TCCSĐT - Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam bắt đầu thăm Nhật Bản và tham dự Hội nghị cấp cao G7 mở rộng. Thành công của chuyến thăm đã tạo đà đưa mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản phát triển toàn diện và sâu sắc trên mọi lĩnh vực, đồng thời thúc đẩy quan hệ giữa G7 với Việt Nam, một thành viên tích cực và trách nhiệm của Cộng đồng ASEAN, đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.
Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Barack Obama tới Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam, từ ngày 23 đến 25-5-2016. Đây là chuyến thăm Việt Nam lần đầu của Tổng thống Barack Obama, góp phần tiếp tục củng cố và phát triển quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã hội đàm với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, chứng kiến lễ ký kết một số thỏa thuận hợp tác quan trọng giữa hai nước; chào xã giao Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng; hội kiến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; tiếp xúc với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; thăm Nhà sàn Bác Hồ; phát biểu trước đông đảo đại diện các bộ, ngành, đoàn thể, học sinh, sinh viên Việt Nam. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã giao lưu với cộng đồng doanh nghiệp trẻ Việt Nam; gặp gỡ, giao lưu với hơn 800 thủ lĩnh trẻ Việt Nam là thành viên của Tổ chức Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á.

Hai bên đã ra Tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ; bày tỏ hài lòng trước những tiến triển nhanh chóng, thực chất và toàn diện của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ thời gian qua theo những định hướng của quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ và Tuyên bố về tầm nhìn chung nhân chuyến thăm lịch sử tới Hoa Kỳ vào tháng 7-2015 của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Hai bên tái khẳng định cam kết trong việc tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc, tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước; nhất trí trong thời gian tới sẽ tích cực phối hợp để tăng cường quan hệ chính trị - ngoại giao; đẩy mạnh quan hệ kinh tế; làm sâu sắc mối quan hệ giữa nhân dân hai nước; tăng cường hợp tác an ninh - quốc phòng; thúc đẩy quyền con người và cải cách tư pháp; giải quyết các thách thức khu vực và toàn cầu; làm sâu sắc quan hệ đối tác lâu dài. Hai bên nhất trí tăng cường quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ theo hướng thực chất, sâu sắc, hiệu quả hơn vì lợi ích của hai nước, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực và trên thế giới.

Nhân chuyến thăm này, hai bên đã có một số thỏa thuận về tăng cường quan hệ giáo dục-đào tạo, trong đó Việt Nam đã chính thức cấp giấy phép cho Đại học Fulbirght và cho phép tình nguyện viên Hoa Kỳ vào dạy tiếng Anh ở Việt Nam theo Chương trình Hòa Bình. Hai bên cũng đã ký Ý định thư về Sáng kiến lưu trữ thiết bị y tế và nhân đạo. Tổng thống Hoa Kỳ đã tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí tới Việt Nam.

Đối với quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama là cột mốc mới trên con đường hai nước, thực hiện Tuyên bố tầm nhìn chung tháng 7-2015 trong chuyến thăm lịch sử Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đối với phía Hoa Kỳ, chuyến thăm thể hiện bước tiến dài trong tư duy của các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ với Việt Nam kể từ chuyến thăm Việt Nam năm 2006 của Tổng thống G.Bush đó là: Tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam; Tôn trọng lãnh đạo Việt Nam. Tôn trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Anh hùng dân tộc - Danh nhân văn hóa được UNESCO tôn vinh. Thành công của chuyến thăm chính thức Việt Nam lần đầu của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã góp phần tiếp tục củng cố và phát triển quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển sâu rộng, thực chất, hiệu quả và bền vững, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển và thịnh vượng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.

Kết quả nổi bật của chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Barack Obama cùng Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Hoa Kỳ

Có thể thấy, trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ lần này có 06 kết quả nổi bật, bao gồm:

Thứ nhất,
hai bên đã ra Tuyên bố chung nhất trí tăng cường quan hệ Đối tác toàn diện theo hướng thực chất, hiệu quả, bền vững vì lợi ích hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và thế giới. Tuyên bố chung đã tái khẳng định cam kết của hai bên trong việc tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc, tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước; Tổng thống Obama khẳng định dù chính quyền mới là của Đảng nào, chính sách với Việt Nam sẽ được tiếp tục.

Thứ hai, kết quả đáng chú ý nhất là hai bên nhất trí cao lấy hợp tác phát triển làm trọng tâm của quan hệ hai nước trong thời gian tới. Theo đó hai nước sẽ tập trung hợp tác nhiều hơn vào lĩnh vực thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, chống biến đổi khí hậu. Chủ trương này được minh chứng bằng những thỏa thuận kinh tế lớn với trị giá lên tới 16,3 tỷ USD mà hai bên đạt được nhân chuyến thăm trong lĩnh vực hàng không và điện gió. Tổng thống khẳng định quyết tâm thúc đẩy Quốc hội thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương trong năm 2016; đồng thời cam kết hỗ trợ Việt Nam về kỹ thuật để triển khai có hiệu quả Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương; tiếp tục mở cả thị trường Hoa Kỳ cho hàng hóa Việt Nam; xem xét thuận lợi việc nhập xoài, vú sữa.

Thứ ba, Tổng thống B.Obama đã tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam. Như vậy, tàn dư cuối cùng của chiến tranh Lạnh đã được bãi bỏ. Việt Nam và Hoa Kỳ cũng đã ký Thư thỏa thuận về hỗ trợ trong lĩnh vực thực thi pháp luật và tư pháp. Hai bên cũng nhất trí gia tăng hợp tác trong lĩnh vực cảnh sát biển, cứu hộ, cứu nạn, ưu tiên cao hơn cho hợp tác giải quyết hậu quả chiến tranh. Tổng thống B.Obama cam kết Hoa Kỳ sẽ hợp tác với Việt Nam để xử lý chất độc dioxin tại Sân bay Biên Hòa sau khi hai bên đã thành công trong dự án tương tự ở Sân bay Đà Nẵng; cũng như trong vấn đề rà phá bom mìn.

Thứ tư, hai bên cũng đạt được một số thỏa thuận hợp tác về giáo dục - đào tạo, trong đó có việc: Thành lập Đại học Fulbright Việt Nam với mục tiêu xây dựng trường đại học chất lượng cao và đạt chuẩn quốc tế; Thỏa thuận khung về việc Việt Nam cho phép các tình nguyện viên Hoa Kỳ vào dạy tiếng Anh ở thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong khuôn khổ Chương trình Hòa Bình; Gia tăng trao đổi sinh viên hai nước. Tổng thống B.Obama mong muốn có nhiều sinh viên Hoa Kỳ đến Việt Nam.

Thứ năm, hai bên cũng thống nhất được một số nội dung quan trọng trong lĩnh vực khoa học - công nghệ và y tế, ký kết bản thỏa thuận liên quan triển khai thủ tục hành chính trong khuôn khổ Hiệp định về sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân (Hiệp định 123) và một số thỏa thuận khác liên quan đến các dự án dầu khí, điện mặt trời và điện gió. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong việc ngăn chặn, phát hiện và ứng phó với các mối đe dọa từ đại dịch. Hoa Kỳ cũng cam kết ủng hộ Việt Nam tăng cường năng lực về y tế biển đảo.

Thứ sáu, hai bên nhất trí tăng cường phối hợp giải quyết các thách thức chung ở khu vực và toàn cầu, bao gồm các vấn đề liên quan Biển Đông, biển đổi khí hậu, phát triển bền vững, chống buôn bán động vật hoang dã, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và giữ gìn hòa bình. Về Biển Đông, hai bên khẳng định vào lập trường đã nêu trong tuyên bố Sunnylands của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN- Mỹ tháng 02-2016. Hai bên đã ra Công bố chung về Đối tác Việt Nam-Hoa Kỳ trong lĩnh vực chống buôn bán động vật hoang dã và biến đổi khí hậu. Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng cam kết tích cực phối hợp và hỗ trợ Việt Nam tổ chức thành công Diễn đàn Hợp tác APEC vào năm 2017.

Như vậy, những bước phát triển tích cực trong quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ đạt được chỉ 10 tháng sau chuyến thăm lịch sử tới Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, là kết quả của những nỗ lực to lớn của hai phía và chủ trương đúng đắn của Việt Nam về việc “Gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói với Tổng thống B.Obama trong cuộc Hội đàm tại Nhà trắng vào tháng 7-2015.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp các Đại sứ

Chiều 24-5-2016, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hồng Tiểu Dũng.

Vui mừng đón tiếp Đại sứ Hồng Tiểu Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cảm ơn Đại sứ đã chúc mừng và qua Đại sứ, một lần nữa gửi lời cảm ơn đồng chí Trương Đức Giang, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã gửi điện mừng nhân dịp được bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội khẳng định, trong tổng thể mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung, quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Quốc hội hai nước ngày càng phát triển qua việc duy trì giao lưu thường xuyên giữa lãnh đạo cấp cao, các cơ quan của Quốc hội hai nước. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị hai bên tiếp tục triển khai hiệu quả thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với Nhân đại toàn quốc Trung Quốc, tăng cường trao đổi kinh nghiệm giữa hai cơ quan Quốc hội, hai nhóm nghị sĩ hữu nghị hai nước. Các bộ, ngành, địa phương hai nước tích cực trao đổi, tăng cường hợp tác.

Đại sứ Hồng Tiểu Dũng cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dành thời gian cho cuộc tiếp và chúc mừng Quốc hội Việt Nam đã tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Nhấn mạnh về những hợp tác phát triển tích cực của hai nước, Đại sứ Hồng Tiểu Dũng nêu rõ: trong năm 2015, lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước và Quốc hội hai nước đã có nhiều cuộc tiếp xúc cấp cao. Bên cạnh đó, với sự cố gắng chung, kim ngạch song phương Trung Quốc-Việt Nam đã đạt mốc 90,8 tỉ USD. Việt Nam trở thành bạn hàng số 1 trong số các nước ASEAN của Trung Quốc. Về hợp tác kết nối trong khuôn khổ "hai hành lang, một vành đai" với những nội dung phù hợp trong sáng kiến "một vành đai, một con đường" góp phần thúc đẩy giao thương biên giới, Đại sứ cho biết, các cơ quan hữu quan hai bên đã có nhiều thỏa thuận hợp tác cụ thể nhằm tăng cường năng lực sản xuất. Ngoài ra, hai nước còn tăng cường giao lưu hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, giáo dục, thanh niên, giao lưu nhân dân....

Chiều 24-5-2016, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp Đại sứ Australia Hugh Borrowman đến chào từ biệt, nhân kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam.


Tại buổi tiếp, thay mặt Quốc hội và nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cảm ơn và đánh giá cao những hỗ trợ hợp tác, giúp đỡ của Australia thông qua các dự án ODA như cầu Cao Lãnh và cầu Mỹ Thuận. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, những dự án hợp tác này không chỉ góp phần kết nối khu vực đồng bằng sông Cửu Long mà còn là biểu tượng của tình hữu nghị giữa hai đất nước. Chủ tịch Quốc hội mong muốn, trên cơ sở của mối quan hệ tốt đẹp, thời gian tới, Australia tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển hạ tầng cơ sở, phát triển nguồn nhân lực, ứng phó với biến đổi khí hậu... Thông báo tới Đại sứ Hugh Borrowman về việc Việt Nam vừa mới thực hiện cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 20116-2021, Chủ tịch Quốc hội đã chia sẻ quy định mới về việc tăng tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp. Trong nhiệm kỳ tới, Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với Hiến pháp 2013 cũng như trong điều kiện hội nhập quốc tế.

Đại sứ Hugh Borrowman chúc mừng Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân được bầu là nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của Việt Nam. Đại sứ bày tỏ niềm vinh dự và vui mừng khi được chứng kiến không khí bầu cử cũng như hình ảnh người dân Thủ đô Hà Nội thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân trong ngày 22-5 vừa qua. Đại sứ đánh giá cao cộng đồng người Việt Nam tại Australia đã có những đóng góp phát triển kinh tế-xã hội tại nước sở tại. Bày tỏ vui mừng trước mối quan hệ rất tốt đẹp giữa hai nước nói chung và giữa Nghị viện Australia và Quốc hội Việt Nam nói riêng, Đại sứ nhận định, triển vọng tăng cường quan hệ giữa hai nước còn rất rộng mở. Trong thời gian tới, Australia sẽ tiếp tục là đối tác quan trọng của Việt Nam trong các chương trình hợp tác phát triển. Đối với lĩnh vực lập pháp, hai bên sẽ tiếp tục thực hiện các thỏa thuận, chú trọng hợp tác trong các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới, tăng quyền cho phụ nữ… Chia sẻ về những tình cảm tốt đẹp dành cho Việt Nam, Đại sứ Hugh Borrowman khẳng định, trong thời gian tới, dù ở bất cứ cương vị nào sẽ có những hoạt động đóng góp tích cực nhằm phát triển quan hệ Đối tác toàn diện giữa Australia và Việt Nam.

Việt Nam mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Liên hợp quốc trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững

Chiều 27-5-2016, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc, Đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cảm ơn và đánh giá cao sự hỗ trợ của Liên hợp quốc và UNDP đối với quá trình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam thời gian qua, đặc biệt trong các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, phòng chống HIV/AIDS… Gần đây nhất, Liên hợp quốc và cá nhân bà Pratibha Mehta đã quan tâm đến tình hình biến đổi khí hậu ở Việt Nam, tích cực hỗ trợ Việt Nam trong việc cứu trợ nhân đạo khẩn cấp cho những người dân bị thiệt hại nặng nề do hạn hán và xâm nhập mặn tại Tây Nguyên, Nam Trung bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Chia sẻ, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn chú trọng phát triển bền vững đất nước vì đây là một yêu cầu tất yếu, xuyên suốt trong quá trình phát triển.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, trong quá trình thực hiện các SDGs, Quốc hội Việt Nam có vai trò quan trọng thông qua chức năng, nhiệm vụ đó là lập pháp, giám sát và quyết định ngân sách. Theo đó, Quốc hội Việt Nam đã thông qua nhiều đạo luật, trong đó có việc lồng ghép nhiều nội dung phát triển bền vững vào các đạo luật quan trọng như Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động, Luật Đất đại, Luật Nhà ở, Luật Bảo vệ môi trường... Nhấn mạnh tới những thách thức, khó khăn về mặt nguồn lực để tiếp tục thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, Chủ tịch Quốc hội đề nghị UNDP nói riêng và Liên hợp quốc nói chung tiếp tục hỗ trợ Quốc hội Việt Nam nâng cao vai trò trong quá trình thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ và Mục tiêu Phát triển bền vững trong thời gian tới; cung cấp hỗ trợ kỹ thuật tư vấn đối với các cơ quan của Quốc hội trong việc tổ chức nghiên cứu kinh nghiệm lập pháp của các nước; hỗ trợ về tư vấn chính sách; hỗ trợ thực hiện các mô hình hợp tác 3 bên giữa Việt Nam, Liên hợp quốc và một bên thứ ba trong quá trình trao đổi kinh nghiệm, tăng cường hiểu biết và bổ sung nguồn lực trong thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững...

Trước đó, chiều 25-5, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, đã làm việc với bà Pratibha Mehta.

Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ, Việt Nam đánh giá cao và ủng hộ Chương trình nghị sự đến năm 2030 vì phát triển bền vững, vì đã phát triển đầy đủ và hài hòa hơn 3 trụ cột của phát triển bền vững là kinh tế, xã hội và môi trường. Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về những thành tựu đã đạt được trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs). Những thành tựu đó sẽ tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam sẵn sàng hoàn thành các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Việt Nam hiểu những cơ hội cũng như thách thức trong việc thực hiện thành công các SDGs, hiểu tính năng động và mối liên hệ chặt chẽ giữa các SDGs. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Tuy Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình song còn không ít khó khăn. Do đó, sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, trong đó có Liên hợp quốc là rất quan trọng để giúp Việt Nam thực hiện thành công các SDGs. Liên hợp quốc đã tích cực hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện thành công các MDGs và Việt Nam mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ trong việc thực hiện các SDGs thời gian tới.

Bà Pratibha Mehta khẳng định các vấn đề mà Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nêu đều phù hợp với chiến lược Liên hợp quốc đang xây dựng. Kế hoạch sắp tới của Liên hợp quốc trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững sẽ giúp Việt Nam bao gồm cả Chính phủ và người dân, nhằm đảm bảo tất cả các thành phần đều được hưởng lợi từ việc thực hiện các mục tiêu trong 15 năm tới. Bà Pratibha Mehta cho rằng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc huy động sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân, giúp người dân nâng cao nhận thức và hiểu sâu sắc các mục tiêu phát triển bền vững, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó khuyến khích sự giám sát của người dân về việc này để các mục tiêu phát triển bền vững mang lại lợi ích cho toàn xã hội.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chuyến thăm Nhật Bản và dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng

Từ ngày 26 đến ngày 29-5-2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn Cấp cao Chính phủ nước ta đã có chuyến thăm Nhật Bản, dự Đối thoại chính sách kinh tế cao cấp Việt Nam - Nhật Bản và Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Đây là chuyến thăm Nhật Bản đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị Người đứng đầu Chính phủ; diễn ra trong bối cảnh “Quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” giữa 2 nước Việt Nam - Nhật Bản đang phát triển rất tốt đẹp. Trong thời gian 3 ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự nhiều sự kiện lớn, nổi bật nhất là Phiên họp toàn thể của Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tại thành phố Mie, Nhật Bản và hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại thủ đô Tokyo. Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có hàng loạt cuộc gặp song phương với các nhà lãnh đạo G7 và các quốc gia, các tổ chức quốc tế - khách mời của Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng.

Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng, đánh dấu sự ghi nhận đối với vai trò và đóng góp của Việt Nam trong các vấn đề khu vực và quốc tế. Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các sáng kiến và nỗ lực của các nước G7 cùng các tổ chức quốc tế, trong đó đặc biệt là quyết định của Nhật Bản mở rộng lĩnh vực và phạm vi hỗ trợ của sáng kiến Đối tác cơ sở hạ tầng chất lượng cao ở châu Á. Thủ tướng cũng chia sẻ những quan ngại của các nước G7 và các nước ASEAN về những thách thức đối với hoà bình, ổn định, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông. Thủ tướng kêu gọi các quốc gia liên quan kiềm chế, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tăng cường các biện pháp xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa, sớm tiến tới Bộ quy tắc ứng xử (COC).

Tại các phiên họp của Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định lập trường của Việt Nam về hòa bình, ổn định và phát triển bền vững của khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng và cả thế giới nói chung. Thủ tướng nhấn mạnh: Hòa bình và phát triển của Việt Nam gắn chặt với hòa bình và thịnh vượng chung của thế giới. Đóng góp giải quyết các thách thức chung của khu vực và thế giới là trách nhiệm và quyền lợi của mỗi quốc gia dù ở trình độ phát triển nào. Sự phồn vinh và phát triển bền vững ở Việt Nam, châu Á và trên thế giới chỉ có thể được bảo đảm nếu có một môi trường quốc tế hòa bình và ổn định. Thủ tướng cho rằng các nước, nhất là các nước trong nhóm G7 cần có tiếng nói và hành động thiết thực để đóng góp tích cực vào củng cố môi trường hòa bình, ổn định và giải quyết các vấn đề chung của toàn cầu, cũng như ở khu vực; đặc biệt là các mục tiêu phát triển bền vững, xây dựng kết cấu hạ tầng, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, chống khủng bố, an ninh lương thực, nguồn nước, hàng hải, hàng không… Chia sẻ các nhận định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo các nước G7, các nước và tổ chức quốc tế tham dự kêu gọi tăng cường hợp tác để duy trì tăng trưởng thế giới; ứng phó với thiên tai, hạn hán; hỗ trợ các nước đang phát triển, trong đó có các nước ASEAN xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao, tăng cường kết nối và cuối cùng là tăng cường xây dựng lòng tin nhằm giải quyết các điểm nóng tại khu vực và thế giới, trong đó có an toàn, an ninh hàng hải và hàng không tại Biển Đông và biển Hoa Đông.

Sau khi hoàn tất chương trình tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng, chiều 28-5, theo giờ Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn cấp cao Chính phủ nước ta đã tới thủ đô Tokyo, bắt đầu chuyến thăm Nhật Bản theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Trong bầu không khí hữu nghị, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, hai Thủ tướng đã trao đổi ý kiến sâu rộng và đạt nhất trí cao về phương hướng lớn và các biện pháp cụ thể để đưa quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản phát triển toàn diện, thực chất và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới. Hai Thủ tướng nhất trí tăng cường sự tin cậy chính trị thông qua việc duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, tăng cường tiếp xúc bên lề các hội nghị quốc tế, nâng cao hiệu quả các cơ chế đối thoại giữa hai nước; nhất trí tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng giữa hai nước và hợp tác chặt chẽ trong hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh. Hai bên nhất trí hợp tác chặt chẽ cùng trao đổi các biện pháp cụ thể để thúc đẩy kết nối hai nền kinh tế với các nội dung kết nối chiến lược phát triển kinh tế, kết nối nguồn lực sản xuất, kết nối nguồn nhân lực thông qua hợp tác đầu tư, thương mại, ODA... Hai bên nhất trí về tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; các bên liên quan không có những hành động thay đổi nguyên trạng, gây phức tạp, mở rộng tranh chấp và quân sự hóa trên Biển Đông; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý; nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Shinzo Abe đã chứng kiến các bộ, ngành và cơ quan hai nước trao đổi 5 văn kiện ký kết, trong đó có 4 văn kiện về vốn vay ODA với tổng số tiền là 166 tỷ yên (tương đương 1,5 tỷ USD).

Các cuộc gặp gỡ cấp cao bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng

Nhân dịp thăm Nhật Bản và dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tại Mie, Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc song phương với Tổng thống Sri Lanka, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc, Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và Lãnh đạo tỉnh Aichi cùng lãnh đạo một số doanh nghiệp Nhật Bản; gặp với Tổng thống Pháp, Thủ tướng Canada, Chủ tịch Ủy ban châu Âu và Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Thủ tướng Anh, Thủ tướng Đức, Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Italy, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới.

Tại diễn đàn Hội nghị và các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc song phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Việt Nam luôn nỗ lực củng cố, phát triển quan hệ với tất cả các nước trên thế giới trên tinh thần “là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”. Thủ tướng mong muốn các nước và các đối tác ủng hộ Việt Nam tăng cường vai trò và trách nhiệm tại các tổ chức quốc tế, tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương quan trọng ở khu vực và trên thế giới, trong đó có việc ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và ứng cử vào vị trí Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) nhiệm kỳ 2017-2021.

Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh các nước đã có lập trường tích cực, ủng hộ Việt Nam và ASEAN trong giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông, góp phần duy trì hòa bình, ổn định cho thịnh vượng và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Cũng tại thành phố du lịch Nagoya, Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam đã tham dự Đối thoại chính sách kinh tế cao cấp Việt Nam - Nhật Bản với chủ đề “Việt Nam hội nhập và phát triển”. Phát biểu trước khoảng 1.500 doanh nghiệp Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện các chính sách pháp luật để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh ổn định, thông thoáng và minh bạch hơn nữa cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhật Bản yên tâm đầu tư và kinh doanh lâu dài tại Việt Nam. Nhân chuyến thăm Nhật Bản và dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã tới thăm Đền Ise, tại Mie, Nhật Bản và dành thời gian tới thăm Nông trại Yokoyama, thuộc Công ty cổ phần nông trại Yokoyama- đơn vị hoạt động sản xuất kinh doanh từ năm 1973. Đây là một mô hình sản xuất sản xuất nông nghiệp điển hình ở tỉnh Aichi, cung cấp thực phẩm sạch đến tận tay người tiêu dùng.

Chuyến thăm Nhật Bản và dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng lần này của Thủ tướng đã khẳng định chủ trương nhất quán về chính sách đối ngoại của Việt Nam nhằm tạo động lực mạnh mẽ đưa quan hệ Việt Nam - Nhật Bản tiếp tục đi vào chiều sâu, hiệu quả, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới; đồng thời cho thấy Nhật Bản nói riêng và G7 nói chung đã coi trọng và đánh giá cao vai trò và uy tín của Việt Nam trong khu vực./.