Gian nan cuộc chiến chống biến đổi khí hậu
TCCSĐT - Hiệp định Pa-ri về biến đổi khí hậu đã được ký kết tại trụ sở Liên hợp quốc, Niu Oóc (Mỹ) tháng 4-2016. Tuy nhiên, việc thực thi hiệp định vẫn còn là vấn đề nan giải, đòi hỏi chính phủ các nước cần có hướng tiếp cận mới, linh hoạt, quyết liệt và có tầm nhìn dài hạn hơn đối với vấn đề này trên phạm vi toàn cầu.
Biến đổi khí hậu - câu chuyện không của riêng ai
Biến đổi khí hậu là một thách thức không biên giới. Sự thay đổi các xu hướng thời tiết ảnh hưởng tới khả năng đáp ứng của các nguồn tài nguyên, đe dọa đến sức khỏe con người, hay châm ngòi cho các xung đột nội bộ và giữa các quốc gia, khu vực. Rất có thể, tương lai gần, tình trạng mất an ninh lương thực, khủng hoảng năng lượng và di cư môi trường sẽ cùng lúc bùng nổ, nhất là ở các nước đang phát triển. Nguy cơ biến đổi khí hậu đã và đang tác động làm gia tăng nhiều nguy cơ khác, làm thay đổi hướng phát triển của thế giới. Chỉ tính riêng thiệt hại về người và của, hậu quả mà hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu để lại cho loài người là rất lớn. Hàng trăm người đã thiệt mạng, hàng ngàn người bị mất nhà cửa, hàng triệu trẻ em có nguy cơ rơi vào cảnh đói nghèo, bệnh tật và thiếu nước. Trong thế kỷ trước, mực nước biển dâng cao trung bình toàn cầu là 19 cm. Trong 20 năm gần đây, tốc độ này đã gia tăng nhanh chóng. Với tốc độ tăng này, dự báo vào năm 2100, mực nước biển sẽ dâng cao thêm từ 26 - 98 cm; đến năm 2300 sẽ dâng cao khoảng từ 1m - 3m (1). Mực nước biển dâng cao, các thành phố lớn như Phlo-ri-đa, Gia-các-ta hay Tô-ky-ô sẽ bị đe dọa thu hẹp diện tích, thậm chí là biến mất trên bản đồ.
Đáng chú ý, khu vực đô thị có vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Đến năm 2050, hơn 2/3 nhân loại sẽ sống ở các thành phố, nơi có thể tạo ra khoảng 80% GDP toàn cầu nhưng lại chiếm tới 60% lượng khí thải CO2. Tại các nền kinh tế mới nổi ở châu Á, đô thị hóa đang diễn ra với một tốc độ đáng kinh ngạc. Theo dự báo đến năm 2030, 7 trong số 10 đô thị lớn nhất thế giới sẽ nằm tại châu Á. Hiện nay có hơn 55% dân số Trung Quốc sống ở các thành phố nhưng đến năm 2030, con số này sẽ là 70% (2). Thực tế này cho thấy, quá trình đô thị hóa đang rất nhanh. Và để giảm thiểu biến đổi khí hậu, việc phát triển các thành phố các-bon thấp là quan trọng, trong đó việc phát triển cơ sở hạ tầng thông minh là chìa khóa để giảm lượng khí thải CO2. Cơ sở hạ tầng thông minh có nghĩa là tăng tốc lưu lượng giao thông lên 20%, tăng công suất phục vụ của xe cộ, tàu hỏa lên 30%, cắt giảm tiêu thụ năng lượng tại các tòa nhà 30%, hoặc tiết kiệm năng lượng lên đến 40% (3)... Quy hoạch đô thị và sử dụng các công nghệ cơ sở hạ tầng thông minh là đòn bẩy quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Giáo sư N. Xtéc-nơ, cố vấn của Chính phủ Anh về biến đổi khí hậu, Cựu Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới, tác giả chính của Báo cáo Stern Review năm 2006 về chi phí kinh tế của biến đổi khí hậu, kết luận rằng: Thế giới nên hành động sớm để giảm tác động của khí thải nhà kính, lượng chi phí để tiến hành các hoạt động này có thể chỉ giới hạn trong khoảng 1% GDP toàn cầu mỗi năm, nhưng nếu cứ trì hoãn, con số này sẽ gia tăng đáng kể, lên đến 5% GDP toàn cầu mỗi năm. Mỗi tấn khí CO2 mà chúng ta thải ra hiện đang gây thiệt hại ít nhất 85 USD (4).
Xuất phát từ thực tế trên, chính phủ các nước đều nhận thức được cần phải hành động ngay để giảm thiểu những tác động tiêu cực từ hiện tượng biến đổi khí hậu. Hội nghị về Biến đổi khí hậu tại Pa-ri là phiên họp hằng năm, giúp thế giới nhìn thấy rõ mối liên hệ không thể tách rời giữa con người và thiên nhiên. Đây là một sự thật dựa trên các căn cứ khoa học, tức là chúng ta không thể tiếp tục đà phát triển vô hạn trên một hành tinh hữu hạn. Một quốc gia không thể nào phát triển bằng cách hy sinh lợi ích của những quốc gia khác. Tháng 12-2015, tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc biến đổi khí hậu (COP 21), Hiệp định Pa-ri được thông qua. Tháng 4-2016, các nước ký kết hiệp định này. Các quốc gia tham gia nhất trí kiềm chế mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu không quá 2 độ C so với nhiệt độ của thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp (vào khoảng những năm 1850). Ngoài ra, hiệp định cũng đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020, các nước phát triển sẽ huy động tối thiểu 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước đang phát triển chuyển đổi sang sử dụng những nguồn năng lượng sạch và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Dự kiến, Hiệp định Pa-ri sẽ bắt đầu có hiệu lực 30 ngày sau khi được Quốc hội các nước chiếm ít nhất 55% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu phê chuẩn. Hai quốc gia chịu trách nhiệm cho 38% tổng lượng khí thải là Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ phối hợp cùng phê chuẩn thỏa thuận. Chính phủ Mỹ sẵn sàng phê chuẩn mà không cần thông qua Quốc hội do Đảng Cộng hòa đối lập kiểm soát, và khi cam kết được ký kết sẽ có giá trị trong vòng bốn năm, ngay cả khi có sự phản đối của Tòa án Tối cao. Như vậy, mặc dù chỉ tiêu đề ra là năm 2020, nhưng nếu được các nước phê chuẩn sớm, hiệp định này có thể bắt đầu có hiệu lực trong năm nay hoặc đầu năm tới.
Những bước đi đầu tiên
Theo số liệu thống kê của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), lượng khí thải các-bon đi-ô-xít (CO¬2) đứng ở mức 32,1 tỷ tấn trong năm 2015, không tăng nhiều so với năm 2013. Đáng chú ý, khí thải từ hai nguồn gây ô nhiễm lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc đã giảm xuống. Tại Trung Quốc, lượng khí thải giảm 1,5%. Nguyên nhân là do trong năm 2015, năng lượng than đóng góp ít hơn vào việc tạo ra sản lượng điện ở Trung Quốc, trong khi đó, nguồn các-bon thấp (thủy điện và gió) đã tăng từ 19% lên đến 28%. Tại Mỹ, lượng khí thải giảm 2% do sự chuyển đổi lớn từ việc sử dụng than sang sử dụng khí tự nhiên để sản xuất điện (5). Ấn Độ đang nỗ lực phát triển năng lượng mặt trời như một lựa chọn khả thi tại một đất nước có tới 300 triệu người dân sống không có điện. Dự kiến đến năm 2022, Ấn Độ sẽ triển khai đưa hơn 100 GW năng lượng mặt trời vào sử dụng (6). Ấn Độ cũng tăng gấp đôi thuế đánh vào than đá, than non và than bùn nhằm thu hẹp khoảng cách về giá giữa nhiên liệu hóa thạch và phi hóa thạch. Dữ liệu sơ bộ của IEA cho thấy, điện được tạo ra bởi năng lượng tái tạo đóng vai trò quan trọng, chiếm khoảng 90% tổng sản lượng điện mới trong năm 2015; năng lượng gió đóng góp hơn một nửa sản lượng năng lượng tái tạo, song song với đó, nền kinh tế toàn cầu tiếp tục tăng trưởng hơn 3% trong năm 2015. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế, GDP toàn cầu tăng 3,4% trong năm 2014 và 3,1% trong năm 2015, điều đó cho thấy các mối liên hệ giữa tăng trưởng kinh tế và gia tăng lượng khí thải đang dần suy yếu.
Năng lượng tái tạo tăng trưởng nhanh chóng trong năm 2015, với tỷ lệ tăng 8,3% (tương đương với công suất 153 GW mới được lắp đặt), mức tăng cao nhất từ trước đến nay, bất chấp bối cảnh giá xăng, dầu tụt xuống rất thấp, đặc biệt nhờ năng lượng mặt trời và năng lượng gió (giá năng lượng gió giảm 45% từ năm 2010). Ông P. Can-phin, Tổng Giám đốc Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên tại Pháp nhấn mạnh, năng lượng tái tạo chiếm đến 90% tổng công suất lắp đặt mới, so với mức chỉ 50% năm 2013 và chính quá trình chuẩn bị cho COP 21 đã tạo nên những thay đổi trong nhận thức của các chính phủ (7).
Như vậy, chỉ một vài tháng sau thỏa thuận lịch sử đạt được tại COP 21 ở Pa-ri, những chuyển biến trên là một sự khích lệ đối với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của thế giới. Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng khá thận trọng khi cho rằng, hai năm là thời gian quá ngắn để coi đây là một xu hướng lâu dài. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều lo ngại rằng, sự tiến bộ về khí hậu là không chắc chắn khi giá khí tự nhiên và than đá ngày càng thấp có thể làm suy yếu quyết tâm đầu tư vào năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Mặt khác, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tại các nước đang phát triển khác ở châu Á, Trung Đông vẫn tiếp tục gia tăng, trong khi lượng khí thải ở châu Âu cũng tăng nhưng ở mức thấp hơn. Ngoài ra, các chuyên gia khí hậu của Liên hợp quốc lưu ý rằng, kinh tế Mỹ đang phục hồi sau một giai đoạn suy thoái sâu, hai nền kinh tế tỷ dân là Trung Quốc và Ấn Độ đang được cơ cấu lại để tăng trưởng nhanh hơn. Các nước này tiếp tục cần nguồn năng lượng khổng lồ để duy trì cỗ máy kinh tế... và do vậy các tiến bộ về giảm khí thải còn khá bấp bênh.
Chặng đường còn dài và gian nan
Mặc dù các quốc gia đã tham gia ký kết Hiệp định Pa-ri về biến đổi khí hậu nhưng thay vì đề ra lộ trình chi tiết cắt giảm khí thải các-bon gây hiệu ứng nhà kính, Hiệp định Pa-ri lại để ngỏ lựa chọn, cho phép các quốc gia tự đặt ra mục tiêu và thời hạn thực hiện. Một số chuyên gia lo ngại, do hiệp định không đưa ra quy định rõ ràng về mức độ và thời hạn cắt giảm khí thải các-bon nên khó có thể buộc các quốc gia phải đẩy mạnh những gì đã cam kết. Bên cạnh đó vẫn còn nhiều bất đồng và mâu thuẫn cố hữu giữa các nước phát triển và đang phát triển. Đó là mức giảm thiểu khí thải các-bon gây hiệu ứng nhà kính, việc có hay không chấp nhận hy sinh tăng trưởng kinh tế, những bảo đảm tài chính hàng tỷ USD để chuyển từ nguồn năng lượng rẻ dồi dào sang năng lượng xanh đắt đỏ. Các nước đang phát triển yêu cầu các nước phát triển thực hiện cái gọi là “công lý khí hậu”/climate justice, tức là phải tăng cường nguồn lực tài chính nhằm trợ giúp các nước đang phát triển ứng phó với những tác động của biến đổi khí hậu, nhưng yêu cầu này cũng chỉ được đáp ứng ở một mức độ nhất định. Vào lúc Hiệp định về biến đổi khí hậu được thông qua tại Pa-ri thì Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) lại “phá tan” nỗ lực của Chính phủ Ấn Độ nhằm trợ giá cho các năng lượng tái tạo với lý do “có lợi cho các doanh nghiệp địa phương, hơn là các công ty đa quốc gia”. Bên cạnh đó, một số người dân và cộng đồng sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt là ở các khu vực có nền kinh tế được thúc đẩy bởi sự phát triển của nhiên liệu hóa thạch. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, tổng số việc làm ở mỏ than đã giảm từ 91.600 việc làm năm 2011 xuống còn 74.900 việc làm trong năm 2014 và xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục (8).
Một trong những vấn đề cốt lõi của thách thức biến đổi khí hậu là vấn đề năng lượng. Khoảng 80% năng lượng trên thế giới hiện nay dựa vào các nguồn nhiên liệu có chứa các-bon như than đá, dầu mỏ và khí đốt. Các nguồn nhiên liệu này khi bị đốt cháy để sản sinh năng lượng sẽ thải ra khí các-bon đi-ô-xít, gây ra hiện tượng ấm lên của Trái đất. Tới năm 2070, loài người cần một nền kinh tế sạch, không có khí thải các-bon để chống lại sự ấm lên của Trái đất trước khi quá muộn. Hiệp định Pa-ri về biến đổi khí hậu đã ghi nhận các thực tế này, kêu gọi thế giới cần cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, đặc biệt là khí CO2 đến mức tối thiểu vào nửa cuối của thế kỷ XXI. Để đạt được mục tiêu này, các chính phủ cần có chiến lược với tầm nhìn không chỉ đến năm 2030 mà dài hơn, đến giữa thế kỷ XXI với các chiến lược phát triển với lượng khí thải ở mức thấp.
Hệ thống năng lượng dùng nhiên liệu hóa thạch đã được đưa vào sử dụng cách đây hai thế kỷ và hiện cần được thay mới hoàn toàn trong vòng 50 năm không chỉ ở một vài quốc gia mà trên phạm vi toàn cầu. Do đó, chính phủ các nước cần một hướng tiếp cận mới để xây dựng và áp dụng các chiến lược phát triển có lượng khí thải ở mức thấp một cách phù hợp. Nhưng có nhiều lý do khiến việc thay thế hoàn toàn hệ thống sản xuất năng lượng cũ bằng hệ thống sản xuất năng lượng sạch mới trở nên vô cùng khó khăn do việc thay đổi này đòi hỏi phải được tiến hành một cách tổng thể, đồng bộ và hoàn chỉnh để bảo đảm chúng tiếp tục hoạt động hiệu quả. Và đương nhiên, chi phí này là rất tốn kém.
Bên cạnh đó, vẫn còn những rủi ro lớn về mặt kỹ thuật khi chuyển sang hệ thống năng lượng có mức thải khí các-bon thấp. Năng lượng phát sinh khí thải các-bon thấp (năng lượng gió, năng lượng mặt trời) thường nằm ở vị trí xa khu vực có nhu cầu sử dụng năng lượng, khó khăn trong quá trình vận chuyển và chuyển đổi sang điện năng chưa kể đến việc này đòi hỏi một khoản chi phí lớn mà không phải quốc gia nào cũng có thể đáp ứng được. Ngoài ra, việc loại trừ khí các-bon đòi hỏi phải có các chính sách phù hợp trong vòng từ 30 - 50 năm trong khi các chính trị gia chỉ hoạt động trong thời gian nhiệm kỳ nhất định. Và không phải chính trị gia nào cũng thoải mái với một vấn đề đòi hỏi mức chi phí ở quy mô lớn trong cả lĩnh vực công và tư, với sự phối hợp chặt chẽ của nhiều nền kinh tế khác nhau, trong khi vấn đề chất lượng công nghệ vẫn chưa được kiểm định. Đây có lẽ cũng là nguyên nhân tại sao thế giới đạt được quá ít tiến bộ kể từ khi Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu ký kết năm 1992 được đưa vào thực hiện. Do đó, với Hiệp định Pa-ri đạt được lần này, các nước dường như đã sẵn sàng thay đổi dù cho hiệp định này có được luật quốc tế hóa hay không và các quốc gia đã tự nguyện có những bước đi đầu tiên để tạo ra một kỷ nguyên năng lượng mới. Hy vọng rằng, với tinh thần cộng đồng và hợp tác thật sự, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ thành công./.
------------------------------
(1) Sea level rise, http://auckland.kingtides.org.nz/about/sea-level-rise/, ngày 18-9-2015
(2), (3) This is how cities can fight climate change,
https://www.weforum.org/agenda/2016/04/this-is-how-cities-can-fight-climate-change/, ngày 07-4-2016
(4) Stern Review on the Economics of Climate Change, http://www.resilience.org/stories/2006-10-30/stern-review-economics-climate-change, ngày 30-10-2006
(5) Decoupling of global emissions and economic growth confirmed, https://www.iea.org/newsroomandevents/pressreleases/2016/march/decoupling-of-global-emissions-and-economic-growth-confirmed.html, ngày 16-3-2016
(6) India: Solar to beat coal on cost by 10% in five years, says KPMG, http://www.pv-magazine.com/news/details/beitrag/india--solar-to-beat-coal-on-cost-by-10-in-five-years--says-kpmg_100022010/, ngày 17-11-2015
(7) Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu vẫn còn nhiều gian nan, ECO0424.006, TTXVN, ngày 24-4-2016
(8) Why fighting climate change won't destroy the economy, http://www.desertsun.com/story/news/environment/2016/04/13/why-fighting-climate-change-wont-destroy-economy/81928138/, ngày 13-4-2016
Việt Nam - Campuchia tiếp tục thực hiện các hiệp ước về biên giới  (16/06/2016)
Chủ tịch nước kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Vương quốc Campuchia  (16/06/2016)
Hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, góp phần cùng ngành Tuyên giáo của Đảng thực hiện tốt yêu cầu, nhiệm vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đặt ra  (16/06/2016)
Chủ tịch nước và Thủ tướng Campuchia nhất trí nhiều vấn đề quan trọng  (16/06/2016)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên