Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 08 đến ngày 14-8-2016
Hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ
Trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7-2016, Chính phủ yêu cầu Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Quy chế làm việc của Chính phủ, trình Chính phủ xem xét, thông qua tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2016.
Các bộ, cơ quan theo chức năng nhiệm vụ được giao khẩn trương hoàn thiện các Đề án tái cơ cấu nền kinh tế, ngành, lĩnh vực, các Chương trình mục tiêu quốc gia, 21 Chương trình mục tiêu và các đề án lớn theo Chương trình công tác của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ký ban hành trong tháng 8-2016. Trên cơ sở Nghị định này, từng bộ, cơ quan ngang bộ khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của mình, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 9 và 10 năm 2016.
Bộ Tài chính đẩy mạnh công tác cải cách hành chính
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình tại buổi làm việc ngày 03-8-2016 với Bộ Tài chính.
Trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã tích cực, chủ động, quyết tâm triển khai công tác cải cách hành chính, đạt được những kết quả rất tích cực, đã lồng ghép và kết hợp việc thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính với nhiệm vụ quản lý về tài chính trong các lĩnh vực ngân sách nhà nước, thuế, hải quan, tài chính doanh nghiệp, chứng khoán, bảo hiểm... Kế hoạch cải cách hành chính hàng năm của Bộ được ban hành, triển khai kịp thời, đồng bộ.
Là cơ quan đi đầu trong công tác cải cách thủ tục hành chính, Bộ đã chủ động, tích cực rà soát, thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất với Chính phủ nhiều giải pháp cải cách thủ tục hành chính, thực hiện nghiêm túc các giải pháp đề ra tại các Nghị quyết của Chính phủ, đã rút ngắn được quy trình xử lý, giảm thời gian thực hiện, bảo đảm công khai, minh bạch và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan.
Theo Báo cáo, tổng số giờ thực hiện của thuế là 117 giờ (đã giảm được 420 giờ/năm); thời gian thực hiện thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu được giảm từ 21 ngày xuống còn 14 ngày đối với xuất khẩu, 13 ngày đối với nhập khẩu. Hệ thống khai thuế điện tử được triển khai tại 63/63 tỉnh, thực hiện kê khai thuế qua mạng đối với hơn 99% số doanh nghiệp đang hoạt động; triển khai hải quan điện tử tại 100% cục và chi cục hải quan địa phương, cơ chế một cửa quốc gia đã kết nối chính thức với 09/14 bộ...
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cải cách hành chính của Bộ Tài chính còn một số hạn chế cần khắc phục: còn chậm ban hành văn bản hướng dẫn trên một số lĩnh vực; chất lượng một số văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành chưa cao; một số nội dung quy định chưa rõ ràng, tạo ra cách hiểu và áp dụng không thống nhất giữa các cơ quan và doanh nghiệp; còn vướng mắc trong quy định về hóa đơn, chứng từ, khai thuế qua mạng, chồng chéo giữa thủ tục thuế và hải quan; thời hạn kiểm tra, thanh tra thuế tại doanh nghiệp...
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Tài chính tập trung thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp để triển khai có hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tiếp tục rà soát chính sách, pháp luật, kịp thời xử lý hoặc đề xuất phương án xử lý, loại bỏ những quy định, những thủ tục hành chính không còn phù hợp, gây phiền hà cho doanh nghiệp; đồng thời, bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước.
Chủ động rà soát chức năng, nhiệm vụ, xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, bảo đảm phân định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm quản lý nhà nước, giảm biên chế và tiếp tục cải cách hành chính mạnh mẽ hơn. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động công vụ. Có kế hoạch, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực đội ngũ công chức ngành tài chính tận tụy, liêm chính, đạo đức và chuyên nghiệp.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin trong lĩnh vực thuế, hải quan và các lĩnh vực khác, chú ý an toàn, an ninh mạng; thực hiện dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền. Sớm trình Chính phủ Nghị định về quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực kinh tế và sự nghiệp khác. Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá thực hiện cải cách hành chính tại các đơn vị; nâng cao năng lực hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát chuyên ngành; thực hiện tốt công tác phối hợp trong hoạt động kiểm tra.
Đà Nẵng chuyển các sở, ngành ra khỏi Tòa nhà Trung tâm hành chính thành phố?
Trong những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến thông tin về việc Thành phố Đà Nẵng sắp chuyển các sở, ngành ra khỏi Tòa nhà Trung tâm hành chính thành phố. Đây là tòa nhà có giá trị xây dựng hàng ngàn tỷ đồng, mới đưa vào sử dụng được hai năm. Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Đặng Việt Dũng cho biết: Di dời là việc hệ trọng vì Tòa nhà Trung tâm hành chính đã trở thành biểu tượng của thành phố, do đó không thể tiến hành ngày một ngày hai, cần phải lấy ý kiến của người dân để nghiên cứu, xem xét các phương án. Còn với những nhược điểm, thời gian qua thành phố đã chỉ đạo Ban quản lý tòa nhà kiểm tra, khắc phục.
Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh cho rằng, để thực hiện việc này phải chuẩn bị kỹ, đánh giá tính cấp thiết của việc di dời. Chủ tịch HĐND cho biết thêm, chỉ khi đánh giá là tốt hơn mới di dời, nếu không hiệu quả thì không nên làm; đồng thời khẳng định, lãnh đạo thành phố có đặt ra vấn đề này, tuy nhiên các cơ quan chức năng đang xem xét, đánh giá, khi nào làm cụ thể sẽ xin ý kiến, báo cáo HĐND thành phố.
Liên quan đến vấn đề này, chiều 13-8 Tổ công tác Thông tin báo chí thành phố Đà Nẵng đã có thông báo chính thức, theo đó Tòa nhà Trung tâm hành chính hiện nay của thành phố được khánh thành và đưa vào sử dụng vào ngày 08-9-2014, tập trung 26 sở, ban, ngành và UBND thành phố Đà Nẵng. Với mô hình tập trung, tính tương tác giữa tổ chức, công dân với chính quyền trong lĩnh vực hành chính của thành phố trở nên thân thiện, hiệu quả; giúp người dân và doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và tiếp cận với chính quyền thuận lợi, dễ dàng hơn. Công tác phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong tòa nhà diễn ra thông suốt.
Tuy nhiên, cùng với các ưu điểm, sau gần 2 năm đưa vào sử dụng, công trình đã xuất hiện một số hạn chế, chưa phù hợp so với các yêu cầu thực tế hoạt động công vụ và một số yêu cầu kỹ thuật. Tại một số vị trí của khối tháp có tình trạng nóng; một số phòng họp, trong từng thời điểm nhất định xuất hiện việc thiếu dưỡng khí. Hiện nay, UBND thành phố đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan có phương án triển khai khắc phục.
Việc quy hoạch xây dựng khu hành chính tập trung mới là ý tưởng ban đầu, tầm nhìn dài hạn, đang giao cho các cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất cho thật sự phù hợp với quá trình phát triển đô thị nhanh chóng của thành phố Đà Nẵng và phải đảm bảo tính hiệu quả, tiện lợi trên mọi phương diện. Đến nay, lãnh đạo thành phố chưa có bất kỳ cuộc họp nào để thảo luận về vấn đề này.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình kiểm tra công tác cải cách hành chính tại Quảng Ninh
Ngày 10-8, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ và đoàn công tác đã thăm, làm việc về công tác cải cách hành chính tại tỉnh Quảng Ninh.
Phó Thủ tướng đã thăm Trung tâm hành chính công TP. Uông Bí và Trung tâm Hành chính công tỉnh Quảng Ninh. Trong 7 tháng qua, Trung tâm Hành chính công tỉnh Quảng Ninh đã tiếp hơn 40.000 lượt công dân, tiếp nhận 24.747 hồ sơ, có 97% hồ sơ được giải quyết trước và đúng hạn, cắt giảm 40% thời gian giải quyết so với quy định. Kết quả khảo sát cho thấy 98,3% người dân và doanh nghiệp hài lòng về thủ tục hành chính tại đây.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình biểu dương và đánh giá cao sự mạnh dạn, quyết liệt, đổi mới trong công tác cải cách hành chính của tỉnh Quảng Ninh thời gian qua. Đây cũng là địa phương có nhiều sáng kiến trong cải cách hành chính và đang triển khai dần xuống cấp xã, phường. Bộ máy qua rà soát, sắp xếp ngày càng tinh gọn và xác định rõ trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức. Việc ứng dụng công nghệ thông tin được quan tâm đẩy mạnh. Đặc biệt, mô hình Trung tâm hành chính công của tỉnh và 14 trung tâm cấp huyện đã mang lại hiệu quả cụ thể, thiết thực.
Nêu ra những hạn chế mà tỉnh Quảng Ninh cần nỗ lực khắc phục trong thời gian tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cải cách hành chính phải hướng tới mục tiêu tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh. Xây dựng cơ chế để người dân tiến hành thủ tục nhanh gọn, đúng pháp luật, như người dân có thể thuê người làm dịch vụ các thủ tục hành chính hoặc người dân tiếp cận cơ quan nhà nước để tự thực hiện thủ tục một cách nhanh chóng, thuận lợi và từng bước qua mạng internet. Quá trình thực hiện thủ tục hành chính phải thực sự công khai, đơn giản.
Về hoạt động của các Trung tâm hành chính công, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần triển khai nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện mô hình.
Đối với tổ chức, bộ máy, cần tiếp tục rà soát, sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, kịp thời đề xuất, báo cáo những vấn đề phát sinh. Bộ Nội vụ cần bám sát, theo dõi quá trình này để góp ý kiến kịp thời với địa phương cũng như báo cáo cấp có thẩm quyền về các vấn đề nảy sinh.
Bên cạnh đó, cần nâng cao phẩm chất, hiệu quả làm việc, kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức. Đặc biệt, thực hiện nghiêm túc, triệt để Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế. Việc thi tuyển công chức phải nghiêm túc như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là “tuyển người tài, không tuyển người nhà”, thi tuyển nâng ngạch công chức phải thực sự khách quan, minh bạch, đáp ứng được yêu cầu đặt ra của vị trí việc làm từng cơ quan, đơn vị.
Tỉnh Quảng Ninh cần tăng cường công tác theo dõi, đánh giá công tác cải cách hành chính của các cơ quan đơn vị, đánh giá chính xác về sự hài lòng của người dân trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính vì đây là mục tiêu cao nhất của công tác này.
Bình Dương phấn đấu tinh giản 10% biên chế
UBND tỉnh Bình Dương vừa thông qua Đề án tinh giản biên chế giai đoạn 2015 đến năm 2021 với mục tiêu đạt tỷ lệ tinh giản tối thiểu bằng 10% biên chế được Trung ương, HĐND tỉnh giao năm 2015. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu sự nghiệp, khuyến khích đẩy mạnh chuyển đổi thêm 10% số lượng viên chức sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và xã hội hóa, thay thế nguồn trả lương từ ngân sách nhà nước bằng việc trả lương từ nguồn thu sự nghiệp.
Theo Đề án, tổng chỉ tiêu biên chế tinh giản trong các cơ quan, đơn vị tỉnh đến năm 2021 là 3.585 biên chế, đạt 10,79%; trong đó tổng chỉ tiêu biên chế tinh giản các cơ quan hành chính là 421 biên chế (đạt 16,02%); tổng chỉ tiêu biên chế tinh giản đơn vị sự nghiệp văn hóa thể thao là 81 biên chế (đạt 13,61%); tổng chỉ tiêu biên chế đơn vị sự nghiệp giáo dục đào tạo tinh giản là 2.120 biên chế (đạt 10,02%); tổng chỉ tiêu biên chế đơn vị sự nghiệp y tế tinh giản 476 biên chế (đạt 11,14%)…
Để thực hiện Đề án tinh giản biên chế, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh sẽ tập trung thực hiện việc xây dựng kế hoạch hàng năm để thực hiện tinh giản biên chế theo đề án được phê duyệt và rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo hợp lý, khoa học, tinh gọn; thực hiện tốt công tác tuyển dụng, điều động, luân chuyển, quy hoạch, bổ nhiệm lại, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực theo từng giai đoạn bao gồm đào tạo mới, đào tạo lại, đáp ứng yêu cầu cơ cấu ngạch, bậc công chức, chức danh nghề nghiệp theo đúng quy định với cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện tinh giản và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Bình Dương cũng đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có khả năng tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động như: Trường đại học, cao đẳng, cơ sở dạy nghề, bệnh viện… theo hướng tiếp tục đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, nhân sự và khuyến khích thành lập các tổ chức cung ứng dịch vụ công thuộc các thành phần ngoài Nhà nước, nhất là các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu sự nghiệp, khuyến khích đẩy mạnh chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và xã hội hóa, thay thế nguồn trả lương từ ngân sách nhà nước bằng việc trả lương từ nguồn thu sự nghiệp./.
Báo cáo tình hình Biển Đông, Formosa với cán bộ cấp cao đã nghỉ hưu  (14/08/2016)
Giới thiệu món ăn Việt Nam truyền thống tại Lễ hội Ẩm thực ASEAN  (14/08/2016)
Bảo vệ từng tấc đất, vùng trời trong mọi tình huống  (14/08/2016)
Tái cơ cấu EVN phải đáp ứng yêu cầu thị trường bán điện cạnh tranh  (14/08/2016)
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay