Việt Nam và vấn đề biến đổi khí hậu
TCCSĐT - Trong hai ngày 24 và 25-10-2016, Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), Bộ Tài nguyên và Môi trường và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức một số sự kiện tại Hà Nội nhằm chia sẻ kế hoạch hoạt động từ năm 2016 và thực hiện Báo cáo đánh giá lần thứ sáu, cũng như các kết quả của Báo cáo đánh giá lần thứ năm về biến đổi khí hậu, trong đó thảo luận về việc triển khai kế hoạch của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thỏa thuận về biến đổi khí hậu đã được các quốc gia thông qua tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21) vào tháng 12-2015 tại Pa-ri và được ký vào tháng 4-2016 tại Niu Oóc (Mỹ). Hiện thỏa thuận này đã được 83 quốc gia phê chuẩn hoặc phê duyệt và chính thức có hiệu lực từ ngày 04-11-2016.
Là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, cùng với nỗ lực hoàn thiện các thủ tục pháp lý để phê duyệt Thỏa thuận Pa-ri COP 21 trong năm 2016, Việt Nam đã tích cực xây dựng kế hoạch triển khai thỏa thuận này đến năm 2030.
Ngày 24-10-2016, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo: “Những thành tựu của IPCC và các hành động của Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu”. Tham gia Hội thảo có các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia, các nhà khoa học và đại diện các tổ chức xã hội. Tại Hội thảo, IPCC - cơ quan quốc tế chuyên về các đánh giá khoa học liên quan đến biến đổi khí hậu - trình bày kết quả đánh giá, đặc biệt là những nội dung liên quan đến Việt Nam. IPCC cũng trình bày chương trình làm việc cho chu kỳ Báo cáo đánh giá lần thứ sáu (AR6).
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Võ Tuấn Nhân, nhấn mạnh: “Việt Nam nhận thức rõ ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai là vấn đề sống còn cho sự phát triển bền vững đất nước. Việt Nam đã ban hành và triển khai thực hiện một số chiến lược và chính sách về biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, phát triển bền vững và tăng trưởng xanh”.
Đề cập đến việc Việt Nam thường xuyên bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng khí hậu cực đoan, bà Pratibha Mehta, đại diện Liên hợp quốc tại Việt Nam, lưu ý: “Phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi và người dân tộc thiểu số thuộc nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất, vì thế chúng ta cần phát huy mọi nỗ lực cần thiết để giúp xây dựng khả năng chống chịu và phục hồi của họ. Chính sách, năng lực và kiến thức phù hợp luôn là ưu tiên được đặt ra để có thể triển khai các biện pháp giảm thiểu rủi ro khí hậu. Nếu không, khó có thể thực hiện phát triển bền vững ở Việt Nam”.
Chủ tịch IPCC cho biết, Báo cáo đánh giá AR6 sẽ được xây dựng trên cơ sở của Báo cáo đánh giá lần thứ năm (AR5) về tác động toàn cầu của biến đổi khí hậu. Báo cáo AR5 được hoàn thành vào năm 2014. Thực hiện đề nghị của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu theo quyết định của Hội nghị COP 21, IPCC đang xây dựng “Báo cáo đặc biệt về tác động của sự nóng lên toàn cầu 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp và các đường phát thải khí nhà kính tương ứng”. Ông nói: “Trong báo cáo AR6, chúng tôi mong muốn các nhà khoa học giải quyết các vấn đề của địa phương và cung cấp các thông tin khoa học để có thể đưa vào các đánh giá. Chúng tôi cũng hy vọng rằng, Việt Nam và các nước đang phát triển khác sẽ đề cử các nhà khoa học tham gia với vai trò tác giả cho các chủ đề liên quan đến báo cáo đánh giá của IPCC”.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học trình bày kết quả của báo cáo AR5. Đây là báo cáo góp phần quan trọng vào Thỏa thuận Pa-ri về biến đổi khí hậu. Báo cáo AR5 nhận định rằng, thế giới có đủ khả năng hạn chế sự nóng lên toàn cầu và xây dựng một tương lai thịnh vượng và bền vững hơn, nhưng để có thể đạt được mục tiêu giới hạn sự nóng lên ở mức dưới 2ºC so với thời kỳ tiền công nghiệp, cần giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính trong các thập niên tới.
Ông Hans-Otto Pörtner, đồng Trưởng Nhóm công tác II của IPCC về tác động của biến đổi khí hậu và các nỗ lực thích ứng, cho biết: “Phát thải cao kéo dài sẽ làm tăng rủi ro cho Việt Nam vốn dễ bị tổn thương bởi một loạt các tác động của biến đổi khí hậu, bao gồm mực nước biển dâng và các hiện tượng khí hậu cực đoan. Biến đổi khí hậu là mối đe dọa cho phát triển bền vững, tuy nhiên có rất nhiều cơ hội để liên kết việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính, thích ứng biến đổi khí hậu với các mục tiêu xã hội khác”.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học của Việt Nam trình bày dự thảo kịch bản về biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng năm 2016 cho Việt Nam và Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Pa-ri.
Trong chuỗi sự kiện, ngày 25-10-2016, Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu (NCCC), Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chương trình phát triển Liên hợp quốc… tổ chức “Diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao giữa NCCC về biến đổi khí hậu và các đối tác phát triển”. Tham dự Diễn đàn có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, bà Pratibha Mehta, Đại diện thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam và các đại sứ, đại diện các đại sứ quán và các đối tác phát triển của Việt Nam.
Diễn đàn đối thoại lần này nhằm trao đổi giữa các thành viên NCCC với các đối tác phát triển về những nỗ lực của Việt Nam để thực hiện Thỏa thuận Pa-ri trên cơ sở những thông tin khoa học mới nhất về tác động của biến đổi khí hậu đến Việt Nam.
Tại Diễn đàn, các tham luận đánh giá cao việc Việt Nam đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Pa-ri. Điều này chứng tỏ Việt Nam đã sẵn sàng cho những thách thức khí hậu. Tuy nhiên, những thách thức này là rất lớn và ngày càng gia tăng, đòi hỏi những nỗ lực to lớn, vì vậy Việt Nam cần tập trung vào một số ưu tiên:
Thứ nhất, Chính phủ Việt Nam cần xem xét tăng thêm nguồn ngân sách tài trợ cho nghiên cứu biến đổi khí hậu. Thứ hai, Việt Nam nên nghiên cứu và xem xét các mục tiêu Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định của mình kỹ lưỡng hơn, xem xét triển khai các công nghệ và cơ chế mới để có thể thích ứng với và giảm nhẹ hậu quả của biến đổi khí hậu nhiều hơn nữa so với mức đã cam kết. Thứ ba, Việt Nam đang xem xét xây dựng các chính sách thích ứng quốc gia, đây là một việc cần được ưu tiên và tài trợ đầy đủ và kịp thời. Cần có những kế hoạch đầu tư lớn vào hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, tập trung vào các khu vực, cộng đồng và các nhóm dân cư có nguy cơ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Thứ tư, Việt Nam có thể áp dụng và phát triển các công nghệ phát điện hiện đại, thân thiện với môi trường, như năng lượng gió và mặt trời, góp phần cùng các nước trên thế giới thực hiện các mục tiêu về nhiệt độ của Thỏa thuận Pa-ri./.
Tăng cường tác động của cải cách hành chính tại thành phố Cần Thơ  (25/10/2016)
Việt Nam tham dự Lễ kỷ niệm 92 năm thành lập Đảng cộng sản Liban  (25/10/2016)
Thủ tướng đồng ý tăng cường phân cấp, ủy quyền cho Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh  (25/10/2016)
Quan hệ giữa Việt Nam và Nepal còn nhiều tiềm năng để phát triển  (25/10/2016)
Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 17-10 đến ngày 23-10-2016)  (25/10/2016)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
- Bảo vệ, phát huy giá trị tài nguyên di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên