TCCS - Để nâng cao hiệu quả quan hệ hợp tác phát triển với các địa phương trong cả nước trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau; những năm qua, hoạt động hợp tác phát triển giữa thành phố Hà Nội với các địa phương trong nước tiếp tục được duy trì, tạo được những kết quả tích cực, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại.
Tổ chức hiệu quả hoạt động hợp tác thương mại
Đóng vai trò là đầu mối sản xuất, kinh doanh, dẫn dắt hoạt động kinh tế của cả khu vực phía Bắc, thành phố Hà Nội luôn chủ động hợp tác với nhiều địa phương, tận dụng cơ hội kết hợp phát huy tiềm năng và thế mạnh của mình.
Hoạt động hợp tác, hỗ trợ giữa Hà Nội và các địa phương được thực hiện liền mạch trong nhiều năm qua. Ngay cả trong giai đoạn diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, chịu ảnh hưởng của nhiều đợt giãn cách xã hội tại địa bàn Thủ đô nói riêng và các địa phương trong cả nước nói chung, Hà Nội vẫn duy trì hoạt động giao thương, hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm với các địa phương và đạt được kết quả nhất định. Đối với lĩnh vực thương mại, công nghiệp, trước diễn biến dịch COVID-19 ảnh hưởng đến sản xuất, lưu thông, tiêu thụ hàng hóa từ các địa phương về thị trường Hà Nội, thành phố chủ động triển khai cho doanh nghiệp giao thương trực tuyến với các tỉnh Hải Dương, Sơn La, Bắc Giang, Hưng Yên..., đồng thời hỗ trợ 25 tỉnh, thành phố trên cả nước. Theo đó, kết nối 2.000 sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) về thị trường Hà Nội, qua đó hỗ trợ kết nối tiêu thụ trên 300.000 tấn hàng từ các tỉnh, thành phố. Nhiều sản phẩm được kết nối đưa vào 42 điểm giới thiệu bán sản phẩm OCOP của thành phố Hà Nội. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sản xuất của các tỉnh, thành phố cũng được Hà Nội thông tin kịp thời tham gia nhiều sự kiện, hoạt động xúc tiến thương mại do thành phố Hà Nội tổ chức, như tuần hàng Việt; tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố; hội chợ an toàn thực phẩm; lễ hội trái cây; Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam 2021, Hội nghị giao thương kết nối, Hội chợ quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ; phối hợp tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu nguyên liệu đầu vào ngành thủ công mỹ nghệ với các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc; mời 62 tỉnh, thành phố tham dự Hội nghị tiết kiệm năng lượng toàn quốc năm 2021 do Bộ Công Thương tổ chức… Từ những sự kiện, hoạt động cụ thể, Hà Nội hỗ trợ các tỉnh, thành phố tham gia quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm tại thị trường Hà Nội.
Sau khi cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19, thành phố Hà Nội xác định công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Giữ vững vai trò, vị trí đầu mối giao thương với thị trường phía Bắc, Hà Nội nhanh chóng triển khai các hoạt động hợp tác trên nhiều lĩnh vực với nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Từ đầu năm 2022 đến nay, cùng với chuỗi chương trình khuyến mại tập trung, hoạt động xúc tiến thương mại cũng tiếp tục được triển khai nhằm hỗ trợ kết nối giao thương, quảng bá thương hiệu, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp Việt Nam. Đáng chú ý là hoạt động liên kết vùng, đưa hàng hóa của các địa phương về Hà Nội; phát triển điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; tổ chức tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố; tổ chức khu gian hàng của thành phố Hà Nội trong khuôn khổ chương trình kết nối giao thương doanh nghiệp sản xuất - cung ứng, xuất khẩu khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ…
Triển khai hiệu quả các hoạt động hợp tác phát triển, xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, các hoạt động sản xuất kinh doanh của Hà Nội dần lấy lại đà tăng trưởng. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, kinh tế - xã hội Hà Nội 9 tháng năm 2022 đạt được kết quả tích cực ở nhiều ngành, lĩnh vực, kinh tế đạt mức tăng trưởng khá; thu ngân sách nhà nước tăng 13,7%. Đáng chú ý, xuất nhập khẩu phục hồi mạnh, nhập khẩu duy trì mức tăng cao, riêng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 30,605 tỷ USD, tăng 21,8% tương đương cùng kỳ 2021; tổng vốn đầu tư xã hội ước đạt 304,8 nghìn tỷ đồng, tăng 22,1%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,6%; khu vực dịch vụ phục hồi tích cực, cung ứng hàng hóa ổn định, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 21,3%. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Hà Nội quý III tăng 15,71% và lũy kế 9 tháng đầu năm tăng 9,69% - cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Đây là cơ sở để thương mại nội địa tiếp tục đà tăng trưởng tích cực trong thời gian tới, giữ vững vai trò trụ cột của nền kinh tế.
Thúc đẩy xúc tiến đầu tư, kết nối cung - cầu
Những kết quả trên cho thấy quá trình phục hồi kinh tế Hà Nội là vững chắc, thị trường thành phố có sự hồi phục mạnh mẽ, với bước phát triển tích cực. Đây là kết quả sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng sự chung sức, đồng lòng của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt trong việc đẩy mạnh triển khai hoạt động hợp tác phát triển giữa thành phố Hà Nội và các địa phương trong cả nước. Để hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cả năm 2022, những tháng cuối năm, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc văn bản, chỉ đạo của Trung ương và kế hoạch, chương trình của thành phố về thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022. Kế hoạch số 188/KH-UBND, ngày 6-7-2022, của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về triển khai hoạt động hợp tác phát triển giữa Hà Nội và các địa phương trong nước năm 2022 xác định, các sở, ngành, thành phố triển khai thực hiện các định hướng hợp tác, hỗ trợ các tỉnh, thành phố trong một số lĩnh vực mà Hà Nội có thế mạnh, ưu tiên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô nói riêng, các địa phương nói chung.
Đối với lĩnh vực xúc tiến đầu tư, Kế hoạch định hướng thu hút đầu tư tập trung vào lĩnh vực thế mạnh của từng địa phương, tránh dàn trải, chồng chéo. Tuyên truyền, quảng bá về môi trường, chính sách, tiềm năng và cơ hội đầu tư của các địa phương, danh mục dự án thu hút đầu tư. Tạo điều kiện liên kết sản xuất, phát triển giữa các doanh nghiệp của các địa phương. Phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề, tọa đàm về xúc tiến đầu tư nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của các địa phương gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư đồng thời thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài vào địa phương. Bên cạnh đó, tiếp tục tham gia các Festival nông sản, sản phẩm OCOP gắn kết du lịch Hà Nội; Hội chợ Xúc tiến thương mại nông nghiệp, sản phẩm OCOP Hà Nội năm 2022; Lễ hội Mùa trái chín năm 2022. Tiếp tục tổ chức các đoàn hợp tác xúc tiến nông nghiệp thành phố Hà Nội tại các tỉnh miền Bắc, miền Trung, miền Nam; tham gia Hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, thông tin tuyên truyền. Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp trong vùng đồng bằng sông Hồng với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại năm 2022; Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam 2022; tham gia các đợt tổ chức Tuần lễ sản phẩm Hà Nội tại một số tỉnh, thành, phố trong cả nước.
Đối với lĩnh vực thương mại, tổ chức hiệu quả các hoạt động liên kết vùng và hỗ trợ quảng bá, kết nối cung - cầu, hàng hóa giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố. Theo đó, hỗ trợ gian hàng của địa phương khi tham gia các hoạt động giao thương, kết nối cung - cầu sản phẩm, tuần hàng trái cây, nông sản, các hội chợ, triển lãm tại Hà Nội; hỗ trợ kết nối quảng bá thương hiệu sản phẩm, sản phẩm OCOP các địa phương tại thị trường Hà Nội… Cùng với đó, hỗ trợ cung cấp thông tin, giới thiệu các doanh nghiệp, đơn vị Hà Nội đến tìm hiểu vị trí kêu gọi đầu tư, xây dựng hạ tầng thương mại tại các tỉnh, thành phố; tạo điều kiện thuận lợi để các tỉnh, thành phố tham gia, tổ chức hiệu quả các điểm bán sản phẩm tại Hà Nội. Hợp tác với các trung tâm khuyến công, tiết kiệm năng lượng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm thúc đẩy những hoạt động kết nối giao thương các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, công nghiệp nông thôn, các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.../.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng nền tảng chính quyền điện tử ở thành phố Hà Nội  (28/09/2022)
Sự đồng thuận xã hội - yếu tố góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội  (28/09/2022)
Hà Nội: Phát triển kinh tế làng nghề từ du lịch và sản phẩm OCOP  (27/09/2022)
Phát triển kinh tế - xã hội xứng tầm với vị thế Thủ đô trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19  (27/09/2022)
Ô nhiễm môi trường ở Hà Nội: Thực trạng và giải pháp  (25/09/2022)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên