn hóa khác nhau, có các cách tiếp cận, diễn đạt khác nhau và đưa ra các ý kiến khác nhau về cùng một vấn đề văn hóa. Các cuộc tranh luận cởi mở và gay gắt về các chủ đề này gây khó khăn cho việc xâu chuỗi, kết hợp hài hòa các quan điểm, cách tiếp cận trong việc bảo đảm và giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền con người, nhất là liên quan đến quyền bảo tồn, khai thác và phát huy văn hóa cổ truyền hoặc quyền của các nhóm thiểu số (hay dễ bị tổn thương) trong xã hội, như người già, phụ nữ, trẻ em,...

Với sự tác động của phân hóa giàu nghèo nói riêng và phân tầng xã hội nói chung trong nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, việc bảo đảm quyền con người chỉ có ý nghĩa thật sự khi bảo vệ và thực hiện được quyền của các nhóm thiểu số về dân tộc, tôn giáo, ngôn ngữ, kiều dân nước ngoài,...

Các nhóm thiểu số, ở một phương diện nào đó, có những khía cạnh đặc trưng trong quan niệm về quyền con người và trong cách thức bảo đảm, giải quyết các vấn đề quyền con người. Thông thường, nhu cầu về quyền con người và đòi hỏi của họ về quyền con người, về cách thức bảo đảm quyền con người, không hoàn toàn trùng khít hoặc ít phù hợp với các chuẩn mực chung có tính chính thống trong xã hội.

Vì thế, các nhóm thiểu số thường thông qua các tổ chức phi chính phủ quốc gia và quốc tế để thể hiện quyền con người của mình. Liên hợp quốc đánh giá cao vai trò của các tổ chức phi chính phủ trong việc bảo vệ nhân quyền. Nhiều tổ chức phi chính phủ được trao quy chế tư vấn tại một số ủy ban và diễn đàn của Liên hợp quốc về nhân quyền. Tuy vậy, một số tổ chức phi chính phủ đã bị lợi dụng cho các mục đích chính trị, vì thế “tính độc lập” của nó thường bị nghi ngờ, thường gây ra nhiều vấn đề phức tạp trong bảo vệ và thực hiện nhân quyền tại một số quốc gia.

Từ đó xuất hiện vấn đề quan trọng là: Làm thế nào có thể bảo đảm đầy đủ được quyền con người của các nhóm thiểu số phù hợp với luật pháp quốc gia và quốc tế? Làm thế nào quản lý, điều tiết được hoạt động của các tổ chức phi chính phủ quốc gia và quốc tế, đặc biệt trong việc bảo đảm và giải quyết vấn đề quyền con người của các nhóm thiểu số? Đây là những chủ đề hợp tác ngày càng trở nên quan trọng trong nỗ lực xây dựng, hoàn thiện thể chế bảo đảm quyền con người phù hợp với sự đa dạng văn hóa ở Việt Nam và Ấn Độ, nhất là với sự tác động của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Đối với các nhóm xã hội - văn hóa khác nhau, Việt Nam và Ấn Độ có thể cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm về sự hợp tác giữa chính phủ với các tổ chức xã hội ở mỗi nước, trong việc điều tiết và kiến tạo các luồng dư luận xã hội để các nhóm xã hội - văn hóa tham gia có trách nhiệm, tích cực vào quá trình bảo đảm và giải quyết các vấn đề quyền con người trong khuôn khổ pháp luật.

Hai là, truyền thông đại chúng, như báo chí, phát thanh, truyền hình, đặc biệt các mạng internet đã tạo nên các dư luận xã hội khác nhau trong quá trình bảo tồn, phát triển sự đa dạng văn hóa và bảo đảm quyền con người

Trong khi cung cấp những cách thức thuận lợi cho việc bảo đảm quyền con người, thì các hình thức mới của truyền thông đại chúng cũng mang đến những thách thức mới, phức tạp hơn. Chẳng hạn, công luận được hình thành từ các hình thức đa dạng của truyền thông đại chúng đã tạo nên áp lực lớn cho quy trình pháp lý của việc bảo đảm quyền con người. Hậu quả là gây ảnh hưởng phức tạp đến việc xác định bản chất và hình thành cách giải quyết hợp pháp đối với các vấn đề liên quan đến quyền con người thông qua một quy trình pháp lý công bằng và nghiêm minh. Xét ở phương diện này, trong việc bảo đảm quyền con người, cần phải thấy được tầm quan trọng và sự hạn chế của truyền thông đại chúng và dư luận xã hội trong việc khai thác những tác động tích cực, cũng như hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực của chúng.

Trong sự phát triển nhanh chóng và thuận tiện của các mạng internet đã bộc lộ những nhược điểm như tính bất cẩn và không rõ nguồn gốc. Vì vậy, trong hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ, nên có nội dung hợp tác về xây dựng quy chế quản lý các kênh truyền thông, đặc biệt các trang mạng nhằm ngăn ngừa truyền thông điện tử có thể trở thành cách thức vi phạm quyền con người. Sự hợp tác này sẽ giúp ích nhiều cho Việt Nam, vì Ấn Độ là một cường quốc về công nghệ thông tin.

Tăng cường hợp tác giữa Việt Nam - Ấn Độ trong nghiên cứu và giáo dục quyền con người

Cùng với việc mở rộng hội nhập quốc tế, trước hết là hội nhập kinh tế quốc tế, sự phát triển của Việt Nam và Ấn Độ được gắn kết chặt chẽ với sự phát triển của kinh tế thế giới, và nhiều hoạt động của người dân Việt Nam được kết nối ngày càng sâu rộng hơn với toàn thế giới. Trong một chừng mực nhất định, hội nhập quốc tế, như việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), giúp Việt Nam và Ấn Độ cải thiện các điều kiện bên ngoài để giữ gìn, phát huy sự đa dạng văn hóa, cũng như bảo đảm quyền con người.

Hội nhập quốc tế thúc đẩy hợp tác và giao lưu về quyền con người giữa hai quốc gia có truyền thống văn hóa khác nhau, thông qua thảo luận và đối thoại, kể cả ký kết các thỏa thuận hợp tác, như các hợp đồng đầu tư phát triển hay xuất nhập khẩu hàng hóa tuân thủ các nguyên tắc bảo vệ quyền con người. Thông qua đó, Việt Nam và Ấn Độ chủ động, tích cực tham gia vào các hoạt động của Liên hợp quốc để tích cực nội luật hóa các công ước quốc tế về quyền con người mà hai nước đã ký kết, phù hợp với luật pháp và tập quán quốc tế.

Các quá trình toàn cầu hóa, đặc biệt trong điều kiện suy thoái hoặc xung đột các quan hệ kinh tế và chính trị thế giới, có thể gây ra những tác động không nhỏ đến Việt Nam và Ấn Độ, không chỉ trên lĩnh vực quyền con người. Nhiều công ty xuyên quốc gia không tôn trọng quyền an ninh cá nhân, quyền có điều kiện làm việc thỏa đáng, quyền được trả lương công bằng, quyền có bảo hiểm xã hội và y tế,... cho người lao động, đặc biệt tại các nước đang phát triển như Việt Nam và Ấn Độ. Các nhóm thiểu số (hay dễ bị tổn thương) như người dân tộc thiểu số, phụ nữ, trẻ em,... là những nạn nhân đầu tiên của các lạm dụng về quyền con người từ phía các tập đoàn xuyên quốc gia (1).

Trước tình hình trên, Việt Nam và Ấn Độ cần hợp tác nghiên cứu, giáo dục về vai trò, tiêu chuẩn và môi trường xã hội - văn hóa trong hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp, đặc biệt của các tập đoàn xuyên quốc gia, liên quan đến việc bảo đảm quyền con người. Mục đích là xây dựng thể chế tham gia tích cực của doanh nghiệp vào việc giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền con người như an sinh xã hội, quyền lao động, quyền của người tiêu dùng,...

Việt Nam và Ấn Độ có thể hợp tác nghiên cứu, giáo dục về vấn đề bảo vệ quyền có việc làm và nghề nghiệp với tư cách là thành viên WTO. Bởi lẽ, việc làm luôn là một vấn đề nổi cộm tại những nước đông dân và đang phát triển như Việt Nam và Ấn Độ.

Chẳng hạn, kể từ khi gia nhập WTO, Việt Nam có thêm nhiều việc làm. Nhưng dưới sự tác động của việc gia nhập này và hội nhập quốc tế nói chung, đã dẫn đến việc giảm sút hay biến động trong cơ cấu việc làm của một số ngành công nghiệp truyền thống. Các ngành sản xuất sử dụng nhiều nhân công trước đây, như ngành công nghiệp cơ khí, luyện kim, hóa chất, đóng tàu, ... đều phải cắt giảm lao động do phải đương đầu với những cạnh tranh gay gắt. Và ngay cả ngành công nghiệp sử dụng lợi thế lao động rẻ của Việt Nam, như ngành may mặc cũng không thể duy trì lợi thế này một cách lâu dài.

Vấn đề nêu trên trở nên đặc biệt nghiêm trọng ngay cả đối với ngành nông nghiệp vốn duy trì cuộc sống và mang lại việc làm cho phần lớn dân cư nông thôn ở Việt Nam, và có lẽ ở cả Ấn Độ. Một mặt, quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang làm giảm số lượng và cơ cấu việc làm của cư dân nông nghiệp. Mặt khác, sản phẩm nông nghiệp, như gạo, đang và sẽ phải chịu áp lực cạnh tranh ngày càng quyết liệt trên thị trường thế giới. Áp lực cạnh tranh này đang gây sức ép đến việc phải nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, mà động cơ thúc đẩy phải là đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Đây là bài toán khó, mặc dù đã đặt ra mục tiêu và cố gắng thực hiện việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Tình hình này sẽ tác động tiêu cực đến cơ cấu, số lượng việc làm của nông dân. Trong hoàn cảnh như vậy, bảo vệ quyền có việc làm và ngăn chặn tình trạng thất nghiệp hàng loạt là rất quan trọng đối với không chỉ các nhóm dân cư chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc gia nhập WTO, mà còn đến cả sự ổn định xã hội và nhiệm vụ bảo vệ quyền con người nói chung.

Liên quan đến thể chế WTO, Việt Nam và Ấn Độ còn có thể hợp tác nghiên cứu: Thứ nhất, về vấn đề tiêu chuẩn lao động tối thiểu và quyền của người lao động. Hiện nay, một số quốc gia phát triển đã đưa ra cái gọi là “tiêu chuẩn lao động tối thiểu” trong kỳ họp của WTO tại Xít-tơn (Mỹ) và Đô-ha (Qua-ta). Theo đó, các quốc gia đang phát triển đang đứng bên lề cạnh tranh tại thị trường thương mại thế giới do sử dụng lao động rẻ, tùy tiện, thậm chí sử dụng lao động trẻ em và lao động phạm nhân.

Để bác bỏ cáo buộc này, các quốc gia đang phát triển đã nhấn mạnh rằng, việc cải thiện điều kiện làm việc và quyền của người lao động ở một quốc gia nhất định phải phụ thuộc vào sự tăng trưởng kinh tế của quốc gia đó. Việc đưa các tiêu chuẩn lao động vào các cuộc đàm phán thương mại đa phương chỉ là một thủ đoạn của thế giới phát triển nhằm thúc đẩy thực hiện một hình thức mới của chủ nghĩa bảo hộ thương mại được ngụy trang dưới hình thức bảo vệ quyền con người. Trước lập luận này, các quốc gia phát triển lại viện đến lợi thế “mức lương thấp” của các nước đang phát triển là một lợi thế trong thương mại thế giới. Đây là một vấn đề vẫn đang tranh cãi, mà thực chất cũng vẫn là âm mưu nhằm dựng nên hàng rào bảo hộ thương mại của các nước phát triển trước hàng hóa xuất khẩu của các quốc gia đang phát triển.

Thứ hai, về vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là một nguyên tắc cơ bản của WTO, được Việt Nam cam kết bằng Luật Sở hữu trí tuệ. Tuy vậy, cần thấy rằng, thế giới phát triển đang chiếm giữ hơn 90% quyền sở hữu sáng chế, nên việc nhấn mạnh quá mức quyền bảo vệ này sẽ không công bằng cho các nước đang phát triển. Chẳng hạn, hiện nay, hơn 80% bệnh nhân AIDS là thuộc về các nước đang phát triển, nhưng họ lại không có khả năng chữa trị do các nhà sản xuất thuốc tại các nước phát triển bán thuốc quá đắt. Các nước đang phát triển đang hối thúc được chuyển giao công nghệ miễn phí để sản xuất các loại thuốc này với giá phải chăng nhằm cải thiện khả năng chữa bệnh cho người nghèo. Tuy nhiên, đòi hỏi này không được lưu tâm. Hậu quả là người dân các nước đang phát triển đang phải trả giá cho sinh mạng và sức khỏe của mình vì những quy định ngặt nghèo của WTO về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

WTO đang công khai ủng hộ các công ty xuyên quốc gia tại các nước phát triển chống lại nỗ lực của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam và Ấn Độ, là những nước tuy nguồn lực còn hạn hẹp nhưng đang nỗ lực bảo vệ sức khỏe cho nhân dân mình. Vì thế trong hội nhập quốc tế, phải cố gắng chống lại tác động tiêu cực của chủ trương bảo hộ sở hữu trí tuệ của WTO có lợi cho các nước phát triển, nhằm thiết lập sự cân bằng giữa việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ các quyền mà người dân Việt Nam đáng được hưởng.

Sự hợp tác giữa Việt Nam, Ấn Độ và có thể với một số nước thành viên WTO, về các chủ đề nêu trên, sẽ góp phần thể chế hóa hoạt động của tổ chức quốc tế này theo hướng tích cực./.

--------------------------

(1) Xem: Các doanh nghiệp đa quốc gia và quyền con người, Tạp chí Luật quốc tế và so sánh Miami, số 183, tr.244 - 246 (1999 - 2000), trích theo David Kindley và Junko Tadaki, The Emergence of Human rights responsibilitíe for Corporation at International law, Tạp chí Verginia Journal of International Law, 2003 - 2004