Cách mạng Bô-li-va trước thử thách cam go

An Nhiên
15:22, ngày 04-02-2016

TCCSĐT - Sau khi Tổng thống U-gô Cha-vét đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1998, ông đã lãnh đạo đất nước Vê-nê-xuê-la theo đường lối cánh tả với học thuyết của chủ nghĩa Bô-li-va và chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI cho châu Mỹ. Theo đó, ông muốn tách khu vực Mỹ La-tinh ra khỏi sân sau của Mỹ. Tuy nhiên, hiện nay, mô hình xã hội chủ nghĩa của Vê-nê-xuê-la đang phải đối mặt với “phép thử” nghiệt ngã, đòi hỏi lãnh đạo và nhân dân Vê-nê-xuê-la phải quyết tâm, nỗ lực và đoàn kết mới có thể cùng nhau vượt qua được khó khăn.

Khó khăn chồng chất khó khăn

Nói đến Vê-nê-xuê-la không thể không nhắc tới cố Tổng thống U. Cha-vét (1954 - 2013), người đã khởi xướng cuộc Cách mạng Bô-li-va xã hội chủ nghĩa ở quốc gia Nam Mỹ này. Trong suốt 17 năm qua, kể từ khi ông U. Cha-vét lần đầu tiên giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử năm 1998, xã hội Vê-nê-xuê-la đã có rất nhiều thay đổi tích cực. Dưới ngọn cờ của cuộc Cách mạng Bô-li-va, đời sống của tầng lớp dân nghèo ở Vê-nê-xuê-la đã được cải thiện nhờ các chương trình phúc lợi xã hội được thực hiện sâu rộng. Tỷ lệ thất nghiệp ở nước này đã giảm từ 14,5% năm 1999 xuống còn 5,5% trong năm 2014.

Tổng thống Ni-cô-lát Ma-đu-rô lên nắm quyền điều hành đất nước vào đúng thời điểm giá dầu bắt đầu giảm mạnh, khiến dự trữ ngoại tệ của Vê-nê-xuê-la cũng suy giảm trầm trọng, chỉ còn khoảng 15 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ năm 2003. Kim ngạch xuất khẩu dầu của Vê-nê-xuê-la trong năm 2015 chỉ đạt 42,5 tỉ USD so với 74 tỉ USD năm 2014 bởi dầu mỏ là mặt hàng xuất khẩu chiến lược của Vê-nê-xuê-la, chiếm tới 96% nguồn thu ngoại tệ của nước này. Tỷ lệ lạm phát tăng cao, theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tỷ lệ lạm phát của Vê-nê-xuê-la trong năm 2015 là 159%, thuộc hàng cao nhất thế giới và dự báo trong năm 2016, tỷ lệ này có thể lên đến 200%. Phe đối lập cho rằng, lạm phát đã lên tới 270% vào cuối năm 2015, một số phương tiện truyền thông phương Tây nhận định, vào lúc cao điểm lạm phát được ước tính lên đến 600%. Chính quyền Ca-ra-rát đã phải áp dụng chính sách kiểm soát giá cả nhu yếu phẩm, nhưng nhiều sản phẩm vừa được định giá xong thì giá đã tăng gấp ba lần trên thị trường chợ đen. Thâm hụt ngân sách ước tính vào khoảng 20% GDP, còn mức tăng trưởng GDP năm 2015 suy giảm tới 10%, dự báo sang năm 2016 sẽ giảm là 6% (số liệu của IMF). Trong năm 2015, Vê-nê-xuê-la buộc phải cắt giảm 40% lượng hàng nhập khẩu, giảm 25% giá trị dự trữ vàng để bù đắp cho sự thiếu hụt ngoại tệ trầm trọng.

Nhưng tất cả mới chỉ là “sự khởi đầu”. Khủng hoảng tiền tệ đang dẫn đến chi phí nhập khẩu gia tăng, lạm phát tiếp tục leo thang và do đó làm giảm thu nhập thực tế cho các doanh nghiệp nhỏ và người lao động. Thiếu hụt ngoại tệ nên Vê-nê-xuê-la không thể nhập khẩu các loại hàng hóa quan trọng như thuốc men và thực phẩm. Chi phí nhập khẩu tăng, Vê-nê-xuê-la thiếu nguyên liệu để tiếp tục duy trì nền sản xuất, kết quả là nhiều nhà máy sẽ phải đóng cửa hoạt động, kinh doanh gặp nhiều khó khăn và thất nghiệp tăng cao. Các dòng vốn đầu tư nước ngoài dần tháo chạy khỏi Vê-nê-xuê-la, cái vòng luẩn quẩn khó khăn kinh tế đang tiếp tục đẩy đất nước Vê-nê-xuê-la chìm sâu hơn vào khủng hoảng.

Tình trạng kinh tế khó khăn lại châm ngòi cho những bất ổn về chính trị. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi tầng lớp trung lưu gia tăng đáng kể, việc giáo dục tư tưởng không theo kịp những thay đổi trong xã hội sẽ dẫn đến việc chính tầng lớp trung lưu quay lưng lại với những chính phủ tiến bộ đã giúp cho họ có cuộc sống tốt đẹp hơn. Đảng đối lập Vê-nê-xuê-la, liên minh Bàn Đoàn kết dân chủ (MUD) nắm quyền kiểm soát đa số ghế Quốc hội trong cuộc bầu cử tháng 12-2015 đang thiết lập giai đoạn mới cho một cuộc đấu tranh quyền lực với chính quyền Tổng thống đương nhiệm Ni-cô-lát Ma-đu-rô. Việc chiếm đa số tại Quốc hội sẽ cho phép phe đối lập ban hành các đạo luật cơ bản, thông qua các đạo luật liên quan tới ngân sách và nợ công, ban hành những cải tổ sâu sắc tại quốc gia này.

Ngày 05-01-2015, Quốc hội mới của Vê-nê-xuê-la do liên minh MUD đối lập chiếm đa số đã tiến hành lễ tuyên thệ nhậm chức. Đây là lần đầu tiên trong 17 năm qua, kể từ sau khi cố Tổng thống U. Cha-vét phát động cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước này, phe đối lập đã nắm quyền kiểm soát Quốc hội Vê-nê-xuê-la. Phe đối lập cho phép 3 nghị sỹ thuộc MUD đối lập tuyên thệ (bất chấp việc Tòa án Tối cao cấm điều này do tình nghi có gian lận trong bầu cử) và dỡ bỏ hình ảnh cố Tổng thống U. Cha-vét tại trụ sở Quốc hội. Động thái trên được cho là thách thức phe cầm quyền của Tổng thống N. Ma-đu-rô. Phe đối lập muốn có đủ 112 ghế, chiếm 2/3 trong tổng số 167 ghế tại Quốc hội, để có thể giành quyền phế truất tổng thống.

Trong khi đó, nhiều phân tích gần đây cũng đã chỉ ra rằng, chính quyền Mỹ đã và đang dùng các con bài kinh tế, cùng các âm mưu chống phá nhằm lật đổ chính quyền Ca-ra-rát, phá hỏng thành quả cách mạng Bô-li-va. Sắc lệnh của Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma (tháng 3-2015) coi Vê-nê-xuê-la là một “mối đe dọa bất thường đối với an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Mỹ”. Phải chăng vì Vê-nê-xuê-la là quốc gia có tầm quan trọng chiến lược quốc phòng đối với lãnh thổ lục địa Mỹ. Vê-nê-xuê-la cũng là quốc gia có nguồn dự trữ dầu khí lớn nhất thế giới, chi phối được Vê-nê-xuê-la sẽ phục vụ cho lợi ích kinh tế Mỹ tại khu vực. Quan trọng hơn, sự sụp đổ của Vê-nê-xuê-la cũng sẽ dẫn tới sự suy yếu trầm trọng của khối Liên minh Bô-li-va vì châu Mỹ (ALBA).

Nỗ lực vượt khó

Thách thức đối với Tổng thống N. Ma-đu-rô và các thành viên của Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất Vê-nê-xuê-la (PSUV) quả là không nhỏ. Bất chấp khó khăn chồng chất khó khăn, ông N. Ma-đu-rô tuyên bố sẽ không từ bỏ sự nghiệp Cách mạng Bô-li-va. Chính phủ Vê-nê-xuê-la đang tìm cách đa dạng hóa nền kinh tế và tránh sự phụ thuộc quá nhiều vào ngành dầu mỏ của nước này. Trước khi Quốc hội mới đi vào hoạt động, ngày 04-01-2016, Tổng thống N. Ma-đu-rô đã công bố một sắc lệnh, theo đó Quốc hội Vê-nê-xuê-la bị tước quyền kiểm soát đối với Ngân hàng Trung ương, bao gồm quyền bổ nhiệm và sa thải các thành viên trong ban lãnh đạo của cơ quan này.

Ngay sau khi Quốc hội mới của Vê-nê-xuê-la được thành lập, ngày 06-01-2015, Tổng thống N. Ma-đu-rô đã thông báo thành phần nội các mới, trong đó tập trung chủ yếu vào các bộ có liên quan tới lĩnh vực kinh tế. Ngoài việc chỉ định ông L. Sa-lát, 39 tuổi, “bậc thầy” về lý thuyết giá cả và kiểm soát tiền tệ được định hình trong chính sách kinh tế của Vê-nê-xuê-la 17 năm qua làm Phó Tổng thống phụ trách kinh tế kiêm Bộ trưởng Kinh tế, Tổng thống N. Ma-đu-rô cũng bổ nhiệm 18 bộ trưởng và các quan chức cấp cao phụ trách kinh tế khác; đồng thời giữ nguyên vị trí của 14 bộ trưởng, trong đó có Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng.

Trong tuyên bố của mình, Tổng thống N. Ma-đu-rô nhấn mạnh các bộ trưởng mới sẽ có nhiệm vụ thực hiện các chương trình chiến lược trong giai đoạn 2016 - 2018, ưu tiên giải quyết những nhu cầu của người dân. Nhà lãnh đạo Vê-nê-xuê-la cũng yêu cầu các thành viên của nội các mới phải sâu sát với cuộc sống của người dân nhằm giải quyết trực tiếp những đòi hỏi của cuộc sống. Ngoại trưởng Vê-nê-xuê-la Đ. Rô-đri-guê kêu gọi các nhà ngoại giao làm việc tại nước này không can thiệp vào công việc nội bộ của Vê-nê-xuê-la. Bộ trưởng Quốc phòng V. Pa-đri-nô cũng khẳng định, quân đội Vê-nê-xuê-la sẽ trung thành tuyệt đối cũng như ủng hộ vô điều kiện với Tổng thống N. Ma-đu-rô.

Cách mạnh Bô-li-va đã và đang bước sang một giai đoạn mới, đối diện với nhiều thử thách cam go. Hy vọng rằng, các đảng phái ở Vê-nê-xuê-la sẽ cùng nhau gạt qua những bất đồng, đoàn kết lại, tập trung giải quyết các nguy cơ đang đe dọa nền kinh tế đất nước và quan trọng hơn, ở thời điểm này, người dân Vê-nê-xuê-la cần phải đủ tỉnh táo để lựa chọn cho mình một hướng đi đúng đắn nhằm thực hiện ước nguyện, khát vọng cháy bỏng của cố Tổng thống U. Cha-vét: “Một thế giới tốt đẹp hơn là có thể”./.